Chỉ thị của Ủy ban nhân dân tỉnh Về triển khai nhiệm vụ giáo dục và đào tạo năm học 2014 – 2015

  • Cập nhật: Thứ bảy, 6/9/2014 | 2:10:35 PM

YBĐT - Ngày 29/8/2014, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND về triển khai nhiệm vụ giáo dục và đào tạo năm học 2014 - 2015. Nội dung như sau:

Năm học 2013 - 2014 cùng với cả nước, ngành giáo dục và đào tạo Yên Bái tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu đã đề ra. Cơ sở vật chất trường lớp tiếp tục được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại; đội ngũ được quan tâm phát triển về số lượng, chất lượng, hiệu quả và sắp xếp hợp lý; tỷ lệ chuyên cần tăng, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm, chất lượng giáo dục được cải thiện đáng kể so với năm học trước; phổ cập giáo dục được giữ vững và từng bước nâng cao chất lượng.

Kết quả trên đã góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức: tỷ lệ huy động học sinh ra lớp, duy trì đi học chuyên cần ở vùng cao, vùng khó khăn còn thấp; công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục chưa thật bền vững; các điều kiện bảo đảm cho phát triển giáo dục còn ở mức thấp, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nhất là ngành học mầm non; việc phân cấp và cơ chế phối hợp giữa ngành giáo dục với các địa phương chưa được thể chế hóa cụ thể… Những khó khăn đó đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới yêu cầu đổi mới nâng cao chất lượng dạy và học.

Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Chương trình hành động số 70-CTr/TU ngày 20/01/2014 của Tỉnh ủy Yên Bái về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” và các nhiệm vụ trọng tâm theo tinh thần Chỉ thị số 3008/CT-BGDĐT ngày 18/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1 - Sở Giáo dục và Đào tạo

Xây dựng kế hoạch, chương trình công tác, chỉ đạo và hướng dẫn các cơ sở giáo dục và đào tạo triển khai thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ của từng ngành học, cấp học và các lĩnh vực công tác, cụ thể như sau:

a) Về công tác quản lý giáo dục đào tạo:

- Tập trung chỉ đạo, quán triệt học tập Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và các văn bản của Trung ương, của tỉnh về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo để mỗi nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có nhận thức đúng và hành động thiết thực triển khai các hoạt động đổi mới của ngành.

- Tiếp tục rà soát, điều chỉnh ổn định quy mô phát triển mạng lưới trường lớp các ngành học, bậc học; phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm chỉ đạo đối với các cấp học, ngành học:

+ Đối với giáo dục mầm non: Tập trung ưu tiên các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cho các lớp mẫu giáo 5 tuổi, chỉ tách trường mầm non ở những nơi đã có đủ điều kiện, khi có ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh.

+ Đối với giáo dục tiểu học: Nghiên cứu, xây dựng đề án tách một số trường có quy mô quá lớn không bảo đảm điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục và chăm sóc trẻ như PTDTBT Tiểu học Vừ A Dính, xã Nậm Có; PTDTBTTH&THCS xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải trên cơ sở bảo đảm các điều kiện cơ bản về cơ sở vật chất.

+ Đối với giáo dục THCS: Xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể sáp nhập các trường tiểu học, THCS có quy mô nhỏ ổn định đến 2020; rà soát học sinh/lớp bảo đảm phù hợp với địa phương.

+ Đối với giáo dục THPT: Ổn định quy mô trường, lớp, học sinh. Nghiên cứu, đề xuất xây dựng Đề án tách Trường Phổ thông liên cấp 2+3 Trấn Yên 2; Đề án tách Phân hiệu THPT Nậm Búng thuộc Trường THPT Sơn Thịnh để thành lập Trường Liên cấp 2+3 Nậm Búng, thành lập Trường THPT Nghĩa Tâm từ Phân hiệu THPT Nghĩa Tâm thuộc Trường THPT huyện Văn Chấn.

- Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý; thực hiện nghiêm túc quy định về công khai đối với các cơ sở giáo dục; tăng cường vai trò, trách nhiệm của các phòng giáo dục và đào tạo, hiệu trưởng các nhà trường và chính quyền địa phương trong việc quản lý thu, chi tại các cơ sở giáo dục, xử lý nghiêm các vi phạm, chấm dứt tình trạng thu góp sai quy định.

- Tham mưu cho cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp tổ chức rà soát việc thực hiện các mục tiêu Nghị quyết số 10-NQ/TU của Tỉnh ủy, các nghị quyết của HĐND tỉnh; đề xuất các giải pháp thực hiện hoàn thành thắng lợi các mục tiêu giai đoạn 2011 - 2015.

- Đổi mới và tăng cường công tác thanh tra, công tác thi đua - khen thưởng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại các cơ sở giáo dục.

b) Về tổ chức hoạt động giáo dục:

- Tiếp tục triển khai học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, bồi dưỡng ý thức trách nhiệm, năng lực và hiệu quả công tác cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh gắn với việc đưa nội dung các cuộc vận động và phong trào thi đua đã tổng kết thành các hoạt động thường xuyên của ngành giáo dục.

- Tăng cường các điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh; tăng cường công tác phân luồng, tư vấn nghề nghiệp trong các trường phổ thông; tiếp tục thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020”.

- Đổi mới phương pháp dạy và học, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. Đa dạng hóa các hình thức học tập, chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học.

- Tiếp tục đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh, bảo đảm trung thực, khách quan; phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học tập với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học; đánh giá của giáo viên với tự đánh giá của học sinh; đánh giá của nhà trường với đánh giá của gia đình và của xã hội.

c) Về phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục:

- Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Chăm lo đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục từng bước bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu. Tiếp tục thực hiện việc luân chuyển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và công chức, viên chức bảo đảm phù hợp với thực tế và yêu cầu nhiệm vụ công tác.

- Tăng cường công tác quản lý, tuyển dụng và sử dụng viên chức ngành giáo dục. Triển khai có hiệu quả việc đánh giá cán bộ quản lý, giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp, chú trọng năng lực, kết quả công tác, uy tín đối với đồng nghiệp, học sinh và phụ huynh học sinh.

- Xây dựng và triển khai kế hoạch bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên các ngành học, bậc học làm cho cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, viên chức ngành giáo dục nhận thức đầy đủ các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

d) Về tăng nguồn lực đầu tư và đổi mới cơ chế tài chính giáo dục:

- Phát triển mạng lưới trường, lớp, củng cố và tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục theo hướng chuẩn hóa, kiên cố hóa và hiện đại hóa. Tiếp tục rà soát quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường, lớp phù hợp với yêu cầu phát triển giáo dục và tình hình thực tế của địa phương.

- Tăng cường đầu tư cho hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, mầm non, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng cho việc tăng quy mô ở các trường phổ thông dân tộc nội trú, xây dựng nhà ở bán trú cho học sinh, nhà công vụ cho giáo viên vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn; huy động các nguồn lực, đặc biệt là công tác xã hội hóa để triển khai các đề án, dự án, kế hoạch của tỉnh; thực hiện tốt công tác đầu tư xây dựng cơ bản.

- Thực hiện tốt công tác thiết bị và thư viện trường học, cung cấp đầy đủ, kịp thời sách giáo khoa và thiết bị dạy học cho năm học mới, bảo đảm phục vụ tốt cho ngày khai giảng và triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2014 - 2015.

- Tiếp tục thực hiện đổi mới cơ chế tài chính giáo dục nhằm huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và xã hội đầu tư cho giáo dục. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đa dạng hóa nguồn lực để đầu tư cho giáo dục. Tăng cường việc truyền thông đến cộng đồng, tạo sự đồng thuận về chủ trương, chính sách giáo dục.

đ) Nhiệm vụ phổ cập giáo dục - xóa mù chữ:

- Sử dụng hiệu quả dữ liệu điều tra phổ cập giáo dục - xóa mù chữ trong lập kế hoạch duy trì vững chắc chuẩn quốc gia xóa mù chữ - phổ cập giáo dục theo chuẩn mới ban hành; tập trung chỉ đạo đối với các xã chưa đạt chuẩn, các xã còn bấp bênh, kết quả phổ cập chưa bền vững.

- Tập trung chỉ đạo bảo đảm các điều kiện hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2015.

2. Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh

Căn cứ vào chức năng và nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai những hoạt động cụ thể để thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục và đào tạo của tỉnh, trong đó:

a) Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ động phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố bảo đảm các điều kiện cho phát triển giáo dục gắn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Rà soát lại các hạng mục đầu tư, xây dựng cơ bản, các chương trình, đề án, dự án thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo để tham mưu lồng ghép các nguồn vốn, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm trong xây dựng cơ sở vật chất trường học.

b) Sở Tài chính: Hướng dẫn các cơ sở giáo dục

Quản lý tài chính và sử dụng các nguồn kinh phí đầu tư cho giáo dục hiệu quả và theo đúng quy định. Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các sở, ngành có liên quan và ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với giáo viên, học sinh.

c) Sở Nội vụ: Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục. Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản quy định về phân cấp quản lý trong giáo dục; kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức.

d) Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch: Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch, nội dung và chỉ đạo các cơ quan truyền thông thực hiện tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh Yên Bái về giáo dục và đào tạo, nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục và đào tạo năm học 2014 - 2015.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

Tăng cường chỉ đạo, tích cực triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và các nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, chương trình, kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển giáo dục và đào tạo, tập trung vào các nhiệm vụ chính sau:

a) Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể của địa phương chủ động, tích cực phối hợp với các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện các giải pháp để huy động tối đa trẻ em ra lớp, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học.

b) Chỉ đạo thực hiện tốt sắp xếp bộ máy, bố trí đội ngũ giáo viên phù hợp với quy mô trường lớp và thực tế địa phương, đáp ứng yêu cầu giảng dạy.

c) Chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn nghiêm túc thực hiện các quy định về dạy thêm, học thêm, các quy định về thu, chi tài chính, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để chấm dứt tình trạng thu góp sai quy định ở một số cơ sở giáo dục.

d) Giao chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố tập trung chỉ đạo kiểm tra bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, về đội ngũ giáo viên cho năm học mới. Phân công các cơ quan, đơn vị giúp đỡ các trường khó khăn, tham gia dự khai giảng ở tất cả các cơ sở trường học trên địa bàn.

e) Chỉ đạo ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn, các cơ sở giáo dục trên địa bàn huy động các nguồn lực trong nhân dân và các nguồn vốn hợp pháp khác cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất nhằm bảo đảm đủ các điều kiện phục vụ năm học mới. Phối hợp triển khai các chương trình, đề án, dự án xây dựng cơ bản thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo trên địa bàn bảo đảm tiến độ và chất lượng.

Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Yên Bái và các tổ chức đoàn thể phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về công tác giáo dục và đào tạo. Tăng cường phối hợp trong việc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động giáo dục và đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới.

Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành; chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện theo nội dung, nhiệm vụ được phân công. Giao Sở Giáo dục và Đào tạo phổ biến Chỉ thị này tới tất cả cán bộ, giáo viên và nhân viên trong toàn ngành để triển khai thực hiện; thường xuyên tổng hợp tình hình và báo cáo định kỳ kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2014 - 2015 về Ủy ban nhân dân tỉnh.

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị.

Ngày 27/4, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội (lần 2) đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Dự thảo Luật Đất đai hoàn thiện được Chính phủ gửi sang Quốc hội gồm 16 chương, 247 điều, trong đó tăng 3 mục, bổ sung mới 24 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến Nhân dân.

Dự thảo Luật Đất đai hoàn thiện được Chính phủ gửi sang Quốc hội gồm 16 chương, 247 điều, trong đó tăng 3 mục, bổ sung mới 24 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến Nhân dân.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Công tác tổng hợp, tiếp thu ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã được thực hiện công phu, khoa học

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh yêu cầu này khi làm việc với Bộ TN&MT và cơ quan liên quan về tổng hợp, tiếp thu ý kiến nhân dân đối với Luật Đất đai (sửa đổi), chiều 4/4.

Sở TN&MT tỉnh Yên Bái đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Thời gian qua, việc triển khai lấy ý kiến của nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được tỉnh Yên Bái triển khai tích cực, đã có 52.805 lượt ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục