Gương điển hình tiên tiến giai đoạn 2010 - 2015

Làm giàu từ cây chè

  • Cập nhật: Thứ sáu, 14/8/2015 | 9:57:31 AM

YênBái - YBĐT - Ông Phạm Thanh Xuân rất khiêm tốn khi nói về chuyện phát triển kinh tế của mình nhưng cái cơ ngơi nhà cửa và cơ sở sản xuất bề thế giữa thôn Tân Hà, xã Tân Hương (huyện Yên Bình) đã cho thấy đầu óc làm ăn của người nông dân này.

Ông Phạm Thanh Xuân giới thiệu sản phẩm chè.
Ông Phạm Thanh Xuân giới thiệu sản phẩm chè.

Ông Xuân vẫn còn nhớ lắm những ngày mới lên đất Tân Hương xây dựng cuộc sống mới. Từ miền quê Hà Nam lên đất rừng này lập nghiệp nhưng khi đó, đất sản xuất của gia đình ông chẳng có được bao nhiêu. Những ngày tháng đó, vợ chồng ông Xuân phải xoay đủ nghề, buôn bán đủ nơi để duy trì cuộc sống và tích góp từng đồng vốn.

Qua nhiều năm làm ăn, ông dần dà mở rộng được diện tích sản xuất của gia đình, đầu tư vào phát triển chăn nuôi lợn, gà và trồng trọt. Ông Xuân không ngừng học hỏi, nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật, đưa cây trồng, vật nuôi có năng suất cao vào sản xuất và bắt đầu có thu nhập tương đối. Đến năm 2009, thu nhập từ chăn nuôi và trồng trọt của gia đình ông khoảng 80 triệu đồng và tăng dần lên trong những năm sau đó. Đặc biệt, khai thác lợi thế cây chè trên địa bàn, ông Xuân đã đầu tư vào sản xuất và chế biến chè.

Năm 2009, thu nhập từ chế biến chè của gia đình ông khoảng 200 triệu đồng. Có thêm vốn, ông lại đầu tư vào mua sắm máy móc, mở rộng quy mô sản xuất mỗi năm một ít và có được cơ sở sản xuất rộng lớn như hiện nay. Để nâng cao chất lượng sản phẩm từ đầu vào, cơ sở sản xuất của ông Xuân còn phối hợp với cán bộ khuyến nông địa phương tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con về kỹ thuật chăm sóc và thu hái chè, qua đó, giúp bà con ngày càng nâng cao năng suất, chất lượng chè.

Nhờ tích cực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc phù hợp với công nghệ chế biến chè các loại, mở rộng quy mô sản xuất, bình quân mỗi năm, gia đình ông Phạm Thanh Xuân chế biến từ 1.470 - 1.750 tấn chè búp tươi, trừ chi phí, thu lãi từ 300 - 400 triệu đồng. Mới đây, ông Xuân đã mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh từ hộ gia đình lên thành hợp tác xã. Hợp tác xã Chè Trường Xuân do ông làm Chủ nhiệm không những giúp tiêu thụ sản phẩm cho nhiều hộ trồng chè trên địa bàn mà còn góp phần giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho từ 20 - 25 lao động địa phương với mức thu nhập từ trên dưới 5 triệu đồng/người/tháng.

Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh chè, điều ông Xuân muốn thực hiện nhất hiện nay là xây dựng thương hiệu chè sạch cho sản phẩm. Để làm điều này, ông đã và đang tham gia dự án phát triển chè bền vững ở Việt Nam của Tập đoàn Unilever. Tham gia Dự án, ông Xuân và những hộ dân trồng chè phải tuân theo một quy trình chăm sóc, phát triển, thu hái, chế biến chè một cách rất chặt chẽ nhằm bảo đảm sạch từ nguyên liệu đến thành phẩm. Mặc dù sẽ phải thay đổi khá nhiều so với quy trình sản xuất truyền thống nhưng ông Xuân cho rằng, đây là điều rất cần thiết để phát triển bền vững, dài lâu trong sản xuất, kinh doanh chè.

Từ sản xuất, kinh doanh, ngoài việc nộp hàng trăm triệu đồng cho ngân sách Nhà nước, ông Xuân còn có điều kiện và tích cực đóng góp xây dựng thôn xóm. 5 năm qua, trung bình mỗi năm, gia đình ông Xuân đã đầu tư từ 15 - 20 triệu đồng cho việc tu sửa nâng cấp đường giao thông nông thôn với chiều dài 1,7km và ủng hộ quỹ các loại từ 8 - 10 triệu đồng. Với bà con trong thôn, khi gặp khó khăn và đột xuất cần sử dụng tiền hoặc cần nguồn vốn nhất định, gia đình ông Xuân luôn tạo tạo điều kiện cho vay không lấy lãi. Cũng nhờ đó, một số hộ trong thôn đã vượt qua khó khăn, phấn đấu vươn lên.

Mặc dù năm nay đã ở tuổi 63 nhưng ông Xuân không nghĩ sẽ dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh ở quy mô như hiện nay mà ấp ủ mở rộng mô hình sản xuất, tăng sản lượng hàng hóa từ 1.800 - 20.000 tấn chè búp tươi/năm đi đôi với giải quyết thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương.

Hạnh Quyên

Các tin khác
Mô hình nuôi cá tầm của Giàng A Vàng ở xã An Lương.

Từng chỉ biết cày cấy, nuôi vài con lợn, con gà, ngày nay, nhiều hộ đồng bào Mông trên địa bàn huyện Văn Chấn đã nghĩ khác, làm khác, mạnh dạn đầu tư để chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới. Điều này không những minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy và hành động mà còn thể hiện ý chí, khát khao vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên quê hương.

Thượng tá Trần Xuân Hướng (người đứng giữa) trao đổi nghiệp vụ về công tác dân vận với cán bộ cùng cơ quan.

”Cống hiến trong quân đội đã mấy chục năm trời, được đi nhiều, biết nhiều, gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn nên mình rất hiểu và luôn đau đáu trong lòng phải làm được cái gì đó giúp họ". Đó chính là khát khao cháy bỏng của Thượng tá Trần Xuân Hướng - Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh trong suốt quá trình công tác của mình.

Ông Đoàn Xuân Quý (bên trái) trao đổi với người dân trong thôn mô hình sơ chế vỏ quế tươi.

Những năm qua, với vai trò là Trưởng thôn Đồng Tâm, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, ông Đoàn Xuân Quý luôn bám sát sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội để hướng dẫn nhân dân cách làm hay, hiệu quả, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà

Sau nhiều lần hẹn rồi lại lỡ, tôi mới được anh sắp xếp cho cuộc gặp trong hơn một giờ đồng hồ. Anh chính là doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà- Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Think Big Group, Chủ tịch Công ty bất động sản Lộc Sơn Hà, người con của quê hương xã An Lạc, huyện Lục Yên. Hào hoa, tuấn tú và dấu ấn thành công của "tổng tài" nhưng ít ai biết anh đã đi con đường thành công không trải "hoa hồng "!

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục