Chữ Tâm với đời

  • Cập nhật: Thứ sáu, 5/2/2016 | 4:44:22 PM

YBĐT - Có muôn cách để mỗi người “tích đức làm thiện”. Họ là những người bình dị nhưng có tấm lòng nhân ái cao cả, khi bằng vật chất, khi chỉ là lời động viên, ân cần thăm hỏi đã chung tay cùng xã hội sẻ chia với những người nghèo, người gặp khó khăn hoạn nạn, người già neo đơn, trẻ em khuyết tật...

Ông Nguyễn Đức Tân (người đeo kính) cùng với các hội viên Hội Chữ thập đỏ chuẩn bị quần áo ấm tặng cho các hộ nghèo.
Ông Nguyễn Đức Tân (người đeo kính) cùng với các hội viên Hội Chữ thập đỏ chuẩn bị quần áo ấm tặng cho các hộ nghèo.

Người đàn ông có trái tim ấm áp

Dưới cái lạnh “cắt da cắt thịt” của mùa đông hay dưới cái nắng oi ả “như thiêu như đốt” của tiết trời mùa hè, 8 năm nay, ông Nguyễn Đức Tân ở thôn 4, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên vẫn luôn mang theo một thùng gạo nhân đạo đằng sau chiếc xe đạp cũ kỹ, rong ruổi khắp xóm làng.

Ở cái tuổi bên kia “con dốc” cuộc đời, mắt đã mờ, chân đã chậm nhưng không làm ông thôi khao khát làm việc thiện, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. Người dân trong thôn vẫn gọi ông với cái tên trìu mến “người đàn ông có trái tim ấm áp”.

Không ấm áp sao được khi đã có lúc bị hiểu nhầm về mục đích của thùng gạo ấy. Cùng bao khó khăn, vất vả nhưng ông vẫn vượt qua. Giờ đây, hình ảnh thùng gạo vì người nghèo của ông đã trở nên quen thuộc, thân thương hơn bao giờ hết với người dân trong thôn, nhất là những hộ nghèo. Ông đã trở thành chỗ đi lại thân quen với họ. Vài bơ gạo quyên góp được, ông gom lại chia đều cho mỗi gia đình. Tuy nhỏ bé nhưng đã góp một phần cho người nghèo có bữa cơm qua những ngày giáp hạt.

Không dừng lại ở đó, từ năm 2007 đến nay, ông còn năng nổ tham gia làm tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện. Ông thành lập một điểm sơ cấp cứu ngay tại nhà, vận động hàng xóm và cả con cháu trong gia đình kéo đường điện sáng, đoạn qua thôn dài hơn 100 m để mọi người dễ dàng đi lại, nhìn rõ số điện thoại khi cần giúp đỡ. Ngoài ra, ông còn vận động mọi người quyên góp quần áo cũ gửi tặng những người có hoàn cảnh khó khăn.

Ông chia sẻ: “Chẳng biết từ bao giờ, mong muốn được góp một phần công sức bé nhỏ của mình giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh cứ thôi thúc trong tôi. Dù việc khó hay dễ nhưng tôi tin, chỉ cần trong tâm hướng thiện chắc chắn sẽ làm được”.

Ông say sưa kể về những câu chuyện nhỏ, những kỷ niệm, những việc ông làm. Khuôn mặt rạng ngời, giọng nói hào sảng, ông mang ra một cuốn sổ ghi chép đầy đủ tên, tuổi, địa chỉ từng người đã đến sơ cứu tại nhà.

Ông bảo: “Tôi còn nhớ rõ, lần đó, khi cả gia đình đang ở trong nhà tránh cái nắng oi ả của trưa hè thì nghe tiếng xe máy va đập mạnh. Cách nhà khoảng 50 mét, một chiếc xe máy nằm trên ruộng lúa, nạn nhân đang trong tư thế "trồng cây chuối", đầu cắm thẳng xuống bùn lầy. Nạn nhân đã ngừng thở sau khi đưa lên mặt đường. Trong khi mọi người tưởng như hết hy vọng nhưng tôi vẫn làm động tác sơ cứu. Quả nhiên, ông trời không phụ lòng người, mọi người vỡ oà mừng rỡ khi nạn nhân tỉnh lại. Và giờ thì “nó” là con nuôi tôi đấy” - ông cười lớn.

Đến thôn 4, hỏi về ông Tân, không ai là không biết đến ông, người đàn ông lương thiện, tốt bụng. Chị Phạm Thị Thanh Tuyên - người cùng thôn cho biết: "Người làng, người xã ai cũng yêu quý và nể trọng tấm lòng nhân hậu, cũng như sự nhiệt tình và tận tụy hết lòng vì mọi người của ông". Gắn bó với việc giúp người, giúp đời nhiều năm, ông luôn coi công việc đó là niềm vui sống, không cần ai trả ơn. Với tấm lòng nhân hậu, sẵn sàng nhường cơm xẻ áo, ông Tân đã được Hội CTĐ tỉnh tặng giấy khen ghi nhận thành tích hoạt động nhân đạo.

Ông Lộc từ thiện

Ông Nguyễn Văn Lộc - Đội trưởng Đội Tình nguyện viên ca nhạc cổ truyền (TNVCNCT) CTĐ huyện Văn Yên đã có nhiều năm gắn bó với công tác từ thiện. Việc làm đầy tính nhân văn ấy đã giúp cho ông có thêm động lực, cơ hội để gần gũi, sẻ chia, giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn. Cũng từ đó, 2 chữ “từ thiện” đã được người dân, bạn bè thân quen gắn vào khi nhắc đến tên ông. Dù sức khỏe yếu song ông vẫn lạc quan và nung nấu, ấp ủ bao dự định giúp đỡ những gia đình khó khăn.

Ông chia sẻ: “Từ khi về nghỉ chế độ, tôi bắt đầu làm từ thiện. Mới đó mà nay đã ngót chục năm. Ban đầu, tôi làm một mình song thiết nghĩ có rất nhiều mảnh đời khó khăn đang cần được giúp đỡ, trong khi sức tôi có hạn. Chính vì vậy, năm 2011, tôi vận động những người bạn già trong khu phố cùng chung tay thành lập Đội TNVCNCTCTĐ huyện”.

Đội có 20 người tham gia, các thành viên hầu hết là các bác, cô đã lớn tuổi. Với đam mê âm nhạc, các thành viên đã xây dựng đội văn nghệ vững mạnh, là nơi sinh hoạt văn hóa, đồng thời góp phần tuyên truyền, cổ động, phục vụ các hoạt động CTĐ. Hơn hết, với tấm lòng “tương thân, tương ái”, Đội TNVCNCTCTĐ huyện do ông làm nòng cốt đã chủ động đóng góp và tổ chức các hoạt động từ thiện, tham gia vào các cuộc vận động lớn do Trung ương Hội, Tỉnh hội và của địa phương, tạo uy tín trong cộng đồng.

Từ năm 2012 đến nay, ông cùng với Đội đã biểu diễn gần 30 buổi giao lưu văn nghệ, phục vụ cho hoạt động CTĐ, quyên góp và tặng quà cho người tật nguyền, gia đình đặc biệt khó khăn, nạn nhân chất độc màu da cam, học sinh nghèo vượt khó với tổng trị giá gần 40 triệu đồng. Ngoài ra, đã thành thông lệ, cứ dịp tết đến, ông và các thành viên trong Đội cùng nhau gói bánh chưng chuyển đến các hộ nghèo.

Nhìn người đàn ông với mái đầu bạc trắng vẫn miệt mài làm công tác từ thiện với mong muốn có thể chung tay góp sức vì những người có hoàn cảnh khó khăn, góp một chút gì đó cho cuộc đời mà chúng tôi không khỏi ngậm ngùi. Với ông, hạnh phúc không phải là những việc làm lớn lao mà bắt nguồn từ chính những việc làm nhỏ bé nhưng bền bỉ và tốt đẹp này.

Trong thời tiết se lạnh của những ngày tháng Chạp, dù bận bịu với việc chuẩn bị tết cho gia đình nhưng ông Lộc, ông Tân vẫn dành thời gian để chuẩn bị từng suất quà, từng bơ gạo, từng bộ quần áo để chia cho người nghèo đón tết. Những món quà tuy không lớn về vật chất nhưng thấm đẫm tình người, sưởi ấm những mảnh đời cơ cực và như tiếp thêm sức mạnh để họ vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống và mang xuân đến với mọi nhà.

 Thu Hiền

Các tin khác
Anh Phạm Hồng Tám (bên phải) cùng đồng nghiệp trong giờ làm việc.

Năm 2023, anh Phạm Hồng Tám - Tổ trưởng Tổ sửa chữa điện, Phòng Kỹ thuật Công ty Điện lực (PC) Yên Bái được Tỉnh đoàn Yên Bái lựa chọn là gương mặt "Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” và là 1 trong 20 người được nhận Giải thưởng "Cánh cung đỏ” Phạm Hồng Tám.

Người Mông bản Cáng Giông đã biết ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất hàng hóa. (Trong ảnh: Người dân thu hoạch quả sơn tra - cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế và hạn chế tình trạng phá rừng).

Núi rừng Mù Cang Chải như đang diễn ra lễ hội hoa với đủ các loài hoa rừng đua nhau khoe sắc. Trong đó, sắc trắng hoa ban Tây Bắc vẫn là gam màu chủ đạo, những đám mây sà xuống mái nhà gỗ của người Mông nhìn càng thơ mộng. Nhưng hôm nay chúng tôi chủ đích đi tìm gặp "bông hoa" nở cả 4 mùa, ấy là Giàng A Tùng - Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV) bản Cáng Dông, xã Nậm Khắt.

Lãnh đạo Hội Nông dân huyện Văn Yên thăm rừng quế của gia đình anh Bàn Văn Minh (bên phải) ở thôn Làng Câu, xã Tân Hợp.

Những thanh niên người Dao vùng đất quế Văn Yên mà chúng tôi gặp trong chuyến công tác đầu xuân vừa qua đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc về lòng nhiệt huyết, tinh thần sáng tạo, dám nghĩ dám làm vì gia đình, cộng đồng và toàn xã hội.

Đồng chí Tạ Văn Long - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đoàn công tác của tỉnh và huyện Trấn Yên thăm mô hình VAC của anh Mai Văn Tình.

Viết tiếp ước mơ dang dở nơi giảng đường đại học bằng con đường lập nghiệp tại quê hương rồi trở thành Giám đốc Hợp tác xã của chính mình, đó là lối đi của "người trẻ" Mai Văn Tình ở thôn Khang Chính, xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên. Lối đi của giám đốc trẻ Mai Văn Tình sẽ tiếp thêm động lực cho nhiều bạn trẻ đang trên con đường lập nghiệp khi đại học không phải là con đường duy nhất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục