Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Yên Bái về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát ma tuý trên địa bàn tỉnh

  • Cập nhật: Thứ hai, 26/12/2016 | 5:17:40 PM

YênBái - YBĐT - Ngày 21/12, Tỉnh uỷ Yên Bái ra Chỉ thị số 13/CT-TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát ma tuý trên địa bàn tỉnh. Sau đây là nội dung Chỉ thị:

Điều trị cai nghiện bằng Methadone cho bệnh nhân ở Yên Bái. (Ảnh minh hoạ)
Điều trị cai nghiện bằng Methadone cho bệnh nhân ở Yên Bái. (Ảnh minh hoạ)

Trong những năm qua, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về tệ nạn ma tuý được các cấp uỷ, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; bước đầu tạo được chuyển biến tích cực, góp phần kiềm chế gia tăng một số loại tội phạm, đảm bảo giữ vững an ninh - chính trị, trật tự - an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình hình tội phạm và tệ nạn ma tuý trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng; thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma tuý ngày càng tinh vinh, manh động gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh triệt phá; một bộ phận nhân dân, nhất là thanh, thiếu niên chưa nhận thức rõ tác hại của ma tuý, đặc biệt là ma tuý tổng hợp và các chất hướng thần giới; người nghiện ma tuý tăng nhanh; việc cai nghiện ma tuý tự nguyện hiệu quả chưa cao; công tác phối hợp lập hồ sơ đưa người nghiện ma tuý đi cai nghiện bắt buộc và quản lý sau cai còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc...

Để tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn trong công tác phòng, chống, kiểm soát ma tuý và làm tốt công tác đưa người nghiện ma tuý vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, tiến tới ngăn chặn và đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma tuý trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ yêu cầu các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Cần xác định rõ công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục, lâu dài, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các cấp uỷ, sự quản lý của chính quyền, huy động sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân tham gia. Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 95/KL-TW, ngày 2/4/2014 của Ban Bí thư “Về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 21/TW của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý trong tình hình mới”; Chương trình hành động số 93/CTr/TU ngày 21/1/2015 của Tỉnh uỷ về thực hiện Kết luận số 95-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá XI); Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma tuý tỉnh Yên Bái đến năm 2020; Kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma tuý trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 và các văn bản khác có liên quan của Trung ương, của tỉnh tới cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

2. Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền về công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma tuý; chú trọng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền miệng, sinh hoạt của các tổ chức đảng, đoàn thể nhân dân ở cơ sở theo hướng dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện..., tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về tác hại của ma tuý và công tác phòng, chống tệ nạn ma tuý đến từng tổ dân phố, thôn, bản, từng gia đình và mọi tầng lớp nhân dân; tập trung các đối tượng có nguy cơ cao mắc nghiện ma tuý, thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên, nhân dân vùng sâu, vùng xa để mọi người biết, phòng ngừa và tự giác chấp hành nghiêm túc những quy định của pháp luật về phòng, chống ma tuý. Đối với chi đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, tổ dân phố, thôn, bản phải đưa nội dung tuyên truyền về công tác phòng, chống ma tuý vào các buổi sinh hoạt, cuộc họp định kỳ.

3. Tiến hành rà soát, cập nhật danh sách các đối tượng sử dụng ma tuý lần đầu, đối tượng nghiện, tái nghiện, đang cai nghiện tại Trung tâm Chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội; đối tượng nghiện từ Trung tâm Chữa bệnh - giáo dục - lao động, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng mới trở về địa phương; đối tượng nghiện ma tuý có hoạt động phạm tội về ma tuý, tội phạm hình sự, đối tượng phạm tội về ma tuý đã mãn hạn tù trở về địa phương...; đối tượng nghiện ma tuý ở địa phương khác tạm trú trên địa bàn của từng xã, phường, thị trấn. Trên cơ sở đó, có các giải pháp cụ thể, phù hợp trong công tác cai nghiện đối với từng đối tượng. Đồng thời, khẩn trương xây dựng, ban hành quy chế phối hợp việc lập hồ sơ, đề nghị đưa đối tượng đi cơ sở cai nghiện theo Luật Xử lý vi phạm hành chính.

4. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các đơn vị, địa phương với các ngành chức năng, đặc biệt là Công an, Viện Kiểm sát, Toà án, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc thực hiện đồng bộ 3 giải pháp: (1) Tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa; (2) Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma tuý; (3) Đưa người nghiện đi cai nghiện tập trung vào làm tốt công tác quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng.

5. Đảng uỷ Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng công an các cấp, nhất là lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, lực lượng cảnh sát khu vực và phụ trách  xã tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh triệt phá các đường dây, các điểm tệ nạn ma tuý trên địa bàn tỉnh; phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội vận động nhân dân tích cực tham gia phòng chống ma tuý ở cơ sở, triệt phá diện tích trồng cây thuốc phiện, tăng cường quản lý địa bàn và đối tượng có nguy cơ cao về tệ nạn ma tuý, nhất là nguy cơ đối tượng nghiện tham gia mua, bán, vận chuyển ma tuý.

6. Các ngành: Công an, Kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân tăng cường phối hợp trong phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án các vụ án ma tuý; kiên quyết xử lý những tổ chức, cá nhân vi phạm về sản xuất, chế biến, kinh doanh, mua bán, sử dụng trái phép các chấp ma tuý, nhất là ma tuý tổng hợp, ma tuý “đá”. Chú trọng đến việc giám định, xác định hàm lượng ma tuý theo quy định của pháp luật; xử lý nghiêm khắc, hạn chế tối đa cho bị can, bị cáo được tại ngoại, được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ; hạn chế áp dụng các tình tiết giảm nhẹ để xét xử dưới khung hình phạt; hạn chế xét giảm án hàng năm và đưa vào xét đặc xá; tăng cường xét xử lưu động đối với tội phạm về ma tuý. Tăng cường công tác quản lý hành chính về an ninh trật tự, quản lý cư trú, lưu trú; quản lý chặt chẽ các ngành nghề kinh doanh như: quán bar, quán karaoke, khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ..., không để đối tượng lợi dụng các cơ sở, dịch vụ này để mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý.

7. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh có liên quan đến các chất ma tuý, chất gây nghiện, chất hướng thần, tiền chất ma tuý trên địa bàn, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, không để các đối tượng sử dụng để sản xuất trái phép chất ma tuý. Quản lý chặt chẽ hoạt động của các cơ sở điều trị Methadone đảm bảo đúng quy định, không để xảy ra thất thoát Methadone ra ngoài gây hậu quả xấu.

8. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; lồng ghép công tác phòng, chống ma tuý với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, xây dựng xã, phường, thôn, bản, tổ dân phố lành mạnh, không có tệ nạn ma tuý. Xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến về phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma tuý.

9. Người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị phải kiểm điểm, chịu trách nhiệm trước cấp trên nếu để xảy ra tệ nan ma tuý phức tạp gây bức xúc trong dư luận, tăng số người nghiện mới trên địa bàn thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý.

10. Ban cán sự Đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo: Rà soát đội ngũ, cơ sở vật chất và kiện toàn tổ chức, bộ máy Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội của tỉnh để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Xây dựng, ban hành quy chế phối hợp việc lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma tuý theo Luật Xử lý vi phạm hành chính; nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ đặc thù về chế độ cho cán bộ làm công tác cai nghiện ma tuý và cán bộ tham gia truy bắt, xét xử, đưa người nghiện ma tuý đi cai nghiện bắt buộc; nghiên cứu, đề xuất cơ chế khuyến khích người tố giác, cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng về các hoạt động liên quan đến tội phạm và tệ nạn ma tuý.

11. Giao Ban Nội chính Tỉnh uỷ chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Đảng uỷ Công an tỉnh đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này, định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.

Chỉ thị này phổ biến đến chi bộ Đảng.

                                                  T/M Ban Thường vụ
                                                      Bí thư
                                                  PHẠM THỊ THANH TRÀ

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị.

Ngày 27/4, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội (lần 2) đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Dự thảo Luật Đất đai hoàn thiện được Chính phủ gửi sang Quốc hội gồm 16 chương, 247 điều, trong đó tăng 3 mục, bổ sung mới 24 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến Nhân dân.

Dự thảo Luật Đất đai hoàn thiện được Chính phủ gửi sang Quốc hội gồm 16 chương, 247 điều, trong đó tăng 3 mục, bổ sung mới 24 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến Nhân dân.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Công tác tổng hợp, tiếp thu ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã được thực hiện công phu, khoa học

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh yêu cầu này khi làm việc với Bộ TN&MT và cơ quan liên quan về tổng hợp, tiếp thu ý kiến nhân dân đối với Luật Đất đai (sửa đổi), chiều 4/4.

Sở TN&MT tỉnh Yên Bái đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Thời gian qua, việc triển khai lấy ý kiến của nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được tỉnh Yên Bái triển khai tích cực, đã có 52.805 lượt ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục