Nữ cựu chiến binh làm giàu

  • Cập nhật: Thứ sáu, 5/2/2016 | 4:29:23 PM

YBĐT - Xuân này, tròn 26 năm kể từ khi bà Phạm Thị Vinh, thôn Trung Tâm, xã Đông Cuông (Văn Yên) rời quân ngũ. Và cũng ngần ấy mùa xuân bà gắn bó với đất và người nơi đây. Từ hai bàn tay trắng, giờ đây bà đã trở thành chủ của một đại lý phân bón với doanh thu mỗi năm gần chục tỷ đồng.

Bà Vinh giới thiệu sản phẩm phân viên nén dúi sâu mang thương hiệu “Vinh Ninh” đang được nhiều người dân tin dùng.
Bà Vinh giới thiệu sản phẩm phân viên nén dúi sâu mang thương hiệu “Vinh Ninh” đang được nhiều người dân tin dùng.

Xuân về, con đường Yên Bái - Khe Sang rực rỡ trong sắc đào đỏ thắm, tôi tìm về mảnh đất có ngôi đền thiêng Đông Cuông để gặp nữ cựu chiến binh Phạm Thị Vinh. “Nếu không hẹn gặp cậu thì sáng nay tôi phải chuyển hết chỗ cát này ra ngoài rồi đấy!”.

Bà Vinh vừa nói vừa chỉ vào đống cát chừng 5 khối cười vui rồi dẫn tôi tham quan một vòng xưởng gạch, bà bảo: “Làm gạch không nung này thích lắm, vừa sạch sẽ lại không gây ô nhiễm môi trường. Mỗi ngày chỉ cần 3 - 5 người là sản xuất được gần 3 nghìn viên, đủ đáp ứng nhu cầu xây dựng của người dân quanh vùng”.

Bà Vinh dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, đôi mắt đen luôn toát lên vẻ cương nghị, chính vì vậy mà sau khi học hết phổ thông, bà viết đơn tình nguyện vào quân ngũ tham gia công tác tại Tiểu đoàn 24 Quân y, thuộc Sư đoàn 316 ở mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang. Cũng từ đây, bà đã gặp và bén duyên với ông Đỗ Công Ninh, lính cùng sư đoàn.

Năm 1989, ngay khi vừa xuất ngũ thì hai người tổ chức đám cưới, cuộc đời bà như bước sang trang mới khi chồng tiếp tục phục vụ trong quân đội, còn bà ở nhà làm nghĩa vụ của người phụ nữ...

Câu chuyện về chuỗi ngày gian khó khi một thân một mình gánh vác việc gia đình được bà hồi tưởng trong niềm xúc động xen lẫn tự hào: “Mảnh đất Đông Cuông ngày ấy còn hoang sơ lắm, đường xá đi lại khó khăn, mình tôi lo việc cơm áo, gạo tiền lại càng vất vả hơn. Nhưng quân đội đã rèn cho tôi sự kiên trì và nghị lực nên có lẽ khó khăn, vất vả lại chính là động lực để mình vươn lên”.

Ngày ấy, thấy người dân phải vất vả, đổ nhiều công sức xay thóc, giã gạo rồi phải đi tận thị trấn Mậu A để mua phân bón cho sản xuất nông nghiệp bà đã mạnh dạn dành toàn bộ số vốn ít ỏi từ tiền chế độ phục viên ra quân cộng với tiền mừng đám cưới của hai vợ chồng và cả vốn vay ngân hàng mua máy xay xát về phục vụ bà con; đồng thời, đứng ra làm đại lý cung ứng phân bón. Không dừng lại ở đó, một lần tình cờ biết đến loại phân viên nén dúi sâu và được Hội Phụ nữ tỉnh cho đi tập huấn, bà tiếp tục vay vốn ngân hàng mua máy về sản xuất loại phân bón này ngay tại gia đình.

Bà tâm sự: “Khó khăn, vất vả thì nhiều lắm, nhưng cái làm tôi tâm đắc nhất là đưa được phân viên nén dúi sâu về với đồng đất Văn Yên”. Làm được phân bón rồi nhưng để người dân tin tưởng, áp dụng đưa vào sản xuất lại còn là cả một quá trình.

Không đầu hàng, bà cùng cán bộ khuyến nông, hội phụ nữ xuống từng thôn, bản để tuyên truyền theo hình thức cầm tay chỉ việc và bán phân trả chậm cho nhân dân. Và rồi phân viên dúi sâu mang thương hiệu “Vinh Ninh” của gia đình bà ngày càng được nhiều người biết đến và tìm mua.

Từ chỉ có 1 máy, đến nay gia đình đã có 5 máy sản xuất phân nén cho sản lượng 300 tấn/ năm. Đồng thời, thị trường tiêu thụ đã mở rộng không chỉ ở các xã trên địa bàn huyện Văn Yên mà còn được tiêu thụ ở cả Trấn Yên, Lục Yên và tỉnh bạn Lào Cai.

Đến nay, tổng doanh thu từ sản xuất phân viên nén đạt gần 10 tỷ đồng, trừ mọi chi phí thu lãi vài trăm triệu. Mặc dù công việc buôn bán, kinh doanh bận rộn nhưng bà và gia đình rất nhiệt tình tham gia công tác đoàn thể cũng như giúp đỡ, sẻ chia với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Theo bà, để có được thành công như ngày hôm nay, ngoài các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa còn phải kể đến các chính sách ưu đãi về vốn vay của Nhà nước. Quan trọng hơn, phải đặt chữ tín lên làm đầu.

Rời Đông Cuông trong rộn ràng sắc xuân, dòng người vẫn đổ về ngôi đền thiêng để cầu mong một năm mới an lành. Xin chúc nữ cựu chiến binh giàu nghị lực sẽ tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” để không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. 

 Hùng Cường

Các tin khác
Bí thư Chi bộ thôn Đồng Gianh Đặng Thị Hoa trao quyết định kết nạp đảng viên mới cho đồng chí Nguyễn Mạnh Tường

Qua cổng làng, con đường dẫn vào thôn Đồng Gianh, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên xanh màu của cây, bừng sắc của hoa, khang trang những ngôi nhà xây hiện đại. Cách đó chẳng bao xa, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đặng Thị Hoa tươi nụ cười đón khách trước sân nhà. Cứ nhìn sân, ngó vườn, ngắm nhà là có thể phần nào biết sự kỹ lưỡng, chỉn chu của chủ gia đình cho không gian sống xanh, thoáng, đẹp…

CCB Trần Văn Nghĩa (thứ 2, từ phải sang) chia sẻ với lãnh đạo Hội CCB huyện Văn Yên về kỹ thuật chăn nuôi dê.

Cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Nghĩa ở thôn Đá Bia, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên không chỉ làm kinh tế giỏi từ mô hình tổng hợp trồng rừng kết hợp chăn nuôi, anh còn là người luôn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động Hội, các hoạt động của địa phương, tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của xã.

Mô hình nuôi cá tầm của Giàng A Vàng ở xã An Lương.

Từng chỉ biết cày cấy, nuôi vài con lợn, con gà, ngày nay, nhiều hộ đồng bào Mông trên địa bàn huyện Văn Chấn đã nghĩ khác, làm khác, mạnh dạn đầu tư để chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới. Điều này không những minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy và hành động mà còn thể hiện ý chí, khát khao vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên quê hương.

Thượng tá Trần Xuân Hướng (người đứng giữa) trao đổi nghiệp vụ về công tác dân vận với cán bộ cùng cơ quan.

”Cống hiến trong quân đội đã mấy chục năm trời, được đi nhiều, biết nhiều, gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn nên mình rất hiểu và luôn đau đáu trong lòng phải làm được cái gì đó giúp họ". Đó chính là khát khao cháy bỏng của Thượng tá Trần Xuân Hướng - Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh trong suốt quá trình công tác của mình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục