Gặp “thầy” của người Dao quần trắng

  • Cập nhật: Thứ hai, 27/10/2014 | 9:47:19 AM

YBĐT - 6 giờ sáng, như đã hẹn trước, tôi cùng anh Lương Xuân Tứ - Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Yên Bình ngược đường đông hồ đến xã Yên Thành để gặp một con người bình thường như mọi người nhưng đã làm được nhiều điều mà không phải bất cứ ai muốn là làm được.

“Thầy” Định vẽ tranh thờ treo trong lễ Cấp sắc.
“Thầy” Định vẽ tranh thờ treo trong lễ Cấp sắc.

Tuyến đường Đông hồ mới được tu sửa nên đi lại khá thuận lợi. Dọc hai bên đường, bà con nông dân đã ra đồng gặt lúa vụ mùa từ bao giờ. Sau gần hai giờ đồng hồ, chúng tôi đến được trụ sở xã. Đón tiếp chúng tôi là anh Bàn Văn Thắng - Chủ tịch UBND xã. Sau khi giới thiệu, vài ba câu chuyện xã giao, biết được nội dung công việc của chúng tôi, anh Thắng bật lên: “Đúng rồi, hay lắm! Phải nói về “hắn” để ghi nhận những thành tích, đóng góp của “tay này”. “Hắn” là người đã có rất nhiều công lao, cống hiến, đóng góp trong việc tìm tòi, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của người Dao tại địa phương chúng tôi đấy!”.

Người mà chúng tôi tìm là anh Hoàng Hữu Định đang sinh sống tại thôn 2, bản Ngòi Cụ, xã Yên Thành. Anh Định năm nay 44 tuổi, người dân tộc Dao quần trắng. Nhận được thông tin nhà có khách, anh liền gọi bảo ngay con cháu mổ gà, vịt, nấu cơm đãi khách. Khi chúng tôi đến, anh Định vẫn đang còn mải miết bò ra sàn nhà để vẽ cho kịp bộ tranh thờ chuẩn bị làm lễ Cấp sắc cho một người dân trong làng. Trên sàn bày la liệt mực Tàu, sơn các màu, bút dạ sơn, đỏ, vàng, xanh, đen và một số tranh đã vẽ xong.

Anh Định nói ngay: “Trước đây vẽ trên giấy dó, giờ chuyển sang vẽ trên vải mộc nên để được lâu hơn. Khi làm lễ, tranh được treo ở cạnh nơi đặt bát hương thờ cúng tổ tiên, theo tâm niệm được bay theo khói hương, báo cáo tổ tiên, để được che chở và ban phát mọi điều may mắn”.

Cả bộ tranh thờ làm lễ là 15 bức: tranh thượng, trung, hạ, công đồ, bố mẹ rồi 5 tranh: Triệu, Má, Đặng, Quan, Phận… Theo phong tục, tập quán người Dao quần trắng, con trai từ 10 tuổi trở lên là đủ tuổi làm lễ Cấp sắc, chưa Cấp sắc thì chưa thành người lớn, bố chưa làm thì con không làm được, có chết thì vẫn phải làm cho bố trước hoặc cùng thì phải làm theo cách của người âm.

Hoàng Hữu Định, lúc nhỏ có tên là Hoàng Văn Thụ. Sau khi Cấp sắc, đổi tên, anh được thừa kế một kho tàng, vốn văn hóa truyền thống của người Dao quần trắng là những chồng sách cổ được lưu giữ đến nay là đời thứ 5. Anh rất chịu khó đọc, dịch rồi nghiên cứu để phát triển; thường xuyên hướng dẫn mọi người trong thôn, bản về những phong tục, tập quán của dân tộc mình. Chính vì thế, mọi người gọi anh bằng “thầy” một cách gần gũi, trìu mến. Với kiến thức, kinh nghiệm đã được đọc và nghiên cứu, anh luôn giúp mọi người trong những việc như làm nhà, cưới hỏi, ngày cúng lễ, tết… Và khi trong bản có ai muốn được Cấp sắc thường tìm đến “thầy” Định để nhờ làm tranh, nhờ cúng lễ cấp phong sắc. Trong mùa lễ, tết hay cưới hỏi, anh sưu tầm, phổ biến những câu hát giao duyên (quan làng), hát đối đáp.

Con trai hát: “Anh đến làng em, bản thân muốn ở lại/12 ông thầy xua đuổi mà anh lại không muốn về”. Con gái đối lại: “Anh đến thôn em, cả thôn đều quý mến/Dù anh có về, hình bóng anh vẫn in trên đường”.

Hay trong đám cưới, con trai hát:“Tứ phương quan lớn từ từ vào uống rượu, kể chuyện xưa và nay, chuyện cũ, chuyện mới, mọi người đều ở lại cho đến sáng”. Con gái đối lại: “Phố bên em dù có nhỏ, đèn dầu nhà em dù có ít, người làng mời anh ở lại uống rượu cho đến sáng đừng về”.

Anh Định giới thiệu về tính năng, tác dụng của chiếc kèn nứa do mình nghiên cứu, khôi phục.

Anh Hoàng Hữu Hạnh - cán bộ văn hóa xã cho biết: “Xã Yên Thành có trên 90% dân số là người dân tộc Dao quần trắng. Để gìn giữ, bảo tồn và phát triển vốn văn hóa dân tộc Dao, chúng tôi đã chọn anh Định, một con người  nhanh nhẹn, hoạt bát, có hiểu biết, kiến thức và được kế thừa kho tài sản văn hóa vô giá. Địa phương đã gây dựng anh làm hạt nhân trong phong trào văn hóa văn nghệ của người Dao tại địa phương”. Định tích cực tham gia các phong trào văn hóa văn nghệ từ thôn, bản đến xã, huyện, tỉnh. Nhiều tiết mục cổ truyền, phát hiện mới đều được anh Định tìm tòi, dàn dựng lại rất công phu như: múa “12 con giáp”, múa cầu, báo cáo, tạ ơn trong lễ hội cầu mùa; sáng chế và biểu diễn các nhạc cụ: sáo nứa, sáo mũi, tù và sừng trâu, đàn nứa…

Đã nhiều năm, anh cùng Đội văn nghệ của xã tham gia hội diễn nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục dân tộc tại huyện gặt hái được rất nhiều thành công rồi lại được trưng tập tham gia cùng đội của huyện, lên tỉnh và đi đến đâu cũng giành giải thưởng.
Từ đó, anh Định được mời cùng đoàn của tỉnh tham dự nhiều lễ hội như: Lễ hội 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Lễ hội Đền Hùng, Lễ hội các dân tộc 6 tỉnh phía Bắc…

Với nhiều những tiết mục độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa người Dao quần trắng, anh đã được tặng rất nhiều bằng khen, giấy khen của huyện, tỉnh, Trung ương. Thành tích do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh tặng anh tại các kỳ hội diễn như: Huy chương Bạc độc tấu nhạc cụ tiết mục “Gọi bạn ngày mùa” (năm 2005), Giải A múa “Xua đuổi cái ác” (năm 2007), Huy chương Đồng tiết mục “Lễ hội cầu làng” (năm 2009), Huy chương Bạc độc tấu sáo mũi tiết mục “Mời trăng xuống bản” (năm 2011)… Thành tích cao nhất mà Định có được là năm 2009, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cấp Giấy chứng nhận người có công trong việc khai thác, gìn giữ bản sắc dân tộc người Dao quần trắng.

Anh Lương Xuân Tứ nói: “Trước đây, trong những lần đi tuyên truyền tại cơ sở, chúng tôi đã phát hiện ra anh Định có nhiều tố chất và lúc đó anh mới 17, 18 tuổi đang làm diễn viên múa ở Đội văn nghệ xã. Chúng tôi đã đề nghị chính quyền quan tâm, động viên để anh tham gia phong trào văn hóa, văn nghệ chung của toàn xã”. Trong năm 2013, Hoàng Hữu Định đã khôi phục, dàn dựng, đạo diễn rất thành công tiết mục múa “12 con giáp” và được giới chuyên môn ghi nhận, đánh giá cao.

Vũ Đồng

Các tin khác
CCB Trần Văn Nghĩa (thứ 2, từ phải sang) chia sẻ với lãnh đạo Hội CCB huyện Văn Yên về kỹ thuật chăn nuôi dê.

Cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Nghĩa ở thôn Đá Bia, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên không chỉ làm kinh tế giỏi từ mô hình tổng hợp trồng rừng kết hợp chăn nuôi, anh còn là người luôn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động Hội, các hoạt động của địa phương, tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của xã.

Mô hình nuôi cá tầm của Giàng A Vàng ở xã An Lương.

Từng chỉ biết cày cấy, nuôi vài con lợn, con gà, ngày nay, nhiều hộ đồng bào Mông trên địa bàn huyện Văn Chấn đã nghĩ khác, làm khác, mạnh dạn đầu tư để chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới. Điều này không những minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy và hành động mà còn thể hiện ý chí, khát khao vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên quê hương.

Thượng tá Trần Xuân Hướng (người đứng giữa) trao đổi nghiệp vụ về công tác dân vận với cán bộ cùng cơ quan.

”Cống hiến trong quân đội đã mấy chục năm trời, được đi nhiều, biết nhiều, gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn nên mình rất hiểu và luôn đau đáu trong lòng phải làm được cái gì đó giúp họ". Đó chính là khát khao cháy bỏng của Thượng tá Trần Xuân Hướng - Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh trong suốt quá trình công tác của mình.

Ông Đoàn Xuân Quý (bên trái) trao đổi với người dân trong thôn mô hình sơ chế vỏ quế tươi.

Những năm qua, với vai trò là Trưởng thôn Đồng Tâm, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, ông Đoàn Xuân Quý luôn bám sát sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội để hướng dẫn nhân dân cách làm hay, hiệu quả, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục