Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng

Bài 1: Mô hình đồng bộ, cán bộ chất lượng, chi bộ vững mạnh

  • Cập nhật: Thứ hai, 20/10/2014 | 9:31:27 AM

YBĐT - Tổ chức cơ sở Đảng (CSĐ) là nền tảng của Đảng, là “cầu nối” giữa Đảng với dân, có vị trí rất quan trọng trong hệ thống tổ chức của Đảng. Tỉnh ủy Yên Bái đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp, tạo sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng, hiệu quả hoạt động của các loại hình tổ chức CSĐ; xây dựng đội ngũ cán bộ cấp ủy và phát triển đảng viên, góp phần nâng cao một bước năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức CSĐ...

Qua hơn hai năm thực hiện Đề án 07-ĐA/TU của Tỉnh ủy, số chi bộ sinh hoạt đủ 12 kỳ/năm đã tăng lên, đạt 84,20%. (Ảnh: Một buổi sinh hoạt chi bộ ở xã La Pán Tẩn, Mù Cang Chải - Ảnh: Hoàng Nhâm).
Qua hơn hai năm thực hiện Đề án 07-ĐA/TU của Tỉnh ủy, số chi bộ sinh hoạt đủ 12 kỳ/năm đã tăng lên, đạt 84,20%. (Ảnh: Một buổi sinh hoạt chi bộ ở xã La Pán Tẩn, Mù Cang Chải - Ảnh: Hoàng Nhâm).

Mô hình và loại hình

Khi trao đổi với một số đảng viên ở cơ sở, chúng tôi đặt vấn đề tại sao phải xây dựng và hoàn thiện mô hình tổ chức của một số loại hình tổ chức CSĐ. Ý kiến tựu trung là hoàn thiện mô hình của các loại hình tổ chức CSĐ nhằm bảo đảm vai trò lãnh đạo của tổ chức CSĐ trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và lãnh đạo các tổ chức đoàn thể quần chúng ở cơ sở. Đúng là hiện còn tình trạng một số cơ quan, đơn vị tổ chức Đảng, đoàn thể cùng một nơi nhưng lại trực thuộc nhiều đầu mối khác nhau; thành lập chi bộ, Đảng bộ cơ sở ở hầu hết các cơ quan, đơn vị cấp huyện nên có quá nhiều đầu mối tổ chức CSĐ trực thuộc cấp ủy huyện; một số tổ chức Đảng trong đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp có phạm vi hoạt động rộng nhưng đầu mối quản lý chưa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, dẫn đến chưa đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn và việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các đoàn thể cũng như trong công tác tổ chức, sinh hoạt Đảng.

Trong những năm qua, Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo sắp xếp, kiện toàn tổ chức các loại hình tổ chức Đảng trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị….; thực hiện mô hình chi bộ cơ quan cấp xã; chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn. Tìm hiểu về mô hình tổ chức của một số loại hình tổ chức Đảng ở các Đảng bộ trong tỉnh, được biết, hiện nay, hầu hết các huyện, thị, thành ủy trực thuộc Tỉnh ủy đều thành lập 03 mô hình tổ chức CSĐ là: Đảng bộ cơ sở cơ quan Đảng gồm có chi bộ các ban của Đảng; Đảng bộ cơ sở cơ quan chính quyền gồm các chi bộ các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện; chi bộ cơ sở cơ quan, đoàn thể cấp huyện, gồm các tổ Đảng các cơ quan trong khối đoàn thể.

Đơn cử, Huyện ủy Văn Yên đã thành lập Đảng bộ Văn phòng Huyện ủy gồm 06 chi bộ ở các cơ quan Đảng với 31 đảng viên; Chi bộ Dân vận gồm 05 tổ Đảng ở các cơ quan khối Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể với 22 đảng viên; Đảng bộ Văn phòng HĐND - UBND gồm 17 chi bộ ở các phòng chuyên môn thuộc UBND huyện với 147 đảng viên. Việc xây dựng mô hình tổ chức CSĐ như trên, trong thực tiễn đã cho thấy nhiều ưu điểm trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt; đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị; thuận lợi trong quản lý, phân công nhiệm vụ đảng viên; thống nhất, tập trung, bảo đảm sự lãnh đạo của tổ chức Đảng với các tổ chức đoàn thể, quần chúng.

Trong công tác xây dựng tổ chức CSĐ, Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo kiện toàn, sắp xếp tổ chức của các tổ chức CSĐ cho đồng bộ, thống nhất với các tổ chức của hệ thống chính trị ở cơ sở, phù hợp với những tổ chức CSĐ có tính đặc thù. Đến tháng 4/2014, toàn tỉnh đã thành lập được 94 chi bộ cơ quan cấp xã theo Hướng dẫn số 10-HD/BTCTW, trong đó có 73 chi bộ cơ quan xã, 13 chi bộ cơ quan phường, 8 chi bộ cơ quan thị trấn với tổng số 1.849 đảng viên; chỉ đạo thí điểm thành lập 18 chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn ở 9/9 huyện, thị, thành phố theo Hướng dẫn số 35-HD/BTCTW, trong đó có 11 chi bộ quân sự xã, 2 chi bộ quân sự phường, 5 chi bộ quân sự thị trấn, tổng số 129 đảng viên.

Cùng với xây dựng, hoàn thiện mô hình tổ chức CSĐ, các cấp ủy đã quan tâm làm tốt việc xây dựng, củng cố chi bộ thôn, bản bền vững. Toàn Đảng bộ hiện đã có 1.643/1.658 chi bộ có 5 đảng viên chính thức trở lên; những chi bộ có dưới 5 đảng viên chính thức chỉ còn ở một số xã vùng cao, vùng sâu, đặc biệt khó khăn; từ năm 2009, toàn tỉnh đã không còn thôn, bản không có chi bộ.

Cấp ủy và chi bộ

Xác định rõ tầm quan trọng đặc biệt của công tác tổ chức cán bộ trong xây dựng Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả hai khâu đột phá mà Nghị quyết số 16-NQ/TU của Tỉnh ủy đã xác định là công tác cán bộ và xây dựng tổ chức CSĐ vững mạnh. Đến nay, tỷ lệ cán bộ, cấp ủy cơ sở đã qua đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị tăng lên rõ rệt so với nhiệm kỳ trước. Hiện tổng số cấp ủy viên cơ sở là 4.038 đồng chí, trong đó trình độ văn hóa THPT 3.364 đồng chí, chiếm 83,31%, tăng 16,35% so với khóa trước; chuyên môn cao đẳng, đại học, trên đại học 1.845 đồng chí, chiếm 45,69%, tăng 6,91% so với khóa trước.

Bên cạnh đó, quan tâm làm tốt công tác bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, nghiệp vụ cho đội ngũ cấp ủy viên; lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ cấp ủy cơ sở, trong đó chú ý bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ và kinh nghiệm xử lý tình huống, giải quyết những vấn đề cụ thể ở cơ sở. Việc xây dựng đội ngũ cấp ủy cơ sở đã gắn với nhiệm vụ phát triển đảng viên, các cấp ủy cơ sở đã chỉ đạo và làm tốt công tác khảo sát, tạo nguồn, tuyên truyền, giáo dục, lựa chọn, bồi dưỡng, kết nạp đảng viên; cơ cấu, chất lượng đảng viên chuyển biến theo hướng ngày càng được nâng lên, góp phần đào tạo nguồn cán bộ kế cận cho cấp ủy cơ sở và làm tăng thêm sức mạnh cho tổ chức Đảng.

 

Chi bộ Quân sự phường Nguyễn Thái Học (thành phố Yên Bái) duy trì tốt chế độ sinh hoạt định kỳ.

Từ năm 2011 đến nay, Đảng bộ đã kết nạp 8.398 đảng viên, nâng tổng số đảng viên toàn Đảng bộ lên 47.535 đồng chí. Trong đó, đảng viên nữ chiếm 32,32%; đảng viên người dân tộc thiểu số chiếm 36,53%; tuổi trẻ chiếm 17,8%. Kết quả đánh giá đảng viên năm 2013, có 74,85% số đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ, tăng 0,96% so với năm 2012; đảng viên vi phạm tư cách hoặc không hoàn thành nhiệm vụ chỉ chiếm 0,54%, giảm 0,06% so với năm trước.

Chất lượng đội ngũ cấp ủy cơ sở được nâng lên đã tạo ra những chuyển biến rõ nét về chất lượng công tác của cấp ủy cơ sở. 100% các Đảng bộ, chi bộ cơ sở và chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở đã ban hành và thực hiện quy chế làm việc theo hướng dẫn của cấp ủy cấp trên; bám sát chức năng, nhiệm vụ theo quy định, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, làm rõ quyền hạn, trách nhiệm của cấp ủy cơ sở, chi ủy, đảng viên, mối quan hệ công tác và chế độ sinh hoạt theo quy định của Điều lệ Đảng.

Cùng với công tác xây dựng đội ngũ cấp ủy, Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 07-ĐA/TU về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy cơ sở và sinh hoạt chi bộ giai đoạn 2012 - 2015”. Qua hơn hai năm thực hiện, việc duy trì chế độ sinh hoạt cấp ủy cơ sở đã đi vào nền nếp. Số cấp ủy cơ sở sinh hoạt đủ 12 kỳ/năm đạt 92,77%, tăng 5,25%; không còn cấp ủy sinh hoạt thiếu trên 4 kỳ/năm; cấp ủy viên tham gia sinh hoạt đạt 96,30%, tăng 6,3%; số chi bộ sinh hoạt đủ 12 kỳ/năm đạt 84,20%, tăng 10,59%; số chi bộ sinh hoạt chuyên đề theo quy định ít nhất một quý/lần, chiếm 29,83%, tăng 8,3% so với trước khi thực hiện Đề án; tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt bình quân đạt 94,89%, tăng 9,89%. Khảo sát một số chi bộ ở cơ sở, bao gồm cả khối nông thôn và cơ quan, đơn vị cho thấy, nội dung sinh hoạt đã bám sát chức năng, nhiệm vụ của chi bộ và chỉ đạo của cấp trên, tập trung vào những vấn đề thiết thực, cụ thể ở cơ sở; hình thức, phương pháp tổ chức sinh hoạt đổi mới, phát huy dân chủ trong sinh hoạt Đảng; việc ghi biên bản, kết luận thống nhất thành nghị quyết được thực hiện nghiêm túc và từng bước đi vào nền nếp. Đáng quan tâm, các cấp ủy huyện, thị, thành phố, Đảng ủy trực thuộc tỉnh đã chỉ đạo, phân công các đồng chí cấp ủy viên, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể phụ trách cơ sở đến dự, chỉ đạo, kiểm tra, theo dõi việc tổ chức sinh hoạt cấp ủy cơ sở và sinh hoạt chi bộ.

Những vấn đề từ thực tiễn

Trước hết, việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức Đảng ở cơ quan huyện ủy, UBND, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở một số đơn vị chủ yếu thành lập các chi bộ cơ sở khối dân vận trực thuộc huyện ủy do đảng viên chưa đủ thành lập Đảng bộ. Một số đơn vị thành lập Đảng bộ cơ sở ở khối chính quyền nhưng có chi bộ không phải là cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện. Mô hình chi bộ cơ quan cấp xã, có nơi đã chuyển số đảng viên là cán bộ, công chức xã đang sinh hoạt ở khu dân cư về sinh hoạt tại chi bộ cơ quan, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của các chi bộ thôn bản, khu dân cư, nhất là các chi bộ thôn bản vùng sâu, vùng cao, chi bộ có ít đảng viên.

Một số chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn chưa xác định rõ chức năng, nhiệm vụ nên còn lúng túng trong chuẩn bị nội dung sinh hoạt; có nơi nội dung sinh hoạt trùng lắp, chồng chéo với nội dung cuộc họp của Đảng ủy. Trong thí điểm thành lập chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn, đáng chú ý là ở những nơi thành lập đồng thời cả chi bộ cơ quan xã và chi bộ quân sự xã, việc sắp xếp tổ chức, cơ cấu đảng viên của hai loại hình tổ chức Đảng này gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, lực lượng dân quân đều trong độ tuổi lao động nên thường biến động do nhu cầu việc làm, tham gia huấn luyện theo đợt nên việc theo dõi, giúp đỡ, tạo nguồn phát triển Đảng có khó khăn. Về nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức CSĐ, thẳng thắn chỉ ra rằng việc thực hiện nề nếp sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ ở một số loại hình doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp chưa được nghiêm túc; chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ ở không ít cơ sở còn hạn chế; tính chủ động trong phòng ngừa, phát hiện tham nhũng, lãng phí, vi phạm nguyên tắc dân chủ, phẩm chất đạo đức, các tiêu cực khác hiệu quả còn chưa cao; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh trong tham gia, góp ý, tự phê bình và phê bình...

(Kỳ sau: Đề cao vai trò, trách nhiệm cấp ủy, tổ chức Đảng)

Tuấn Anh

Các tin khác
Chi bộ Trường Mầm non Hoa Lan, thị trấn Mù Cang Chải tổ chức lễ kết nạp đảng viên

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 về công tác phát triển đảng viên, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng bộ huyện Mù Cang Chải đã kết nạp được 561/550 đảng viên, đạt 102% chỉ tiêu nghị quyết đề ra.

Đồng chí Trịnh Văn Xuê - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Trạm Tấu tặng giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án 04 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác KTGS trong Đảng bộ tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025”.

Ngay trong quý I năm 2024, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Trạm Tấu đã chuẩn bị hồ sơ, tài liệu cho 2 cuộc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và chuẩn bị hồ sơ kiểm tra 2 tổ chức đảng cấp dưới thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng.

Đảng viên mới được bồi dưỡng lý luận chính trị tại Trung tâm Chính trị huyện Lục Yên.

Trong quý I/2024, Đảng bộ huyện Lục Yên đã quyết định kết nạp 88 quần chúng ưu tú vào Đảng, đạt 40,9% kế hoạch; chuyển đảng chính thức cho 72 đảng viên dự bị.

Mô hình chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa đã khẳng định rõ vai trò của Đảng bộ trong công tác lãnh đạo phát triển kinh tế địa phương.

Những năm qua, Đảng bộ thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên tích cực đổi mới lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, toàn diện, sâu sát, cụ thể, lấy kết quả là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Đảng bộ, cán bộ và đảng viên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục