Người thầy tiếp “lửa” đam mê

  • Cập nhật: Thứ sáu, 5/2/2016 | 5:33:16 PM

YBĐT - Không biết có phải do di truyền hay ảnh hưởng từ ông nội năm xưa là nhạc công mà ngay từ nhỏ, những thanh âm trầm bồng, réo rắt của các loại nhạc cụ đã khiến anh mê mẩn, say sưa, để rồi chính từ tình yêu, niềm đam mê âm nhạc cháy bỏng đã thôi thúc anh quyết tâm lựa chọn “con đường” âm nhạc. Anh là nhạc sỹ Bùi Quốc Huy.

Nhà giáo, nhạc sĩ Bùi Quốc Huy (trái) hướng dẫn học trò chơi đàn ghi - ta.
Nhà giáo, nhạc sĩ Bùi Quốc Huy (trái) hướng dẫn học trò chơi đàn ghi - ta.

Âm nhạc là linh hồn, lẽ sống

Với hầu hết nghệ sỹ, âm nhạc luôn là linh hồn, lẽ sống và với nhạc sỹ Bùi Quốc Huy cũng không ngoại trừ điều đó. Xuất phát từ tình yêu, niềm đam mê âm nhạc nên ngay khi trong đầu còn chưa có chút khái niệm, định hình gì về các loại nhạc cụ hay nốt nhạc thì anh đã muốn bước lên sân khấu, được biểu diễn như những người nghệ sỹ chân chính. Sinh năm 1981, người con vùng đại ngàn quế Văn Yên thường xuyên được lắng nghe những thanh âm của núi rừng cùng các loại nhạc cụ dân tộc. Điều đó, đã phần nào giúp anh có được những cảm thụ âm nhạc tinh tế.

Sau lần tham gia Hội diễn Văn nghệ quần chúng do huyện Văn Yên tổ chức, Bùi Quốc Huy đã được các thầy cô giáo Trường Sơ cấp Văn hóa - nghệ thuật tỉnh, nay là Trường Cao đẳng Văn hóa, Nghệ thuật & Du lịch Yên Bái (VHNT&DL) biết đến và tuyển vào lớp tài năng âm nhạc của trường khi còn là cậu bé 13 tuổi. Lần đầu đi học xa nhà, phải tự mình sắp xếp, lo toan mọi việc trong khi chưa một lần được tiếp xúc, học tập trong môi trường giáo dục nghệ thuật chuyên nghiệp nên Huy có nhiều bỡ ngỡ. Tuy nhiên, bằng sự tự tin và tinh thần học tập nghiêm túc, Huy đã nhanh chóng thích nghi và phát huy được tài năng âm nhạc của mình.

Được các thầy cô giáo định hướng theo học chuyên ngành ghi ta, tuy nhiên, trước đó, khi vừa trở thành tân học sinh của trường, dưới sự hướng dẫn, chỉ dạy của cố nhạc sỹ Nguyễn Thanh Bình, chỉ trong hai tháng tập luyện với chiếc kèn Phàn tỵ của đồng bào dân tộc Dao, Đỗ Quốc Huy nhanh chóng tạo dấu ấn với thầy cô và bạn bè khi dành được Huy chương Vàng nội dung thổi khèn Phàn tỵ tại Liên hoan Ca - múa - nhạc học sinh, sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật toàn quốc năm 1994, đồng thời được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là tài năng trẻ Việt Nam.

Bởi đam mê âm nhạc cháy bỏng mà suốt 7 năm theo học chuyên ngành ghi ta, mặc dù cuộc sống gặp phải không ít khó khăn, song Huy vẫn quyết tâm đi theo con đường đã chọn. Nhạc sỹ Bùi Quốc Huy tâm sự: “Có những lúc, đàn đứt dây, không có tiền để mua đàn mới đành kéo giãn dây phanh xe đạp ra làm dây thay thế, vậy nhưng chưa bao giờ tôi có ý định từ bỏ đam mê. Nhiều người vẫn đùa bảo: “Đời nghệ sỹ nghèo” nhưng tôi không thấy buồn mà ngược lại được sống với đam mê, với những khát khao và truyền được tình yêu, cảm hứng âm nhạc cho mọi người mới là điều có ý nghĩa trong cuộc đời này”.

Tiếp “lửa” đam mê cho học trò

Đúng như những tâm sự của nhạc sỹ Bùi Quốc Huy, mặc dù sở trường là chơi đàn ghi ta, song bởi đam mê và cái duyên với âm nhạc mà anh còn có khả năng chơi tốt nhiều loại nhạc cụ dân tộc như: sáo Mông, kèn Pí lè (dân tộc Dao), kèn Pi pặp (dân tộc Thái)…

- Tại sao anh không lựa chọn học và chơi thêm các loại nhạc cụ hiện đại mà lại chọn những loại nhạc cụ dân tộc?” Tôi thắc mắc. Nhạc sỹ Bùi Quốc Huy chỉ cười bảo: “Có lẽ vì tôi là người nặng tình với quê hương. Mỗi khi đi tới các bản làng, vùng quê trong tỉnh, được hòa mình vào những làn điệu dân ca, dân vũ và tham gia các lễ hội đặc sắc của đồng bào các dân tộc là trong tôi lại xốn sang bao niềm cảm xúc, tạo cho tôi nguồn cảm hứng muốn viết nên những bản nhạc và ham mê học các loại nhạc cụ dân tộc”.

Hiện tại, với vai trò là giảng viên dạy nhạc của Trường Cao đẳng VHNT&DL tỉnh kiêm Bí thư Đoàn trường, công việc tuy bận rộn nhưng với thầy giáo, nhạc sỹ Bùi Quốc Huy thì đây lại chính là điều kiện lý tưởng để anh có thể truyền cảm hứng, niềm đam mê âm nhạc cho các thế hệ học trò.

Thầy giáo, nhạc sỹ Bùi Quốc Huy chia sẻ: “Cuộc sống hội nhập mang đến nhiều dòng âm nhạc hiện đại, mới mẻ, hấp dẫn người nghe. Âm nhạc dân tộc dần trở nên lạc hậu, không còn phù hợp với thị hiếu đương đại. Một bộ phận giới trẻ dường như chỉ còn quan tâm đến nhạc thương mại, nhạc nước ngoài mà “quay lưng” với âm nhạc dân tộc, điều này khiến tôi day dứt và muốn làm điều gì đó để bảo vệ âm nhạc dân tộc trước xu hướng hội nhập hiện nay”.

Tâm huyết, nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, thầy giáo, nhạc sỹ Bùi Quốc Huy đã thực sự truyền được cảm hứng, niềm đam mê âm nhạc, đặc biệt là âm nhạc dân tộc cho nhiều thế hệ học trò. Có không ít học sinh, dưới sự dìu dắt của anh, sau khi ra trường đã trở thành những thầy cô giáo dạy nhạc giỏi ở các trường phổ thông; những diễn viên, người chơi nhạc giỏi trong các đoàn nghệ thuật và là những người khơi dậy được tinh thần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thông qua việc thành lập các câu lạc bộ nhạc dân tộc tại địa phương.

Em Đỗ Việt Anh - học sinh Trường Cao đẳng VHNT&DL tỉnh bày tỏ: “Chúng em thấy vui và may mắn vì được thầy Huy tận tình chỉ dạy qua từng bài giảng. Thầy đã giúp chúng em thêm hiểu, thêm yêu quê hương, cuộc sống và biết trân trọng hơn những loại hình âm nhạc dân tộc”.

Hơn 10 năm gắn bó với “con đường” âm nhạc ghi dấu cho những thành quả lao động nghệ thuật mà anh đạt được chính là những giải thưởng, bằng khen, giấy khen, như: Huy chương Vàng nội dung thổi khèn Phàn tỵ tại Liên hoan ca - múa - nhạc học sinh, sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật toàn quốc năm 1994; giải B (Giải thưởng Văn học nghệ thuật) tác phẩm “Xuân về bản” do UBND tỉnh trao tặng năm 2012; Giấy chứng nhận có thành tích xuất sắc hướng dẫn học sinh, sinh viên đạt giải Nhất tại Hội thi Tài năng trẻ học sinh, sinh viên các trường văn hóa, nghệ thuật, thể thao và du lịch do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trao tặng năm 2015…

Với những nỗ lực và sự đóng góp quý báu cho nền âm nhạc nói chung và âm nhạc dân tộc nói riêng xin chúc cho nhà giáo, nhạc sỹ Bùi Quốc Huy luôn cháy mãi “ngọn lửa” đam mê để tiếp tục có nhiều cống hiến, đóng góp hơn nữa cho nền âm nhạc Việt Nam.

Hồng Oanh

Các tin khác
Mô hình nuôi cá tầm của Giàng A Vàng ở xã An Lương.

Từng chỉ biết cày cấy, nuôi vài con lợn, con gà, ngày nay, nhiều hộ đồng bào Mông trên địa bàn huyện Văn Chấn đã nghĩ khác, làm khác, mạnh dạn đầu tư để chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới. Điều này không những minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy và hành động mà còn thể hiện ý chí, khát khao vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên quê hương.

Thượng tá Trần Xuân Hướng (người đứng giữa) trao đổi nghiệp vụ về công tác dân vận với cán bộ cùng cơ quan.

”Cống hiến trong quân đội đã mấy chục năm trời, được đi nhiều, biết nhiều, gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn nên mình rất hiểu và luôn đau đáu trong lòng phải làm được cái gì đó giúp họ". Đó chính là khát khao cháy bỏng của Thượng tá Trần Xuân Hướng - Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh trong suốt quá trình công tác của mình.

Ông Đoàn Xuân Quý (bên trái) trao đổi với người dân trong thôn mô hình sơ chế vỏ quế tươi.

Những năm qua, với vai trò là Trưởng thôn Đồng Tâm, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, ông Đoàn Xuân Quý luôn bám sát sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội để hướng dẫn nhân dân cách làm hay, hiệu quả, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà

Sau nhiều lần hẹn rồi lại lỡ, tôi mới được anh sắp xếp cho cuộc gặp trong hơn một giờ đồng hồ. Anh chính là doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà- Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Think Big Group, Chủ tịch Công ty bất động sản Lộc Sơn Hà, người con của quê hương xã An Lạc, huyện Lục Yên. Hào hoa, tuấn tú và dấu ấn thành công của "tổng tài" nhưng ít ai biết anh đã đi con đường thành công không trải "hoa hồng "!

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục