Người phụ nữ Dao năng động

  • Cập nhật: Thứ ba, 14/10/2014 | 3:01:20 PM

YBĐT - Đến thôn Ngòi Tu, xã Vũ Linh (Yên Bình), mọi người thường nhắc đến gương làm kinh tế giỏi của vợ chồng chị Bàn Thị Mùi và anh Tướng Văn Bội. Từ nhiều năm nay, nắm bắt cơ hội, phát huy tiềm năng du lịch của địa phương, gia đình chị Mùi đã biết cách khai thác, phát triển kinh tế, có được nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Chị Mùi sắp xếp chỗ nghỉ cho khách du lịch.
Chị Mùi sắp xếp chỗ nghỉ cho khách du lịch.

Năm 2002, nhận thấy nhu cầu tìm hiểu bản sắc, khám phá và trải nghiệm cuộc sống của những đoàn khách nước ngoài, chị Mùi bàn bạc cùng gia đình tu bổ, sửa sang rộng rãi thêm ngôi nhà sàn đang ở và đầu tư mua sắm các vật dụng phục vụ du khách như chăn, ga, gối, đệm, mọi đồ dùng sinh hoạt truyền thống. Đến nay, gia đình chị Mùi đã xây dựng được 2 ngôi nhà sàn, diện tích 600m2 làm nơi lưu trú cho trên dưới 30 du khách. Chị thuê người đào ao nuôi cá, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rau xanh phục vụ nhu cầu ẩm thực của du khách; đầu tư đóng thuyền máy 12 chỗ chuyên chở khách tham quan trên hồ Thác Bà.

Qua nhiều năm phục vụ du khách chủ yếu là người Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan, Thụy Sỹ, Úc, Nhật Bản… chị động viên và cho các con theo học các lớp cao đẳng giao tiếp tiếng Anh, học nấu ăn và cao đẳng y tế, tạo thuận lợi trong việc phục vụ nhu cầu khách du lịch. Khách đến nghỉ tại gia đình chị Mùi được tính 70.000 đồng/suất ngủ/ngày; đóng góp tiền ăn chung cùng gia đình từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng/suất và thông thường, các đoàn đều nghỉ lại hai ngày, hai đêm. Năm 2013, gia đình chị đã đón tiếp, phục vụ trên 100 lượt với gần 600 khách du lịch.

Chị Mùi nói: “Khách đến với gia đình đều ở và sinh hoạt chung với mọi người trong nhà như một thành viên. Họ mong muốn được thăm quan hồ Thác Bà, đi bộ, leo núi, bơi thuyền nan, câu cá và được tận mắt thấy người dân bản địa làm kinh tế từ đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, trồng cây lâm nghiệp trên đảo hồ… cũng như muốn được thưởng thức ẩm thực, văn hóa”.

Biết đầu tư, khai thác những tiềm năng du lịch của địa phương, từ một hộ nghèo, đến nay, gia đình chị đã thoát nghèo, có thu nhập khá và nhiều người đã tìm đến chị để học tập kinh nghiệm. Hàng năm, gia đình chị Mùi thường xuyên ủng hộ xây dựng phong trào trong các dịp lễ, hội, tết, phong trào làm đường giao thông nông thôn… của xã và của thôn.

Đồng chí Trần Ngọc Tâm - Phó chủ tịch UBND xã Vũ Linh nói: “Các hộ làm du lịch cộng đồng tại Ngòi Tu đều mang tính tự phát. Những hộ biết cách đầu tư, khai thác, phát triển kinh tế và đạt được những thành quả như gia đình chị Bàn Thị Mùi thì chính quyền xã luôn ủng hộ và khuyến khích các hộ dân làm theo nhằm tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và mang lại thu nhập cao cho người dân”.

Mong rằng, chị Mùi cùng những hộ làm du lịch tại thôn Ngòi Tu nói riêng và các gia đình tại các xã nằm trong vùng quy hoạch điểm du lịch cộng đồng của huyện Yên Bình ngày càng làm tốt hơn việc phục vụ, đáp ứng nhu cầu du lịch, tìm hiểu bản sắc, khám phá và trải nghiệm cuộc sống của những đoàn khách trong và ngoài nước. Chị Mùi vinh dự được bầu là đại biểu của xã đi dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Yên Bình tháng 8/2014 và của tỉnh Yên Bái vào trung tuần tháng 11/2014.

Vũ Đồng

Các tin khác
Bí thư Chi bộ thôn Đồng Gianh Đặng Thị Hoa trao quyết định kết nạp đảng viên mới cho đồng chí Nguyễn Mạnh Tường

Qua cổng làng, con đường dẫn vào thôn Đồng Gianh, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên xanh màu của cây, bừng sắc của hoa, khang trang những ngôi nhà xây hiện đại. Cách đó chẳng bao xa, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đặng Thị Hoa tươi nụ cười đón khách trước sân nhà. Cứ nhìn sân, ngó vườn, ngắm nhà là có thể phần nào biết sự kỹ lưỡng, chỉn chu của chủ gia đình cho không gian sống xanh, thoáng, đẹp…

CCB Trần Văn Nghĩa (thứ 2, từ phải sang) chia sẻ với lãnh đạo Hội CCB huyện Văn Yên về kỹ thuật chăn nuôi dê.

Cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Nghĩa ở thôn Đá Bia, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên không chỉ làm kinh tế giỏi từ mô hình tổng hợp trồng rừng kết hợp chăn nuôi, anh còn là người luôn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động Hội, các hoạt động của địa phương, tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của xã.

Mô hình nuôi cá tầm của Giàng A Vàng ở xã An Lương.

Từng chỉ biết cày cấy, nuôi vài con lợn, con gà, ngày nay, nhiều hộ đồng bào Mông trên địa bàn huyện Văn Chấn đã nghĩ khác, làm khác, mạnh dạn đầu tư để chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới. Điều này không những minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy và hành động mà còn thể hiện ý chí, khát khao vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên quê hương.

Thượng tá Trần Xuân Hướng (người đứng giữa) trao đổi nghiệp vụ về công tác dân vận với cán bộ cùng cơ quan.

”Cống hiến trong quân đội đã mấy chục năm trời, được đi nhiều, biết nhiều, gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn nên mình rất hiểu và luôn đau đáu trong lòng phải làm được cái gì đó giúp họ". Đó chính là khát khao cháy bỏng của Thượng tá Trần Xuân Hướng - Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh trong suốt quá trình công tác của mình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục