Còn sức còn cống hiến

  • Cập nhật: Thứ tư, 26/3/2014 | 9:09:38 AM

YBĐT - Với bề dày kinh nghiệm, kiến thức đa khoa, chuyên khoa đông y, ông Phương chữa bệnh theo các phương pháp đã được học từ Cẩm nang Đông y, Hải Thượng Lãn Ông đến Thiên Gia Diệu Phương. Ông Phương đã giúp nhiều bệnh nhân loại bỏ được nhiều bệnh tật.

Bác sỹ Nguyễn Hồng Phương (bên trái) đang hướng dẫn bệnh nhân cách sử dụng thuốc chữa bệnh.
Bác sỹ Nguyễn Hồng Phương (bên trái) đang hướng dẫn bệnh nhân cách sử dụng thuốc chữa bệnh.

Sự hồi sinh của ông Sa Minh Hương, 68 tuổi ở bản Cóc, xã Sơn A, huyện Văn Chấn là niềm vui khôn xiết không chỉ của gia đình mà cả người dân trong bản, mọi người kéo đến hò nhau mổ lợn để ăn mừng. Chuyện là ông Hương mắc bệnh viêm đại tràng, xuất huyết đường ruột, sau hơn mười ngày nằm tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Nghĩa Lộ, trả về nhà được một tuần thì bụng chướng, phình to, tiểu đỏ, chân tay phù mọng nước, nằm không được, ngồi không yên, ai đến cũng lắc đầu: “Chắc chết”. Người trong nhà lo lắng, thôi thì còn nước còn tát.

Được mọi người mách bảo, gia đình đã tìm đến bác sỹ Nguyễn Hồng Phương. Sau khi được ông Phương chẩn đoán lại bệnh và cắt thuốc đông nam dược, sắc uống liên tục 45 ngày, để đến ngày hôm nay, ông Hương đã trở lại bình thường, vận động tốt và lại có thể xuống đồng tiếp tục công việc nhà nông.

 

Ông Sa Minh Hương sau khi điều trị đã khoẻ mạnh trở lại.

Chúng  tôi tìm đến phòng chẩn trị đông y của bác sỹ Nguyễn Hồng Phương, tại tổ 18 phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ. Năm nay, ông Phương đã bước sang tuổi 74, nghỉ hưu cách đây 26 năm. Nói rằng  nghỉ nhưng khi thấy ông giao tiếp, giảng giải về các bài thuốc điều trị bệnh cho bệnh nhân mới thấy ông vẫn còn khỏe và trẻ lắm.

Được biết, năm 1963, khi vừa 22 tuổi, ông thoát ly từ huyện Duy Tiên tỉnh Hà Nam, đi làm công nhân tại Lâm trường Ngòi Lao, huyện Văn Chấn. Từ thưở nhỏ, ông đã có ước mơ sau này trở thành một bác sỹ. Năm 1965, ông được đơn vị cho đi học lớp y tá tại Lâm trường Thác Bà do Tổng cục Lâm nghiệp mở, sau đó học lớp y sỹ tại Trường Trung học Y tế Nghĩa Lộ. Tư chất thông minh, lại chịu khó học hỏi, năm 1968, ông được cấp trên cử đi học ở Trường Đại học Y khoa Bắc Thái, tỉnh Thái Nguyên.

Với lòng nhiệt huyết yêu nghề, ý chí phấn đấu không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, vừa làm vừa học, trong suốt quá trình công tác, ông được sự tín nhiệm của anh em đồng nghiệp cũng như lãnh đạo cấp trên, đề bạt giữ nhiều trọng trách: Trưởng phòng Y tế thị xã Nghĩa Lộ, quyền Viện trưởng Bệnh viện thị xã Yên Bái, Trưởng phòng Y tế huyện Văn Chấn.

Năm 1988, sau khi được nghỉ chế độ, thấy sức khỏe vẫn còn, ông Phương mở phòng khám tư nhân miễn phí cho mọi người, hướng dẫn cách điều trị bằng thuốc đông nam dược, chữa trị cho rất nhiều bệnh nhân. Với bề dày kinh nghiệm, kiến thức đa khoa, chuyên khoa đông y, ông Phương chữa bệnh theo các phương pháp đã được học từ Cẩm nang Đông y, Hải Thượng Lãn Ông đến Thiên Gia Diệu Phương. Ông Phương đã giúp nhiều bệnh nhân loại bỏ được nhiều bệnh tật như: đau nửa đầu, đau ngang thắt lưng, đau dạ dày, đau mỏi vai gáy khó cử động, kém ăn, mất ngủ, trĩ nội, trĩ ngoại, sỏi thận, sỏi mật, bí tiểu tiện, rối loạn kinh nguyệt, khó thụ thai…

Nhìn những cuốn sổ dày đặc chữ ghi tên, tuổi, địa chỉ, các loại bệnh và loại thuốc điều trị, ông cho biết: “Ngoài những cây thuốc lấy được ở quanh vùng như kê huyết đằng, thổ phục linh, cốt toái bổ, nhân trần… nguồn thuốc chủ yếu vẫn thường lấy từ cơ sở kinh doanh có giấy phép tại Hà Nội, kết hợp từ chẩn đoán tây y sang chẩn đoán đông y để chữa trị bệnh. Không chỉ chữa trị cho bệnh nhân ở địa bàn, nhiều người bệnh ở tỉnh khác qua giới thiệu cũng tìm đến như Sơn La, Lai Châu, Hưng Yên, Hà Nội, Hải Dương, Nam Định. Có người còn ở xa mãi Ninh Bình, Nghệ An cũng tìm đến”. “Cây thuốc quý,  bài thuốc hay, đúng bệnh đúng thuốc, bệnh nào thuốc đó” luôn là phương châm chữa bệnh của ông.

Hiện nay, bác sỹ Nguyễn Hồng Phương là Ủy viên Ban chấp hành Hội Đông y thị xã Nghĩa Lộ. Còn sức còn cống hiến, niềm vui được chăm sóc, chữa trị bệnh tật cho mọi người được nhân lên khi năm 2013 ông được Ban chấp hành Trung ương Hội Đông y Việt Nam tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phấn đấu xây dựng, củng cố và phát triển Hội.

 Linh Chi

Các tin khác
CCB Trần Văn Nghĩa (thứ 2, từ phải sang) chia sẻ với lãnh đạo Hội CCB huyện Văn Yên về kỹ thuật chăn nuôi dê.

Cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Nghĩa ở thôn Đá Bia, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên không chỉ làm kinh tế giỏi từ mô hình tổng hợp trồng rừng kết hợp chăn nuôi, anh còn là người luôn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động Hội, các hoạt động của địa phương, tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của xã.

Mô hình nuôi cá tầm của Giàng A Vàng ở xã An Lương.

Từng chỉ biết cày cấy, nuôi vài con lợn, con gà, ngày nay, nhiều hộ đồng bào Mông trên địa bàn huyện Văn Chấn đã nghĩ khác, làm khác, mạnh dạn đầu tư để chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới. Điều này không những minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy và hành động mà còn thể hiện ý chí, khát khao vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên quê hương.

Thượng tá Trần Xuân Hướng (người đứng giữa) trao đổi nghiệp vụ về công tác dân vận với cán bộ cùng cơ quan.

”Cống hiến trong quân đội đã mấy chục năm trời, được đi nhiều, biết nhiều, gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn nên mình rất hiểu và luôn đau đáu trong lòng phải làm được cái gì đó giúp họ". Đó chính là khát khao cháy bỏng của Thượng tá Trần Xuân Hướng - Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh trong suốt quá trình công tác của mình.

Ông Đoàn Xuân Quý (bên trái) trao đổi với người dân trong thôn mô hình sơ chế vỏ quế tươi.

Những năm qua, với vai trò là Trưởng thôn Đồng Tâm, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, ông Đoàn Xuân Quý luôn bám sát sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội để hướng dẫn nhân dân cách làm hay, hiệu quả, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục