Người thanh niên dám nghĩ dám làm

  • Cập nhật: Thứ năm, 15/10/2015 | 10:14:29 AM

YênBái - YBĐT - Với ý nghĩ làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình, chàng thanh niên Lương Đình Khương dân tộc Tày ở thôn Nam Hồng, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên đã từng bước làm giàu bằng mô hình trang trại trồng cây ăn quả có múi.

Anh Lương Đình Khương chăm sóc vườn cam.
Anh Lương Đình Khương chăm sóc vườn cam.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nghèo khó, chứng kiến những khó khăn trong đời sống của bà con trên địa bàn, dù tuổi đời còn trẻ nhưng anh Khương đã luôn trăn trở phải làm sao cho gia đình thoát được cảnh đói nghèo, đời sống được nâng cao. Với những suy nghĩ ấy, sau các chuyến đi về những vùng đất trồng nhiều cây ăn quả có múi, như: xã Thượng Bằng La, Cát Thịnh, Đại Lịch (huyện Văn Chấn); xã Khánh Hòa, An Lạc, Mường Lai, Yên Thế (huyện Lục Yên), xã Đại Minh (Yên Bình)… anh nhận thấy tại những vùng này, cuộc sống của người dân được ổn định nhờ tích cực phát triển cây ăn quả có múi trong khi đó tại quê mình đất vẫn còn nhiều mà chưa được sử dụng hiệu quả.

Năm 2010, anh Khương quyết tâm mua 150 cây cam về trồng thử nghiệm. Sau 3 năm, anh đã được thu hoạch và vụ thu hoạch đầu tiên đã đạt trên 70 triệu đồng. Tiếp tục mở rộng diện tích, đến năm 2014, gia đình anh đã thu về trên 110 triệu đồng.

Thấy rõ hiệu quả kinh tế của việc phát triển cây ăn quả có múi, với nhiệt huyết của tuổi trẻ, dám nghĩ, dám làm và có sự ủng hộ, giúp đỡ của gia đình, bạn bè, năm 2014, anh đã mạnh dạn đầu tư 800 triệu đồng để mua đất, thuê máy san gạt mặt bằng, làm đường, kéo đường ống dẫn nước, đường điện về trang trại phục vụ việc chăm sóc và phát triển cây ăn quả.

Anh Khương tâm sự: “Ban đầu mới trồng các loại cây ăn quả cũng gặp nhiều khó khăn do kiến thức, kinh nghiệm chưa vững, tuy nhiên nếu có quyết tâm mình học thêm về kỹ thuật trồng và chăm sóc thì sẽ đạt hiệu quả. Là một thanh niên, tôi muốn từ mô hình của mình có thể tác động làm thay đổi suy nghĩ cho những thanh niên muốn làm giàu mà chưa có định hướng rõ ràng lại đi tìm việc làm ở nơi xa và cả những người sau một thời gian đi làm ăn xa không hiệu quả trở về địa phương cũng có việc làm để thoát nghèo, ổn định cuộc sống”.

Theo suy nghĩ của anh Khương, muốn thành công trong phát triển cây ăn quả có múi phải biết đầu tư, tự học hỏi kinh nghiệm, tích lũy kiến thức, đưa khoa học - kỹ thuật vào áp dụng trong khi trồng và chăm sóc. Bởi vậy, khi quyết tâm xây dựng mô hình trồng cây ăn quả có múi, anh Khương đã không ngại khó khăn, vất vả lặn lội đến những vùng trồng cây ăn quả có tiếng như thị trấn Nông trường Trần Phú huyện Văn Chấn hay cả các tỉnh bạn như: huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình), huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) để học hỏi kinh nghiệm...

Sau khi đã nắm chắc được phương pháp trong tay, anh Khương bắt tay trồng 7 ha cây ăn quả. Trong đó, có 3.000 gốc cam sành; 2.000 gốc chanh, bưởi da xanh, cam V2… Nhờ áp dụng tốt kiến thức khoa học kỹ thuật từ khâu trồng đến chăm sóc mà diện tích cây ăn quả của gia đình anh Khương đều sinh trưởng tốt, ít bị sâu bệnh và chắc chắn sẽ tiếp tục cho nguồn thu lớn.

Cùng với việc trồng cây ăn quả có múi, gia đình anh Khương còn tích cực đầu tư phát triển chăn nuôi lợn, gà mỗi năm cũng cho thu nhập trên 150 triệu đồng. Từ nguồn thu này, anh tiếp tục đầu tư tái sản xuất và chăm sóc tốt diện tích cây ăn quả. Là một người trẻ tuổi, dám nghĩ dám làm, anh Khương không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội do địa phương phát động, sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ về kinh nghiệm, phương thức sản xuất, giúp đỡ về cây, con giống… cho bà con trong thôn, trong xã.

Ông Phạm Xuân Toàn - Chủ tịch UBND xã Hồng Ca cho biết: “Đây là một mô hình phát triển kinh tế tổng hợp đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình này phù hợp với sự phát triển ở địa phương. Vì thế, xã đã lấy mô hình này làm mẫu tuyên truyền, vận động cho các đoàn viên - thanh niên và nhân dân cùng học tập và làm theo”.

Là người luôn cần cù, chịu khó và không ngại học hỏi, tiếp thu kiến thức mới, anh Lương Đình Khương đã thực sự trở thành tấm gương sáng năng động, dám nghĩ, dám làm và đã thành công khi đưa giống cây trồng mới về địa phương, để không chỉ thoát nghèo mà còn làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình, góp phần xây dựng nông thôn mới ở xã Hồng Ca.

Vàng Mai

Các tin khác
CCB Trần Văn Nghĩa (thứ 2, từ phải sang) chia sẻ với lãnh đạo Hội CCB huyện Văn Yên về kỹ thuật chăn nuôi dê.

Cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Nghĩa ở thôn Đá Bia, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên không chỉ làm kinh tế giỏi từ mô hình tổng hợp trồng rừng kết hợp chăn nuôi, anh còn là người luôn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động Hội, các hoạt động của địa phương, tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của xã.

Mô hình nuôi cá tầm của Giàng A Vàng ở xã An Lương.

Từng chỉ biết cày cấy, nuôi vài con lợn, con gà, ngày nay, nhiều hộ đồng bào Mông trên địa bàn huyện Văn Chấn đã nghĩ khác, làm khác, mạnh dạn đầu tư để chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới. Điều này không những minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy và hành động mà còn thể hiện ý chí, khát khao vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên quê hương.

Thượng tá Trần Xuân Hướng (người đứng giữa) trao đổi nghiệp vụ về công tác dân vận với cán bộ cùng cơ quan.

”Cống hiến trong quân đội đã mấy chục năm trời, được đi nhiều, biết nhiều, gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn nên mình rất hiểu và luôn đau đáu trong lòng phải làm được cái gì đó giúp họ". Đó chính là khát khao cháy bỏng của Thượng tá Trần Xuân Hướng - Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh trong suốt quá trình công tác của mình.

Ông Đoàn Xuân Quý (bên trái) trao đổi với người dân trong thôn mô hình sơ chế vỏ quế tươi.

Những năm qua, với vai trò là Trưởng thôn Đồng Tâm, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, ông Đoàn Xuân Quý luôn bám sát sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội để hướng dẫn nhân dân cách làm hay, hiệu quả, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục