Kết luận của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới

  • Cập nhật: Thứ ba, 24/1/2017 | 8:40:02 AM

Văn phòng Trung ương Đảng vừa có văn bản số 3211-CV/VPTW về việc công bố Kết luận số 11-KL/TW, ngày 19/01/2017 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 08 của Ban Bí thư khoá XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) trong tình hình mới. Sau đây là toàn văn nội dung Kết luận số 11-KL/TW của Ban Bí thư như sau:

Vừa qua, sau khi nghe Ban Tuyên giáo Trung ương báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW, ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư khoá XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới (sau đây gọi tắt là Chỉ thị 08), Ban Bí thư đã thảo luận và kết luận như sau:

Sau 5 năm thực hiện, Chỉ thị 08 đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng: Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về ATTP đã chuyển biến mạnh. Công tác quản lý nhà nước và bảo đảm ATTP có tiến bộ. Đã hình thành một số mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn; một số doanh nghiệp lớn đầu tư sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Nhiều hàng hoá thực phẩm sản xuất trong nước đạt chuẩn quốc tế về ATTP.

Tuy nhiên, tình trạng mất ATTP trở thành vấn đề rất lớn, gây bức xúc, lo lắng toàn xã hội; là nguy cơ nghiêm trọng hằng ngày, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, an toàn sinh mạng của từng người dân, đến giống nòi dân tộc và sự phát triển bền vững đất nước.

Công tác quản lý nhà nước về ATTP vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập cả về thể chế và thực thi pháp luật. Một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin không chính xác, thiếu căn cứ khoa học, tác động rất tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh và niềm tin của nhân dân về thực phẩm an toàn ở nước ta.

Những hạn chế, bất cập, yếu kém nói trên có nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân chủ yếu là: Một số cấp uỷ, tổ chức đảng chưa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm ATTP. Thể chế, chính sách về bảo đảm ATTP chưa phù hợp, thiếu đồng bộ; chế tài chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa có hiệu quả vi phạm về ATTP, nhất là chưa chú ý xem xét, xử lý cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm để xảy ra vi phạm.

Để phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục dứt điểm những hạn chế, bất cập nói trên, bảo đảm ATTP trong thời gian tới, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân các cấp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 08; đồng thời quán triệt, thực hiện tốt các quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp sau:

1- ATTP có tầm quan trọng sống còn đối với sức khoẻ, hạnh phúc của từng người dân, giống nòi dân tộc và sự phát triển đất nước ta; trở thành thách thức an ninh phi truyền thống.

Phấn đấu sớm đạt mục tiêu: Tất cả thực phẩm được sản xuất, kinh doanh, lưu thông và tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam đều là thực phẩm an toàn.

Bảo đảm ATTP là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, vừa cấp bách, vừa lâu dài của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, trước hết là của người đứng đầu; là chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm ở các cấp.

Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền từ Trung ương đến cơ sở phải kiên trì, kiên quyết lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Toàn hệ thống chính trị và toàn dân, nhất là đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp và từng hộ gia đình, từng người dân cần chủ động, sáng tạo, tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ này.

Người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm ATTP trên địa bàn; đồng thời, phát huy mạnh mẽ vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân các cấp và các phương tiện truyền thông để bảo đảm ATTP ở tất cả các khâu từ sản xuất, kinh doanh, chế biến đến tiêu dùng.

2- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, của doanh nghiệp, của nhân dân về ATTP, về các chủ trương, chính sách, pháp luật và những kiến thức cần thiết về ATTP; khơi dậy và phát huy tính trung thực, đạo đức kinh doanh, ý thức trách nhiệm vì cộng đồng của từng doanh nghiệp, từng doanh nhân, từng hộ gia đình và từng người dân để bảo đảm ATTP, nhất là trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể nhân dân, các hiệp hội và hội nghề nghiệp trong công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục về ATTP.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân Dân, các đài phát thanh, truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các báo, đài khác có kênh, chương trình truyền thông chuyên đề, chuyên mục về ATTP theo hướng đa dạng, hấp dẫn, có sức thuyết phục, phù hợp với trình độ, nhu cầu của người dân ở từng vùng, miền; biểu dương các điển hình tiên tiến trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn; đẩy mạnh quảng bá các thương hiệu mạnh của quốc gia về ATTP; công bố tên, địa chỉ những doanh nghiệp, hộ kinh doanh, sản phẩm hàng hoá vi phạm ATTP.

Xử lý nghiêm minh theo pháp luật những tổ chức, cá nhân đưa tin sai sự thật, không chính xác về ATTP, tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh và niềm tin của nhân dân về thực phẩm an toàn ở nước ta.

3- Tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế, trước hết là với các nước láng giềng để bảo đảm an toàn thực phẩm; kiểm soát chặt chẽ hoá chất bảo vệ thực vật, các chất cấm trong sản xuất thực phẩm và thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam, nhất là qua đường tiểu ngạch.

Đẩy mạnh việc ký kết các điều ước, thoả thuận quốc tế về công nhận lẫn nhau trong lĩnh vực thực phẩm để thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá thực phẩm Việt Nam vào các nước có quy định tiêu chuẩn kỹ thuật cao.

4- Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP.

Ban cán sự đảng Chính phủ sớm chỉ đạo tổng kết việc thi hành Luật An toàn thực phẩm để trình Quốc hội sửa đổi, ban hành Luật mới cho phù hợp; trên cơ sở đó, chỉ đạo nghiên cứu đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về ATTP đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; đồng thời chỉ đạo hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp để bảo đảm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ATTP.

Hoàn thiện bộ tiêu chuẩn quốc gia về ATTP theo tiêu chí tiên tiến thế giới.

Tăng cường, phân định rõ trách nhiệm của các ngành chức năng từ Trung ương đến cơ sở trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các khâu sản xuất, chế biến, nhập khẩu thực phẩm trước khi đưa vào lưu thông và tiêu dùng; đồng thời có những biện pháp phù hợp, kiên quyết để phòng, chống nạn hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng nhái đang lưu thông trên thị trường. Bổ sung các chế tài cần thiết, bảo đảm xử phạt nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm ATTP.

Các cơ quan quản lý nhà nước về ATTP có trách nhiệm cung cấp kịp thời, chính xác các thông tin về ATTP, về các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vi phạm ATTP để công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Chú trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực, phẩm chất và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về ATTP.

5- Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật khuyến khích phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, xanh và sạch; khuyến khích đầu tư sản xuất, chế biến thực phẩm với quy mô lớn theo chuỗi sản xuất bảo đảm ATTP; đổi mới công nghệ sản xuất thực phẩm, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng thương hiệu, phát triển hệ thống cung cấp thực phẩm an toàn.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư, tham gia xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, kiểm nghiệm và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật bảo đảm ATTP.

6- Về tổ chức thực hiện

Các tỉnh uỷ, thành uỷ, các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương và cấp uỷ, chính quyền các cấp có trách nhiệm lãnh đạo tổ chức quán triệt, xây dựng chương trình và kế hoạch cụ thể thực hiện Kết luận này.

Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Y tế và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện Kết luận này, định kỳ báo cáo Ban Bí thư.

(Theo HNMO)

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị.

Ngày 27/4, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội (lần 2) đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Dự thảo Luật Đất đai hoàn thiện được Chính phủ gửi sang Quốc hội gồm 16 chương, 247 điều, trong đó tăng 3 mục, bổ sung mới 24 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến Nhân dân.

Dự thảo Luật Đất đai hoàn thiện được Chính phủ gửi sang Quốc hội gồm 16 chương, 247 điều, trong đó tăng 3 mục, bổ sung mới 24 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến Nhân dân.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Công tác tổng hợp, tiếp thu ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã được thực hiện công phu, khoa học

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh yêu cầu này khi làm việc với Bộ TN&MT và cơ quan liên quan về tổng hợp, tiếp thu ý kiến nhân dân đối với Luật Đất đai (sửa đổi), chiều 4/4.

Sở TN&MT tỉnh Yên Bái đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Thời gian qua, việc triển khai lấy ý kiến của nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được tỉnh Yên Bái triển khai tích cực, đã có 52.805 lượt ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục