Hiểu hơn về ngày Quốc giỗ của dân tộc

  • Cập nhật: Thứ ba, 24/4/2018 | 9:56:19 AM

"Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba”. câu ca dao trên đã trở thành lời nhắn gửi mỗi người dân Việt Nam tìm về lễ hội thiêng liêng, thành kính, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.

Và cũng để hiểu hơn về ý nghĩa của ngày Quốc giỗ, chúng ta nghe PGS.TS Bùi Quang Thanh - Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, một trong những người tham gia khảo sát và xây dựng bộ hồ sơ về Tín ngưỡng thờ Hùng Vương trình lên UNESCO chia sẻ những thông tin xung quanh chuyện này…

- Các vua Hùng đã trở thành biểu tượng của cội nguồn dân tộc, vậy xin ông cho biết cơ sở của việc hình thành tín ngưỡng thờ Hùng Vương?

Đất Tổ Hùng Vương ngàn năm lịch sử vốn được mệnh danh là di sản văn hóa với giá trị ẩn chứa tâm linh từ ngàn xưa của cả dân tộc. Đền Hùng thuộc núi Nghĩa Lĩnh, Phú Thọ, khu di tích đặc biệt cấp quốc gia, được mệnh danh là di sản văn hóa của cả dân tộc, bởi nó mang trong mình cả những giá trị về cảnh quan di tích, lịch sử và giá trị tâm linh thiêng liêng đã ăn sâu vào trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam.

Đó là giá trị tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, người đã có công lập ra nước Văn Lang đầu tiên. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương xuất phát từ quan niệm tín ngưỡng dân gian, lòng thành kính và thái độ biết ơn của con cháu đối với tổ tiên, là kết quả của sự đan xen giữa lịch sử 4.000 năm nước Đại Việt và huyền thoại Hùng Vương.

Việc thờ cúng Hùng Vương đã tồn tại trong đời sống cộng đồng người Việt hàng ngàn năm nay và là nét đẹp của truyền thống "Uống nước nhớ nguồn”, tỏ lòng biết ơn những bậc tiền nhân có công dựng nước. Tín ngưỡng thờ Hùng Vương là đỉnh cao tâm thức dân tộc và Giỗ tổ Hùng Vương đã trở thành lễ hội văn hóa lớn của dân tộc. Lễ hội Đền Hùng là sự thể hiện một tín ngưỡng trong tâm thức dân gian Việt Nam.

Trải qua thời gian, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã vận động, biến đổi và trở thành một hiện tượng văn hóa tín ngưỡng đa nghĩa, đa giá trị. Bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong gia tộc, như một lẽ tự nhiên, người Việt đã thờ cúng Hùng Vương như một vị thủy tổ của dân tộc. Bốn chữ "Nam Việt triệu Tổ” ở đền Thượng tọa lạc trên núi Nghĩa Lĩnh thể hiện sâu sắc quan niệm Tổ muôn đời của nước Việt Nam. Theo nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, chưa có quốc gia nào trên thế giới thờ Tổ như ở Việt Nam.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có từ xa xưa và đã trở thành một bản sắc văn hóa của cộng đồng người Việt. Dù đi đâu, ở đâu, mỗi người con đất Việt luôn hướng về nguồn cội, hướng về tổ tiên với một lòng thành kính tri ân. Hàng năm, cứ đến tháng ba âm lịch, người người lại đua nhau trẩy hội về đền Hùng. Họ đến đền Hùng không chỉ để cầu mưa thuận, gió hòa cho một năm yên vui mà còn đến để thể hiện lòng biết ơn sâu sắc cũng như ý thức tôn vinh công lao dựng nước của các vua Hùng. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vì thế đã trở thành bản sắc văn hóa đặc biệt của dân tộc Việt Nam…

Trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam hiện có trên 1.400 địa điểm có di tích thờ cúng các vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương. Như thế, đã từ hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, trên địa bàn Phú Thọ nói riêng và cả nước nói chung, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã là một đặc trưng trong tín ngưỡng dân gian của dân tộc Việt Nam và ăn sâu vào trong máu thịt của từng người con mang trong mình dòng máu Lạc - Hồng với truyền thuyết cùng sinh ra từ một bọc trăm trứng nặng sâu tình nghĩa "đồng bào”.

Trong sâu thẳm tâm thức của mỗi người dân Việt Nam từ bao đời nay, vua Hùng là vị Tổ đã có công dựng nên quốc gia Văn Lang - Nhà nước đầu tiên, sơ khai của dân tộc Việt Nam. Vua Hùng chính là nguồn gốc tổ tiên chung của cả dân tộc Việt Nam.

Vì vậy, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có một vị trí rất quan trọng trong đời sống tâm linh và tình cảm của các thế hệ người dân Việt Nam, vừa thiêng liêng, vừa cụ thể vừa là điểm tựa tinh thần, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc cùng nhau dựng nước và giữ nước mà Bác Hồ đã tổng kết và khái quát thành chân lý của dân tộc và của thời đại: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

- Thưa ông điều gì thực sự mang tới giá trị đích thực cho tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng?

Không gian văn hóa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương mới thực sự là một điều "hấp dẫn”, bởi cho đến nay, trong nhận thức, quan niệm của đa số các nhà nghiên cứu khoa học xã hội, không gian văn hóa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ gần như chỉ được giới hạn ở phạm vi hành chính của các làng xã thuộc TP Việt Trì và một phần của huyện Lâm Thao, mà trung tâm rực rỡ nhất là khu vực Nghĩa Lĩnh - Hy Cương.

Tuy nhiên, soi vào thực tiễn thì hiện trạng của không gian văn hóa tín ngưỡng gắn với tục thờ cúng các vua Hùng lại vô cùng rộng mở, hiện tồn nhiều chứng cứ và vết tích văn hóa qua hàng trăm năm. Tìm hiểu di tích tín ngưỡng thờ vua Hùng tại Nghĩa Lĩnh, hiện thấy cả 3 ngôi đền (đền Thượng, đền Trung và đền Hạ) đều đặt 4 ngai thờ, trong đó có 3 ngai được mang các hiệu danh: Ất Sơn Thánh Vương vị, Đột Ngột Cao Sơn hiểm hùng ngao thống thủy điện an hoằng tế chiêu liệt ứng quảng huệ y diễn vệ hàm công thánh vương vị, Viễn Sơn Thánh Vương vị (đền Thượng) và Ất Sơn Thánh Vương Thánh vị, Đột Ngột Cao Sơn cổ Việt Hùng thị thập bát thế Thánh Vương Thánh vị, Viễn Sơn Thánh Vương Thánh vị (đền Hạ và đền Trung).

Trong số nhiều di tích thờ tự tại tỉnh Phú Thọ, có khoảng 20 di tích thờ tự (đình, đền, miếu) được người dân gọi đích danh là nơi thờ phụng các vua Hùng, thông qua các bức đại tự hoặc biển hiệu tại đền, đình, miếu được dân chúng dựng lên và thực hành tín ngưỡng (đa số các làng/thôn thuộc TP Việt Trì và huyện Lâm Thao), còn lại là những di tích (chiếm số lượng lớn) mang danh thờ phụng Cao Sơn Thánh Vương, Đột Ngột Cao Sơn, Ất Sơn Thánh Vương, Viễn Sơn Thánh Vương hoặc gọi chung là thờ Đức Vua hay bằng các tự danh khác, như Chàng Cả đại vương, Chàng Hai đại vương, Chàng Ba đại vương, Tam vị Đại Vương, Nhị vị Đại Vương,…

- Vậy việc chọn ngày 10-3 Âm lịch làm ngày Giỗ Tổ có từ khi nào, thưa ông?

Năm 1917, Tổng đốc tỉnh Phú Thọ đã đề đạt với triều đình nhà Nguyễn xin cho phép lấy ngày 10-3 Âm lịch hàng năm là ngày giỗ các Vua Hùng - ngày Giỗ tổ. Theo truyền thuyết dân gian, người ta coi ngày 10-3 là ngày hóa của Hùng Vương thứ nhất, người đầu tiên lập ra nhà nước Văn Lang. Trong tâm thức người dân, những nhân vật của cả một thời đại đã được lịch sử hóa, trở thành những nhân vật lịch sử như: Các Vua Hùng, Thánh Gióng, Sơn Tinh… gắn với những thời điểm cụ thể, vùng đất cụ thể. Tâm thức người Việt muốn có một thời điểm cụ thể nào đấy để tưởng nhớ, tri ân và tôn vinh những người có công với dân, với nước.

Vì vậy, ngày 10-3 thực tế cũng là thời gian mang tính biểu tượng, nơi giải tỏa và đáp ứng nhu cầu tâm linh của cộng đồng mỗi khi hướng về cội nguồn theo đạo lý đã thành truyền thống mang giá trị văn hóa độc đáo từ hàng nghìn năm qua.

Trong kho tàng di sản đa dạng thì tập quán, nghi lễ và lễ hội về Hùng Vương là một lĩnh vực di sản vô cùng quan trọng. Đó là ký ức sống về thời Hùng Vương. Đó là những thực hành xã hội liên quan đến việc thờ cúng Hùng Vương gắn liền với một không gian văn hóa rộng lớn của cộng đồng.

Trải qua bao cuộc chiến tranh với những thăng trầm của lịch sử nhưng tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vẫn luôn được duy trì và phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác bởi ý chí, tinh thần của cả quốc gia, dân tộc. Bởi vậy mà giỗ Tổ Hùng Vương từ bao đời nay là biểu tượng đã ăn sâu vào tâm khảm thiêng liêng của mỗi người dân đất Việt; là điểm hội tụ tâm linh, hội tụ bản sắc văn hóa và tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Từ thời phong kiến đến ngày nay, hàng năm, giỗ Tổ Hùng Vương đều được tổ chức với nghi lễ trang trọng, thành kính.

Được biết, Kinh Dương Vương là bố của Lạc Long Quân, tức là ông nội của vua Hùng. Tại sao lại chọn giỗ Vua Hùng làm ngày giỗ Tổ mà không chọn Kinh Dương Vương, thưa ông?

Theo truyền thuyết, Kinh Dương Vương là người thuộc dòng dõi Thần nông ở phương Bắc (trong đất Bách Việt), sinh ra, sau đó truyền ngôi cho Lạc Long Quân. Lạc Long Quân đã kết duyên cùng Âu Cơ, sinh ra một bọc trăm trứng, nở ra trăm người con trai. Người con trưởng được lên ngôi, lập ra Nhà nước Văn Lang đầu tiên của chúng ta, đóng đô ở Nghĩa Lĩnh - Việt Trì.

Bởi vậy, người có công đầu tiên lập ra nhà nước chính thống đó đã được cộng đồng tôn vinh là cội nguồn quốc gia, suy tôn là Quốc Tổ, lấy ngày mất tương truyền làm ngày Quốc lễ - Quốc giỗ. Riêng với Kinh Dương Vương, nhiều trăm năm qua, tại thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã được cộng đồng tôn vinh và phụng thờ là Thủy tổ; và Lạc Long Quân được người dân Bình Đà, huyện Thanh Oai, Hà Nội tôn thờ là "Thánh tổ siêu việt”.

- Xin chân thành cảm ơn ông!
 
(Theo phapluatxahoi.vn)

Các tin khác
Nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống tại lễ kỷ niệm 1085 năm vua Ngô Quyền định đô tại Cổ Loa.

Tối 19/4, huyện Đông Anh (Hà Nội) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 1085 năm Ngô Quyền xưng vương, định đô tại Cổ Loa (939 - 2024).

Cổng chính vào Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng.

Tối 17/4, tại sân khấu Công viên Văn Lang, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức Chương trình nghệ thuật “Hội tụ non sông”, chào mừng Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2024.

Chương trình nghệ thuật sử thi

Tối 16/4, tại Khu di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia Đền Thánh Nguyễn (xã Gia Thắng và Gia Tiến, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), UBND huyện Gia Viễn khai mạc Lễ hội Đền Thánh Nguyễn năm 2024. Đây là lễ hội gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp và truyền thuyết về Thiền sư Nguyễn Minh Không.

Các đại biểu tham gia chương trình.

Chiều 16-4, tại trụ sở Hội Nhà báo Việt Nam (phố Dương Đình Nghệ, Hà Nội), Hội đồng Giải Báo chí quốc gia đã khai mạc vòng chấm sơ khảo Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII - năm 2023. Đáng chú ý, sau khi tiến hành sơ loại, có 1.827 tác phẩm đủ điều kiện tham gia Giải Báo chí quốc gia kỳ này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục