Nhật Bản và EU ký Thỏa thuận thương mại tự do: Bước tiến đáng chờ đợi!

  • Cập nhật: Thứ bảy, 21/7/2018 | 8:49:20 AM

Hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) đã ký kết Thỏa thuận thương mại tự do (JEFTA) tại Tokyo.

Tokyo và Brussels quyết tâm dẫn đầu xu thế thương mại tự do.
Tokyo và Brussels quyết tâm dẫn đầu xu thế thương mại tự do.

Sự kiện được chờ đợi này diễn ra trong bối cảnh ngày càng xuất hiện những lo ngại về sự lan rộng của khuynh hướng bảo hộ thương mại xuất phát từ chính sách "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Mỹ Donald Trump.  

Trong cuộc họp báo chung, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tuyên bố ký kết này không chỉ là thông điệp mạnh mẽ về tương lai của thương mại tự do và công bằng, mà còn thể hiện rằng thương mại không chỉ là thuế quan hay rào cản, mà cốt lõi là ở những giá trị đem lại và việc tìm kiếm giải pháp sao cho các bên cùng có lợi. Chia sẻ quan điểm trên, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho rằng, việc ký kết thỏa thuận thể hiện quyết tâm chính trị không thể lay chuyển của Tokyo và Brussels đối với mục tiêu dẫn đầu xu thế thương mại tự do, cũng như dẫn dắt thế giới đi theo hướng này.

Thực tế, quá trình đàm phán JEFTA đã được hai bên xúc tiến từ năm 2013, trước khi tiến tới thỏa thuận nguyên tắc tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhật Bản - EU hồi tháng 7-2017 và thỏa thuận cuối cùng vào tháng 12-2017. Khi có hiệu lực, JEFTA sẽ tạo ra một trong những khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, chiếm tới gần 1/3 GDP toàn cầu, với khoảng 600 triệu dân ở 29 quốc gia. Thông qua thỏa thuận, Nhật Bản nhắm tới xóa bỏ thuế quan đối với các sản phẩm chủ lực như ô tô và đồ điện tử, cùng với việc hạ rào cản pháp lý với các doanh nghiệp của nước này đang hoạt động tại Lục địa già. Về phần mình, EU mong muốn mở rộng khả năng tiếp cận thị trường nông sản tại Nhật Bản. Theo EU, kim ngạch thương mại song phương giữa khối này với nền kinh tế số 3 thế giới đã lên tới 152 tỷ USD trong năm 2017 và tự do hóa thương mại sẽ mở ra cơ hội nâng con số này lên cao hơn đáng kể trong những năm tới.

Từ nay tới cuối năm, JEFTA cần được trình lên Quốc hội Nhật Bản và Nghị viện châu Âu để kịp có hiệu lực trong năm 2019. Lộ trình này được giới chuyên môn đánh giá là sẽ suôn sẻ. Hiện nay, số liệu của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho thấy, hàng hóa của EU chỉ đối mặt với mức thuế trung bình khá thấp, khoảng 1,6% khi vào Nhật Bản, trong khi con số ngược lại là 2,9%. Do đó, JEFTA tuy vẫn có thể giúp các doanh nghiệp giảm hàng tỷ USD tiền thuế, nhưng sẽ không gây ra nhiều xáo trộn. Mặt khác, văn kiện không nhất thiết phải được tất cả các nước EU thông qua, nên sẽ không phải đối mặt với những rủi ro giống như Thỏa thuận thương mại tự do giữa EU và Canada do vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Italia.

Dĩ nhiên, việc EU và Nhật Bản bắt tay với nhau sẽ tác động không nhỏ tới các doanh nghiệp ở các thị trường khác, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc. Cao ủy phụ trách thương mại EU Cecilia Malmstrom cũng tiết lộ, Brussels từng để ngỏ khả năng hạ một số loại thuế và hợp tác với Mỹ, nhưng Washington đã "đóng sầm cửa” với mọi đàm phán, áp thuế mạnh tay với thép và nhôm của EU, đồng thời đe dọa tăng thuế đối với xe ô tô từ khối này. Bản thân châu Âu và Trung Quốc cũng có những căng thẳng thương mại trong thời gian qua.

Nhìn chung, việc EU và Nhật Bản ký kết JEFTA chắc chắn dẫn tới thay đổi lớn trong bức tranh kinh tế thế giới và tạo ra mắt xích móc nối nhiều khu vực thương mại tự do với nhau. Khi toàn cầu hóa đang đứng trước nhiều thách thức, sự hợp tác giữa các quốc gia không chỉ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và mang đến hàng trăm nghìn việc làm mới mà còn tiếp tục tạo ra lối đi cần thiết cho thương mại tự do.

(Theo HNMO)

Các tin khác
Một học sinh tại Manila lấy cặp để che đầu khi đến trường dưới thời tiết nắng nóng

Với mỗi lớp học chỉ vỏn vẹn có một hai chiếc quạt nhỏ, 7.000 trường công lập tại Philippines chuyển sang học trực tuyến do thời tiết nắng nóng lên đến 44 độ C.

Phối cảnh thủ đô mới của Indonesia tại Nusantara.

Ngày 24-4, Tổng thống đắc cử Indonesia Prabowo Subianto tuyên bố sẽ nỗ lực vì lợi ích của mọi người dân Indonesia và kêu gọi tinh thần đoàn kết chung để đưa đất nước tiến lên.

Quang cảnh một phiên họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tại New York, Mỹ ngày 29/11/2023.

Dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc không triển khai vũ khí trong không gian vũ trụ nhận được 13 phiếu thuận, trong khi Nga phủ quyết và Trung Quốc bỏ phiếu trắng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Tổng thống Joe Biden mới đây đã ký ban hành gói viện trợ quân sự nước ngoài, bao gồm 61 tỷ USD hỗ trợ Ukraine.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục