Cây trúc trong đời sống đồng bào Mông

  • Cập nhật: Thứ ba, 13/3/2018 | 8:02:36 AM

YBĐT - Những thân trúc xinh xắn mà bền chắc không chỉ thân thuộc trong cuộc sống hàng ngày của đồng bào mà còn góp phần làm nên sắc thái văn hóa độc đáo của người Mông.

Những chiếc lù cở luôn thân thiết với đồng bào Mông. 
(Ảnh: Thanh Miền)
Những chiếc lù cở luôn thân thiết với đồng bào Mông. (Ảnh: Thanh Miền)


Đồng bào Mông ở Yên Bái sống tập trung chủ yếu ở các huyện phía Tây của tỉnh. Thiên nhiên hoang sơ và hùng vỹ nơi đây, ban tặng cho con người nhiều sản vật đặc trưng của vùng đất đầy nắng gió mùa hè và sương lạnh lúc đông sang. 

Trong hệ thống thảm thực vật phong phú trên các triền núi cao thuộc dãy Hoàng Liên Sơn, cùng với pơ mu, thông mã vĩ, tống quá sủ, màng mủ, còn có cả những vạt rừng trúc vượt lên cái khắc nghiệt của khí hậu miền Tây, bốn mùa ngát xanh trên đỉnh núi.

Với người Mông nơi mảnh đất ngang trời này, cây trúc luôn là hình ảnh gần gũi trong cuộc sống. Tiếng Mông gọi trúc núi là "shông trơưv” (sông trưở). Trúc lên măng vào độ Giêng hai, khi mùa hoa tớ zày đã hết, người Mông bắt đầu vào vụ gieo trồng mới. Đến giữa thu, trúc đủ độ óng già, nây chắc là lúc có thể lấy về dùng không sợ bị mọt.
 
Những thân trúc xinh xắn mà bền chắc không chỉ thân thuộc trong cuộc sống hàng ngày của đồng bào mà còn góp phần làm nên sắc thái văn hóa độc đáo của người Mông. Trúc chẻ nan, đan thành những chiếc lù cở, duyên dáng trên đôi vai của những phụ nữ Mông xuống chợ, lên nương.
 
Thân trúc già làm nên những chiếc ghế tròn, ấm áp hạnh phúc đơn sơ bên bếp lửa hồng những ngày đông trên rẻo cao giá buốt. Còn biết bao vật dụng khác cũng từ những thân trúc núi và đôi tay cần mẫn làm ra, giản dị mà thiết yếu vô cùng.

Trúc núi còn đi vào đời sống văn hóa tinh thần của bao đời người Mông quần tụ ở đất này. Từng thân trúc chọn lựa kỹ càng, khoét rỗng đầu mấu treo lên gác bếp cho khô, là vật liệu lý tưởng để làm những ống khèn, cho âm thanh vang ấm và xao xuyến những đêm hội vùng cao.
 
Gióng trúc, cũng là chất liệu tạo nên nhiều loại sáo Mông với âm điệu đặc trưng của điệp trùng vùng cao Tây Bắc. Sáo làm từ trúc núi của đồng bào Mông có nhiều âm sắc và cung bậc tình cảm khác nhau mà người thổi gửi gắm vào từng loại sáo. "Trăngx njơưk” (Trặng trờ) là loại sáo dọc giống như "tiêu” gồm có sáu lỗ điều chỉnh âm vực và là loại sáo không có lưỡi gà bằng đồng. "Trăngx njơưk” phát ra âm thanh vang xa, vui nhộn, thường dùng trong các sinh hoạt mang tính cộng đồng và có thể đệm cho hát dân ca.
 
Cũng làm từ trúc núi, trong kho tàng nhạc cụ truyền thống của đồng bào Mông còn có "Trăngx pleik” (Trặng plầy) là sáo thổi ngang, sáu lỗ và có lưỡi gà bằng đồng. "Trăngx pleik” khi tấu lên có âm hưởng vang xa, man mác nỗi niềm tâm sự.
 
Tiếng sáo "Trăngx pleik” thường được các chàng trai Mông thổi vào những đêm trăng, như nhắn gửi tâm tình tới người mình thương nhớ. Núi rừng bao la, trăng ngàn huyền hoặc, tiếng "Trăngx pleik” vang vọng, ngân nga khiến lòng người thổn thức, bâng khuâng. "Trăngx pleik” cũng là nhạc cụ đệm cho các làn hát "Gâux plênhl” - một thể loại dân ca trữ tình của người Mông với giai điệu, lời ca miên man và da diết như không có lời kết:

 " …Xuân về cái gì về khai xuân
 Con chim cư cứ về khai xuân
 Nó vỗ cánh từ phương trời xa bay lại
 Không có nơi đậu
 Nó đậu trên cành táo
 Không có nơi đỗ
 Nó đỗ trên cành thông…
 ...Người hỡi! Xuân lại về
 Cái gì gọi xuân về
 Con chim lì di gọi xuân về
 Nó kêu líu lo chẳng có nơi đỗ
 Nó đỗ trên ngọn nứa …”.

Nếu khèn và sáo trúc là vật bất ly thân của những chàng trai Mông (Hluôk gâux)  thì "Ndangk” (NJàng) có nghĩa là đàn môi, chính là "bảo bối” của các thiếu nữ (Hluôk đrâuk). Với âm thanh thầm thì, rung vọng được tạo bởi sức bật của làn hơi và thao tác gảy ngón tay cái lên chiếc lưỡi đồng xinh xắn, tiếng đàn môi nghe gần gũi và xao xuyến vô cùng.
 
Bao giờ cũng vậy, những âm thanh đầu tiên được đàn môi tấu lên cũng là những chuỗi âm lặp đi lặp lại, tựa lời nói e lệ mà nồng nàn từ làn môi các sơn nữ giữa mùa hoa tớ zày hồng rực khắp triền non. "Ghi ghâux… ghi ghâux … vâul vâul...” (Ghi gậu… ghi gậu… vầu vầu…). Ý rằng: Tiếng đàn này là âm giọng của người con gái đang mong chờ tiếng khèn đáp lại của chàng trai.

Bởi đàn môi là vật quý, nên các thiếu nữ Mông luôn mang theo bên mình và cất giữ rất cẩn thận. Chiếc lưỡi đồng được buộc vào một sợi tơ hồng và cho vào chiếc ống trúc được trang trí rất đẹp. Một đầu sợi tơ, luồn qua lỗ nhỏ nơi vách ngăn của gióng trúc rồi thắt nút lại, giữ cho lưỡi đồng không bị rơi ra. Khi cần dùng, các thiếu nữ nghiêng ống trúc, lấy đàn môi ra để tỏ bày mong ước yêu thương và lời nói của trái tim mình:

 "…Làm sao nói, làm sao anh về gặp
 Chiếm cả lòng em, làm xao xuyến lòng em
 Càng gần anh càng không muốn rời…”. 

Những vạt rừng trúc bốn mùa xanh, không chỉ tô điểm thêm cho cảnh sắc hoang sơ và hùng vỹ của núi ngàn mà còn rất đỗi thân thương trong đời sống văn hóa của đồng bào Mông trên rẻo cao Tây Bắc.

Thanh Tửu

Các tin khác

- Thiết thực kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”.

Đội văn nghệ xung kích bản Tu San, xã Nậm Có biểu diễn tiết mục múa khèn Mông trong Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc.

Với trên 90% dân số là đồng bào Mông nên người dân xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải rất quan tâm gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống như: vũ điệu múa khèn, độc tấu sáo, nhị, kèn môi, kèn lá, hát dân ca, dân vũ, ném pao; các lễ hội Gầu tào, Lễ mừng cơm mới...

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Lễ phát động Giải báo chí về tiết kiệm năng lượng.

Bộ Công Thương xác định tập trung đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng, coi sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là vấn đề quan trọng, cấp bách, góp phần đảm bảo đủ nguồn điện phát triển kinh tế-xã hội.

Lễ rước Mẫu sang sông trong Lễ hội đền Đông Cuông, huyện Văn Yên.

Việc bảo tồn và khai thác hiệu quả giá trị văn hoá bản địa đã trở thành một xu hướng quan trọng trong việc phát triển du lịch bền vững. Với sự đa dạng về văn hóa bản địa, Yên Bái không chỉ thu hút du khách, bởi cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, mà còn là một điểm đến lý tưởng để khám phá và trải nghiệm văn hóa độc đáo của địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục