Xu thế ủng hộ hàn gắn quan hệ Nga - EU

  • Cập nhật: Thứ ba, 24/5/2016 | 8:34:13 AM

Gần hai năm sau khi áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga liên quan cuộc khủng hoảng tại miền đông U-crai-na, tháng 6 tới, các nhà lãnh đạo phương Tây tiếp tục thảo luận khả năng tiếp tục gia hạn lệnh trừng phạt trên. Do phải gánh chịu những tổn thất kinh tế nặng nề, nhiều nước châu Âu đang muốn hàn gắn quan hệ với Mát-xcơ-va.

Người dân châu Âu mua nông sản ủng hộ nông dân bị thiệt hại do lệnh cấm vận của Nga
Người dân châu Âu mua nông sản ủng hộ nông dân bị thiệt hại do lệnh cấm vận của Nga

Quốc hội Pháp mới đây đã thông qua nghị quyết kêu gọi chính phủ nước này phản đối gia hạn các biện pháp trừng phạt chống Nga liên quan cuộc xung đột tại miền đông U-crai-na.

Tuy chỉ là nghị quyết mang tính khuyến nghị, không buộc chính quyền Pa-ri phải hành động tuân thủ nhưng động thái trên cho thấy, xu thế ủng hộ hàn gắn quan hệ với Nga đang gia tăng tại châu Âu. Nghị quyết nhấn mạnh, các lệnh trừng phạt của EU nhằm vào Nga thiếu hiệu quả, không những không thúc đẩy giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay ở U-crai-na mà còn trở thành gánh nặng cho Pa-ri.

Theo nghị sĩ T.Ma-ri-a-ni, thành viên Ủy ban Đối ngoại Hạ viện và là đồng Chủ tịch Hiệp hội Đối thoại Pháp - Nga, các biện pháp trừng phạt đã gây thiệt hại nghiêm trọng đối với kinh tế Pháp, trong đó nền nông nghiệp vốn được xem là niềm tự hào của Pháp cũng rơi vào cảnh lao đao. Hoạt động giao thương với Nga bị đình trệ khiến giá nhiều mặt hàng nông sản chủ lực như thịt lợn và sữa “lao dốc”. Các cuộc biểu tình quy mô lớn của nông dân liên tục diễn ra không chỉ ở phạm vi địa phương mà lan rộng trên cả nước. Theo thống kê chính thức của Pháp, trước khi lệnh trừng phạt có hiệu lực vào năm 2014, Nga là thị trường xuất khẩu lớn của khoảng bảy nghìn doanh nghiệp Pháp.

Bên cạnh đó, nhiều nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) cũng đang “đứng ngồi không yên” trước những tác động tiêu cực của các biện pháp đáp trả của Nga đối với nền kinh tế châu Âu. Trong khi kinh tế Nga gặp khó khăn, thì EU cũng phải trả cái giá khá đắt.

Theo Copa-Cogeca, liên đoàn đại diện cho lợi ích của nông dân châu Âu, Nga là một trong những thị trường tiêu thụ sữa lớn nhất của châu Âu, điểm đến của 32% lượng pho-mát và 24% lượng bơ xuất khẩu của EU. Nghị viện châu Âu (EP) tuyên bố, lệnh cấm nhập khẩu nông sản của Nga khiến ít nhất 9,5 triệu hộ nông dân bị ảnh hưởng. Châu Âu liên tiếp đưa ra những giải pháp ngắn hạn nhằm hỗ trợ nông dân bị ảnh hưởng do lệnh cấm nhập khẩu từ Nga.

Các gói hỗ trợ lên đến hơn một tỷ ơ-rô chỉ như muối bỏ bể khi người nông dân vẫn phải chật vật đối phó cuộc khủng hoảng nông sản. Giải pháp gốc rễ là tìm thị trường tiêu thụ nông sản thay thế Nga lại không phải việc dễ dàng. Viện Nghiên cứu kinh tế Áo (WIFO) cảnh báo, nếu các biện pháp trừng phạt tiếp diễn, nền kinh tế châu Âu có thể thiệt hại lên đến 92 tỷ ơ-rô trong vài năm tới. Trong đó, các nước có kim ngạch thương mại lớn với Nga như Đức sẽ chịu ảnh hưởng mạnh nhất.

Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi nhiều quốc gia châu Âu đang có xu hướng hàn gắn quan hệ với Nga, nhằm tránh những tổn thất nặng nề từ cuộc chiến trừng phạt lẫn nhau. Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Hy Lạp N.Cơ-xi-đa-kít mới đây khẳng định, tại cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo EU vào tháng 6 tới, A-ten sẽ phản đối gia hạn lệnh trừng phạt của Brúc-xen nhằm vào Mát-xcơ-va. Theo hãng thăm dò ý kiến Gallup, chỉ 11% số người dân Hy Lạp ủng hộ lệnh trừng phạt Nga, trong khi có đến 45% khẳng định, những biện pháp trừng phạt trên tác động tiêu cực đối với nền kinh tế nước này.

Bên cạnh đó, I-ta-li-a, CH Síp, Hung-ga-ri cũng bày tỏ hoài nghi tác dụng của các biện pháp trừng phạt, đồng thời mong muốn xích lại gần Nga nhằm đối phó “kẻ thù chung” là tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và nỗ lực tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột tại Xy-ri.
Những biện pháp trừng phạt kinh tế Nga trong các lĩnh vực năng lượng, ngân hàng và quốc phòng sẽ hết hạn vào tháng 7 tới. Trong bối cảnh xu thế ủng hộ hợp tác với Nga ngày càng gia tăng, các chuyên gia cho rằng, quyết định có gia hạn hay không các biện pháp trừng phạt kinh tế chống Mát-xcơ-va sẽ gây nhiều tranh cãi gay gắt giữa các nước EU.

(Theo NDĐT)

Các tin khác
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chuyến thăm căn cứ Torzhok hôm 27/3.

Đây là khẳng định của Tổng thống Nga Putin khi nhắc đến việc một số nước NATO cam kết chuyển giao tiêm kích F-16 cho Ukraine trong thời gian tới.

Việc thông qua dự luật đánh dấu một bước quan trọng trong nỗ lực củng cố vị thế của Thái Lan.

Hạ viện Thái Lan ngày 27/3 đã thông qua dự luật Hôn nhân đồng giới sau phiên thảo luận cuối cùng, đánh dấu bước ngoặt đưa Thái Lan trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới.

Ngày 27-3, Đại sứ từ các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận gia hạn nhập khẩu thực phẩm miễn thuế từ Ukraine, với “cách tiếp cận cân bằng giữa hỗ trợ Ukraine và bảo vệ thị trường nông sản EU”, Reuters dẫn nguồn tin từ Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU cho biết.

Ngày 28-3 (giờ Việt Nam), hãng tin Reuters dẫn phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, một nhóm chuyên trách sẽ họp để đánh giá vụ sập cầu và tìm cách nối lại hoạt động cảng tại Baltimore (bang Maryland).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục