Những thay đổi cơ bản của Pháp lệnh Ngoại hối năm 2013

  • Cập nhật: Thứ sáu, 15/11/2013 | 5:01:10 PM

YBĐT - Tại phiên họp thứ 16, ngày 18/3/2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối (Pháp lệnh Ngoại hối năm 2013).

Pháp lệnh Ngoại hối năm 2013 đã sửa đổi, bổ sung 22 điều; bổ sung 3 điều mới; bãi bỏ 01 điều; sửa đổi 2 tên chương so với Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 (số 28/2005/PL-UBTVQH11, ngày 13/12/2005) và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014.

Pháp lệnh Ngoại hối năm 2013 được ban hành nhằm khắc phục những bất cập của quy định hiện hành, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; tạo khuôn khổ pháp lý hoàn thiện, đầy đủ hơn điều chỉnh hoạt động ngoại hối của các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế; đảm bảo phù hợp với lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.

5 nhóm thay đổi chủ yếu của Pháp lệnh Ngoại hối năm 2013 gồm:

Thứ nhất: Pháp lệnh Ngoại hối năm 2013 đã sửa đổi, bổ sung một số thuật ngữ quan trọng nhằm bảo đảm thống nhất với các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD), Luật Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Luật Đầu tư...; khắc phục bất cập nảy sinh trong quá trình thực hiện Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 và phù hợp với thông lệ quốc tế như các khái niệm “người cư trú”, “giao dịch vốn”, “thanh toán và chuyển tiền một chiều đối với các giao dịch vãng lai”, “đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam”, “đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam”, “kinh doanh ngoại hối”...

Thứ hai: Pháp lệnh Ngoại hối năm 2013 đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về giao dịch vãng lai bao gồm: bổ sung quy định về việc không được gửi ngoại hối trong bưu gửi; quy định rõ trách nhiệm của người có mang theo ngoại tệ, đồng Việt Nam và vàng khi xuất, nhập cảnh; giao NHNN Việt Nam quy định về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu ngoại tệ tiền mặt của TCTD được phép để tạo cơ sở pháp lý cho việc kiểm soát hoạt động này.
Thứ ba: Pháp lệnh Ngoại hối năm 2013 cũng sửa đổi, bổ sung các quy định về giao dịch vốn. Cụ thể:

(1) Về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam: Pháp lệnh Ngoại hối năm 2013 quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh trong việc mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp tại một tổ chức tín dụng được phép để thực hiện dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam nhằm dễ dàng giám sát dòng vốn liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam; bổ sung quy định đối với việc sử dụng nguồn thu hợp pháp của nhà đầu tư nước ngoài và quy định thẩm quyền của NHNN Việt Nam trong việc ban hành quy định về các giao dịch chuyển vốn hợp pháp khác (bảo lãnh, đặt cọc, ký quỹ…) liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.

Pháp lệnh Ngoại hối năm 2013 cũng bổ sung quy định về việc sử dụng nguồn thu hợp pháp của nhà đầu tư nước ngoài là người không cư trú và giao thẩm quyền của NHNN Việt Nam ban hành quy định về các giao dịch chuyển vốn hợp pháp khác liên quan đến hoạt động đầu tư gián tiếp tại Việt Nam.

(2) Về đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài: Pháp lệnh Ngoại hối năm 2013 đã sửa đổi các Điều 13, 14, 15 nhằm quy định phù hợp, chặt chẽ hơn các nội dung liên quan đến đầu tư trực tiếp ra nước ngoài liên quan đến các nội dung nguồn vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài; chuyển vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài; chuyển vốn, lợi nhuận từ hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài về Việt Nam.

Pháp lệnh Ngoại hối năm 2013 bổ sung Điều 15a về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, theo đó tổ chức tín dụng được phép thực hiện đầu tư gián tiếp ra nước ngoài theo quy định của pháp luật về đầu tư và quy định của NHNN Việt Nam; các đối tượng khác khi được phép đầu tư gián tiếp ra nước ngoài phải thực hiện việc mở và sử dụng tài khoản, chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài, chuyển vốn gốc, lợi nhuận hợp pháp và các khoản thu nhập hợp pháp khác từ hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài về Việt Nam theo quy định của NHNN Việt Nam.

(3) Về vay và trả nợ nước ngoài: Pháp lệnh Ngoại hối năm 2013 sửa đổi các quy định về vay, trả nợ nước ngoài của Chính phủ cho phù hợp với Luật Quản lý nợ công.

Liên quan đến việc vay, trả nợ nước ngoài của người cư trú, Pháp lệnh Ngoại hối năm 2013 đã mở rộng đối tượng được vay, trả nợ nước ngoài, bao gồm cả “hợp tác xã”, “liên hiệp hợp tác xã”. Đồng thời, Pháp lệnh Ngoại hối năm 2013 bổ sung nguyên tắc các giao dịch chuyển vốn hợp pháp khác liên quan đến hoạt động vay, trả nợ nước ngoài thực hiện theo quy định của NHNN Việt Nam và pháp luật liên quan.

(4) Về cho vay và thu hồi nợ nước ngoài: Pháp lệnh Ngoại hối năm 2013 bổ sung thêm quy định về TCTD, tổ chức kinh tế được thực hiện bảo lãnh cho người không cư trú. Theo đó, các tổ chức kinh tế chỉ được thực hiện cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép và thực hiện việc mở và sử dụng tài khoản, chuyển vốn ra và thu hồi nợ nước ngoài, đăng ký cho vay, thu hồi nợ nước ngoài và các giao dịch chuyển vốn khác liên quan đến các hoạt động cho vay, thu hồi nợ nước ngoài theo hướng dẫn của NHNN Việt Nam.

Thứ tư: Khắc phục bất cập trong quy định về sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam, Pháp lệnh Ngoại hối năm 2013 đã quy định cụ thể trên lãnh thổ Việt Nam, các hoạt động “báo giá”, “định giá”, “ghi giá” không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của NHNN.

Ngoài ra, Pháp lệnh Ngoại hối năm 2013 bổ sung đối tượng được mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài đối với cơ quan Nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện của Việt Nam hoạt động tại Việt Nam. Đồng thời, Pháp lệnh Ngoại hối năm 2013 cũng sửa đổi Điều 25 và bổ sung Điều 25a về việc giao thẩm quyền cho NHNN Việt Nam quy định việc mở và sử dụng tài khoản đồng Việt Nam của người không cư trú là tổ chức, cá nhân và người cư trú là cá nhân nước ngoài.

Thứ năm: Pháp lệnh Ngoại hối năm 2013 sửa đổi, bổ sung các quy định về thị trường ngoại tệ, cơ chế tỷ giá hối đoái và quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước; hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật NHNN Việt Nam và Luật các TCTD năm 2010:
(1) Về thị trường ngoại tệ, cơ chế tỷ giá hối đoái và quản lý vàng là ngoại hối: Pháp lệnh Ngoại hối năm 2013 bỏ thành viên tham gia thị trường ngoại tệ là “bàn đổi ngoại tệ” vì đây chỉ là đơn vị được tổ chức tín dụng ủy nhiệm thực hiện giao dịch với khách hàng.

Đồng thời, để phù hợp với Luật NHNN Việt Nam, Pháp lệnh Ngoại hối năm 2013 quy định NHNN Việt Nam công bố tỷ giá hối đoái, quyết định chế độ tỷ giá, cơ chế điều hành tỷ giá. Thêm vào đó, Pháp lệnh Ngoại hối năm 2013 sửa đổi Điều 31, bổ sung quy định NHNN Việt Nam quản lý vàng thuộc dự trữ ngoại hối Nhà nước và quản lý vàng trên tài khoản ở nước ngoài của người cư trú theo quy định của pháp luật.

(2) Về quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước: Pháp lệnh Ngoại hối năm 2013 bổ sung quy định vàng do NHNN Việt Nam quản lý; toàn bộ số ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước phải được gửi tại NHNN Việt Nam và trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ của NHNN Việt Nam về quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước và bổ sung quy định về sử dụng dự trữ ngoại hối cho phù hợp với Luật NHNN.

(3) Về hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối: Pháp lệnh Ngoại hối năm 2013 sửa đổi, bổ sung quy định nguyên tắc các đối tượng là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức khác được kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối ở trong nước và nước ngoài sau khi được NHNN Việt Nam chấp thuận bằng văn bản; giao thẩm quyền cho NHNN Việt Nam quy định về phạm vi kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối ở trong nước và nước ngoài, điều kiện, trình tự, thủ tục chấp thuận kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối.

NHNN, các cơ quan có liên quan tích cực phối hợp tuyên truyền, phổ biến nội dung và khẩn trương  ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các quy định của Pháp lệnh Ngoại hối năm 2013 để pháp lệnh này thực sự đi vào cuộc sống.

            Quang Đạt

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị.

Ngày 27/4, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội (lần 2) đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Dự thảo Luật Đất đai hoàn thiện được Chính phủ gửi sang Quốc hội gồm 16 chương, 247 điều, trong đó tăng 3 mục, bổ sung mới 24 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến Nhân dân.

Dự thảo Luật Đất đai hoàn thiện được Chính phủ gửi sang Quốc hội gồm 16 chương, 247 điều, trong đó tăng 3 mục, bổ sung mới 24 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến Nhân dân.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Công tác tổng hợp, tiếp thu ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã được thực hiện công phu, khoa học

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh yêu cầu này khi làm việc với Bộ TN&MT và cơ quan liên quan về tổng hợp, tiếp thu ý kiến nhân dân đối với Luật Đất đai (sửa đổi), chiều 4/4.

Sở TN&MT tỉnh Yên Bái đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Thời gian qua, việc triển khai lấy ý kiến của nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được tỉnh Yên Bái triển khai tích cực, đã có 52.805 lượt ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục