Ông chủ… vịt trời

  • Cập nhật: Thứ tư, 27/7/2016 | 3:21:11 PM

YBĐT - “Lấy vợ xong rồi muốn làm gì thì làm, nuôi vịt trời nhỡ nó bay mất thì sao…” - những lời can ngăn ấy không cản được niềm đam mê của chàng thanh niên Ngô Văn Tài, thôn 4, xã Đại Phác, huyện Văn Yên.

Anh Ngô Văn Tài chăm sóc đàn vịt trời.
Anh Ngô Văn Tài chăm sóc đàn vịt trời.

Một thân, một mình lặn lội đi lấy giống, rồi chăm sóc, tiêm phòng… giờ đây, Tài đã trở thành ông chủ của một cơ sở nuôi vịt trời thương phẩm, đem lại thu nhập hàng chục triệu đồng/ tháng.

Sinh năm 1991 nhưng khác với bạn bè đồng trang lứa, Tài không chọn đại học làm con đường lập nghiệp mà bước ra cuộc sống để lao động, nuôi chí làm giàu. Học xong cấp 3, Tài theo người chú trong gia đình đi làm dịch vụ gặt lúa. Sau 3 năm, người chú nhượng lại cho Tài chiếc máy gặt lúa liên hoàn. Vậy là cứ đến ngày mùa, Tài rong ruổi cùng chiếc máy cày đến các thôn, các xã gặt thuê cho bà con nhân dân.

Tài tâm sự: “Làm dịch vụ gặt lúa, ngày công cũng khá và có thu nhập nhưng chỉ làm theo mùa vụ, hết 3, 4 tháng lại ngồi không. Thời gian nông nhàn lớn, nhiều đêm em suy nghĩ chắc phải nuôi thêm con gì thì mới ổn định lâu dài được”.

Đang trăn trở, băn khoăn thì tình cờ Tài vào mạng biết đến mô hình nuôi vịt trời ở Hưng Yên. Qua tìm hiểu, Tài nhận thấy giống vịt trời rất hợp với thời tiết, khí hậu ở đây, việc nuôi, chăm sóc cũng không khó khăn lắm khi thức ăn của chúng đều có sẵn tại địa phương. Ý định là vậy nhưng khi đặt vấn đề với gia đình và người thân, Tài không khỏi chần chừ khi ai cũng can ngăn, nào là nuôi vịt trời nó bay đi mất đấy, giống này khó thuần chủng lắm, lấy vợ đi rồi làm gì thì làm… Tuy nhiên, với quyết tâm, nhiệt huyết tuổi trẻ, Tài dành toàn bộ số tiền tiết kiệm được trong mấy năm làm dịch vụ gặt lúa cùng với vay mượn bạn bè, người thân được 30 triệu đồng để thực hiện ước mơ.

Tài cho biết: “Có tiền trong tay, em lấy số điện thoại, gọi điện rồi về gặp trực tiếp ông chủ trang trại vịt trời ở Hưng Yên. Trong 2 ngày lưu lại ở đó, em học được rất nhiều kinh nghiệm từ cách chọn con giống, kỹ thuật chăm sóc rồi cách cho ăn uống, phòng trừ bệnh dịch…”. 

Lần đầu, Tài lấy 500 con, tất cả đều 1 ngày tuổi, về sau nhập thêm 500 con, tổng cộng là 1.000 con. Một mình Tài phải vật lộn với số lượng đàn lớn lại chưa có nhiều kinh nghiệm, trong khi đó chuồng trại chưa có nên gặp nhiều khó khăn. Tài kể: “Cũng may hồi đó, gia đình và mọi người động viên, giúp đỡ. Bố mẹ cho mang đàn về nhà úm rồi em tranh thủ dựng lều, lán và quây chuồng trại để kịp đưa vịt ra môi trường”. Lau những giọt mồ hôi lăn trên má khi vừa giúp Tài sửa sang lại khu vực chuồng trại, bà Đỗ Thị Nhị, mẹ của Tài cho biết: “Khi mới lấy vịt về, ngày nào nó cũng phải kiểm tra mấy lần. Nhiều đêm thấy nó không ngủ, cứ ngồi bên chuồng để canh đàn vịt úm”.

Những ngày sau đó, Tài ở luôn tại trại để chăm sóc đàn vịt trời, sáng dậy sớm thái chuối, nghiền ngô, pha cám để cho vịt ăn. Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình của mình, Tài cười: “May bọn này nó ăn ít, ngô, chuối nhà trồng được nên giảm chi phí. Đặc biệt, có mẹ giúp đỡ chứ mình em chắc không trụ nổi”. Chịu khó, siêng năng lại tuân thủ đúng kỹ thuật, phòng trừ bệnh dịch đúng kỳ nên đàn vịt trời của Tài sinh trưởng và phát triển tốt, sau hơn 3 tháng đã bán ra thị trường. Người này đồn người kia, sản phẩm vịt trời thương phẩm của Tài ngày càng được nhiều người biết đến. Bình quân mỗi ngày, cơ sở của Tài cung ứng ra thị trường 20 con với giá từ 130 - 150 nghìn đồng/ con.

Được biết, thời gian tới, Tài sẽ mở rộng tìm kiếm thị trường nhằm cung ứng vịt trời giống và vịt trời thương phẩm đến các cơ sở chăn nuôi, nhà hàng, quán ăn ở trong và ngoài huyện. Tuy nhiên, khó khăn với Tài bây giờ là thiếu vốn để làm thêm nhà úm và ấp trứng.

Hùng Cường

Các tin khác
Mô hình nuôi cá tầm của Giàng A Vàng ở xã An Lương.

Từng chỉ biết cày cấy, nuôi vài con lợn, con gà, ngày nay, nhiều hộ đồng bào Mông trên địa bàn huyện Văn Chấn đã nghĩ khác, làm khác, mạnh dạn đầu tư để chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới. Điều này không những minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy và hành động mà còn thể hiện ý chí, khát khao vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên quê hương.

Thượng tá Trần Xuân Hướng (người đứng giữa) trao đổi nghiệp vụ về công tác dân vận với cán bộ cùng cơ quan.

”Cống hiến trong quân đội đã mấy chục năm trời, được đi nhiều, biết nhiều, gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn nên mình rất hiểu và luôn đau đáu trong lòng phải làm được cái gì đó giúp họ". Đó chính là khát khao cháy bỏng của Thượng tá Trần Xuân Hướng - Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh trong suốt quá trình công tác của mình.

Ông Đoàn Xuân Quý (bên trái) trao đổi với người dân trong thôn mô hình sơ chế vỏ quế tươi.

Những năm qua, với vai trò là Trưởng thôn Đồng Tâm, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, ông Đoàn Xuân Quý luôn bám sát sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội để hướng dẫn nhân dân cách làm hay, hiệu quả, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà

Sau nhiều lần hẹn rồi lại lỡ, tôi mới được anh sắp xếp cho cuộc gặp trong hơn một giờ đồng hồ. Anh chính là doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà- Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Think Big Group, Chủ tịch Công ty bất động sản Lộc Sơn Hà, người con của quê hương xã An Lạc, huyện Lục Yên. Hào hoa, tuấn tú và dấu ấn thành công của "tổng tài" nhưng ít ai biết anh đã đi con đường thành công không trải "hoa hồng "!

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục