Anh Linh phát triển gà lai Đông Tảo

  • Cập nhật: Thứ năm, 28/4/2016 | 3:38:41 PM

YBĐT - Nghe tiếng gà Đông Tảo từ lâu nhưng đến năm 2012, một lần được ăn thử tại nhà chị gái ở Hà Nội, anh Nguyễn Ngọc Linh, thôn 2, xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái đã thích luôn và có ý định phát triển chăn nuôi giống gà này.

Hai vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Linh cân gà trước khi đi giao cho nhà hàng.
Hai vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Linh cân gà trước khi đi giao cho nhà hàng.

Thuận lợi lớn là bạn bè anh công tác trong ngành nông nghiệp Hà Nội đã giúp anh nhanh chóng tiếp cận mọi thông tin mà anh cần. Các bạn đưa anh đi thăm những cơ sở chăn nuôi gà Đông Tảo ở tỉnh Hưng Yên, tỉnh Nam Định. Có một người bạn làm trong ngành nông nghiệp huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên trực tiếp cùng anh lựa chọn một cơ sở giống uy tín ở xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Đầu năm 2014, sau khi hoàn thành mọi công việc chuẩn bị, anh Linh bắt đầu chăn nuôi gà lai Đông Tảo.

Lứa đầu tiên, vợ chồng anh Linh thử nghiệm nuôi 300 con gà, giá một con gà giống là 30.000 đồng. Số gà này, anh Linh cất công tự mình xuống tận nơi lấy về. Những bước đi đầu tiên luôn có nhiều bỡ ngỡ, khó khăn. Trong bao nhiêu khó khăn, lo lắng lúc đó, hai vợ chồng anh lo nhất là dịch bệnh. Anh Linh chia sẻ: “Có khi, tôi ở hàng giờ liền trong chuồng gà để xem các biểu hiện của từng con: nhanh chậm, phân ra sao, ăn uống thế nào...

Vừa quan sát thực tế hàng ngày, tôi vừa đọc sách báo, tìm hiểu trên mạng, đến các cơ sở nuôi gà... để học hỏi thêm kinh nghiệm chăm sóc gà. Nói chung bây giờ cũng thuận lợi bởi có rất nhiều cách giúp người chăn nuôi tìm hiểu mọi thông tin cần thiết nhưng quan trọng vẫn phải là thực tế chăn nuôi và sự sát sao của mình với đàn vật nuôi”.

Nhận rõ vấn đề người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến vệ sinh an toàn thực phẩm, anh Linh xác định ngay từ đầu phương châm nuôi gà sạch. Anh sử dụng nguồn thức ăn cho gà hoàn toàn bằng cám ngô ủ men thơm vi sinh là sản phẩm của Công ty cổ phần Hải Nguyên thuộc Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Anh biết đến loại men này khi tìm hiểu trên mạng Internet và mua ở đại lý trên địa bàn.

Cách ủ cám cũng đơn giản, theo chị Khánh - vợ anh Linh cho biết thì ngô nghiền thành bột, cho men theo tỷ lệ, trộn đều rồi ủ. Nếu trời nắng, ủ cám trong vòng 12 tiếng; nếu trời lạnh, thời gian ủ lâu hơn, từ 24 - 36 tiếng. Cám sau ủ sẽ cho gà ăn thẳng hoặc phối trộn với chuối, rau xanh, can-xi... theo độ tuổi của gà. Khi gà khoảng 5 tháng tuổi là vào giai đoạn đẻ trứng sẽ được cho ăn thóc ủ mầm.

Gà lai Đông Tảo nuôi ăn cám ngô thời gian xuất chuồng lâu hơn so với nuôi ăn cám công nghiệp. Một lứa gà từ khi vào đàn đến khi bán được phải khoảng 6, 7 tháng và đạt trọng lượng 3 kg. Ăn cám ngô, gà hấp thu tốt, tiêu hóa tốt, tránh được bệnh đường ruột, sức đề kháng tốt và chất lượng thịt thơm, dai, ngon. Theo giá bán bình quân, gà mái 120.000 đồng một cân, gà trống 150.000 đồng một cân và giá có thể dao động cao hơn tùy thời điểm.

“Lứa gà đầu 300 con, hai vợ chồng mải miết đi tìm thị trường tiêu thụ, may mà hòa vốn” - chị Khánh cho biết. Dù hòa vốn nhưng phản hồi về chất lượng gà của các nhà hàng, của những người mua lẻ đã tiếp thêm động lực, niềm tin cho anh chị mở rộng quy mô chăn nuôi lên 600 con rồi hàng nghìn con như hiện nay.

Bây giờ, anh chị đã có thị trường tiêu thụ ổn định, không vất vả ngược xuôi như lứa gà đầu. “Tôi cũng xác định ngay từ khi nuôi giống gà này là cung cấp cho các nhà hàng nhưng vẫn có khách mua lẻ biết tiếng đã tìm đến tận nhà để mua. Có khách gọi điện, tôi mang đến tận nơi dù họ chỉ mua 1, 2 con. Là người bán hàng, tôi chiều khách đến mức có thể và cũng là để họ biết đến sản phẩm của mình. Nếu gà ngon, nhất định họ sẽ trở lại với mình” - anh Linh chia sẻ quan điểm. Vợ chồng anh đã mua thêm đất, xây dựng 200 m2 chuồng trại để nuôi thêm 1.000 con gà gối lứa.

Anh Linh nói: “Chuồng trại chắp vá, chưa đúng quy cách lại hơi chật nên cũng ảnh hưởng đến hiệu quả chăn nuôi, mẫu mã gà chưa được như ý. Muốn phát triển và đạt hiệu quả cao hơn nữa, tôi phải tiến hành hoàn thiện chuồng trại”.

 Nguyễn Thơm

Các tin khác
Mô hình nuôi cá tầm của Giàng A Vàng ở xã An Lương.

Từng chỉ biết cày cấy, nuôi vài con lợn, con gà, ngày nay, nhiều hộ đồng bào Mông trên địa bàn huyện Văn Chấn đã nghĩ khác, làm khác, mạnh dạn đầu tư để chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới. Điều này không những minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy và hành động mà còn thể hiện ý chí, khát khao vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên quê hương.

Thượng tá Trần Xuân Hướng (người đứng giữa) trao đổi nghiệp vụ về công tác dân vận với cán bộ cùng cơ quan.

”Cống hiến trong quân đội đã mấy chục năm trời, được đi nhiều, biết nhiều, gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn nên mình rất hiểu và luôn đau đáu trong lòng phải làm được cái gì đó giúp họ". Đó chính là khát khao cháy bỏng của Thượng tá Trần Xuân Hướng - Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh trong suốt quá trình công tác của mình.

Ông Đoàn Xuân Quý (bên trái) trao đổi với người dân trong thôn mô hình sơ chế vỏ quế tươi.

Những năm qua, với vai trò là Trưởng thôn Đồng Tâm, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, ông Đoàn Xuân Quý luôn bám sát sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội để hướng dẫn nhân dân cách làm hay, hiệu quả, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà

Sau nhiều lần hẹn rồi lại lỡ, tôi mới được anh sắp xếp cho cuộc gặp trong hơn một giờ đồng hồ. Anh chính là doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà- Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Think Big Group, Chủ tịch Công ty bất động sản Lộc Sơn Hà, người con của quê hương xã An Lạc, huyện Lục Yên. Hào hoa, tuấn tú và dấu ấn thành công của "tổng tài" nhưng ít ai biết anh đã đi con đường thành công không trải "hoa hồng "!

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục