Lý Hữu Lâm - người đoàn viên tiêu biểu

  • Cập nhật: Thứ tư, 20/4/2016 | 10:13:07 AM

YBĐT - Không chỉ lăn lộn phát triển kinh tế gia đình, với trách nhiệm là Ủy viên BCH Đoàn thị trấn Nông trường Trần Phú, Phó bí thư Chi đoàn Tổ dân phố 4, Lý Hữu Lâm còn tích cực tham gia các phong trào đoàn, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Lý Hữu Lâm giới thiệu những cây cam giống do anh ươm đã đủ tuổi đem đi trồng.
Lý Hữu Lâm giới thiệu những cây cam giống do anh ươm đã đủ tuổi đem đi trồng.

Không chỉ nhanh nhẹn, hoạt bát trong mọi hoạt động tình nguyện mà đoàn viên Lý Hữu Lâm, dân tộc Dao ở tổ dân phố 4, thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn còn ham học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm, tiến bộ khoa học - kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi trong gia đình.

Bởi vậy, dù tuổi đời còn khá trẻ, chưa xây dựng gia đình nhưng Lý Hữu Lâm đã làm chủ mô hình trồng cam và chăn nuôi bước đầu cho thu nhập trên trăm triệu đồng/năm.

Là con út trong gia đình đông anh em, năm 2008, sau khi tốt nghiệp THPT, bố mẹ đã bước sang tuổi ngũ tuần, sức khoẻ ngày một yếu, các anh, chị thì đã xây dựng gia đình ra ở riêng, điều kiện kinh tế không còn cho phép nên Lâm đành gác lại chuyện đèn sách ở đây.

Năm 2009, Lâm trúng tuyển đi nghĩa vụ quân sự. Hai năm trời trong môi trường quân ngũ, Lâm đã được rèn luyện không chỉ về nghiệp vụ, mà còn rèn cho ý chí luôn vững vàng trong mọi tình huống, mọi công việc. Đặc biệt, là có cơ hội đi học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm và thực hành áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào thực tiễn.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương, thấy chăn nuôi lợn, gà của gia đình vẫn theo cách truyền thống manh mún, nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp; cây trồng thì chủ yếu là cây chè trồng từ hai chục năm về trước đã già cỗi, cộng thêm không được chăm bón đều đặn nên năng suất bấp bênh.

Đứng trước thực tế đó, Lâm mạnh dạn bàn với bố mẹ, nâng cấp chuồng trại, đầu tư chăn nuôi tập trung với 10 con lợn/lứa; gà, vịt hơn 150 con/lứa. Bên cạnh đó, với số vốn 10 triệu đồng khi ra quân được Nhà nước chi trả, Lâm đầu tư mua giống cam, phân bón về trồng thay thế dần vào các diện tích chè già cỗi.

Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, Lâm đầu tư phân bón, làm cỏ, chăm sóc trên 7.000 m2 chè còn khả năng cải tạo để có thêm thu nhập trước mắt. Để giảm bớt chi phí đầu vào, Lâm đã dành thời gian đi học hỏi kinh nghiệm ươm cam giống để trồng.

Trao đổi về kinh nghiệm trong phát triển cây cam, Lâm cho biết: “Cây cam ưa đất xốp, vì vậy ngoài phân bón hóa học thì rất phù hợp bón phân chuồng, ngoại trừ phân lợn. Về sâu, bệnh thì cứ chịu khó chăm nom, phát hiện kịp thời mua thuốc bảo vệ thực vật về phun cũng không có gì đáng ngại. Riêng bệnh gân xanh, lá vàng thì hiện tại chưa có thuốc trị được nên nếu cây nào đã bị bệnh này thì chỉ có chặt bỏ đi và trồng lại cây mới thay thế. Vì nếu để lại cây không chết ngay, hàng năm vẫn ra quả, nhưng không chất lượng nữa".

"Tuy nhiên, loại bệnh này ít mắc, từ năm 2011 bắt đầu trồng cho đến nay, tôi mới bị hỏng khoảng 10 cây do loại bệnh này. Điều tôi quan tâm nhất là được bồi dưỡng kiến thức về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sao cho đúng cách, hiệu quả mà vẫn bảo đảm chất lượng quả cam” - Lâm nói.

Với sự cố gắng trong 5 năm qua, đến nay Lâm đã phát triển được vườn cam rộng trên 1 ha. Năm 2015, một nửa diện tích bắt đầu cho thu hoạch quả. Ngoài trồng cam, Lâm còn trồng trên 1 ha quế và chăn nuôi trâu để tận dụng sức kéo cũng như lấy phân bón cho cam.

Với mô hình tổng hợp đó, năm 2015 sau khi đã trừ chi phí, tổng thu nhập của gia đình Lâm đã đạt trên 100 triệu đồng. Thu nhập tăng dần, càng khích lệ Lâm chăm chỉ chăm sóc và tiếp tục phát triển cây cam thay thế vào các cây trồng kém hiệu quả khác.

Vụ xuân năm 2016, Lâm đầu tư phân bón và thuê nhân công đào hố trồng cam trên diện tích 4.000 m2 và còn tiếp tục ươm giống để trồng những vụ năm tới.

Ông Lý Sinh Quản - bố đẻ Lâm tâm sự: “Khổ cho thằng Lâm, nó là con út, vợ chồng tôi thì đã tuổi cao sức yếu chẳng giúp gì được cho nó ngoài động viên tinh thần. Mấy năm đầu phát triển kinh tế không có tiền, kinh nghiệm còn thiếu, có những lúc lợn, gà bệnh cần mua thuốc, mua cám, cam đến kỳ bón phân, xuất hiện sâu bệnh... nó một mình chạy vạy sớm khuya để vay mượn tiền lo cho cây trồng, vật nuôi. Nhiều lúc thấy nó cũng nản lòng, mệt mỏi, nhưng vợ chồng tôi lại động viên để nó thêm niềm tin bước tiếp. Giờ thì đã ổn định hơn về cả mọi mặt”.

Không chỉ lăn lộn phát triển kinh tế gia đình, với trách nhiệm là Ủy viên BCH Đoàn thị trấn Nông trường Trần Phú, Phó bí thư Chi đoàn Tổ dân phố 4, Lâm còn tích cực tham gia các phong trào đoàn, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Trong phong trào đoàn viên thanh niên (ĐVTN) giúp nhau xoá đói giảm nghèo, Lâm nhiệt tình giúp đỡ từ kinh nghiệm trồng, chăm sóc cam đến chăn nuôi lợn, gà cho các ĐVTN còn khó khăn trong chi đoàn. Từ đó, đã có nhiều ĐVTN vươn lên trong phát triển kinh tế, điển hình như các đoàn viên: Triệu Như Nguyên, Triệu Như Thịnh... đều có mô hình trồng cam, bưởi và nuôi lợn, gà, vịt cho thu nhập ổn định.

Nói về đoàn viên Lý Hữu Lâm, đồng chí Sa Quang Dương - Phó bí thư Huyện đoàn Văn Chấn nhận xét: “Lý Hữu Lâm là một trong những đoàn viên trẻ, năng động, nhiệt tình trong mọi hoạt động tập thể và giúp đỡ bạn bè. Đặc biệt, Lâm rất có chí, chăm chỉ lao động, ham học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm, khoa học - kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất, chăn nuôi... Tuy tuổi đời còn khá trẻ nhưng đã làm chủ mô hình kinh tế đầy hứa hẹn. Năm 2015, Lý Hữu Lâm đã vinh dự được Trung ương Đoàn tặng Bằng khen là gương thanh niên dân tộc thiểu số tiêu biểu làm kinh tế giỏi, xây dựng nông thôn mới các tỉnh Tây Bắc”.

A Mua

Các tin khác
Anh Phạm Hồng Tám (bên phải) cùng đồng nghiệp trong giờ làm việc.

Năm 2023, anh Phạm Hồng Tám - Tổ trưởng Tổ sửa chữa điện, Phòng Kỹ thuật Công ty Điện lực (PC) Yên Bái được Tỉnh đoàn Yên Bái lựa chọn là gương mặt "Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” và là 1 trong 20 người được nhận Giải thưởng "Cánh cung đỏ” Phạm Hồng Tám.

Người Mông bản Cáng Giông đã biết ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất hàng hóa. (Trong ảnh: Người dân thu hoạch quả sơn tra - cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế và hạn chế tình trạng phá rừng).

Núi rừng Mù Cang Chải như đang diễn ra lễ hội hoa với đủ các loài hoa rừng đua nhau khoe sắc. Trong đó, sắc trắng hoa ban Tây Bắc vẫn là gam màu chủ đạo, những đám mây sà xuống mái nhà gỗ của người Mông nhìn càng thơ mộng. Nhưng hôm nay chúng tôi chủ đích đi tìm gặp "bông hoa" nở cả 4 mùa, ấy là Giàng A Tùng - Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV) bản Cáng Dông, xã Nậm Khắt.

Lãnh đạo Hội Nông dân huyện Văn Yên thăm rừng quế của gia đình anh Bàn Văn Minh (bên phải) ở thôn Làng Câu, xã Tân Hợp.

Những thanh niên người Dao vùng đất quế Văn Yên mà chúng tôi gặp trong chuyến công tác đầu xuân vừa qua đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc về lòng nhiệt huyết, tinh thần sáng tạo, dám nghĩ dám làm vì gia đình, cộng đồng và toàn xã hội.

Đồng chí Tạ Văn Long - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đoàn công tác của tỉnh và huyện Trấn Yên thăm mô hình VAC của anh Mai Văn Tình.

Viết tiếp ước mơ dang dở nơi giảng đường đại học bằng con đường lập nghiệp tại quê hương rồi trở thành Giám đốc Hợp tác xã của chính mình, đó là lối đi của "người trẻ" Mai Văn Tình ở thôn Khang Chính, xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên. Lối đi của giám đốc trẻ Mai Văn Tình sẽ tiếp thêm động lực cho nhiều bạn trẻ đang trên con đường lập nghiệp khi đại học không phải là con đường duy nhất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục