“Vua cam” trên đất Thượng Bằng La

  • Cập nhật: Thứ năm, 25/12/2014 | 9:05:53 AM

YBĐT - Chỉ khi tận mắt chứng kiến những đồi quả vàng rực bạt ngàn cam, quýt ước chừng gần chục héc-ta, tôi mới thực sự tin những gì mà người dân xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn kể về đồi cam bạc tỷ của gia đình ông Trần Ngọc Bích ở thôn Thiên Tuế là hoàn toàn có thật và cả cái biệt danh “vua cam” mà người ta ngưỡng mộ đặt cho ông cũng không hề sai.

Ông Trần Ngọc Bích (bên phải) chia sẻ kinh nghiệm trồng cam Đường Canh với cán bộ Hội Nông dân huyện Văn Chấn.
Ông Trần Ngọc Bích (bên phải) chia sẻ kinh nghiệm trồng cam Đường Canh với cán bộ Hội Nông dân huyện Văn Chấn.

Con đường tới thôn Thiên Tuế chạy tút hút theo những đồi cam nối nhau vào sâu trong núi. Đây là thôn có diện tích trồng cam nhiều nhất của xã Thượng Bằng La với khoảng gần 100ha, cũng là thôn có nhiều hộ thu nhập “khủng” từ trồng cây ăn quả. Trên đất Thiên Tuế, chẳng có cây gì được trồng nhiều như cam và các loại cây ăn quả có múi.

Đặt chân đến vườn quả của gia đình ông Trần Ngọc Bích, tôi thực sự choáng ngợp. Dường như đồi đất nơi này chỉ dành đặc ân cho riêng cho cam, quýt và cây ăn quả có múi nên chẳng mất mấy công nhọc nhằn chăm bón mà những đồi quả mùa qua mùa vẫn trĩu vàng trái ngọt.

Trò chuyện với ông chủ vườn quả nổi tiếng nhất vùng trong ngôi nhà do chính người kiến trúc sư này tự thiết kế và xây dựng vừa đẹp vừa lạ, lại gần như bao quát được trọn vẹn những đồi cây ăn quả, ông Bích cho hay: “Hơn chục năm trước, vùng đất này vẫn là rừng rậm hoang vu. Cây cam, cây quýt được một số gia đình người miền xuôi đưa lên trồng  trong vườn nhà chỉ như một thứ quà vặt chứ chưa hề có chỗ đứng trong cơ cấu cây trồng của địa phương như hiện nay. Đất Thượng Bằng La mấy năm nay đã có không hiếm hộ đang khá và giàu lên trông thấy từ trồng cây ăn quả... Thu nhập một trăm, hai trăm triệu đồng mỗi năm từ cây ăn quả ở địa phương rất phổ biến”.

Chính thức bắt tay vào trồng cam từ năm 2000, năm đầu, cũng chỉ trồng được vài chục cây, mà thời ấy, như ông Bích kể, một ngày đi làm thuê chỉ vừa vặn đủ tiền mua 3 cây cam giống. Một mình “đóng đô” trên núi 12 năm, cứ cần mẫn tích cóp được chút vốn liếng nào, ông lại đầu tư mua đất, mua đồi; rồi vừa mày mò chiết ghép, trồng thử nghiệm các loại cam, quýt vừa tự rút kinh nghiệm cho mình, thành - bại đủ cả.

Từ vài chục cây cam trồng năm đầu, dần dần, chủ động cây giống nhân lên một trăm, hai trăm cây những năm sau, đến nay, gia đình ông Bích đang có gần 7ha cây ăn quả gồm các loại cam, quýt và chanh, trong đó, số cây đang cho thu hoạch gần 3 nghìn gốc; sản lượng vụ quả năm 2014 thu hoạch ước đạt trên 50 tấn, trong đó, riêng 600 gốc cam Đường Canh đã cho trên 20 tấn quả. Với thời giá hiện nay, gia đình ông đã có chắc trong tay bạc tỷ, đó là chưa kể đến nguồn thu từ khai thác 3ha rừng trồng. Được biết, từ năm 2010, vườn quả bước vào thời kỳ cho thu hoạch, thu nhập hàng năm của gia đình ông đã tăng lên đáng kể. Nếu năm 2010, tổng thu từ cây ăn quả mới đạt 200 triệu đồng thì chỉ 2 năm sau đó - năm 2012, gia đình ông đã đạt mức thu nhập trên 600 triệu đồng.

Không trồng các giống cam, quýt đại trà như nhiều hộ khác trong vùng, nhận thấy hiệu quả kinh tế và thị trường đầu ra của cây cam Đường canh lớn nên ông Bích đã đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư, quy hoạch phần lớn diện tích đất vườn đồi để trồng cam Đường canh. Vụ quả 2014, trong khi không ít nhà vườn thất thu thì gần 1.000 gốc cam Đường Canh của gia đình ông Bích vẫn trĩu trịt trái. Trung bình mỗi gốc cho từ 80kg - 1,1 tạ quả.

Theo ông Bích, đây là giống cây ăn trái khó tính, đòi hỏi kỹ thuật cao. Năm nay, thời tiết thất thường, nếu không có sự nhạy cảm và kinh nghiệm của người làm vườn dù có áp dụng kỹ thuật đúng đi chăng nữa, năng suất vườn quả vẫn không như mong muốn. Mời khách những quả cam Đường Canh đầu vụ vàng tươi, căng mọng, vị ngọt thấm đến từng thớ lưỡi, ông Bích khẳng định: “Đất ở vùng rừng khu vực thôn Thiên Tuế rất phù hợp để phát triển các loại cây ăn quả, nhất là cam Đường canh cho vị ngọt đậm, quả căng mọng, đều thau tháu. Hiệu quả kinh tế từ cây cam không còn là chuyện phải bàn. Con số cỡ chừng 1 tỷ đồng gia đình dự tính thu về năm nay đã chắc trong tầm tay”.

Dẫn chúng tôi đi vòng quanh những triền đồi được quy hoạch chỉn chu cho từng loại cây ăn quả từ cam sành, cam Đường Canh, đến các loại chanh vàng, chanh lòng đào, chanh trắng, chanh Đà Lạt… ông cho biết, dự định tới đây của gia đình là sẽ đưa hết diện tích gần 4ha đất đồi rừng còn lại vào trồng cây ăn quả. Trong đó, tập trung phát triển một số giống bưởi mới rất có giá trị về kinh tế, tiềm năng tiêu thụ tốt tại thị trường trong nước; đồng thời, xây dựng mô hình trang trại khép kín, phát triển chăn nuôi để phục vụ trồng trọt. Cũng theo ông chủ, chỉ vụ quả tới khi gần 5 nghìn gốc cây ăn quả gồm 1.300 gốc cam Đường Canh và gần 3 nghìn gốc chanh các loại đồng loạt cho thu hoạch, nguồn thu của gia đình chắc chắc sẽ không dừng ở con số 1 tỷ đồng… 

Rời thôn Thiên Tuế khi cái nắng giữa Đông ấm áp đã nhuốm vàng cả một vùng rừng bạt ngàn trái ngọt, tôi không quên lời mời hẹn ngày trở lại của ông chủ vườn quả. Lòng chợt thấy vui khi mỗi tấc đất nơi đây đã thực sự là một tấc “vàng”…

Minh Thúy

Các tin khác
Bí thư Chi bộ thôn Đồng Gianh Đặng Thị Hoa trao quyết định kết nạp đảng viên mới cho đồng chí Nguyễn Mạnh Tường

Qua cổng làng, con đường dẫn vào thôn Đồng Gianh, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên xanh màu của cây, bừng sắc của hoa, khang trang những ngôi nhà xây hiện đại. Cách đó chẳng bao xa, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đặng Thị Hoa tươi nụ cười đón khách trước sân nhà. Cứ nhìn sân, ngó vườn, ngắm nhà là có thể phần nào biết sự kỹ lưỡng, chỉn chu của chủ gia đình cho không gian sống xanh, thoáng, đẹp…

CCB Trần Văn Nghĩa (thứ 2, từ phải sang) chia sẻ với lãnh đạo Hội CCB huyện Văn Yên về kỹ thuật chăn nuôi dê.

Cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Nghĩa ở thôn Đá Bia, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên không chỉ làm kinh tế giỏi từ mô hình tổng hợp trồng rừng kết hợp chăn nuôi, anh còn là người luôn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động Hội, các hoạt động của địa phương, tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của xã.

Mô hình nuôi cá tầm của Giàng A Vàng ở xã An Lương.

Từng chỉ biết cày cấy, nuôi vài con lợn, con gà, ngày nay, nhiều hộ đồng bào Mông trên địa bàn huyện Văn Chấn đã nghĩ khác, làm khác, mạnh dạn đầu tư để chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới. Điều này không những minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy và hành động mà còn thể hiện ý chí, khát khao vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên quê hương.

Thượng tá Trần Xuân Hướng (người đứng giữa) trao đổi nghiệp vụ về công tác dân vận với cán bộ cùng cơ quan.

”Cống hiến trong quân đội đã mấy chục năm trời, được đi nhiều, biết nhiều, gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn nên mình rất hiểu và luôn đau đáu trong lòng phải làm được cái gì đó giúp họ". Đó chính là khát khao cháy bỏng của Thượng tá Trần Xuân Hướng - Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh trong suốt quá trình công tác của mình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục