Thủ tướng Chính phủ chỉ thị tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản

  • Cập nhật: Thứ năm, 31/7/2014 | 1:43:55 PM

Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản và tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản và tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong thời gian tới.

Chỉ thị nêu rõ, để bảo tổn, bảo vệ các loài thủy sản quý, hiếm, có giá trị kinh tế; các hệ sinh thái đặc thù, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, ngày 2/1/1998, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản.

Để triển khai thực hiện có hiệu lực, hiệu quả Luật Thủy sản, tiếp tục ngăn chặn và tiến tới chấm dứt tình trạng sử dụng xung điện, chất nổ, ngư cụ bị cấm sử dụng trong khai thác thủy sản, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan nói trên tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng chất nổ, xung điện, các ngư cụ bị cấm sử dụng trong khai thác thủy sản. Xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định số 103/2013/NĐ-CP ngày 12/9/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản. Trước mắt tập trung thanh tra, kiểm tra tại các tỉnh nội đồng và vùng ven biển.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác quy hoạch, xác định vùng cấm, thời gian và ngư cụ bị cấm trong khai thác thủy sản; thành lập và đưa vào hoạt động 16 khu bảo tồn biển tại Quyết định số 742/QĐ-TTg ngày 26/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thông khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020, 45 khu bảo tồn vùng nước nội địa tại Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 13/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn vùng nước nội địa đến năm 2020; các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản dựa vào cộng đồng nhằm phục hồi các hệ sinh thái điển hình như rừng ngập mặn, san hô, cỏ biển, các bãi giống, bãi đẻ của giống loài thủy sản tại các thủy vực tự nhiên.

Thực hiện công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản, hàng năm thả bổ sung giống ra các thủy vực ngoài tự nhiên. Chỉ thị nêu rõ, giai đoạn đầu tập trung thả bổ sung một số loài thủy sản bản địa, loài có giá trị kinh tế nhằm khôi phục nguồn lợi, tăng mật độ quần thể của các loài đã bị khai thác cạn kiệt tại các lưu vực sông và hồ chứa trên phạm vi toàn quốc.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung tuyên truyền sâu, rộng nội dung Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg đến mọi tầng lớp cán bộ, công, nông, ngư dân; các tổ chức đoàn thể, xã hội từ Trung ương đến địa phương. Lồng ghép, kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg với Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương triển khai phổ biến Luật Thủy sản và các quy định của Chính phủ về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh trong việc vận động, tuyên truyền, giáo dục nhân dân tham gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, đấu tranh ngăn chặn các hành vi khai thác thủy sản bằng chất nổ, chất độc, xung điện và các ngư cụ bị cấm sử dụng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Tổng cục Thủy sản và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị chức năng của Ngành và địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động sử dụng chất nổ, xung điện, các phương tiện và các ngư cụ bị cấm sử dụng trong khai thác thủy sản tại các thủy vực ngoài tự nhiên.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được giao chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và Công an phối hợp với lực lượng Thanh tra, Kiểm ngư từ Trung ương đến địa phương; chính quyền địa phương các cấp tiến hành kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi sử dụng xung điện, chất nổ, các ngư cụ bị cấm sử dụng trong khai thác thủy sản.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí, Đài phát thanh, Đài truyền hình từ Trung ương đến địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản; các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Thủy sản; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn dân trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Bộ Công Thương cần chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc Bộ, các Sở Công Thương trong toàn quốc thường xuyên tiến hành kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiên các hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển chất nổ công nghiệp trái phép.

Bộ Tài chính bố trí kinh phí hàng năm cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ liên quan theo phân cấp ngân sách hiện hành để thực hiện các hoạt động kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng chất nổ, xung điện, các ngư cụ bị cấm sử dụng trong khai thác thủy sản; tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư thuộc nhiệm vụ chi của Trung ương. Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nghiên cứu bố trí vốn đầu tư cho các nội dung liên quan đến đầu tư xây dựng các khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa cấp quốc gia do Trung ương quản lý.

Thủ Tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương chỉ đạo UBND các quận, huyện, xã, phường triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị này.

Các địa phương cần có kế hoạch và phân công cụ thể cho các Ban, ngành và các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát ở địa phương để làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về cấm sử dụng chất nổ, xung điện vào khai thác thủy sản.

Đồng thời, tiến hành rà soát, bổ sung và lập quy hoạch khai thác, sử dụng nguồn lợi thủy sản; xây dựng các khu bảo tồn biển, bảo tồn vùng nước nội địa; xây dựng và hình thành các mô hình quản lý nguồn lợi thủy sản dựa vào cộng đồng do địa phương quản lý. Bố trí ngân sách địa phương theo phân cấp hiện hành để thực hiện các hoạt động kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng cấm sử dụng chất nổ, xung điện, ngư cụ bị cấm sử dụng trong khai thác thủy sản; tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư thuộc nhiệm vụ chi của địa phương.

(Theo VOV)

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị.

Ngày 27/4, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội (lần 2) đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Dự thảo Luật Đất đai hoàn thiện được Chính phủ gửi sang Quốc hội gồm 16 chương, 247 điều, trong đó tăng 3 mục, bổ sung mới 24 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến Nhân dân.

Dự thảo Luật Đất đai hoàn thiện được Chính phủ gửi sang Quốc hội gồm 16 chương, 247 điều, trong đó tăng 3 mục, bổ sung mới 24 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến Nhân dân.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Công tác tổng hợp, tiếp thu ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã được thực hiện công phu, khoa học

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh yêu cầu này khi làm việc với Bộ TN&MT và cơ quan liên quan về tổng hợp, tiếp thu ý kiến nhân dân đối với Luật Đất đai (sửa đổi), chiều 4/4.

Sở TN&MT tỉnh Yên Bái đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Thời gian qua, việc triển khai lấy ý kiến của nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được tỉnh Yên Bái triển khai tích cực, đã có 52.805 lượt ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục