Nơi“chín bậc tình yêu”

  • Cập nhật: Thứ năm, 4/1/2018 | 8:07:19 AM

YBĐT - Người Tày vùng Tây Bắc có tập quán làm nhà sàn từ lâu đời. Ngôi nhà sàn đã trở thành biểu tượng cho phong tục, nếp sống của đồng bào. Trong ngôi nhà sàn bình dị, thân thuộc, hình ảnh chiếc cầu thang không đơn thuần là lối lên xuống của căn nhà mà nó còn in sâu những quan niệm mang đậm triết lý nhân sinh.

Mộc mạc chiếc cầu thang nhà sàn của đồng bào Tày Tây Bắc.
Mộc mạc chiếc cầu thang nhà sàn của đồng bào Tày Tây Bắc.

Chẳng biết tự bao giờ, chiếc cầu thang đơn sơ, mộc mạc mà thân thương gần gũi gắn với ngôi nhà sàn của đồng bào Tày trên miền cao Tây Bắc. Chỉ biết rằng, từ khi người Tày có tập quán làm nhà sàn thì hình ảnh chiếc cầu thang lên nhà đã trở nên quen thuộc, gần gũi với con người. Mỗi lần về thăm bản Tày, bên những căn nhà sàn chênh vênh, đồng bào niềm nở chạy xuống chân cầu thang đón khách, tôi mới cảm nhận được bao điều sâu xa còn ẩn chứa trong "chín bậc tình yêu” này.

Nhâm nhi chén trà lam ống nứa, bên bếp lửa hồng, chúng tôi ngồi lặng nghe những pả Tày đã bước sang tuổi thất thập, làn da nhăn nheo, tóc trắng như cước, đôi mắt sáng ngời, giọng kể như đượm màu thời gian kể cho khách nghe về căn nhà sàn, về chiếc cầu thang dẫn bước lên nhà. Biết bao điều, biết bao lời ăn tiếng nói, bao quan niệm nhân sinh dường như được người Tày gửi gắm vào những bậc thang nhà mình. Để rồi theo thời gian, trong cuộc mưu sinh dài dằng dặc nơi sơn ngàn, chiếc cầu thang như biết lưu giữ, biết kể về phong tục bản Tày. Những nấc thang màu gỗ nâu nhạt rồi có khi bầm lại theo sương, theo nắng như những nấc thang cuộc đời con người nơi đây.

Bậc thang nhà sàn của người Tày ẩn chứa bao điều thú vị. Từng nấc thang như vịn vào vía của con người để dù sống hay chết, vía vẫn theo nhau, vẫn trở về nơi mái nhà ấm áp. Từng nấc thang như vẽ nên những dáng núi, những triền đồi, nơi người Tày sinh cơ lập ấp.
 
Từng nấc thang như kể về những câu chuyện từ ngàn xưa người Tày chinh phục thiên nhiên, chống thú dữ, ma quỷ để giữ yên cuộc sống… Nhiều lắm, những quan niệm nhân sinh vô cùng phong phú và đẹp đẽ từ bao đời nay người Tày vẫn kể cho nhau nghe, vẫn cất giữ một cách vô hình bên chiếc cầu thang mộc mạc, đơn sơ ấy.

Cô gái Tày trong trang phục truyền thống đậm sắc màu chàm, bẽn lẽn, e ấp về làm dâu người Tày. Đến chân cầu thang, người mẹ Tày đon đả chạy xuống đón, đỡ nón. Cô gái bước từng bước lên cầu thang rồi bước qua cửa vào nhà. Thế là từ đó, cô gái chính thức làm con dâu của gia đình. Chiếc cầu thang như chín bậc tình yêu chứng kiến những bước đi đầu tiên của cô gái Tày về làm dâu. Thiêng liêng biết mấy, nghĩa tình biết mấy.

Bên chiếc cầu thang, những đứa trẻ được sinh ra rồi tập bước những bước đi đầu tiên trong đời. Chỉ khi nào, đứa trẻ tri trô, bước lần xuống từng bậc thang nhà mình rồi xuống được đất, thế là đôi bàn chân đã vững chắc rồi. Người mẹ Tày bước đi trước vừa cất tiếng gọi vừa đưa hai bàn tay ra đỡ như chất chứa bao yêu thương, bao niềm tin vào đứa con.

Ngồi trên từng nấc thang, bên cây đàn tính truyền thống, người Tày cất lên những ca từ dìu dặt của những làn điệu hát then. Đó là vào dịp hội bản, mừng cơm mới, mừng nhà mới, đồng bào cùng nhau hát những bài hát then cổ để chúc mừng nhau, để ca ngợi vẻ đẹp của cuộc sống và con người, nói lên những ước mơ cao đẹp về cuộc sống.

Mỗi khi gia đình người Tày có khách quý, chiếc cầu thang luôn là nơi hội tụ lòng mến khách, tình cảm đậm sâu của gia chủ. Quý biết mấy mỗi khi nhà có khách phương xa về, khách ở bản bên sang, chủ nhà mở cửa nhà sàn, chạy xuống cầu thang, xuống tận nền đất để đón khách.
 
Rồi khi khách ra về, chủ nhà cũng tiễn chân khách đến khi hết cầu thang. Mỗi khi nhà có khách, những người phụ nữ trong gia đình lại ăn vận chiếc áo dài màu chàm, tay bưng khay chén, tay cầm chai rượu, rót từng li nhỏ để mời khách khi đến và tiễn khách khi về. Đó là phong tục từ bao đời của người Tày khiến cho khách cảm thấy ấm lòng, lưu luyến, bịn rịn, chẳng muốn rời xa.

Khi người già khuất núi, gia đình người Tày tổ chức lễ tang. Họ làm mới một chiếc cầu thang to, rộng và khỏe hơn để làm lối đi lên sàn nhà. Hình ảnh chiếc cầu thang in hằn bước chân của người đến viếng, tiễn đưa người chết. Khi linh cữu được đưa đi, chiếc cầu thang như tiễn biệt người lần cuối. Để rồi, khi về miền mây trắng, chiếc cầu thang như là nơi trú ngụ của linh hồn, của vía con người. Dù có chết đi thì vía vẫn trở về mái nhà thân thương, vẫn hiện hữu bên những nấc thang mộc mạc, trong từng thớ gỗ đầy bí ẩn.

Nhà thơ người Tày Dương Thuấn từng viết trong bài thơ "Người xứ mây”: "Khách đến nhà không vội hỏi tên/Mà chỉ hỏi:- Con đường nào đã đưa anh đến…/Cũng không hỏi đi từ rừng hay từ biển/Mà hỏi rằng: - Hãy uống cạn vò rượu cùng ta…/Khách muốn gì xin tự nói ra/Khách đi chủ nhà chỉ nói:- Đừng để cầu thang nhà tôi mọc cỏ gà…”. Xin đừng để cầu thang nhà tôi mọc cỏ, nhà thơ Dương Thuấn như nói hộ tấm lòng của người Tày vùng Tây Bắc.
 
Đó là tấm lòng mến khách, là sự mộc mạc và chân thành như chiếc cầu thang nhà sàn, ngày ngày, tháng tháng như cất lên điệu hồn con người, cất lên bài ca tình yêu và sức sống bất diệt nơi núi rừng mờ xa.

Nguyễn Thế Lượng

Các tin khác
Cổng chính vào Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng.

Tối 17/4, tại sân khấu Công viên Văn Lang, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức Chương trình nghệ thuật “Hội tụ non sông”, chào mừng Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2024.

Chương trình nghệ thuật sử thi

Tối 16/4, tại Khu di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia Đền Thánh Nguyễn (xã Gia Thắng và Gia Tiến, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), UBND huyện Gia Viễn khai mạc Lễ hội Đền Thánh Nguyễn năm 2024. Đây là lễ hội gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp và truyền thuyết về Thiền sư Nguyễn Minh Không.

Các đại biểu tham gia chương trình.

Chiều 16-4, tại trụ sở Hội Nhà báo Việt Nam (phố Dương Đình Nghệ, Hà Nội), Hội đồng Giải Báo chí quốc gia đã khai mạc vòng chấm sơ khảo Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII - năm 2023. Đáng chú ý, sau khi tiến hành sơ loại, có 1.827 tác phẩm đủ điều kiện tham gia Giải Báo chí quốc gia kỳ này.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại phiên họp.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Sở Tài chính sớm có văn bản hướng dẫn xây dựng về kinh phí, trên cơ sở nguyên tắc đảm bảo đúng đủ kinh phí cho hoạt động kỷ niệm; các đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể các điểm bắn pháo hoa, chương trình nghệ thuật ánh sáng tối 10/10/2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục