Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai mươi, BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVII Về phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng ứng dụng tiến bộ KHKT để nâng cao hiệu quả sản xuất hàng hóa tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2014 - 2020

  • Cập nhật: Thứ năm, 7/8/2014 | 9:20:19 AM

YBĐT - Hội nghị lần thứ hai mươi, BCH Đảng bộ tỉnh Yên Bái khóa XVII đã ban hành Nghị quyết về phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng ứng dụng tiến bộ KHKT để nâng cao hiệu quả sản xuất hàng hóa tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2014 - 2020.

Yên Bái tập trung xây dựng vùng sản xuất rau an toàn bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm với diện tích khoảng 100ha ở thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ và thị trấn các huyện. Ảnh: Nông dân xã Tuy Lộc (thành phố Yên Bái) chăm sóc rau màu.
(Ảnh: Linh Chi)
Yên Bái tập trung xây dựng vùng sản xuất rau an toàn bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm với diện tích khoảng 100ha ở thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ và thị trấn các huyện. Ảnh: Nông dân xã Tuy Lộc (thành phố Yên Bái) chăm sóc rau màu. (Ảnh: Linh Chi)

I- Đánh giá tình hình

Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tốc độ tăng trưởng bình quân toàn ngành (giai đoạn 2011 - 2013) đạt trên 5,1%/năm. Cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành nông nghiệp chuyển dịch tích cực, đúng hướng, tăng dần tỷ trọng chăn nuôi và thủy sản; giá trị và hiệu quả sản xuất được nâng lên; sản phẩm hàng hóa từng bước đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh. Bước đầu đã hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, như: vùng thâm canh lúa khoảng 5.000ha, vùng sản xuất ngô khoảng 15.000ha, vùng thâm canh chè khoảng 9.000ha, vùng sắn cao sản khoảng 8.000ha, vùng quế đặc sản 27.000ha, vùng cây ăn quả, vùng cây nguyên liệu giấy, vùng chăn nuôi, thủy sản… Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến trong các khâu sản xuất, bảo quản và chế biến sản phẩm nông nghiệp; việc xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu, nhãn hiệu, quảng bá giới thiệu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã được quan tâm đầu tư.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn còn nhiều mặt hạn chế: vùng sản xuất vẫn chủ yếu ở quy mô nhỏ, manh mún; quá trình chuyển dịch sang sản xuất hàng hóa tập trung diễn ra còn chậm, thiếu tính bền vững và chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của từng vùng sản xuất, từng địa phương; hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất còn thấp kém; việc thu hút vốn đầu tư, mở rộng quy mô vùng sản xuất hàng hóa còn gặp nhiều khó khăn; công nghiệp chế biến, bảo quản nông, lâm sản chưa phát triển; nhiều khâu trong sản xuất vẫn chủ yếu sử dụng lao động thủ công, máy móc, thiết bị lạc hậu… do đó năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế trong sản xuất còn thấp; vai trò và năng lực quản lý, chỉ đạo, điều hành, nghiên cứu tham mưu, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp có mặt còn hạn chế, hiệu quả chưa cao; một số chính sách hỗ trợ còn chưa phù hợp; việc đầu tư hỗ trợ ứng dụng nhân rộng các mô hình sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phảm, công tác xúc tiến đầu tư, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, xây dựng và duy trì phát triển thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa chưa được quan tâm đúng mức; mối liên kết giữa 04 nhà “Nhà nước - Nhà nông - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp” trong sản xuất và tiêu thụ nông sản còn chậm hình thành, thiếu tính bền vững.

II- Quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ chủ yếu

1- Quan điểm phát triển

Phát triển bền vững các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, tập trung đang phát huy hiệu quả theo chuỗi giá trị; mở rộng vùng sản xuất các cây trồng, vật nuôi có tiềm năng, lợi thế vùng, có khả năng cạnh tranh, phù hợp với quy hoạch và nhu cầu thị trường để hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung gắn với việc xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung gắn với chuyển đổi cơ cấu lao động trong nông nghiệp, có chính sách ưu đãi để thu hút tối đa đội ngũ trí thức và doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tạo mối liên kết bền vững giữa 04 nhà trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.

Ưu tiên vốn đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; gắn phát triển các cơ sở chế biến với các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung. Quan tâm đến việc xúc tiến thị trường, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hàng hóa.

2- Mục tiêu tổng quát

Trên cơ sở ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới và dự báo xu hướng thị trường để xây dựng, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, tập trung, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị, hiệu quả cây trồng, vật nuôi; tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đất của vùng sản xuất tập trung tăng từ 1,5 lần trở lên so với năm 2015.

3- Một số mục tiêu cụ thể và nhiệm vụ chủ yếu

3.1- Xây dựng vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao

Tiếp tục bảo vệ và duy trì ổn định diện tích lúa hiện có; trong đó, tập trung xây dựng vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao với diện tích khoảng 2.500ha, tại các địa phương có điều kiện thuận lợi như cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn), cánh đồng Đại Phú An - Đông Cuông (huyện Văn Yên), cánh đồng Mường Lai - Vĩnh Lạc (huyện Lục Yên) và vùng sản xuất lúa đặc sản nếp Tú Lệ (huyện Văn Chấn).

Thu hút các doanh nghiệp liên kết với nông dân thông qua hợp tác xã hoặc tổ hợp tác trong sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng lớn phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; sử dụng các giống lúa tiến bộ kỹ thuật, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo chất lượng đưa vào sản xuất; áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học công nghệ trong các khâu canh tác, chế biến, bảo quản sau thu hoạch; đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, chế biến…

3.2- Xây dựng vùng cây ăn quả đặc sản

Trồng thay thế và mở rộng phát triển diện tích cây ăn quả có thế mạnh của tỉnh theo quy hoạch, trọng tâm là vùng cây ăn quả đặc sản có múi với quy mô khoảng 450ha như: vùng bưởi Khả Lĩnh tại 2 xã Đại Minh và Hán Đà, huyện Yên Bình; vùng cam, quýt tại 2 huyện Văn Chấn và Lục Yên.
Ứng dụng công nghệ sinh học để tạo giống cây sạch bệnh phục vụ sản xuất; áp dụng các công nghệ, quy trình kỹ thuật tiên tiến trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh; quảng bá, tạo dựng thương hiệu bền vững, nâng cao giá trị và tăng khả năng cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của các tỉnh trong khu vực, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.

3.3- Xây dựng vùng sản xuất chè an toàn

Tiếp tục đầu tư trồng thay thế chè già cỗi bằng các giống mới có năng suất, chất lượng cao theo định hướng phát triển của tỉnh.

Phát triển vùng sản xuất chè đen, chè xanh chuyên canh tập trung với quy mô diện tích trên 4.000ha tại các huyện Văn Chấn, Yên Bình, Trấn Yên, Lục Yên; mở rộng vùng chè Shan tuyết quy mô 400ha tại khu vực Suối Giàng, huyện Văn Chấn.

Đầu tư áp dụng quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP; ứng dụng công nghệ mới trong chế biến, bảo quản nhằm đa dạng các sản phẩm chè, nâng cao chất lượng, hiệu quả và giá trị của cây chè Yên Bái; xây dựng và quảng bá thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm chè của tỉnh, lấy sản phẩm chè Shan tuyết Suối Giàng làm điểm nhấn cho thương hiệu chè Yên Bái trên thị trường trong và ngoài nước.

3.4- Xây dựng vùng sản xuất rau an toàn

Xây dựng vùng sản xuất rau an toàn đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm với diện tích khoảng 100ha, tập trung tại thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ và thị trấn các huyện.

Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng thành công chuỗi giá trị cho sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP phù hợp với xu hướng của thị trường, giảm tác động tiêu cực tới môi trường trong quá trình sản xuất. Kết nối thị trường tiêu thụ tạo đầu ra ổn định, lâu dài cho người trồng rau; nâng cao chất lượng và hiệu quả cho sản xuất rau tại tỉnh Yên Bái.

3.5- Xây dựng vùng chăn nuôi tập trung

Tập trung phát triển đàn lợn và gia cầm theo hướng chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, trang trại tập trung, quy mô lớn ngoài khu dân cư gắn với cơ sở giết mổ, chế biến, đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường. Địa bàn trọng điểm chăn nuôi lợn và gia cầm tại các huyện Văn Yên, Văn Chấn, Lục Yên, Yên Bình, Trấn Yên và thành phố Yên Bái.

Ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật trong chọn tạo giống lợn, nhất là sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo nhằm nâng cao chất lượng con giống; từng bước chủ động cung cấp nguồn giống tại chỗ phục vụ cho sản xuất lợn thịt; áp dụng quy trình kỹ thuật chăn nuôi bán công nghiệp, công nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và tăng số lứa gia cầm xuất chuồng; sử dụng năng lượng tái tạo trong chăn nuôi…
Hình thành các mô hình liên kết trong chăn nuôi theo chuỗi từ khâu giống đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, tiến tới xuất khẩu.

3.6- Xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung

Xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản chuyên canh, tập trung với quy mô 500ha (tại các huyện: Yên Bình 150ha, Trấn Yên 100ha, Lục Yên 60ha, Văn Yên 60ha, Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ 50ha, thành phố Yên Bái 80ha).

Ứng dụng công nghệ, áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến trong việc nhân giống, chăm sóc để nhân rộng và phổ biến nuôi trồng các loại thủy đặc sản, có giá trị cao phục vụ người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; thực hiện đa dạng các hình thức nuôi trồng phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng, như: lưới quây, đăng chắn, lồng… Tạo các mối liên doanh, liên kết ổn định, bền vững trong việc chế biến, tiêu thụ sản phẩm thủy sản.

3.7- Tập trung phát triển một số sản phẩm lâm 3.7- Tập trung phát triển một số sản phẩm lâm nghiệp đặc thù có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh

(1) Tập trung phát triển ổn định vùng trồng quế với quy mô 27.000ha (tại các huyện: Văn Yên 19.500ha, Trấn Yên 5.000ha, Văn Chấn 2.500ha).
Tổ chức đánh giá, chọn lọc và bảo tồn các cây quế bản địa chất lượng tốt, hàm lượng tinh dầu cao để tạo giống phục vụ sản xuất. Quảng bá, phát triển thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao giá trị sản phẩm quế Yên Bái trên thị trường quốc tế.

(2) Phát triển vùng sản xuất tre măng Bát Độ tập trung với quy mô trên 3.000ha (tại các huyện: Trấn Yên 2.000ha, Yên Bình 500ha, Lục Yên 500ha).
Áp dụng tốt quy trình thâm canh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đầu tư các dây chuyền công nghệ chế biến mới nhằm đa dạng hóa sản phẩm từ măng Bát Độ, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu.

(3) Mở rộng vùng sản xuất thâm canh cây sơn tra dưới tán rừng phòng hộ theo hướng tập trung, với quy mô khoảng 3.000ha, tại huyện Mù Cang Chải và huyện Trạm Tấu.

Áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất giống nhằm rút ngắn thời gian kiến thiết cơ bản, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm quả sơn tra. Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý để quảng bá giới thiệu sản phẩm sơn tra Yên Bái nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và từng bước hướng tới xuất khẩu.

III- Các giải pháp chính

1- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về nông nghiệp; nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực quản lý Nhà nước của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về lĩnh vực nông nghiệp; tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Tập trung chỉ đạo tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh trong sản xuất nông nghiệp.

2- Tiếp tục rà soát, xây dựng và điều chỉnh phù hợp các quy hoạch ngành; xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các đề án, dự án chi tiết đối với từng cây trồng, vật nuôi theo định hướng thị trường và phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.

3- Rà soát hiện trạng việc sử dụng đất nông nghiệp, thực hiện thu hồi những quỹ đất sử dụng sai mục đích, kém hiệu quả để giao cho các tổ chức, cá nhân thuê phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

4- Đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, trong đó chú trọng đến việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới từ khâu tạo giống - sản xuất - chế biến - bảo quản sản phẩm để làm cơ sở nhân rộng ra sản xuất đại trà. Củng cố và hoàn thiện cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho các đơn vị có chức năng nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

5- Trên cơ sở các chính sách của Trung ương và điều kiện thực tế của tỉnh, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên canh gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, tập trung đầu tư, hỗ trợ để xây dựng cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng lớn phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; khuyến khích sản xuất giống chất lượng cao phục vụ nhu cầu tại chỗ; ưu tiên ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, nhất là công nghệ sinh học trong tạo giống cây trồng, vật nuôi, trong sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm; khuyến khích việc đầu tư nâng cấp, đổi mới công nghệ chế biến nông sản, đa dạng sản phẩm; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, xúc tiến thị trường, quảng bá giới thiệu sản phẩm; xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực trong nông nghiệp; đãi ngộ thỏa đáng để thu hút, tạo động lực phát huy năng lực của đội ngũ cán bộ làm khoa học trong nông nghiệp; khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân, thành phần kinh tế tham gia đầu tư nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; tạo mối liên kết bền vững giữa 04 nhà, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng cánh đồng lớn theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg, ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ nhằm thúc đẩy phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, bền vững.

6- Tăng cường vận động, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung; tổ chức tốt hệ thống tiêu thụ nông sản theo mô hình liên kết chuỗi giá trị sản phẩm. Hằng năm, bố trí không dưới 30% kinh phí từ nguồn sự nghiệp khoa học để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và xây dựng mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp có hiệu quả.

IV- Tổ chức thực hiện

1- Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các Đảng đoàn, ban cán sự Đảng; các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể tỉnh tổ chức nghiên cứu, quán triệt và xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết phù hợp với tình hình thực tế của từng ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị.

2- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hướng dẫn việc quán triệt, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết đến cơ sở.

3- Ban cán sự Đảng ủy ban nhân dân tỉnh: Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án, dự án chi tiết để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và triển khai thực hiện;

Phối hợp với Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh chỉ đạo xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù đối với vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ưu tiên bố trí vốn để thực hiện Nghị quyết đạt kết quả cao.

Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy và các cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết này; hằng năm báo cáo kết quả thực hiện với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị.

Ngày 27/4, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội (lần 2) đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Dự thảo Luật Đất đai hoàn thiện được Chính phủ gửi sang Quốc hội gồm 16 chương, 247 điều, trong đó tăng 3 mục, bổ sung mới 24 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến Nhân dân.

Dự thảo Luật Đất đai hoàn thiện được Chính phủ gửi sang Quốc hội gồm 16 chương, 247 điều, trong đó tăng 3 mục, bổ sung mới 24 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến Nhân dân.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Công tác tổng hợp, tiếp thu ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã được thực hiện công phu, khoa học

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh yêu cầu này khi làm việc với Bộ TN&MT và cơ quan liên quan về tổng hợp, tiếp thu ý kiến nhân dân đối với Luật Đất đai (sửa đổi), chiều 4/4.

Sở TN&MT tỉnh Yên Bái đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Thời gian qua, việc triển khai lấy ý kiến của nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được tỉnh Yên Bái triển khai tích cực, đã có 52.805 lượt ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục