Ông Ngoày "dân vận"

  • Cập nhật: Thứ hai, 11/8/2014 | 10:17:26 AM

YBĐT - Có thể gọi ông Triệu Viết Ngoày - dân tộc Dao ở thôn Ngòi Mấy, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình (Yên Bái) với cái tên gần gũi như vậy. Bởi những bằng khen, giấy khen, huân, huy chương kháng chiến treo trang trọng trong nhà đã ghi nhận đóng góp của ông, trong đó có bằng khen của Ban Dân vận Trung ương trao tặng về thành tích trong phong trào thi đua "Dân vận khéo".

Nhờ có kiến thức nuôi trồng, ông Ngoày luôn mạnh dạn đầu tư cho sản xuất. Ảnh: Ông Ngoày (giữa) mua cá giống về nuôi thả ao nhà.
Nhờ có kiến thức nuôi trồng, ông Ngoày luôn mạnh dạn đầu tư cho sản xuất. Ảnh: Ông Ngoày (giữa) mua cá giống về nuôi thả ao nhà.

Sinh ra và trưởng thành ngay tại mảnh đất quê hương - nơi chỉ có toàn người Dao quần trắng sinh sống, ông Ngoày biết và thấm hết những nỗi khổ của đồng bào, nhất là những năm tám mươi, chín mươi của thế kỷ trước. Ngòi Mấy là thôn vùng sâu của xã, muốn đến được chỉ theo những lối mòn dọc ngòi nước. Đi lại cách trở khiến việc học hành khó khăn rồi thành tập quán không cho con cháu đi học.

Rồi làm ăn theo kiểu tự sản tự tiêu, gia súc thả rông, bỏ ruộng phá rừng làm nương cứ vậy diễn ra. Kèm theo đó là những hủ tục trong ma chay, cưới xin cứ níu cái nghèo, các khó khổ "ở lại" với người Dao Ngòi Mấy. Cố gắng hơn, ông Ngoày cũng có cuộc sống tạm ổn so với nhiều người trong thôn, lại có học hành hơn nên tháng 6/1975 ông được bà con bầu làm đội phó sản xuất, năm 1979 làm đội trưởng, rồi từ năm 1991 tới nay ông làm Trưởng thôn. Mấy chục năm ấy, ông luôn tự nhủ bản thân phải cố gắng để có đủ ăn, đủ sức nuôi dạy con cái trưởng thành.

Làm ruộng, trồng ngô, nuôi con gà, con lợn, thả ao cá, trồng rừng cây, việc gì ông cũng thạo. Ông còn luôn khuyên bảo mọi người trong nhà phải siêng năng, phải tiếp thu những kiến thức khoa học kỹ thuật để thu hoạch được nhiều hơn. Nhờ vậy, gia đình chẳng bao giờ thiếu đói và dành dụm được cho các con. Hiện, ông làm được nhà to để cả ba thế hệ chung sống. Dân bản thấy thế mà nể ông lắm, nhiều người theo gương ông đã chăm chỉ gắn bó với mảnh ruộng, rừng cây.

"Cuộc sống thay đổi nhiều quá rồi! Không còn nhà nào phải ăn củ rừng như trước nữa. Đảng và Nhà nước có đường lối, đã tạo điều kiện cho đồng bào thì mọi người phải cố gắng vươn lên thôi!" - ông nói thế và kiên nhẫn vận động người dân trong thôn làm như vậy. Được Đảng ủy, chính quyền xã giúp đỡ, sự hỗ trợ của các đoàn thể và chịu khó nghiên cứu, tìm hiểu, ông đã tích cực tuyên truyền trong cuộc họp thôn. Có lúc lại nói với từng người về tiến bộ khoa học ông được tập huấn và vận dụng, từ việc cấy giống lúa năng suất cao, trồng cây vụ ba trên ruộng lúa đến trồng cây ngô đồi ở ven diện tích rừng bảo vệ.

 Được ông vận động, mọi người nghe theo nên 9ha ruộng của thôn giờ luôn đạt năng suất 46 tạ/ha trở lên, vụ ba được trồng trên đất lúa, diện tích ngô đồi năm 2013 cho bà con thu hoạch hơn chục tấn. 71 hộ dân của thôn đều biết trồng cây rừng, nhà ít 0,5ha, nhiều có 2-3ha. Cây tre măng Bát độ đưa vào trồng được 6ha, đã cho khai thác nâng cao giá trị của rừng.

Để giữ rừng cho các hộ, ông đề nghị mọi người nuôi trâu bò phải chăn dắt, nuôi lợn phải nhốt chuồng. Nhờ thế mà gia súc cũng được tiêm phòng, nhà cửa đỡ mất vệ sinh. Nhà nào cũng nuôi trâu, nuôi lợn, có hộ nuôi trên 10 con lợn, bán được cả tấn mỗi năm. Những nguồn thu ấy đã mang lại cuộc sống ổn định cho người dân, thôn không còn hộ đói, chỉ còn gần nửa là hộ nghèo.

Việc gì khó, tập tục gì khó thay đổi ông đều gương mẫu làm trước, vừa thực hiện ông vừa vận động mọi người làm theo. Bây giờ, nam nữ trong thôn đủ tuổi mới cưới hỏi và đều đến UBND xã đăng ký kết hôn; bà mẹ mang thai đều đi khám; nhiều năm rồi thôn không có người sinh con thứ ba; người chết không để trong nhà quá 24 tiếng. Việc ăn ở hợp vệ sinh, sống vì tình làng nghĩa xóm, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, giữ gìn bản sắc của đồng bào Dao được người dân hưởng ứng.

Là trưởng thôn và được bầu là người có uy tín trong cộng đồng, ông biết hoàn cảnh và nắm bắt những chuyện của từng gia đình. Cãi vã vợ chồng, mâu thuẫn hàng xóm không giải quyết được, ông thường chủ động cùng tổ hòa giải phân tích phải trái để mọi người thuận lòng. Tình làng nghĩa xóm nhờ thế yên ả, gắn bó; an ninh trật tự thôn bản được giữ vững.

Chuyện ông Ngoày bàn bạc, vận động và được các gia đình ủng hộ đóng góp ngày công, hàng tháng trời cùng nhau mở con đường dân sinh dài tới 2,5 cây số tránh khe suối ai cũng biết. Thế nên hai năm gần đây, bốn năm chục cháu đến các lớp học không cháu nào bỏ giữa chừng, góp phần duy trì tỷ lệ chuyên cần của các nhà trường. Gần 70 tuổi, điều ông trưởng thôn này mong muốn nhất là con đường đến thôn sẽ được bê tông hóa. Ông tin rằng, ông sẽ vận động được các hộ dân hiến đất, tích cực đóng góp cùng Nhà nước bê tông hóa con đường. Như thế, con em đi học ngày mưa bớt khổ, giao thương thuận lợi và đời sống vật chất tinh thần của đồng bào Dao thôn Ngòi Mấy sớm được nâng lên.

Minh Quang

Các tin khác
Mô hình nuôi cá tầm của Giàng A Vàng ở xã An Lương.

Từng chỉ biết cày cấy, nuôi vài con lợn, con gà, ngày nay, nhiều hộ đồng bào Mông trên địa bàn huyện Văn Chấn đã nghĩ khác, làm khác, mạnh dạn đầu tư để chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới. Điều này không những minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy và hành động mà còn thể hiện ý chí, khát khao vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên quê hương.

Thượng tá Trần Xuân Hướng (người đứng giữa) trao đổi nghiệp vụ về công tác dân vận với cán bộ cùng cơ quan.

”Cống hiến trong quân đội đã mấy chục năm trời, được đi nhiều, biết nhiều, gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn nên mình rất hiểu và luôn đau đáu trong lòng phải làm được cái gì đó giúp họ". Đó chính là khát khao cháy bỏng của Thượng tá Trần Xuân Hướng - Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh trong suốt quá trình công tác của mình.

Ông Đoàn Xuân Quý (bên trái) trao đổi với người dân trong thôn mô hình sơ chế vỏ quế tươi.

Những năm qua, với vai trò là Trưởng thôn Đồng Tâm, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, ông Đoàn Xuân Quý luôn bám sát sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội để hướng dẫn nhân dân cách làm hay, hiệu quả, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà

Sau nhiều lần hẹn rồi lại lỡ, tôi mới được anh sắp xếp cho cuộc gặp trong hơn một giờ đồng hồ. Anh chính là doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà- Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Think Big Group, Chủ tịch Công ty bất động sản Lộc Sơn Hà, người con của quê hương xã An Lạc, huyện Lục Yên. Hào hoa, tuấn tú và dấu ấn thành công của "tổng tài" nhưng ít ai biết anh đã đi con đường thành công không trải "hoa hồng "!

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục