Văn học Yên Bái 2017: Những bước đi đầy nội lực

  • Cập nhật: Thứ sáu, 12/1/2018 | 11:51:31 AM

YBĐT - Các tác giả văn học chiếm đội ngũ đông đảo và giữ vai trò quan trọng trong hoạt động văn học nghệ thuật của tỉnh. 

Sách văn học của các tác giả Yên Bái xuất bản năm 2017.
Sách văn học của các tác giả Yên Bái xuất bản năm 2017.

Trước hết phải nói rằng, các tác giả văn học chiếm đội ngũ đông đảo và giữ vai trò quan trọng trong hoạt động văn học nghệ thuật của tỉnh. Để tạo điều kiện cho hoạt động sáng tác văn học, trong năm, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Yên Bái đã tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều cuộc thi, như: Cuộc thi "Thơ trên Tạp chí Văn nghệ Yên Bái”; cuộc thi truyện ngắn trên Tạp chí Văn nghệ 3 tỉnh Yên Bái - Phú Thọ - Lào Cai; phối hợp với thành phố Yên Bái phát động cuộc thi sáng tác VHNT chủ đề "Thành phố Yên Bái hướng tới đô thị loại II”…

Đặc biệt, ngoài các trại sáng tác, Hội còn tổ chức nhiều chuyến đi thực tế sáng tác tại các địa phương. Sau mỗi chuyến đi như vậy là sự ra đời của một loạt các tác phẩm gắn liền với thực tế cuộc sống. Tuy khó khăn về kinh phí in ấn, phát hành nhưng với nỗ lực của từng tác giả, các tập sách lần lượt được công bố. Có tác phẩm tạo được hiệu ứng tích cực, có tác động xã hội tốt và gây được sự chú ý của công chúng. Khá nhiều tác phẩm đoạt các giải thưởng của tỉnh, khu vực và trung ương…

Về văn xuôi, năm nay, tác giả văn xuôi Yên Bái cho ra mắt bạn đọc 10 tập, gồm: 1 tiểu thuyết, 2 tập truyện ký, 3 tập truyện ngắn, 1 tập truyện dài, 1 tập tản văn, 2 tập ký. Tiểu thuyết "Ma tiền” của nhà văn Hoàng Thế Sinh, Nhà xuất bản (NXB) Thanh Niên ấn hành gồm 391 trang, phản ánh sự khủng hoảng của con người trước cơn lốc thị trường ở miền núi, ở đó, sức mạnh tiêu cực của đồng tiền làm tha hóa nhân cách, đổi trắng thay đen. Những kẻ đề cao đồng tiền hơn tình nghĩa con người luôn phải nhận kết cục đau đớn. Tiểu thuyết là lời cảnh tỉnh xã hội sâu sắc, có tính sáng tạo cao, văn phong sắc sảo, kết cấu chặt chẽ.
 
Tập "Âm vang Ngòi Vần” của tác giả Trần Cao Đàm, NXB Công an nhân dân, dày 223 trang, là tập truyện ký lịch sử, tái hiện một cách rõ nét, sinh động và hào hùng những năm tháng nhân dân Yên Bái và các chiến sỹ cách mạng đứng lên xây dựng lực lượng chống lại thực dân Pháp và tay sai. Văn phong kỹ lưỡng, sáng rõ, kết nối thành công các sự kiện lịch sử. Trong tập có nhiều tư liệu quý, thể hiện tính công phu và trách nhiệm rất cao của tác giả đối với lịch sử dân tộc, vùng đất.
 
Tập truyện ký "Lửa vẫn bập bùng” của tác giả Dương Soái, NXB Quân đội nhân dân, dày 183 trang, gồm 11 truyện và ký, viết về nhiều mảng đề tài nhưng nghiêng về những vùng đất tác giả đã đi qua, những con người đã gặp và những câu chuyện sâu đậm trong ký ức của tác giả. Những trang viết chứa đựng cảm xúc, tư tưởng, đồng thời thể hiện rõ vốn sống, tri thức riêng của tác giả với góc nhìn khá riêng biệt.
 
Phần truyện, giọng văn tưng tửng nhưng cảm động và sâu sắc, chân thực, đậm chất nhân văn. Tập truyện ngắn "Trên đỉnh Tà Sua” của tác giả Nguyễn Hiền Lương, NXB Thanh Niên gồm 15 truyện ngắn, tập trung chủ yếu ở hai mảng giáo dục và quân đội, cũng là nơi tác giả từng sống và cống hiến. Truyện của Nguyễn Hiền Lương như được "bày” ra từ ký ức, kỷ niệm, đẫm vui buồn, đắng cay và ngọt ngào. Ngôn ngữ truyện giản dị, mạnh bởi cảm xúc, nhiều truyện xúc động, có tính nhân văn và giáo dục cao.
 
Tập bút ký "Những dấu chân qua” của Nguyễn Ngọc Yến, NXB Quân đội nhân dân, dày 195 trang, gồm 15 bài ký và bút ký. Bằng cái nhìn chân thực, sắc sảo, văn phong linh hoạt, chắt lọc, có sức nặng, tác giả đã phản ánh một cách sinh động nhiều vấn đề của đời sống xã hội, ấn tượng  bởi thiên nhiên, con người, những thân phận, tâm tư, mong ước và sự đổi mới không ngừng của quê hương... Nhiều bài bút ký giàu cảm xúc, cảm động, tiếp tục khẳng định bút lực mạnh mẽ của tác giả.
 
Tập truyện dã sử "Thủ lĩnh Nàng Han” của nhà văn Hà Lâm Kỳ, NXB Văn hóa Dân tộc, dày 155 trang, là một truyện dài lịch sử, hướng tới độc giả thiếu nhi. Truyện kể giản dị, dễ đọc, dễ hiểu, có nhiều trường đoạn hấp dẫn.
 
Tập truyện ngắn "Tiếng hú trên đỉnh Pù Cải” của Nông Quang Khiêm, NXB Trẻ, gồm 11 truyện ngắn, mỗi truyện là một lát cắt về cuộc sống, về những thân phận, mảnh đời của người dân tộc, miền núi. Tập truyện đậm chất văn hóa Tày, giàu ý nghĩa xã hội. Lối viết nhẹ nhàng, tự nhiên mà sâu sắc.
 
Tập truyện ngắn "Ngọn lửa” của An Hoàng (Bùi Thị Cúc), NXB Văn hóa Dân tộc, gồm 12 truyện ngắn. Hầu hết truyện ngắn trong tập đều được kể một cách giản dị, mộc mạc về những câu chuyện rất đời thường như chuyện mất trâu, ngoại tình, chuyện dạy học, chuyện con chung con riêng…

Có thể nói, với tài năng, tâm huyết và sự miệt mài của các tác giả văn xuôi, văn xuôi Yên Bái đã gặt hái được những thành công nhất định. Tiểu thuyết "Ma tiền” của nhà văn Hoàng Thế Sinh và tiểu thuyết "Xóm chợ” của Nguyễn Hiền Lương được nhận khen thưởng của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tại lễ công bố các tác phẩm và công trình VHNT tiêu biểu tại các Nhà sáng tác từ 2015- 2016; truyện ngắn "Bạn tồng” của tác giả Nông Quang Khiêm đoạt giải Nhì cuộc thi truyện ngắn trên Tạp chí Văn nghệ 3 tỉnh Yên Bái- Phú Thọ- Lào Cai; Tập truyện ngắn "Tiếng hú trên đỉnh Pù Cải” của Nông Quang Khiêm đoạt giải B giải thưởng VHNT của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam và giải B của Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam.
 
Tập nghiên cứu sưu tầm văn hóa dân gian "Truyện cổ dân gian các dân tộc vùng sông Chảy - Yên Bái” của Hoàng Tương Lai đoạt giải C, tập truyện ký "Âm vang Ngòi Vần” của tác giả Trần Cao Đàm được tặng thưởng của Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam. Một số tác giả có truyện ngắn xuất hiện khá đều trên Văn nghệ Việt Nam như: Nguyễn Hiền Lương, Nguyễn Ngọc Yến, Nông Quang Khiêm…
 
Giải thưởng VHNT Yên Bái năm nay đã được trao xứng đáng cho các tác phẩm: Tiểu thuyết "Ma tiền” của nhà văn Hoàng Thế Sinh giải A; tập truyện ký "Âm vang Ngòi Vần” của Trần Cao Đàm, tập truyện ngắn "Tiếng hú trên đỉnh Pù Cải” của Nông Quang Khiêm giải B; tập truyện ký "Lửa vẫn bập bùng” của Dương Soái, tập truyện ngắn "Trên đỉnh Tà Sua” của Nguyễn Hiền Lương, tập truyện dã sử "Thủ lĩnh Nàng Han” của nhà văn Hà Lâm Kỳ giải C; tập truyện ngắn "Ngọn lửa” của An Hoàng giải Khuyến khích...

Về văn xuôi trên Tạp chí Văn nghệ Yên Bái, tiêu biểu là hai thể loại ký và truyện ngắn khá chững chạc, đa dạng. Mỗi tác giả một phong cách, một cách khai thác riêng với nhiều mảng đề tài khác nhau. Những tác phẩm ký vừa bám sát đời sống xã hội vừa tuyên truyền, phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Tiêu biểu như: "Sinh ra để được yêu thương” của Nguyễn Thị Tâm, "70 năm làm nên tên tuổi một vùng đất” của Hoàng Kim Yến, "Thương lắm Mù Cang” của Nông Quang Khiêm, "Những ngày ở chiến trường Sầm Nưa” của Trần Cao Đàm…
 
Về truyện ngắn, do có cuộc thi viết truyện ngắn trên Tạp chí Văn nghệ 3 tỉnh Yên Bái - Phú Thọ - Lào Cai nên thu hút đông đảo các tác giả truyện ngắn trong tỉnh sáng tác. Những truyện ngắn tiêu biểu có thể kể đến như: "Bù nhìn rơm” của Thái Ly, "Vũ điệu Kaoshikii” của Nguyễn Ngọc Yến, "Đêm trắng Đại Đồng” của Nguyễn Hiền Lương, "Vết sẹo” của Hoàng Kim Yến, "Những đứa con mồ côi” của Quang Bách…

Về nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian, ngoài các bài viết đăng lẻ ở Tạp chí Văn nghệ Yên Bái, Tập san Văn nghệ Yên Bái vùng cao của các tác giả quen thuộc như: Hoàng Việt Quân, Đặng Phương Lan, Nguyễn Thị Tâm, Lý Kim Khoa, Nguyễn Xuân Tình, Hứa Xuân Thắng, Nguyễn Mạnh Hùng… trong năm chỉ có một tập nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian là "Truyện cổ dân gian các dân tộc vùng sông Chảy - Yên Bái” của tác giả Hoàng Tương Lai được công bố. Tập sách dày 230 trang, gồm 2 phần chính là truyện cổ tích và truyện cười dân gian. Đây là nguồn tư liệu quý, có tác dụng bảo tồn kho tàng truyện cổ của các dân tộc vùng sông Chảy- Yên Bái.

Về lý luận phê bình, không có tập lý luận phê bình nào công bố. Đây là mảng hiện đang thiếu hụt và khó khăn trong việc phát triển đội ngũ. Trong năm chỉ có sự góp mặt của một vài tác giả như: nhà thơ Ngọc Bái, tác giả Thế Quynh, Nguyễn Hiền Lương, Hoàng Việt Quân…

Về thơ, năm nay có 3 tập ra mắt bạn đọc: tập "Vầng trăng và người lính” của Đoàn Đức Bình, NXB Hội Nhà văn, tập trung viết về người lính với nhiều cảnh huống và cung bậc tình cảm. Nhiều bài thơ trọn vẹn về cấu tứ.
 
Có nhiều câu thơ khá, có hình tượng: "Núi vẫn ngồi thủ thỉ chuyện ngày xưa/ Trăng đỏng đảnh khoe mình qua hạt cát…”- (Lỗi hẹn). Tác giả có sự đầu tư suy nghĩ, có sức liên tưởng. Tập thơ không có bài non lép. Tác giả biết trân trọng quá khứ, câu chữ chọn lọc: "Sợ làm đau ngọn cỏ/ Quanh chỗ nằm bạn tôi”- (Viếng bạn).
 
Tập "Tự khúc sông quê” của Hoàng Mai Thanh, NXB Hội Nhà văn, vần điệu chỉn chu, quan tâm tới nhiều đề tài xã hội. Tập "Biển trong tim” của Nguyễn Đăng Lộc, NXB Hội Nhà văn lại tập trung về đề tài biển, thơ thiên về quan sát, hướng ngoại là chính. Hồn thơ nhiệt thành, quan tâm tới nhiều cảnh huống. Có nhiều câu thơ tạo được ấn tượng "Sẹo gỗ như con mắt/ Nhìn đời trân trân”…
 
Cùng với các tập thơ xuất bản trong năm, thơ đăng tải trên Tạp chí Văn nghệ Yên Bái, Tập san Văn nghệ Yên Bái vùng cao phản ánh đang dạng và toàn diện hơn về thơ Yên Bái. Vẫn là sự góp mặt nhiệt thành, hồn hậu của các tác giả như: Ngọc Bái, Vũ Chấn Nam, Dương Soái, Ngọc Chấn, Hoàng Thị Hạnh, Ngọc Loan, Lê Ngân, Đăng Lộc, Nguyễn Ngọc Trìu, Hà Ngọc Anh, Đoàn Đức Bình, Nguyễn Thế Chửng, Trịnh Thoại, Kiều Ngọc, Tường Vy, Nguyễn Thu Hương, Vi Hoàng, Ngọc Oanh, Hoàng Mai Thanh, Hoàng Hữu Kiên, Nguyễn Văn Hợp…
 
Bên cạnh các tác giả kể trên, thơ của các tác giả trẻ như: Hà Ngọc, Mai Oanh, Lê Văn Cường, Nguyễn Tiến Kiều, Lò Thị Én Xuân, Lệ Hằng… đem thêm cho thơ Yên Bái sự tươi mới, trẻ trung… Thân tình, bình đẳng, cầu thị, các tác giả thơ Yên Bái có buổi gặp mặt vào ngày 12 hàng tháng tại trụ sở Hội, cùng chia sẻ những sáng tác mới, góp ý cho nhau từng câu thơ, chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm sáng tác.
 
Chính điều đó đã góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng thơ. Với mong muốn tạo "đòn bẩy”, động viên, khích lệ, phát triển phong trào sáng tác thơ của tỉnh và phát hiện những tác giả mới, tác giả trẻ, năm 2017, Hội Liên hiệp VHNT Yên Bái đã tổ chức cuộc thi "Thơ trên Tạp chí Văn nghệ Yên Bái”. Thật đáng mừng bởi đã có 102 tác phẩm của 33 tác giả tham dự cuộc thi được chọn đăng tải trên Tạp chí Văn nghệ Yên Bái, trong đó 10 tác phẩm xuất sắc đã được chọn để trao giải.
 
Cũng trong năm, chúng ta vui mừng vì nhiều tác phẩm thơ Yên Bái đã vượt khỏi ranh giới một tỉnh, đăng tải trên các tờ báo, tạp chí lớn của trung ương, một số chùm thơ ấn tượng của các tác giả Yên Bái được giới thiệu trên báo Văn nghệ Việt Nam như các chùm của: Ngọc Bái, Thế Quynh, Nông Quang Khiêm…
 
Nhìn lại thơ của một năm, thấy sự nỗ lực của cả đội ngũ những người làm thơ. Chúng ta có "Vầng trăng người lính” của Đoàn Đức Bình đoạt giải B; "Tự khúc sông quê” của Hoàng Mai Thanh và "Biển trong tim” của Đăng Lộc đoạt giải C giải thưởng VHNT tỉnh Yên Bái năm 2017.

Một năm nhiều cố gắng, nhiều thành công song chưa phải mỹ mãn. Trong khuôn khổ một bài viết ngắn này, chỉ xin điểm qua một số điểm nổi bật như vậy để thấy rằng, văn học Yên Bái đang bước những bước đi đầy nội lực, cho chúng ta đáng tự hào và tin tưởng vào sự phát triển của văn học Yên Bái những năm tiếp theo.

Nông Quang Khiêm

Các tin khác

- Thiết thực kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”.

Đội văn nghệ xung kích bản Tu San, xã Nậm Có biểu diễn tiết mục múa khèn Mông trong Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc.

Với trên 90% dân số là đồng bào Mông nên người dân xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải rất quan tâm gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống như: vũ điệu múa khèn, độc tấu sáo, nhị, kèn môi, kèn lá, hát dân ca, dân vũ, ném pao; các lễ hội Gầu tào, Lễ mừng cơm mới...

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Lễ phát động Giải báo chí về tiết kiệm năng lượng.

Bộ Công Thương xác định tập trung đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng, coi sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là vấn đề quan trọng, cấp bách, góp phần đảm bảo đủ nguồn điện phát triển kinh tế-xã hội.

Lễ rước Mẫu sang sông trong Lễ hội đền Đông Cuông, huyện Văn Yên.

Việc bảo tồn và khai thác hiệu quả giá trị văn hoá bản địa đã trở thành một xu hướng quan trọng trong việc phát triển du lịch bền vững. Với sự đa dạng về văn hóa bản địa, Yên Bái không chỉ thu hút du khách, bởi cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, mà còn là một điểm đến lý tưởng để khám phá và trải nghiệm văn hóa độc đáo của địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục