Tín ngưỡng cầu phồn thực trong nhà sàn người Mường

  • Cập nhật: Thứ hai, 10/9/2018 | 1:49:47 PM

YBĐT - Nhà sàn của người Mường mang nhiều nét tương đồng với nhà sàn nhiều dân tộc khác. Tuy vậy, về tín ngưỡng dân gian nói chung và tín ngưỡng phồn thực nói riêng thì họ lại có những nét độc đáo riêng có.

Trước hết, đối với cửa ra vào ngôi nhà, người Mường cũng chung quan niệm là số bậc cầu thang phải là số lẻ (5 bậc, 7 bậc, 9 bậc), chứ không thể là số chẵn, vì chẵn nghĩa là đã hoàn thiện, đầy đủ; còn lẻ thì mang ý nghĩa về sự vận động của cuộc sống luôn luôn phát triển. Số gian nhà cũng phải là số lẻ là 3 gian hoặc 5 gian.
 
Cùng đó, người Mường kiêng không làm cửa trước và cửa sau ở hai đầu chái nhà đối nhau, vì làm như thế thì "của cải đi vào cửa trước lại đi ra cửa sau” không có tích lũy. Còn một cửa nữa được coi như cửa thiêng (cửa voong, voóng) nghĩa là cửa dành cho vong, ma khi đưa quan tài người chết đi chôn và để tổ tiên đi vào cửa này.
 
Đây là cửa sổ đầu tiên ở phía trước ngôi nhà sàn ở bên phía cầu thang chính và cũng gần với nơi đặt bàn thờ gia tiên ở góc chái nhà. Cửa này không được tùy tiện ngồi ăn cơm hàng ngày hoặc làm những công việc khác ở đây, trừ khi nhà có đám cỗ nhưng cũng chỉ bậc cao niên hay chủ nhà mới được ngồi ở đó. Nếu vi phạm vào những điều kiêng kỵ ấy, trong nhà dễ sinh ốm đau, làm ăn thất bát.

Về thờ tự, ngoài ban thờ tổ tiên, người Mường còn thờ ma nhà (ma xó), là ban thờ nhỏ đặt khá cao ở góc nhà phía trước, đối diện về phía cầu thang. Quan niệm của người Mường, đây là vị thần trông nom nhà cửa để cho gia chủ yên tâm đi làm, hay lúc ban đêm ngủ say.
 
Vì thế, người Mường xưa thường thêu dệt nên những câu chuyện huyền bí như kẻ trộm lẻn vào nhà bị ma nhà che mắt không tìm thấy lối ra; ma nhà làm cho kẻ trộm bị ốm yếu; hoặc kẻ trộm đang lấy đồ vật thì bỗng nghe có tiếng gọi đúng tên mình từ phía góc nhà... 

Cùng những ban thờ trên, ai làm nghề thầy mo thì có thêm ban thờ "réng” phía trên cao góc trong ngôi nhà. Đây là nơi thờ các vị thần nhà trời bảo trợ, nâng cao quyền năng pháp thuật để thầy mo hành nghề cúng bái.

Trong gian bếp, bếp lửa được coi là linh hồn của ngôi nhà. Cửa bếp lửa phải quay vào trong lòng nhà chứ không được quay ra cổng. Lửa được giữ đỏ quanh năm bằng cây củi cái (cây củi to chắc) chứ không được để tắt, nên khi cúng vào các dịp lễ tết người Mường thường khấn các thế lực siêu nhiên và tổ tiên phù hộ cho "quanh năm đỏ lửa", nghĩa là không bị mất mùa, đói kém không có gì để nấu.
 
Cùng đó, không được ném lá bánh, lá tươi vào bếp, tưới nước lã vào bếp; không hong quần áo ướt của phụ nữ gần bếp lửa... để vua bếp nổi giận sẽ không phù hộ cho cuộc sống được sung túc. Tết Nguyên đán, người Mường có tục cúng vua bếp vào ngày mổ lợn ăn tết (từ 27 đến 30 tết).
 
Lễ cúng không cần bày đồ lễ mà gia chủ chỉ cần cái rổ lót lá chuối đựng ít đồ ăn rồi quỳ ở cửa bếp khấn ngỏ lời cảm tạ vua bếp đã ban cho gia đình được no đủ. Khấn xong, gia chủ thả miếng thịt nhỏ, xôi, bánh vào lòng bếp, rót rượu vào cửa bếp để tạ ơn và mời vua bếp cùng ăn tết với gia đình.
 
Ngoài ra, khu vực bếp còn được treo những bộ xương hàm, sừng, đuôi những con thú to săn bắt được, hay đuôi cá to dán lên cột bếp để thể hiện tài nghệ săn bắn của gia chủ và một cuộc sống sung túc; đồng thời, cũng là vật mang tính chất cầu may khi săn bắt.

Người Mường còn có quan niệm ngôi nhà cũng giống như một thực thể sống có xương có thịt. Bởi vậy, họ kiêng đóng vật cứng lên những cây cột cái. Làm như vậy, xương thịt ngôi nhà sẽ bị đau đớn; kiêng buộc những mối lạt buộc đòn tay để cho mắt lạt quay xuống lòng nhà khiến lắm kẻ soi mói, nhòm ngó dẫn đến cuộc sống không được bình yên, hòa thuận, dễ gặp điềm xấu gây ốm đau và làm ăn thất bát.
 
Trong tín ngưỡng phồn thực, người Mường có điểm độc đáo nữa là trên thân một cây cột ở gian trong cùng của ngôi nhà sàn, xưa kia thường được gắn vật tượng trưng cho sinh thực khí nam và nữ. Hình tượng sinh thực khí nam là một đoạn gốc tre để nguyên củ, rễ gắn vào cột rồi úp vào đầu đoạn tre một chiếc giỏ tượng trưng cho sinh thực khí nữ. Hình tượng này thể hiện âm dương giao hòa, làm cho vạn vật sinh sôi, sinh đẻ có trai, có gái, con người khỏe mạnh, cuộc sống đủ đầy.

Hoàng Nhâm

Các tin khác
Cổng chính vào Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng.

Tối 17/4, tại sân khấu Công viên Văn Lang, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức Chương trình nghệ thuật “Hội tụ non sông”, chào mừng Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2024.

Chương trình nghệ thuật sử thi

Tối 16/4, tại Khu di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia Đền Thánh Nguyễn (xã Gia Thắng và Gia Tiến, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), UBND huyện Gia Viễn khai mạc Lễ hội Đền Thánh Nguyễn năm 2024. Đây là lễ hội gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp và truyền thuyết về Thiền sư Nguyễn Minh Không.

Các đại biểu tham gia chương trình.

Chiều 16-4, tại trụ sở Hội Nhà báo Việt Nam (phố Dương Đình Nghệ, Hà Nội), Hội đồng Giải Báo chí quốc gia đã khai mạc vòng chấm sơ khảo Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII - năm 2023. Đáng chú ý, sau khi tiến hành sơ loại, có 1.827 tác phẩm đủ điều kiện tham gia Giải Báo chí quốc gia kỳ này.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại phiên họp.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Sở Tài chính sớm có văn bản hướng dẫn xây dựng về kinh phí, trên cơ sở nguyên tắc đảm bảo đúng đủ kinh phí cho hoạt động kỷ niệm; các đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể các điểm bắn pháo hoa, chương trình nghệ thuật ánh sáng tối 10/10/2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục