Công điện về việc tăng cường các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2016

  • Cập nhật: Thứ tư, 13/4/2016 | 8:21:28 AM

YênBái - YBĐT - Chủ tịch UBND tỉnh vừa có Công điện số 09/CĐ-UBND ngày 13/4 gửi các ngành, chính quyền địa phương về việc tăng cường các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2016.

Người tiêu dùng cần cẩn trọng trong việc lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng để tránh ngộ độc thực phẩm. (Ảnh minh họa - nguồn HNMO)
Người tiêu dùng cần cẩn trọng trong việc lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng để tránh ngộ độc thực phẩm. (Ảnh minh họa - nguồn HNMO)

Chủ tịch UBND tỉnh vừa có Công điện gửi các sở: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông; Công an tỉnh; ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố về việc tăng cường các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2016. Nội dung Công điện như sau:

Thời gian gần đây, tình hình an toàn thực phẩm diễn biến phức tạp, ngộ độc thực phẩm gia tăng. Trong 04 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã xảy ra 06 vụ ngộ độc tập thể với 170 người mắc, 03 người tử vong; đặc biệt, liên tiếp 2 ngày vừa qua đã xảy ra 02 vụ ngộ độc thực phẩm gây tử vong 03 người tại Trạm Tấu và Văn Chấn.

Để tăng cường biện pháp quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo hạn chế thấp nhất những vụ ngộ độc do thực phẩm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Công an tỉnh, ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ đã nêu tại Kế hoạch số 46/KH-UBND ngày 18/3/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh; đồng thời, triển khai ngay một số nhiệm vụ cụ thể theo sự phân công như sau:

1. Sở Y tế 

- Phối hợp với Công an tỉnh khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân tử vong các trường hợp ngộ độc thực phẩm gây tử vong vừa qua, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương triển khai ngay Đoàn thanh tra liên ngành theo Kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 30/3/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh; trong đó, mở rộng đối tượng thanh tra, đặc biệt là tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể, trường học có học sinh nội trú, bán trú; các đơn vị, địa phương có nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, xảy ra các vụ ngộ độc tập thể kết hợp với công tác hậu kiểm, giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm. 

2. Công an tỉnh

- Kịp thời tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân đối với các trường hợp ngộ độc thực phẩm tập thể, các trường hợp ngộ độc thực phẩm gây tử vong, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo qui định của pháp luật.

3. Sở Công Thương

- Phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường các biện pháp kiểm tra lưu thông hàng hóa, kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, lưu thông, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng trên toàn địa bàn tỉnh, tập trung quyết liệt tại các đầu mối và các tuyến trọng điểm.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các trường có học sinh bán trú, nội trú thực hiện mọi biện pháp để đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học; phối hợp với chính quyền cơ sở tăng cường kiểm soát chất lượng thực phẩm, dịch vụ ăn uống xung quanh trường học; thường xuyên tuyên truyền giáo dục kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm cho học sinh và phụ huynh. Hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm cá nhân trực tiếp đối với các trường hợp ngộ độc thực phẩm xảy ra trong trường học.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Tăng cường quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản nông sản thực phẩm, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm. Quản lý chất lượng, an toàn các loại rau, củ, quả trên thị trường, đặc biệt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản trên các sản phẩm này. Kiểm soát hiệu quả điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm đối với hoạt động sản xuất nông sản, thủy sản; bảo đảm an toàn trong giết mổ, vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm.

6. Sở Thông tin và Truyền thông

- Bám sát các nội dung hoạt động tuyên truyền đã nêu trong Kế hoạch số 46/KH-UBND ngày 18/3/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo các cơ quan truyền thông tăng cường các hoạt động tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm. Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế xây dựng mở đợt tuyên truyền cao điểm về an toàn vệ sinh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng; thường xuyên thông tin về những cảnh báo, hướng dẫn trong sử dụng thực phẩm để người dân nhận biết lựa chọn sử dụng thực phẩm an toàn.

7. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Xác định rõ trách nhiệm của ủy ban nhân dân cấp huyện đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn; chủ động chỉ đạo các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành y tế làm tốt công tác tuyên truyền để người dân biết và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm.

- Huy động các cơ quan chức năng ở địa phương xử lý kịp thời các trường hợp ngộ độc thực phẩm; tăng cường biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là trong tháng hành động Vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2016; xử lý nghiêm đối với các hành vi gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thủ trưởng các cơ quan liên quan, chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung Công điện này. 

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị.

Ngày 27/4, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội (lần 2) đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Dự thảo Luật Đất đai hoàn thiện được Chính phủ gửi sang Quốc hội gồm 16 chương, 247 điều, trong đó tăng 3 mục, bổ sung mới 24 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến Nhân dân.

Dự thảo Luật Đất đai hoàn thiện được Chính phủ gửi sang Quốc hội gồm 16 chương, 247 điều, trong đó tăng 3 mục, bổ sung mới 24 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến Nhân dân.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Công tác tổng hợp, tiếp thu ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã được thực hiện công phu, khoa học

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh yêu cầu này khi làm việc với Bộ TN&MT và cơ quan liên quan về tổng hợp, tiếp thu ý kiến nhân dân đối với Luật Đất đai (sửa đổi), chiều 4/4.

Sở TN&MT tỉnh Yên Bái đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Thời gian qua, việc triển khai lấy ý kiến của nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được tỉnh Yên Bái triển khai tích cực, đã có 52.805 lượt ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục