Ân nghĩa của chị Phượng

  • Cập nhật: Thứ tư, 13/7/2016 | 10:09:45 AM

YBĐT -Chị Phượng kể, đến nay chị không nhớ rõ mình đã cứu giúp được bao nhiêu người, nhưng với trẻ em rơi xuống suối có nguy cơ bị đuối nước thì chị đã cứu được 4 em.

Suối Biệc, đoạn chảy qua thôn 12 xã Minh Xuân, huyện Lục Yên, nhất là đoạn ngầm tràn chảy ngang qua tỉnh lộ 171, mỗi khi mùa mưa đến, nước ngập ảnh hưởng rất nhiều đến việc đi lại của người dân cũng như các cháu học sinh. Nhưng ngay tại đầu ngầm này, có một gia đình trong nhiều năm qua, đã thường xuyên làm công việc giúp đỡ người dân qua ngầm, cứu giúp những vụ tai nạn; đặc biệt là, đã cứu được 4 trẻ em bị ngã và nước suối cuốn trôi có nguy cơ đuối nước.

Trên ngôi nhà sàn cạnh suối Biệc, chị Lã Thị Phượng kể cho chúng tôi nghe về những nguy hiểm, những vụ việc đã từng xảy ra tại con suối này mỗi khi mùa lũ đến. Chị Phượng cho biết, chênh lệch chiều cao giữa mặt đường và mặt nước khi bình thường rất cao, nên mỗi khi có lũ, dòng nước chảy rất xiết và nước xoáy gây nhiều nguy hiểm cho người qua lại, đặc biệt là đối với những người không quen dòng suối này.

Sinh ra, lớn lên ở đây, nên ngay từ nhỏ, chị Phượng đã tự tập bơi dưới con suối Biệc. Do đó, chị rất hiểu con suối này và biết chỗ nào có nước xoáy, chỗ nào dòng chảy xiết. Bởi vậy, cứ mỗi mùa lũ về, gia đình chị lại trở thành địa chỉ tin cậy chỉ dẫn cho nhiều người qua suối. Hơn nữa, chị tự nguyện làm việc này còn bởi chị từng chứng kiến những vụ tai nạn đuối nước rất thương tâm. “Tôi luôn tự nhủ, bản thân mình thấy nạn mà không cứu là có tội và sẽ bị lương tâm cắn rứt. Bởi thế, khi thấy người rơi xuống nước là tôi không nề hà đắn đo, mà phải tìm cách cứu người nhanh nhất” - chị Phượng cho biết.

Không chỉ cứu người bị tai nạn, những khi nước lên, chị Phượng còn thường xuyên giúp đỡ những người qua đường như: giúp đẩy xe, dắt người già, trẻ em qua dòng nước. Chị còn thường nhắc nhở các em học sinh khi đến chơi tại khu vực suối Biệc để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra. Để chủ động trong công việc cứu giúp, ngay trước sân nhà chị Phượng khi nào cũng có một cây sào dài để sẵn sàng đưa xuống kéo người bị ngã dưới suối.

Lần gần đây nhất là vào khoảng hơn 7 giờ sáng ngày 21/6, cháu Sầm Thị Quỳnh Trang cùng ông bà đi qua suối. Do đêm hôm trước, khu vực có xảy ra mưa lớn nên nước lũ lên cao, dòng nước chảy mạnh. Khi sang gần đến đầu bên kia, cháu Trang bị tuột khỏi tay bà, trôi theo dòng nước. Khi ấy, có rất nhiều người gần đó, nhưng không ai kịp nhảy xuống cứu cháu. Nghe thấy tiếng kêu cứu, từ trong nhà chị Phượng vội chạy ra, mặc dù từ trên sân nhà chị xuống đến mặt nước cao khoảng gần 3m, nhưng không chút đắn đo, chị lấy đà nhảy xuống dòng nước xiết cứu cháu bé. Sau một hồi lặn ngụp, chị đã cứu được cháu Trang trong niềm vui khôn siết của ông bà cháu Trang cũng như những người chứng kiến.

Ông Nguyễn Tiến Đạc, thôn 21, xã Minh Xuân là ông ngoại cháu Trang xúc động nhớ lại: “Tại khu vực suối này, từ trước đến nay đã có nhiều trường hợp cả người lớn và trẻ em bị đuối nước. Hôm ấy, nếu không có chị Phượng cứu thì đến nay chắc chắn cháu tôi đã không còn. Gia đình chúng tôi rất cảm kích và vô cùng biết ơn tinh thần dũng cảm cứu người của chị Phượng”.

Ông Nông Mạnh Tường - Chủ tịch UBND xã Minh Xuân cho biết: “Trên địa bàn xã Minh Xuân có 4 hệ thống khe suối, trong đó, có 2 ngầm tràn vào mùa mưa lũ thường bị ngập. Trước tình hình đó, xã thường xuyên cử cán bộ, dân quân, công an viên thường xuyên ứng trực tại các ngầm này. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng chưa kịp có mặt thì chị Phượng đã túc trực bên bờ suối để giúp đỡ người dân, đưa đón các cháu học sinh qua đường. Tấm gương của chị Phượng được xã đánh giá rất cao và đã triển khai cho toàn thể nhân dân trong xã học tập để cùng nhau khắc phục những khó khăn mỗi mùa lũ đến mà hạ tầng giao thông ở địa phương vẫn còn những bất cập”.

Hoàng Hữu (Đài TT – TH Lục Yên)

Các tin khác
Nhân dân thôn Yên Thành, xã Hưng Thịnh (Trấn Yên) thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường định kỳ hàng tháng.

Thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố, hoặc bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận (CTMT), thông qua quy trình nhân sự “Dân tin - Đảng cử” ở huyện Trấn Yên thời gian qua đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo ở cơ sở.

Anh Phạm Hồng Tám (bên phải) cùng đồng nghiệp trong giờ làm việc.

Năm 2023, anh Phạm Hồng Tám - Tổ trưởng Tổ sửa chữa điện, Phòng Kỹ thuật Công ty Điện lực (PC) Yên Bái được Tỉnh đoàn Yên Bái lựa chọn là gương mặt "Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” và là 1 trong 20 người được nhận Giải thưởng "Cánh cung đỏ” Phạm Hồng Tám.

Người Mông bản Cáng Giông đã biết ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất hàng hóa. (Trong ảnh: Người dân thu hoạch quả sơn tra - cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế và hạn chế tình trạng phá rừng).

Núi rừng Mù Cang Chải như đang diễn ra lễ hội hoa với đủ các loài hoa rừng đua nhau khoe sắc. Trong đó, sắc trắng hoa ban Tây Bắc vẫn là gam màu chủ đạo, những đám mây sà xuống mái nhà gỗ của người Mông nhìn càng thơ mộng. Nhưng hôm nay chúng tôi chủ đích đi tìm gặp "bông hoa" nở cả 4 mùa, ấy là Giàng A Tùng - Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV) bản Cáng Dông, xã Nậm Khắt.

Lãnh đạo Hội Nông dân huyện Văn Yên thăm rừng quế của gia đình anh Bàn Văn Minh (bên phải) ở thôn Làng Câu, xã Tân Hợp.

Những thanh niên người Dao vùng đất quế Văn Yên mà chúng tôi gặp trong chuyến công tác đầu xuân vừa qua đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc về lòng nhiệt huyết, tinh thần sáng tạo, dám nghĩ dám làm vì gia đình, cộng đồng và toàn xã hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục