32 năm gắn bó nghiệp “trồng người”

  • Cập nhật: Thứ ba, 18/11/2014 | 1:34:51 PM

YBĐT - Từ khi triển khai cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, cô Sơn là một trong những người đi đầu trong tự học và sáng tạo. Khi còn giảng dạy trên lớp, cô chịu khó trau dồi, lắng nghe ý kiến đóng góp của đồng nghiệp để khắc phục những thiếu sót của mình.

Cô Sơn cùng các em học sinh trao đổi về bài học sau những giờ chính khóa.
Cô Sơn cùng các em học sinh trao đổi về bài học sau những giờ chính khóa.

"Khi còn trực tiếp giảng dạy, cô Thạch Thị Sơn là người mẫu mực, có chuyên môn vững vàng và luôn tìm tòi đổi mới trong phương pháp giảng dạy tạo sự hứng thú cho học sinh. Giờ đây, trên cương vị của người làm công tác quản lý, cô luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, có phương pháp lãnh đạo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương cũng như của nhà trường. Đặc biệt, cô hết mực yêu thương, quan tâm tới học sinh của mình” - thầy giáo Phạm Xuân Sơn - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Yên cho biết.

Đến Trường Tiểu học Viễn Sơn, huyện Văn Yên vào một buổi sáng se lạnh, trong căn phòng làm việc giản dị nhưng ấm áp, tôi ngồi nghe cô kể về cuộc đời, về nghề của mình… “Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên. Ngay từ nhỏ, tôi đã ấp ủ mơ ước theo nghiệp “trồng người” nên khi còn ngồi trên ghế trường phổ thông, tôi cố gắng học thật giỏi để mai sau được trở thành một người thầy, cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục”. Khi tốt nghiệp cấp III năm 1980, cô đăng ký dự thi vào Trường Trung cấp Sư phạm 12+2 Yên Bái (nay là Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái).

Quyết tâm thực hiện ước mơ của mình, những năm tháng học tập ở trường, cô luôn nỗ lực hết mình trong học tập và luôn đứng trong tốp đầu của lớp. Chỉ học trên lớp thôi chưa đủ, cô tự mày mò, tự học trên nhiều tài liệu để bổ sung thêm kiến thức cho bản thân. Hơn hai năm miệt mài đèn sách ở mái trường sư phạm, năm 1982, cô tốt nghiệp với tấm bằng khá và được phân công về giảng dạy tại Trường Tiểu học Viễn Sơn.

Cô Sơn xúc động nhớ lại: “Hồi học chuyên nghiệp thiếu thốn, khó khăn mọi bề nhưng những khó khăn đó không thể làm tôi nản chí mà càng thôi thúc tôi thực hiện ước mơ của mình là trở thành cô giáo trong tương lai, đồng hành với các em học sinh thân yêu. Chính những điều đó đã giúp tôi có thêm nghị lực. Hơn nữa, tôi còn được sự ủng hộ rất lớn từ người thân để cố gắng và quyết tâm học cho thật tốt, tiếp thu những bài giảng để mai sau phục vụ sự nghiệp “trồng người” cho quê hương”.

Từ khi tham gia công tác giảng dạy, quản lý đến nay, cô Sơn đã có gần 32 năm cống hiến cho giáo dục vùng cao. Cô không thể quên hình ảnh các em học sinh, ngôi trường khi lần đầu đặt chân đến vùng đất này.

Cô Sơn tâm sự: “Ngày ấy, trường chỉ là những ngôi nhà tạm bợ được dựng lên bằng tranh tre, nứa lá. Lớp học, bàn ghế là những tấm ván gỗ được đặt lên trên 4 cây cọc cắm xuống đất... Trường lớp rất khó khăn, trong khi đồng bào Dao còn nặng nề nhiều hủ tục. Vì vậy, không chỉ nơi ăn, chốn ở mà việc vận động con em đồng bào đến trường cũng gặp khó. Họ coi “học chữ” là điều không cần thiết. Với bà con, chữ không no được cái bụng như đi làm nương, làm rẫy. Tôi và bạn bè đồng nghiệp đã không quản ngại khó khăn, băng rừng, vượt núi lên các bản người Dao tìm hiểu phong tục, tập quán của bà con, vận động và tuyên truyền cho bà con hiểu rõ về lợi ích của việc học chữ với quyết tâm không để các em phải mù chữ. Bằng sự kiên trì của tôi và đồng nghiệp, lớp học ngày một đông hơn, nhiều phụ huynh đã tự giác đưa con đến trường, đến lớp”.

Từ khi triển khai cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, cô Sơn là một trong những người đi đầu trong tự học và sáng tạo. Khi còn giảng dạy trên lớp, cô chịu khó trau dồi, lắng nghe ý kiến đóng góp của đồng nghiệp để khắc phục những thiếu sót của mình.

 Để có những bài giảng hay, cô không ngừng tìm tòi thêm ở nhiều tài liệu, sách, báo… và luôn cập nhật những kiến thức mới phục vụ cho công tác giảng dạy tốt hơn, qua đó có nhiều sáng kiến trong giảng dạy và quản lý. Nhiều sáng kiến đã được ngành giáo dục Yên Bái xếp loại A, tiêu biểu như sáng kiến: “Một số biện pháp quản lý của hiệu trưởng đối với đội ngũ giáo viên, tăng cường công tác kiểm tra trong nhà trường nhằm đẩy mạnh chất lượng dạy và học”…

Đặc biệt, trong công tác quản lý, cô đã tích cực đổi mới triển khai các chuyên đề chuyên môn, tổ chức dự giờ thăm lớp. Trong suốt 32 năm công tác (2 năm trực tiếp giảng dạy, 30 năm làm công tác quản lý) tại xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, có lần cô cùng giáo viên của trường đi thuyết phục một học sinh bỏ học trở lại lớp. Phải đi bộ vài giờ đồng hồ mới tới nhà nhưng khi thấy cô giáo tới, em này đã bỏ chạy lên rừng, các cô phải lên tận nơi dỗ dành, động viên em mới chịu đến trường.

Lần khác, nhà học sinh ở xa, cách trường cả buổi đi bộ, cô phải đến lần thứ ba và ngồi “thi gan” với gia đình suốt một ngày. Thấy cô giáo nhiệt tình nên gia đình đồng ý cho cô Sơn đưa học sinh xuống trường... Giờ đây, mỗi buổi đến trường, các em đều ríu rít gọi “cô”, xưng “con” rất tình cảm. Đó không chỉ là niềm vui mà còn là niềm vinh dự, sự động viên đối với cô.

Dù ở đâu, bất cứ cương vị nào, cô cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nhiều năm liền đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở”, được nhận bằng khen của tỉnh, giấy khen của huyện… Quan trọng hơn cả, nhà trường là đơn vị đầu tiên thuộc xã đặc biệt khó khăn của huyện được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I. Hạnh phúc nhất, cô được mọi người kính trọng và nể phục, xứng đáng là tấm gương sáng để mọi người học tập và làm theo.

Trần Minh

Các tin khác
Bí thư Chi bộ thôn Đồng Gianh Đặng Thị Hoa trao quyết định kết nạp đảng viên mới cho đồng chí Nguyễn Mạnh Tường

Qua cổng làng, con đường dẫn vào thôn Đồng Gianh, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên xanh màu của cây, bừng sắc của hoa, khang trang những ngôi nhà xây hiện đại. Cách đó chẳng bao xa, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đặng Thị Hoa tươi nụ cười đón khách trước sân nhà. Cứ nhìn sân, ngó vườn, ngắm nhà là có thể phần nào biết sự kỹ lưỡng, chỉn chu của chủ gia đình cho không gian sống xanh, thoáng, đẹp…

CCB Trần Văn Nghĩa (thứ 2, từ phải sang) chia sẻ với lãnh đạo Hội CCB huyện Văn Yên về kỹ thuật chăn nuôi dê.

Cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Nghĩa ở thôn Đá Bia, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên không chỉ làm kinh tế giỏi từ mô hình tổng hợp trồng rừng kết hợp chăn nuôi, anh còn là người luôn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động Hội, các hoạt động của địa phương, tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của xã.

Mô hình nuôi cá tầm của Giàng A Vàng ở xã An Lương.

Từng chỉ biết cày cấy, nuôi vài con lợn, con gà, ngày nay, nhiều hộ đồng bào Mông trên địa bàn huyện Văn Chấn đã nghĩ khác, làm khác, mạnh dạn đầu tư để chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới. Điều này không những minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy và hành động mà còn thể hiện ý chí, khát khao vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên quê hương.

Thượng tá Trần Xuân Hướng (người đứng giữa) trao đổi nghiệp vụ về công tác dân vận với cán bộ cùng cơ quan.

”Cống hiến trong quân đội đã mấy chục năm trời, được đi nhiều, biết nhiều, gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn nên mình rất hiểu và luôn đau đáu trong lòng phải làm được cái gì đó giúp họ". Đó chính là khát khao cháy bỏng của Thượng tá Trần Xuân Hướng - Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh trong suốt quá trình công tác của mình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục