Ấn tượng Cao Thị Thanh Huyền

  • Cập nhật: Thứ năm, 9/10/2014 | 8:50:17 AM

YBĐT - Trong số các gương mặt xuất sắc của học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Tất Thành, tôi đặc biệt có ấn tượng với Cao Thị Thanh Huyền - lớp trưởng lớp chuyên Anh, khóa 2007 - 2010.

Cao Thị Thanh Huyền (người mặc áo dài màu trắng) tại Diễn đàn Kinh tế - chính trị châu Âu.
Cao Thị Thanh Huyền (người mặc áo dài màu trắng) tại Diễn đàn Kinh tế - chính trị châu Âu.

Huyền gây thiện cảm trong tôi ngay từ buổi tiếp xúc đầu tiên bởi gương mặt xinh xắn, nụ cười tươi và giọng nói nhẹ nhàng. Sự chăm chỉ miệt mài và thông minh năng động của em khiến tôi luôn để ý dõi theo trong những năm em học ở Trường. Càng ngày, cái ấn tượng đặc biệt về em càng khiến tôi ngạc nhiên và khâm phục.

Đó là vào năm 2010, sau khi tốt nghiệp phổ thông, Huyền thi đỗ vào Đại học Ngoại thương. Nhưng cùng lúc đó, em nhận được học bổng toàn phần của Đại học FPT. Sau khi cân nhắc, Huyền đã từ chối tấm vé vào Đại học Ngoại thương - ngôi trường danh giá, niềm mơ ước của biết bao thí sinh khá, giỏi để trở thành sinh viên ngành tài chính ngân hàng của Đại học FPT. Vào đây, chương trình học khá nặng, song lại mở ra những cơ hội cho những ai năng động, biết nắm bắt thời cơ để thực hiện mơ ước. Huyền nỗ lực học tập, miệt mài nghiên cứu khoa học, trau dồi vốn tiếng Anh.

Những thành công của Huyền ở môi trường đại học chắc chắn là mơ ước của tất cả các sinh viên có chí tiến thủ. Cuối năm 2012, Cao Thị Thanh Huyền là đại diện đầu tiên của Việt Nam giành được tấm vé tham dự EAF -Diễn đàn kinh tế - chính trị Châu Âu tổ chức tại Áo. Hai mươi ngày làm việc tại đây, bằng sự năng động trong giao tiếp và thông minh khi thuyết trình dự án, lưu loát khi trả lời câu hỏi bằng tiếng Anh, Huyền được giáo sư Howard Williamson (chuyên gia chính sách thanh niên Châu Âu, giảng dạy tại Đại học Glamongan, Vương quốc Anh) đánh giá thuộc nhóm 5% sinh viên xuất sắc nhất. Giáo sư đã viết thư giới thiệu Huyền tham gia chương trình “Khởi nghiệp toàn cầu”.

Tháng 9 năm 2013, Dự án “Sản phẩm tài chính cho trẻ em” của Huyền đã xuất sắc vượt qua hơn 1.100 dự án, trở thành 1 trong 35 dự án tham dự GESS và em đã sang thành phố Mu-ních (Đức) để tham dự chương trình “Khởi nghiệp toàn cầu”. Tại đây, Huyền được phân vào nhóm cùng bốn sinh viên đại diện cho bốn quốc gia là Đức, Brazin, Palestin và Nigeria xây dựng dự án về giáo dục, xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho giới trẻ.

Tháng 3 năm 2014, Huyền cùng nhóm của mình sang Mĩ tham dự chương trình “Clintơn Globai Initiative” do cựu Tổng thống Mĩ Bill Clintơn khởi xướng tại Đại học Arizoona - Mĩ. Chương trình qui tụ những đại diện học sinh, sinh viên, những lãnh đạo trẻ xuất sắc toàn cầu để hội thảo, tìm ra giải pháp cho các vấn đề cấp bách trên thế giới như giáo dục và sức khỏe, môi trường và biến đổi khí hậu, hòa bình và quyền con người… Cao Thị Thanh Huyền đã được diện kiến gia đình cựu Tổng thống Bill Clintơn - giấc mơ từ khi em mới bốn tuổi, mười tám năm sau đã trở thành hiện thực.

Tôi ấn tượng vì em đạt được nhiều thành tích đáng nể phục là thế nhưng Huyền vẫn rất khiêm tốn, nỗ lực. Đang là sinh viên năm cuối, lại bận rộn với những hoạt động quan trọng bên ngoài học tập, có thể nói em đã phải làm việc gấp đôi bình thường. Và Huyền vừa tốt nghiệp loại giỏi của Đại học FPT. Dù rất gấp gáp với những dự định cho tương lai, đó là tìm kiếm suất du học thạc sĩ tại nước ngoài, song Huyền vẫn không quên nguồn cội. Sắp đến ngày kỷ niệm 25 năm thành lập Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, em sẽ sắp xếp để trở về tham dự ngày hội trường. Huyền mong trở về để gặp mặt thầy cô, để tri ân mái trường đã chắp cánh ước mơ cho em, để cám ơn các thầy cô đã cho em kiến thức, cho em cả những lời khuyên chân tình, tạo nền tảng để em có được những thành công như hôm nay.

Đã có nhiều bài báo viết về Cao Thị Thanh Huyền đăng trên các báo Thanh Niên, Tuổi trẻ, Dân trí… Em là niềm tự hào của nhà trường, là tấm gương về khát vọng biến ước mơ thành hiện thực cho các thế hệ đàn em. Cao Thị Thanh Huyền là một gương mặt học trò ở mái trường Chuyên đã để lại thật nhiều ấn tượng về sự xúc động và khâm phục trong tôi.     

Thảo Liên

Các tin khác
CCB Trần Văn Nghĩa (thứ 2, từ phải sang) chia sẻ với lãnh đạo Hội CCB huyện Văn Yên về kỹ thuật chăn nuôi dê.

Cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Nghĩa ở thôn Đá Bia, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên không chỉ làm kinh tế giỏi từ mô hình tổng hợp trồng rừng kết hợp chăn nuôi, anh còn là người luôn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động Hội, các hoạt động của địa phương, tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của xã.

Mô hình nuôi cá tầm của Giàng A Vàng ở xã An Lương.

Từng chỉ biết cày cấy, nuôi vài con lợn, con gà, ngày nay, nhiều hộ đồng bào Mông trên địa bàn huyện Văn Chấn đã nghĩ khác, làm khác, mạnh dạn đầu tư để chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới. Điều này không những minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy và hành động mà còn thể hiện ý chí, khát khao vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên quê hương.

Thượng tá Trần Xuân Hướng (người đứng giữa) trao đổi nghiệp vụ về công tác dân vận với cán bộ cùng cơ quan.

”Cống hiến trong quân đội đã mấy chục năm trời, được đi nhiều, biết nhiều, gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn nên mình rất hiểu và luôn đau đáu trong lòng phải làm được cái gì đó giúp họ". Đó chính là khát khao cháy bỏng của Thượng tá Trần Xuân Hướng - Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh trong suốt quá trình công tác của mình.

Ông Đoàn Xuân Quý (bên trái) trao đổi với người dân trong thôn mô hình sơ chế vỏ quế tươi.

Những năm qua, với vai trò là Trưởng thôn Đồng Tâm, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, ông Đoàn Xuân Quý luôn bám sát sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội để hướng dẫn nhân dân cách làm hay, hiệu quả, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục