Đại tá của những sáng kiến

  • Cập nhật: Thứ tư, 16/9/2015 | 2:52:13 PM

YênBái - YBĐT - Cương nghị, quyết đoán nhưng mềm dẻo, tâm lý với cán bộ công nhân. Ít nói, cẩn trọng nhưng năng động, khéo léo khi giải bài toán việc làm. Đặc biệt, kết quả sản xuất các mặt hàng quốc phòng từ khi đảm nhận trách nhiệm Giám đốc của anh đã góp phần đưa Nhà máy Z183 hàng chục năm đứng tốp cuối cùng của khó khăn vươn lên tốp khá của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng...

Đại tá, Giám đốc Nhà máy Z183 - Nguyễn Tiến Thành đang trao đổi với công nhân kỹ thuật CNC.
Đại tá, Giám đốc Nhà máy Z183 - Nguyễn Tiến Thành đang trao đổi với công nhân kỹ thuật CNC.

Không hẳn từ chối khi tôi đặt vấn đề viết về tập thể điển hình A8 và về anh nhưng qua điện thoại tôi thấy hơi dè dặt với vị đại tá tuổi Nhâm Dần này. Chỉ khi tới "đại bản doanh" của anh, chứng kiến hàng trăm công nhân, thợ kỹ thuật đang làm việc hăng hái và những suy tư, trăn trở tìm kiếm đối tác, bạn hàng, tăng mức thu nhập cho công nhân của Giám đốc Nhà máy Z183 (nay là Công ty TNHH Một thành viên Cơ khí 83 đóng tại xã Minh Quán, huyện Trấn Yên) tôi mới hiểu vì sao anh chẳng thể có thời gian để nói về mình.

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là cảnh quan khang trang, sạch đẹp, ngăn nắp của đơn vị ngay từ cổng vào, một khuôn viên rộng mênh mang mới được tu sửa cùng dây chuyền thiết bị sản xuất được mua sắm và đổi mới. Khắp các phân xưởng là tiếng máy rền, tiếng động cơ, ánh lửa hàn cùng những gương mặt hân hoan của công nhân đã tạo nên không khí thi đua lao động sản xuất náo nức chào mừng đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Mỗi bộ phận, mỗi phân xưởng, thậm chí mỗi công nhân trong Nhà máy ấy đều nhận được sự thăm hỏi, động viên, chỉ bảo ân cần, cụ thể bất kể giờ hành chính hay lúc ca đêm của người đàn ông có nét mặt cương nghị, đôi mắt sáng và giọng nói trầm ấm - Đại tá, Giám đốc Nguyễn Tiến Thành. Thảo nào mà trước khi tới đây chúng tôi đã không thể liên lạc điện thoại được với anh. Bỏ chiếc mũ cối xuống bàn, chưa kịp lau những giọt mồ hôi trên gương mặt sạm nắng, anh Thành mở lời:

- Tôi xuống phân xưởng kiểm tra anh em công nhân làm việc, có lẽ tiếng máy ồn quá nên không nghe thấy chuông điện thoại.

- Hoạt động sản xuất các mặt hàng quốc phòng rất nhiều nhưng hình như số công nhân của Nhà máy ít đi phải không anh?

- Đúng vậy. Đây chính là kết quả của bài toán giải quyết việc làm và tinh giản bộ máy từ lao động gián tiếp sang trực tiếp của đơn vị.

Câu chuyện về những bước đi gian nan ban đầu để gỡ khó cho Nhà máy được Đại tá Thành bắt đầu như vậy.

Tốt nghiệp Đại học Bách khoa, chàng sinh viên quê Kim Môn (Hải Dương) về công tác và gắn bó với Trường Cao đẳng Công nghiệp Quốc phòng 20 năm, sau đó anh về làm việc tại Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng hơn 10 năm. Tháng 7/2011, anh được điều động về làm Giám đốc Nhà máy Z183 - Nhà máy có nhiệm vụ chuyên sản xuất, sửa chữa các thiết bị máy móc và nhiều mặt hàng khác phục vụ cho các ngành kinh tế quốc dân như: Phụ tùng cho khai thác dầu khí, mỏ, hóa chất, giấy, điện, pin, xi măng, các thiết bị phòng cháy, chữa cháy, các loại bình cứu hỏa, phụ tùng ô tô, xe máy, thiết bị gia công kim loại như máy phay, máy tiện, các loại máy gia công gỗ và thiết bị cho sản xuất pin, chè, cà phê, giấy....

Trước đó, do khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cùng với công nghệ và thiết bị lạc hậu, năng suất lao động thấp, tỷ trọng sản phẩm hàng quốc phòng không cao, sản xuất kinh tế chịu sự cạnh tranh gay gắt của thị trường nên đời sống công nhân không ổn định.

Là Chánh Văn phòng Tổng cục về tiếp quản Nhà máy trong tình trạng như vậy, Đại tá Thành không khỏi băn khoăn, lo lắng. Thậm chí, mức lương của anh ở Tổng cục hơn 10 triệu đồng thì về Nhà máy ăn theo sản phẩm chỉ còn một nửa, đó là chưa kể đến hình ảnh cơ quan, nhà xưởng cũ kỹ. Bao đêm suy nghĩ, trằn trọc phải làm gì, làm thế nào và bắt đầu từ đâu trong mớ bòng bong ấy để tìm hướng đi cho Nhà máy khiến anh không ngủ yên. Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh quyết định bắt đầu từ khâu tổ chức, sắp xếp lại lao động một cách khoa học, hợp lý. Nghĩ là làm, anh bàn với lãnh đạo Đảng ủy, Ban Giám đốc cùng thống nhất việc rà soát, bố trí lực lượng lao động gián tiếp sang lao động trực tiếp. Chủ trương này cũng đồng nhất với ý kiến của đông đảo công nhân trong đại hội công nhân viên chức ở các phân xưởng.

Anh Thành tâm sự: "Có bộ phận trực ở tổ điện nước 12 người, chúng tôi giảm lần 1 xuống còn 8 người, lần 2 xuống 4 người, hiện nay chỉ còn 2 người vẫn bảo đảm phục vụ sản xuất. Hoặc bộ phận thủ kho của Nhà máy giảm từ 5 người xuống 3 người".

Quả thực, làm công tác tư tưởng cho những người đang làm việc ở môi trường nhàn hạ xuống lao động nặng nhọc, thậm chí là độc hại không đơn giản chút nào nhưng anh đã thành công nhờ phát huy dân chủ trong mỗi phân xưởng, tổ, đội. Làm có tình, có lý và cụ thể hóa vào nghị quyết, gương mẫu thực hiện từ chỉ huy cho tới các phòng, ban; tích cực rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định quản lý nội bộ, phát huy tính dân chủ trong các lĩnh vực công tác; điều chỉnh lại việc phân công nhiệm vụ trong lãnh đạo chỉ huy Nhà máy, bảo đảm tính thống nhất, tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, chỉ huy điều hành; duy trì thực hiện nghiêm chế độ Giám đốc đối thoại trực tiếp với cán bộ, công nhân viên vào chiều thứ hai hàng tuần để chăm lo và bảo đảm đầy đủ chế độ chính sách cho người lao động, giải quyết dứt điểm các kiến nghị, đề xuất của công nhân, tạo dựng niềm tin tuyệt đối trong cán bộ công nhân viên Nhà máy. Bằng cách làm này, Đại tá Thành đã tinh giản hơn 80 lao động gián tiếp với tỷ lệ từ 43,2% năm 2011 xuống còn 22% năm 2015, không có tình trạng thắc mắc hoặc đơn thư khiếu kiện xảy ra.

Sản xuất cơ khí là công việc vô cùng vất vả, khó khăn, sản phẩm quốc phòng chỉ đủ việc làm cho 1/3 quân số nên vấn đề việc làm và thu nhập của công nhân được anh đặc biệt quan tâm. Làm sao kết hợp sản xuất quốc phòng với sản xuất kinh tế, bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của quân đội.

Qua đối thoại dân chủ với công nhân, Giám đốc Thành nhận thấy anh em công nhân ở phân xưởng A5 đã có lý khi đề nghị Nhà máy nhận hợp đồng sản xuất kìm và thực hiện cải tiến công nghệ từ nung phôi bằng than sang nung bằng lò điện. Cách làm này đã giảm chi phí giá thành 1 chiếc kìm từ 1.500 đồng tiền than xuống còn 200 đồng. Nhờ đó, năng suất lao động tăng lên, phân xưởng A5 duy trì đều đặn cả 3 ca sản xuất từ 50 ngàn - gần 70 ngàn chiếc kìm. Qua kiểm tra thực tế ở các phân xưởng sản xuất và tính toán tiết kiệm phôi chế tạo đèn xuất khẩu, Giám đốc Thành đã giúp Nhà máy tiết kiệm được 800 triệu đồng mỗi năm.

Bếp nướng không khói là sản phẩm mũi nhọn của Nhà máy xuất khẩu sang châu Âu.

Từ năm 2014 đến nay, Nhà máy còn chế thử thành công đồng bộ 2 nhóm sản phẩm xuất khẩu trực tiếp là hộp bảo quản đạn nhỏ và 2 loại bếp nướng. Hiện tại, việc thiết kế và sản xuất mẫu bếp nướng không khói mới đang tạo ra mặt hàng mũi nhọn mang thương hiệu của Nhà máy tiêu thụ tại thị trường châu Âu. Từ đầu năm đến nay, Nhà máy đã xuất khẩu được 70 ngàn sản phẩm hộp bảo quản đạn loại nhỏ và hơn 20 ngàn sản phẩm bếp nướng không khói, trị giá hàng chục tỷ đồng, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập trung bình cho công nhân từ 4 triệu đồng năm 2011 lên trên 6 triệu đồng năm 2014, dự kiến năm 2015 đạt 7,4 triệu đồng. Giá trị doanh thu của Nhà máy tăng từ 40 triệu đồng năm 2010 dự kiến lên trên 200 tỷ đồng năm 2015.

Chị Nguyễn Thanh Lương - công nhân phân xưởng A3 khẳng định: "Giám đốc Thành đã giúp cho sản xuất kinh tế của Nhà máy phát triển và có bước đột phá rõ rệt. Việc làm và thu nhập, đời sống của cán bộ công nhân viên được cải thiện đáng kể".

Minh chứng cho những nỗ lực này chính là kết quả từ năm 2012 đến nay, năm nào Nhà máy cũng được Thủ trưởng Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng tặng danh hiệu đơn vị quyết thắng. Riêng đại tá Thành năm nào cũng đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở. Từ năm 2012 đến năm 2015, anh liên tục được nhận bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh Yên Bái, của Đảng ủy, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và Học viện Quốc phòng. Năm 2015, anh được Bộ Quốc phòng tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "Ngành hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy" giai đoạn 2010 - 2015.

Năng động, tích cực trong nghiên cứu, phát triển thị trường, mạnh dạn đầu tư bổ sung trang thiết bị máy móc, quản lý chặt chẽ chi phí trong sản xuất, đặc biệt là các chi phí vật tư, giảm giá thành sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh, khẳng định uy tín với khách hàng... tất cả tố chất ấy của nhà quản lý doanh nghiệp giống như những nốt nhạc xanh mà Đại tá, Giám đốc Nguyễn Tiến Thành với vai trò nhạc trưởng đã xuất sắc chỉ huy để làm nên thành công cho bản hợp xướng Z183 hôm nay.

Thanh Hương

Các tin khác
Mô hình nuôi cá tầm của Giàng A Vàng ở xã An Lương.

Từng chỉ biết cày cấy, nuôi vài con lợn, con gà, ngày nay, nhiều hộ đồng bào Mông trên địa bàn huyện Văn Chấn đã nghĩ khác, làm khác, mạnh dạn đầu tư để chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới. Điều này không những minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy và hành động mà còn thể hiện ý chí, khát khao vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên quê hương.

Thượng tá Trần Xuân Hướng (người đứng giữa) trao đổi nghiệp vụ về công tác dân vận với cán bộ cùng cơ quan.

”Cống hiến trong quân đội đã mấy chục năm trời, được đi nhiều, biết nhiều, gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn nên mình rất hiểu và luôn đau đáu trong lòng phải làm được cái gì đó giúp họ". Đó chính là khát khao cháy bỏng của Thượng tá Trần Xuân Hướng - Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh trong suốt quá trình công tác của mình.

Ông Đoàn Xuân Quý (bên trái) trao đổi với người dân trong thôn mô hình sơ chế vỏ quế tươi.

Những năm qua, với vai trò là Trưởng thôn Đồng Tâm, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, ông Đoàn Xuân Quý luôn bám sát sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội để hướng dẫn nhân dân cách làm hay, hiệu quả, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà

Sau nhiều lần hẹn rồi lại lỡ, tôi mới được anh sắp xếp cho cuộc gặp trong hơn một giờ đồng hồ. Anh chính là doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà- Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Think Big Group, Chủ tịch Công ty bất động sản Lộc Sơn Hà, người con của quê hương xã An Lạc, huyện Lục Yên. Hào hoa, tuấn tú và dấu ấn thành công của "tổng tài" nhưng ít ai biết anh đã đi con đường thành công không trải "hoa hồng "!

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục