Người đảng viên cộng sản trung kiên đầu tiên của thị xã Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ tư, 3/2/2016 | 9:44:17 AM

YBĐT - Người đảng viên cộng sản đầu tiên của thị xã Yên Bái thời Pháp thuộc là đồng chí Nguyễn Hữu Minh (tức Minh Đăng), sinh hoạt đảng tại Chi bộ Chiến khu Vần - Hiền Lương.

Đồng chí là người xây dựng và lãnh đạo phong trào Việt Minh ở thị xã Yên Bái giai đoạn từ năm 1942 đến khi Cách mạng tháng Tám thành công. Đồng chí cũng là người có công trong việc phát triển Đảng tại thị xã, từ đó Ban cán sự Đảng Phú -Yên quyết định thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở thị xã ngày 7/5/1945.

Đồng chí Minh Đăng quê ở Bắc Ninh. Đồng chí được giác ngộ cách mạng và tham gia phong trào Việt Minh từ rất sớm ở Bắc Ninh. Năm 1941, đồng chí theo gia đình lên thị xã Yên Bái và dạy học ở trường dành cho con gái của Pháp. Sau một thời gian tìm hiểu, biết thanh niên thị xã có lòng yêu nước, căm ghét chế độ thực dân, phong kiến, vào các buổi tối, đồng chí thường tập hợp một số thanh niên truyền bá chữ Quốc ngữ, nói chuyện về truyền thống yêu nước của dân tộc, kể chuyện các bậc chí sỹ yêu nước đứng lên chống đế quốc, phong kiến như: Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Đình Phùng… nhằm khơi dậy lòng yêu nước trong thanh niên.


Cuối năm 1944, đồng chí Nguyễn Hữu Thân, bạn cùng hoạt động trong phong trào Việt Minh với đồng chí Minh Đăng ở Bắc Ninh, mãn hạn tù từ nhà tù Sơn La về hoạt động ở Chiến khu Vần - Hiền Lương, được giao nhiệm vụ liên lạc với đồng chí Minh Đăng - người đang tích cực hoạt động theo điều lệ và chương trình của Việt Minh. Thấy đồng chí Minh Đăng có đủ điều kiện, đồng chí Nguyễn Duy Thân đã kết nạp đồng chí Minh Đăng vào đảng Cộng sản Đông Dương và trở thành người đảng viên cộng sản đầu tiên của thị xã Yên Bái.

Đồng chí Minh Đăng được chi bộ Đảng ở Chiến khu giao trách nhiệm là chủ nhiệm Việt Minh thị xã Yên Bái. Đồng chí Minh Đăng đã tích cực bắt tay vào xây dựng lực lượng Việt Minh trong thanh niên, trí thức, tiểu thương ở thị xã. Đồng chí đã bắt mối với đồng chí Mai Văn Ty là công nhân xưởng Đề - pô, xây dựng lực lượng Việt Minh trong công nhân xưởng Đề - pô và Ga Yên Bái. Nhiều thanh niên yêu nước đã tham gia Việt Minh dưới sự lãnh đạo của đồng chí Minh Đăng như: đồng chí Mai Văn Ty, Nguyễn Văn Chí (tức Chí Dũng), Trần Phàn, Đào Thái, Đặng Ngọc Chi…

Thời Pháp thuộc, để tránh thanh niên đi theo con đường cách mạng, thực dân Pháp ở thị xã đã lập hội, lôi kéo thanh niên hướng vào các hoạt động thể thao, vui chơi giải trí. Đồng chí Minh Đăng đã tuyên truyền  mục đích của tổ chức Việt Minh, giác ngộ hội thanh niên này tham gia thanh niên cứu quốc. Nhiều đồng chí đã tình nguyện tham gia cứu quốc quân ở Chiến khu Vần - Hiền lương và chưa đầy một năm, đồng chí Minh Đăng đã 4 đợt gửi tới chiến khu gần 30 thanh niên, trong đó có đồng chí Nguyễn Hữu An sau này trở thành thượng tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Đồng chí Minh Đăng còn chú trọng xây dựng cơ sở trong chính quyền Pháp, Nhật và trong lực lượng lính khố xanh, khố đỏ. Theo ông Đào Thái - cán bộ tiền khởi nghĩa, hiện ở phường Hồng Hà, được giao làm liên lạc cho đồng chí Minh Đăng cho biết, đồng chí Minh Đăng đã cảm hoá được một số cai đội, như: cai Tuân, cai Dĩ… cung cấp tình hình binh lính địch cho ta. Đặc biệt, đồng chí đã giác ngộ được ông Tô Lưu là Chánh văn phòng Dinh Tuần phủ Yên Bái.

Ông Tô Lưu đã cung cấp cho ta nhiều thông tin quan trọng, trong đó có cuộc càn quét của địch vào Chiến khu ngày 19/6/1945 của bảo an binh do Tri phủ Trấn Yên - An Văn Tùng và Chánh quản Khoát; cuộc càn quét của 22 lính Nhật vào chiến khu ngày 25/6/1945. Do được mật báo, đội du kích Âu Cơ đã chủ động phục kích đánh bại hai cuộc càn quét này, góp phần nâng cao uy tín của Cứu quốc quân, làm cho binh lính trong thị xã ngày càng hoang mang, dao động. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông Tô Lưu công tác trong ngành công an.

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp trên toàn cõi Đông Dương. Trung ương Đảng ra chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta, trong đó, nhấn mạnh các địa phương phải chủ động xây dựng căn cứ địa cách mạng. Ngày 12/3/1945, Nhật đánh chiếm thị xã Yên Bái. Nhận thấy quân Nhật mới đặt chân đến Yên Bái đang củng cố chính quyền, đồng chí Minh Đăng đã lãnh đạo nhân dân thị xã phá kho thóc của địch ở chợ Yên Bái (nay là Trường PTTH Lý Thường Kiệt) chia cho nhân dân.

Đầu năm 1945, đồng chí Ngô Minh Loan được Xứ ủy Bắc Kỳ phân công lên phụ trách Chiến khu Vần - Hiền Lương, đồng chí Minh Đăng đã giới thiệu đồng chí Mai Văn Ty và đồng chí Nguyễn Văn Chí  với đồng chí Ngô Minh Loan để chi bộ chiến khu xem xét kết nạp vào Đảng. Sau một thời gian thử thách, đồng chí Ngô Minh Loan đã kết nạp đồng chí Mai Văn Ty và Nguyễn Văn Chí vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Ngày 7/5/1945, chi bộ Đảng của thị xã được thành lập, đồng chí Ngô Minh Loan đã cử đồng chí Mai Văn Ty làm Bí thư chi bộ.

Đồng chí Ngô Minh Loan giao nhiệm vụ cho đồng chí Mai Văn Ty lãnh đạo trong phong trào công nhân xưởng Đề - pô và Ga Yên Bái; đồng chí Minh Đăng lãnh đạo phong trào trong nhân dân thị xã. Đồng chí đã tập trung xây dựng các tổ chức thanh niên cứu, quốc phụ nữ cứu quốc; chuẩn bị các cơ sở để khởi nghĩa giành chính quyền nổ ra, thị xã đã có lực lượng nổi dậy. Ông Đào Thái cho biết, đồng chí Minh Đăng thường căn dặn các đồng chí trong tổ chức Việt Minh, muốn lật đổ chế độ thực dân, phong kiến ở thị xã, không ai khác mà phải chính là người dân thị xã chủ động đứng dậy đấu tranh.

Ngày 15/8/1945, phát xít Nhật đầu hàng đồng minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập hội nghị Quốc dân đồng bào và phát lệnh tổng khởi nghĩa toàn quốc. Mặc dù lệnh tổng khởi nghĩa chưa tới, chủ lực của Cứu quốc quân vẫn ở Nghĩa Lộ, nhưng nhận thấy thời cơ khởi nghĩa đã đến, quân Nhật ở thị xã đang hoang mang, lực lượng Việt Minh trong thị xã đã sẵn sàng, đêm 16 rạng ngày 17/8/1945, một lực lượng Cứu quốc quân vượt sông Hồng đánh vào thị xã.

Đồng chí Minh Đăng đã tổ chức hội phụ nữ nấu cơm tiếp tế cho quân khởi nghĩa; các cơ sở sẵn sàng cứu chữa thương binh. Đồng chí Minh Đăng cùng chi bộ vận động nhân dân thị xã xuống đường biểu tình thị uy, gây sức ép với quân Nhật. Trước sức mạnh đánh từ ngoài vào, nhân dân thị xã nổi dậy từ bên trong, ngày 19/8 quân Nhật phải ký đầu hàng Việt Minh vô điều kiện, thị xã Yên Bái hoàn toàn được giải phóng.

Sau Cách mạng tháng Tám, đồng chí Minh Đăng được tỉnh phân công lên phụ trách huyện Văn Bàn. Phong trào kháng chiến ở Văn Bàn đang lên mạnh thì trong một lần đi công tác, đồng chí Minh Đăng bị địch phục kích bắt được. Chúng tra tấn rất dã man, nhưng đồng chí vẫn giữ vững khí tiết cách mạng. Sau đó, đồng chí vượt ngục về tới Nga Quán (Trấn Yên), được một người dân chăm sóc, nhưng do bị địch tra tấn dã man, đồng chí mất năm 1949.

Đồng chí Minh Đăng là người đảng viên cộng sản trung kiên đầu tiên của thị xã Yên Bái. Đồng chí có công lao rất lớn trong xây dựng phong trào cách mạng và tổ chức chi bộ đảng đầu tiên ở thị xã Yên Bái. Nguyện vọng của nhiều đồng chí lão thành cách mạng hoạt động dưới sự lãnh đạo của đồng chí Minh Đăng luôn thiết tha một mong muốn được tỉnh xem xét, nghiên cứu và đặt tên một con đường ở thành phố Yên Bái mang tên đồng chí Minh Đăng để ghi nhận công lao to lớn của đồng chí đối với cách mạng của tỉnh nói chung và đặc biệt đối với thành phố Yên Bái. 

Trần Thi

Các tin khác
Đồng chí Trịnh Văn Xuê - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Trạm Tấu tặng giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án 04 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác KTGS trong Đảng bộ tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025”.

Ngay trong quý I năm 2024, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Trạm Tấu đã chuẩn bị hồ sơ, tài liệu cho 2 cuộc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và chuẩn bị hồ sơ kiểm tra 2 tổ chức đảng cấp dưới thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng.

Đảng viên mới được bồi dưỡng lý luận chính trị tại Trung tâm Chính trị huyện Lục Yên.

Trong quý I/2024, Đảng bộ huyện Lục Yên đã quyết định kết nạp 88 quần chúng ưu tú vào Đảng, đạt 40,9% kế hoạch; chuyển đảng chính thức cho 72 đảng viên dự bị.

Mô hình chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa đã khẳng định rõ vai trò của Đảng bộ trong công tác lãnh đạo phát triển kinh tế địa phương.

Những năm qua, Đảng bộ thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên tích cực đổi mới lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, toàn diện, sâu sát, cụ thể, lấy kết quả là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Đảng bộ, cán bộ và đảng viên.

(Hình minh họa)

Quý I/2024, toàn Đảng bộ huyện Lục Yên có 11 đảng viên bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục