Một số điểm mới của Luật Hôn nhân và Gia đình

  • Cập nhật: Thứ ba, 10/3/2015 | 2:37:18 PM

YBĐT - Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 19/6/2014 quy định chế độ hôn nhân và gia đình, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015.

Đây là chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử giữa các thành viên gia đình, quy định trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, Nhà nước và xã hội trong việc xây dựng, củng cố chế độ hôn nhân và gia đình, trong đó có một số điểm mới so với Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, cụ thể như sau:

1. Về độ tuổi kết hôn

Điều 8, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định, nam, nữ kết hôn với nhau phải bảo đảm các điều kiện về độ tuổi, tính tự nguyện, không bị mất năng lực hành vi dân sự và không thuộc các trường hợp cấm kết hôn. Trong đó, về độ tuổi kết hôn, nam phải từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ phải từ đủ 18 tuổi trở lên.

2. Không thừa nhận việc kết hôn giữa những người cùng giới tính

Tuy theo quy định tại Khoản 2, Điều 5, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 đã bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính nhưng theo Khoản 2, Điều 8, Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính. Để bảo đảm quyền kết hôn giữa nam, nữ theo Hiến pháp, Luật không cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính nhưng cũng không thừa nhận việc kết hôn giữa những người cùng giới tính với nhau.

3. Cụ thể hóa việc xác lập tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng trong một số trường hợp

Điều 43, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định, trường hợp tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng được xem là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân được xem là tài sản chung; trừ trường hợp phân chia tài sản chung của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng sau khi phân chia được xem là tài sản riêng; đối với quyền sử dụng đất có được sau khi kết hôn được xem là tài sản chung; đối với quyền sử dụng đất có được sau khi kết hôn từ việc thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch từ tài sản riêng được xem là tài sản riêng.

4. Thừa nhận chế định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

Điều 95, Điều 96 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định, việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải thực hiện trên cơ sở tự nguyện giữa các bên và được lập thành văn bản; thỏa thuận bằng văn bản giữa các bên phải được công chứng. Bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải bảo đảm các điều kiện như: có xác nhận của tổ chức y tế về người vợ không thể mang thai và sinh con, ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; vợ chồng không có con chung và đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

Bên mang thai hộ vì mục đích nhân đạo cũng phải đáp ứng các điều kiện như: là người thân thích cùng hàng bên vợ hoặc bên chồng nhờ người mang thai hộ; từng sinh con và chỉ mang thai hộ một lần; ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế về khả năng mang thai hộ; trường hợp người mang thai hộ có chồng, phải có sự đồng ý bằng văn bản của chồng và đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

5. Bổ sung một số quy định về xác định cha, mẹ, kể cả trong trường hợp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và quyền nhận con

Đối với việc xác nhận cha, mẹ, Điều 88 và Điều 93 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định, trường hợp sinh con trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân và được xem là con chung của vợ, chồng; con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng. Việc xác định cha, mẹ theo quy định này cũng được áp dụng để xác định cha, mẹ trong trường hợp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Trong trường hợp người phụ nữ sống độc thân sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, người phụ nữ đó là mẹ của con được sinh ra.

Việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản không làm phát sinh quan hệ cha, mẹ và con giữa người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi với người con được sinh ra. Trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra.

Về quyền nhận con, Điều 91 bổ sung quy định, cha, mẹ có quyền nhận con, kể cả trong trường hợp con đã chết; trong trường hợp người đang có vợ, chồng mà nhận con, việc nhận con không cần có sự đồng ý của người kia.

Hoàng Anh (Sở Tư pháp)

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị.

Ngày 27/4, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội (lần 2) đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Dự thảo Luật Đất đai hoàn thiện được Chính phủ gửi sang Quốc hội gồm 16 chương, 247 điều, trong đó tăng 3 mục, bổ sung mới 24 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến Nhân dân.

Dự thảo Luật Đất đai hoàn thiện được Chính phủ gửi sang Quốc hội gồm 16 chương, 247 điều, trong đó tăng 3 mục, bổ sung mới 24 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến Nhân dân.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Công tác tổng hợp, tiếp thu ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã được thực hiện công phu, khoa học

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh yêu cầu này khi làm việc với Bộ TN&MT và cơ quan liên quan về tổng hợp, tiếp thu ý kiến nhân dân đối với Luật Đất đai (sửa đổi), chiều 4/4.

Sở TN&MT tỉnh Yên Bái đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Thời gian qua, việc triển khai lấy ý kiến của nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được tỉnh Yên Bái triển khai tích cực, đã có 52.805 lượt ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục