Nga và phương Tây "so găng" trên bàn đàm phán, Ukraine lo nguy cơ bị tấn công

  • Cập nhật: Chủ nhật, 16/1/2022 | 8:10:21 AM

Nhiều chuyên gia tại Ukraine lo ngại một cuộc tấn công thực sự sẽ xảy ra sau khi các cuộc đàm phán giữa Nga với phương Tây không mang lại kết quả.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tại cuộc đàm phán an ninh.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tại cuộc đàm phán an ninh.

Thất bại trong các cuộc đàm phán ngoại giao suốt 1 tuần qua nhằm giải quyết những vấn đề liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine đã đặt Nga, Mỹ và NATO vào một tình thế chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh, đồng thời tạo ra thách thức lớn đối với nỗ lực của các bên nhằm tránh một cuộc đối đầu trực diện có khả năng dẫn đến thảm họa.

Không bên nào muốn tỏ ra yếu thế

Khác với những bất đồng từng nảy sinh kể từ khi Liên Xô tan rã, cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay và những mâu thuẫn dường không thể gạt bỏ giữa Washington và Moscow có nguy cơ làm bùng phát chiến tranh kinh tế hoặc xung đột quân sự do tính toán sai lầm và phản ứng thái quá giữa các bên liên quan.

Đối với Mỹ, NATO và nhiều nước châu Âu, không hành động nào có thể thể hiện thiện chí của Nga trong các cuộc đàm phán hơn việc nước này rút toàn bộ lực lượng, ước tính lên đến 100.000 binh sỹ tại khu vực gần biên giới với Ukraine. Còn với Nga, việc phương Tây thẳng thừng từ chối xem xét yêu cầu NATO không mở rộng về phía Đông và rút quân khỏi Đông Âu giống như một "cú vỗ vào mặt”.

Khả năng nhượng bộ trong các cuộc đàm phán rất khó xảy ra bởi cả Tổng thống Putin và Tổng thống Joe Biden đều không muốn bị xem là "yếu thế” trước đối thủ khi sự kiện này thu hút cả dư luận trong nước lẫn nước ngoài.

Việc mỗi bên từ chối chấp nhận những yêu cầu mà bên kia cho là "phi thực tế” đã làm lu mờ triển vọng tìm kiếm một giải pháp ngoại giao. Trong khi đó, Mỹ và đồng minh tiếp tục cáo buộc Nga đang tìm cách tấn công Ukraine, còn Moscow cáo buộc Washington mới là "kẻ gây hấn”. Một số nhà phân tích cho rằng tình hình sẽ còn trở nên tồi tệ hơn trước khi sự bế tắc được khai thông.

Fyodor Lukyanov, nhà phân tích chính sách đối ngoại nổi tiếng của Nga nhận xét: "Do sự khác biệt giữa các bên quá lớn nên vòng xoáy căng thẳng mới có thể là điều cần thiết để Nga và Mỹ mở rộng suy luận và tìm kiếm các thỏa thuận”.

Đối với các nhà phân tích phương Tây, trong tình huống đó, ông Putin sẽ phải thỏa hiệp nếu muốn tránh xung đột. Một số người thậm chí nghĩ rằng, sự tập trung của Nga vào NATO, xuất phát từ mối lo ngại suốt nhiều năm qua về kế hoạch mở rộng của liên minh này, có thể mang lại cho NATO cơ hội mới.

Jeff Rathke, một chuyên gia về châu Âu tại Đại học Johns Hopkins nhận xét: "Đây là giai đoạn cực kỳ bất ổn và căng thẳng, dường như không có lối thoát rõ ràng trừ khi ông Putin nhượng bộ”.

"Tổng thống Putin đã tự đặt ông vào một tình thế khó khăn, rất khó tìm đường lui nếu ông ấy không thể vẽ lại cấu trúc an ninh châu Âu mà ông ấy mong muốn. Ông ấy sẵn sàng thực hiện bước đi táo bạo về mặt quân sự để có được điều đó. Hành động của ông đã thu hút được sự chú ý nhưng lại không làm thay đổi quan điểm của bất cứ bên nào”, chuyên gia Jeff Rathke nói.

Về phía Mỹ, từ Tổng thống Biden, Ngoại trưởng Antony Blinken, Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan và trưởng đoàn đàm phán Wendy Sherman đều khẳng định Nga phải đối mặt với "một sự lựa chọn rõ ràng”: Giảm leo thang căng thẳng hoặc đối mặt với các lệnh trừng phạt và chứng kiến điều nước này không mong muốn là NATO tăng cường hiện diện ở Đông Âu hoặc Ukraine được trang bị vũ khí tốt hơn.

Nhưng Nga lại có quan điểm trái ngược. Moscow coi những yêu cầu mà mình đưa ra là "lằn ranh đỏ” và lập luận việc phương Tây không đáp ứng được những yêu cầu này khiến các cuộc đàm phán đi chệch hướng.

Moscow sẽ phản ứng mạnh mẽ hơn

Ngoại trưởng Sergey Lavrov ngày 14/1 cho rằng, nỗ lực của Nga suốt nhiều năm qua nhằm thuyết phục Mỹ và đồng minh tham gia đàm phán về việc không triển khai tên lửa tầm trung tại châu Âu, hạn chế tập trận và nhất trí về những quy tắc tránh cuộc đụng độ nguy hiểm giữa lực lượng của Nga với lực lượng của Mỹ, NATO, đã trở nên vô ích.

Nhà ngoại giao này khẳng định, sở dĩ Nga phải thay đổi cách tiếp cận là bởi Mỹ đã chuyển sự chú ý ra khỏi các yêu cầu chính của Nga, trong đó có yêu cầu NATO không mở rộng về phía Đông. Ông nhấn mạnh, Mỹ đang cố gắng thể hiện lập trường cứng rắn trong các cuộc đàm phán và những đồng minh khác chỉ hành động theo nước này.

"Thành thật mà nói, mọi người đều hiểu rằng triển vọng đạt được một thỏa thuận phụ thuộc vào Mỹ”. Ông Lavrov lưu ý, việc Mỹ nói về sự cần thiết phải tham khảo ý kiến đồng minh trong các cuộc đàm phán chỉ là "cái cớ để khiến tiến trình này đi chệch hướng”.

Với việc các bên khăng khăng bảo vệ quan điểm của mình và không chịu nhượng bộ, đàm phán rơi vào bế tắc là điều dễ hiểu. Lập trường cứng rắn và không khoan nhượng của Nga khiến một số người cho rằng, nước này sẽ phản ứng mạnh mẽ hơn khi bị Mỹ và NATO từ chối các yêu cầu.

Trưởng đoàn đàm phán của Nga - Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov tuyên bố, Moscow có thể đáp trả những lời từ chối bằng cách gây lo ngại cho châu Âu thông qua việc triển khai quân tới Cuba và Venezuela. Mỹ đã cho đây là kế hoạch "sai lầm" và tuyên bố sẽ đáp trả dứt khoát nếu điều đó xảy ra.

Trong một bài bình luận trực tuyến, ông Dmitri Trenin, người đứng đầu Trung tâm Carnegie Moscow cho rằng: "Việc thiếu một giải pháp ngoại giao sẽ khiến cuộc khủng hoảng thêm trầm trọng hơn”.

Ông dự đoán rằng "các biện pháp quân sự-kỹ thuật" mà Tổng thống Putin nói rằng Nga sẽ thực hiện nếu phương Tây từ chối các yêu cầu của Nga có thể bao gồm "một loạt hành động từ triển khai các hệ thống vũ khí mới ở nhiều khu vực đến tăng cường hợp tác quân sự với Belarus và Trung Quốc”.

Điều gì sẽ xảy ra với Ukraine?

Nhiều chuyên gia tại Ukraine lo ngại một cuộc tấn công thực sự sẽ xảy ra sau khi các cuộc đàm phán giữa Nga với phương Tây không mang lại kết quả. Nhà phân tích chính sách đối ngoại Jevhen Mahda lưu ý: "Tôi dự đoán bước tiếp theo của Nga sẽ là khiến tình hình trở nên căng thẳng hơn”, đồng thời cho rằng Ukraine nên chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Còn Cựu Ngoại trưởng Ukraine Wolodymyr Ohrysko đã kêu gọi phương Tây cung cấp thêm vũ khí cho nước này.

Vậy Moscow đang gửi đi những tín hiệu gì? Alexander Grushko, người đứng đầu phái đoàn Nga tại cuộc đàm phán với NATO đã đưa ra một số điều kiện nhất định để giảm leo thang căng thẳng: các bên tuân thủ nghiêm túc Thỏa thuận Minsk, phương Tây chấm dứt cung cấp vũ khí và các chương trình đào tạo cho quân đội Ukraine. Song một số nhà phân tích ở Ukraine cho rằng, rất ít khả năng Ukraine và phương Tây sẽ đáp ứng những yêu cầu đó.

Chuyên gia chính sách đối ngoại Fyodor Lukyanov đã phác thảo về những diễn biến tiếp theo có thể xảy ra trong một bài bình luận đăng tải trên tờ Rossiyskaya Gazeta của Nga. Đánh giá của ông có vẻ bị quan. Ông Fyodor Lukyanov cho rằng, sự khác biệt giữa Nga và Mỹ "dường như không thể hóa giải: "Khoảng cách về nhận thức giữa Nga và phương Tây lớn đến mức cần phải có một tình huống "leo thang mới, đối khi khá nguy hiểm" để "buộc" các bên phải đạt được những thỏa thuận mới”.

Cuộc đàm phán an ninh Nga – Mỹ, cuộc họp của Hội đồng Nga-NATO tại Brussels (Bỉ) và cuộc tham vấn trong khuôn khổ Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) diễn ra trong những ngày qua đã không thể đưa các bên xích lại gần nhau và cũng không có dấu hiệu cho thấy căng thẳng tại biên giới Nga-Ukraine được giảm bớt. Các cuộc đàm phán tiếp theo vẫn chưa được lên kế hoạch. Nga nhiều lần tuyên bố nước này không muốn tham gia các cuộc đối thoại kéo dài mà chỉ tập trung vào kết quả, nhưng Moscow không đặt ra thời hạn cụ thể.

Theo tờ DW, dù không có bất cứ thỏa thuận đột phá nào nhưng đây cũng là một tuần lịch sử. Chưa bao giờ có nhiều cuộc gặp với nhiều hình thức khác nhau trong khoảng thời gian ngắn như vậy giữa Nga với phương Tây./.

(Theo VOV)

Các tin khác
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un.

Triều Tiên phát hành bài hát mới ca ngợi Chủ tịch Kim Jong Un là một "người cha gần gũi" và "nhà lãnh đạo vĩ đại".

Isfahan được biết đến với căn cứ không quân quân sự rộng lớn và các địa điểm quan trọng đối với chương trình hạt nhân của Iran.

Hãng ABC News dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, vào sáng sớm 19/4 (theo giờ địa phương), tên lửa của Israel đã tấn công một địa điểm tại Iran.

Các bể chứa nước thải đã qua xử lý tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở tỉnh Fukushima, Nhật Bản ngày 24/8/2023. Ảnh tư liệu

Ngày 19/4, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) của Nhật Bản thông báo bắt đầu đợt xả thứ 5 lượng nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 ra biển.

Hong Kong (Trung Quốc) phải vật lộn với việc xử lý hàng ngàn tấn rác thải nhựa mỗi ngày.

Chính quyền Hong Kong (Trung Quốc) sẽ cấm đồ bằng nhựa dùng một lần tại các nhà hàng từ ngày 22/4/2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục