Cá ngon Cầu Cao

  • Cập nhật: Thứ sáu, 5/2/2016 | 4:55:29 PM

YBĐT - Theo lời hẹn, chẳng cần chờ cuộc điện thoại nào nữa, tôi hăm hở lên đường để đến nhà Trưởng thôn Cầu Cao, xã An Bình, huyện Văn Yên. Cho chắc ăn, ghé xe qua trụ sở Ủy ban nhân dân xã hỏi thăm, quá mừng khi tôi được đón nhận câu đáp chắc nịch: “Xe này á, ngon lành nhé!”. Vậy là e nỗi trơn trượt không còn, “người bạn đường” của tôi vốn quen những tuyến đường phố xá phẳng êm lần đầu “nếm” gập ghềnh...

Mộng ngô được sử dụng làm thức ăn cho cá trước khi xuất bán mang lại hiệu quả kinh tế cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Mộng ngô được sử dụng làm thức ăn cho cá trước khi xuất bán mang lại hiệu quả kinh tế cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Màu không gian mùa đông thậm quánh hơn bao giờ hết khi hai bên con đường đất chỉ rặt là cánh đồng. Trông thấy ánh điện sáng trong nhà Trưởng thôn Trần Đức Sơn, tôi mới hay rằng, cái sự “ngon lành” cũng là “thử thách đã vượt qua” và “chiến thắng chính bản thân” đối với “người bạn đường” yêu quý bấy nay của mình. Trước khi vào cổng nhà anh, dẫu đã mít tối nhưng thoáng trong trí nhớ của tôi nhận ra chiếc ao cá trước nhà có thêm hàng lan can mới tinh.

“Bố cháu vừa đi công việc, có mẹ cháu ở nhà, cô ạ!” - cậu trai út của vợ chồng anh Sơn ra mở cổng đón khách. Tiếng tôi cất vóng: “Chị Thủy ơi, có nhận ra em không?”. “Sao lại không chứ, nghe giọng cô qua điện thoại một lần, tôi vẫn nhớ đấy!”, vợ Trưởng thôn mau mắn.

Người phụ nữ nhỏ nhắn có nụ cười tươi duyên ấy hẳn hiểu rõ tôi lắm lắm. Bởi nhẽ, đâu cần tôi nói gì thêm mà cũng vừa đủ cho tôi xỏn gọn đôi giày nơi góc sân là chị đã lễ mễ một thúng: “Đây, tôi đã bảo anh gọi cho cô từ hôm qua nhưng anh lại bảo đợi ngày mai vì nghĩ cô còn đi làm”. Có gì đó như lặng đi trong tôi...

Một niềm xúc động trước tấm lòng nhiệt thành của vợ chồng họ dành cho tôi rồi xâm chiếm trở lại là sự hứng khởi thật sự. Ôi, trông này, những mộng ngô mơn mởn, óng màu vàng xanh! Thậm chí, tôi muốn nhón một mộng ngô, cho vào miệng mà ngậm để hưởng vị non, ngọt, mềm - thật thế ấy! Chẳng thể đặng đừng, buột miệng, tôi thốt lên: “Giời ạ, được vỗ béo thức này, cá không béo, không ngon mới là chuyện lạ!”.

Trưởng thôn Trần Đức Sơn đã về. Sau câu chào hỏi vẫn nguyên chất giọng Hà Nam ấm trầm, anh bảo: “Nhà tôi giắng gọi cô từ hôm qua nhưng tôi muốn đợi đến ngày nghỉ cho cô đỡ bận. Mẻ ngô này, nói thật, trời lạnh nên cũng chưa như mong muốn đâu, cô ạ!”.

Dù anh có nói gì nữa thì tôi vẫn thấy mình đã toại nguyện khi tận mắt thấy được loại thức ăn vỗ béo cho cá của người dân Cầu Cao. Đặc biệt hơn, dẫu không phải thời kỳ vỗ béo cho đàn cá nuôi trong ao của gia đình nhưng vợ chồng Trưởng thôn vẫn bỏ công làm một mẻ ngô mộng chỉ vì tôi tha thiết “trăm nghe không bằng một thấy”. Từ lúc đó, câu chuyện có đi muôn nẻo, có liên quan đến muôn người, tôi cứ một mực phải “dắt díu” cho “kết dính” cùng ủ ngô, mộng ngô, vỗ cá...

Bữa cơm tối, tôi dò tìm nguồn gốc của việc cho cá ăn mộng ngô ở đây. Anh Sơn kể: “Thế này, một lần, lên Văn Bàn chơi nhà anh em, tôi thấy họ làm mộng thóc cho cá ăn. Cá lớn nhanh hơn thật. Trở về, tôi cũng ủ thóc mộng cho cá ăn. Thực tế địa phương, thóc không nhiều như ngô hạt, giá cũng đắt hơn. Tôi thì nghĩ, nếu mộng thóc cho cá ăn tốt chắc mộng ngô cũng chả kém cạnh nên quyết định ủ thử mộng ngô”.

Chị Thủy thêm chuyện cùng chồng: “Cũng phải nói rõ hơn về quyết định này cho cô hay. Có đận, mưa nhiều, ngô không bẻ kịp, nhiều bắp mọc mộng ra ấy chứ. Tiếc của, tôi liền đem về vứt xuống ao. Nào ngờ, lũ cá tranh nhau ăn. Hai vợ chồng còn thử khều lên khỏi mặt nước, nhiều con cá đánh đu vào bắp ngô mọc mộng”.

Ngô sẵn nguồn, cá thích ăn thì cớ chi không ủ mộng, vợ chồng anh chị Sơn - Thủy chả còn chần chừ. Làm - cứ làm. Rút kinh nghiệm - vẫn rút kinh nghiệm qua thực tế nuôi cá của gia đình. Tận dụng thức ăn, cá bé dưới nửa cân, anh chị cho ăn cám bột ngô xay, ăn cỏ thái nhỏ và cá lớn hơn cho ăn cỏ thái, sắn ruôi. Đối với cá tầm một cân là bắt đầu cho ăn mộng ngô hoặc ngô hạt luộc.

“Ngô hạt ngâm nước lạnh 6 tiếng, sau đó cho vào thúng ủ, 3 tiếng một lần tưới ẩm, đến lúc mộng ngô dài khoảng 2 phân thì cho cá ăn. Trời nắng, để nơi thoáng mát, ủ chừng 5 ngày. Trời lạnh, cất chỗ ấm nóng, ủ độ 7 ngày. Nếu thực hiện đúng như thế này thì mộng ngô nảy đều, mập, xanh, đẹp. Đấy, quy trình ủ mộng ngô cũng đơn giản mà”, chị Thủy hướng dẫn.

Ngô mộng được gia đình dành để vỗ béo cá trước khi xuất bán, cứ 5 ngày cho ăn một lần. Anh Sơn so sánh: “Cá một cân trở lên, ăn bình thường, nuôi thêm 3 tháng tới khi xuất bán sẽ đạt trọng lượng 1,5 kg đến 1,8 kg mỗi con. Cùng cỡ cá ấy, cùng thời gian đó, cho ăn mộng ngô sẽ có mỗi con nặng 2 kg tới 2,5 kg. Hiệu quả rõ ràng quá chứ hả cô?”.

Tôi xen ngang vội vàng: “Mắt thường, liệu người mua có thể phân biệt được cá nuôi như thế này với nuôi bằng thức ăn công nghiệp?”.

Hai vợ chồng cùng đáp “Có chứ!” luôn lập tức nhưng để giải thích cụ thể hơn, anh Sơn nhường lời cho chị Thủy: “Dễ thôi, không khó chút nào hết. Cá nuôi sạch thế này, vây dài hơn, khó tróc vảy, mình thuôn. Khi ăn, thịt cá dai, rắn, thơm hơn hẳn”.

Vợ chồng Trưởng thôn Cầu Cao giới thiệu cách làm mộng ngô.

Với cơ chế thị trường, người tiêu dùng sẽ có câu trả lời khách quan, vô tư nhất về chất lượng sản phẩm hàng hóa. Bày tỏ suy nghĩ này, anh Sơn đưa tôi tới một hộ trong thôn vừa nuôi cá vừa bán cá. “Cô ấy thường mua cá để đi chợ từ rất sớm nên tranh thủ buổi tối đến gặp hợp lý nhất rồi”, anh Sơn giục.

Chị là Hoàng Thị Lâm, năm nay 42 tuổi. Gia đình chị có 500 mét vuông diện tích mặt nước nuôi cá. Nhà cũng làm mộng ngô cho cá ăn nhưng thường thì chị làm ngô bung, tiện hơn bởi chỉ ngâm ngô hạt vào nước lạnh một ngày rồi luộc trong vòng một tiếng là xong. “Tiện hơn thật nhưng cá ăn mộng ngô vẫn tốt hơn ngô bung” - chị Lâm khẳng định - “Có điều, mình đi suốt, chẳng nhiều thời gian tưới ẩm thường xuyên cho mộng ngô”. 

Chị Lâm có thêm nghề bán cá cũng để trang trải mọi chi phí cuộc sống. Nguồn cá cung cấp ra thị trường, mua trong thôn không đủ, chị phải tìm kiếm ở các thôn khác của xã và các xã khác.

Chị Lâm xởi lởi đúng kiểu của một người bán hàng rong lẻ: “Cô hỏi cá Cầu Cao có “hút khách” hơn không à? Tất nhiên rồi vì nếu khách đã ăn quen cá Cầu Cao là có thể biết ngay sự khác biệt đấy nhá! Ngay cái dáng đõn đõn thon, dài đã dễ nhận, chưa kể ăn một lần sẽ nhớ luôn. Khách của tôi nói, cứ bảo cá ao ngon, cá Cầu Cao ngon nhất. Song bây giờ, nhiều người bán cá cũng loạm nhoạm lấy tiếng cá Cầu Cao. Là dân Cầu Cao, lại đi bán cá, bị hiểu lầm, tôi bực lòng. Áng 60 hộ của 88 hộ cả thôn Cầu Cao có ao đều nuôi cá sạch, Trưởng thôn nhỉ?”.

Người dân thôn Cầu Cao nuôi cá, hầu hết đều ủ mộng ngô và bung ngô. Sạch ở góc độ nguồn gốc thực phẩm, sạch ở cách thức làm ra thức ăn - chưa đủ, tôi nghĩ. Điều tôi thấm thía sâu sắc hơn là “sạch” trong chính nếp nghĩ của mỗi người dân nơi này khi họ luôn cung cấp cho thị trường một sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Mảnh trăng cong mềm buông lơi ánh vàng, dịu dàng ôm ấp Cầu Cao. Chị Thủy khép hờ cửa đợi chồng về. Chị cười khi tôi hỏi then cài cửa: “Cậu út đi chơi với bạn gái chưa về, cô ạ! Mới lại, ở đây, chúng tôi có phải khóa cửa ban đêm bao giờ đâu...”. Ơ hay, còn tuyệt thế nữa cơ chứ, nơi Cầu Cao này!

Trong giấc mơ không “cửa đóng, then cài” mà mênh mông giao hòa đất trời, tôi thấy từng đàn cá đớp mồi mộng ngô thật ngon ngon là... Giấc mơ bất tận, tôi thấy chú rể - cậu út của vợ chồng anh chị Sơn Thủy dắt tay cô dâu - cô giáo mầm non cười tươi xinh bên ao cá trước nhà. Tình yêu đôi lứa gieo ươm hạnh phúc muôn đời, căng tràn khát vọng mùa xuân.                                                                     

Nguyễn Thơm

Các tin khác
Bí thư Chi bộ thôn Đồng Gianh Đặng Thị Hoa trao quyết định kết nạp đảng viên mới cho đồng chí Nguyễn Mạnh Tường

Qua cổng làng, con đường dẫn vào thôn Đồng Gianh, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên xanh màu của cây, bừng sắc của hoa, khang trang những ngôi nhà xây hiện đại. Cách đó chẳng bao xa, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đặng Thị Hoa tươi nụ cười đón khách trước sân nhà. Cứ nhìn sân, ngó vườn, ngắm nhà là có thể phần nào biết sự kỹ lưỡng, chỉn chu của chủ gia đình cho không gian sống xanh, thoáng, đẹp…

CCB Trần Văn Nghĩa (thứ 2, từ phải sang) chia sẻ với lãnh đạo Hội CCB huyện Văn Yên về kỹ thuật chăn nuôi dê.

Cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Nghĩa ở thôn Đá Bia, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên không chỉ làm kinh tế giỏi từ mô hình tổng hợp trồng rừng kết hợp chăn nuôi, anh còn là người luôn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động Hội, các hoạt động của địa phương, tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của xã.

Mô hình nuôi cá tầm của Giàng A Vàng ở xã An Lương.

Từng chỉ biết cày cấy, nuôi vài con lợn, con gà, ngày nay, nhiều hộ đồng bào Mông trên địa bàn huyện Văn Chấn đã nghĩ khác, làm khác, mạnh dạn đầu tư để chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới. Điều này không những minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy và hành động mà còn thể hiện ý chí, khát khao vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên quê hương.

Thượng tá Trần Xuân Hướng (người đứng giữa) trao đổi nghiệp vụ về công tác dân vận với cán bộ cùng cơ quan.

”Cống hiến trong quân đội đã mấy chục năm trời, được đi nhiều, biết nhiều, gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn nên mình rất hiểu và luôn đau đáu trong lòng phải làm được cái gì đó giúp họ". Đó chính là khát khao cháy bỏng của Thượng tá Trần Xuân Hướng - Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh trong suốt quá trình công tác của mình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục