Ông Ba trồng cam Vinh cho thu nhập cao

  • Cập nhật: Thứ ba, 2/8/2016 | 10:01:34 AM

YBĐT - Dày công cho hẳn một năm làm mọi công việc tại một hộ trồng cam Vinh ở xã Minh Tiến, huyện Lục Yên để tìm hiểu thực tế, nắm bắt kỹ thuật và tin vào hiệu quả mang lại, ông Nông Văn Ba ở thôn 4 Nà Bó, xã Mường Lai, huyện Lục Yên chính thức đưa cây cam Vinh về trồng năm 2007.

Cây cam Vinh mang về 180 triệu đồng trong năm 2015 cho gia đình ông Nông Văn Ba ở thôn 4 Nà Bó, xã Mường Lai, huyện Lục Yên.
Cây cam Vinh mang về 180 triệu đồng trong năm 2015 cho gia đình ông Nông Văn Ba ở thôn 4 Nà Bó, xã Mường Lai, huyện Lục Yên.

 Đầu tiên, ông trồng 100 gốc. Khi thấy cây cam phát triển tốt, ông đi mua về trồng tiếp 50 gốc và giá cây giống lúc này đã tăng lên gấp đôi. Trong khoảng 3 năm, 4 năm sau đó, dù ông cố gắng rất nhiều trong quá trình chăm sóc vườn cam nhưng một số cây vẫn chết. Không chịu bó tay, ông Ba tiếp tục tìm sang huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang để học hỏi kinh nghiệm trồng cam của người dân địa phương.

“Tôi đã chịu khó lần mò, thật thà, khiêm tốn để có thể nắm bắt các kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây cam” - ông Ba kể lại - “Có nhiều việc, nhiều bệnh trong thực tế mình chưa làm, chưa gặp nên phải chú tâm quan sát, tìm hiểu, gợi mở thì mới nhận được nhiều nhất thông tin mà mình muốn có”. Ông bảo rằng kinh nghiệm chăm sóc cây cam cũng như việc học tập, phải tích lũy dần dần theo thời gian. Cũng bởi thế mà việc chăm sóc vừa dễ vừa khó, nếu biết thì dễ, không biết thì khó.

Đối với cây cam Vinh của gia đình, trong chăm sóc hàng năm, ông Ba tuyệt đối không phun bất cứ loại thuốc gì khoảng 2 tháng trước khi thu quả. Sau khi thu hoạch xong toàn bộ là công đoạn vệ sinh vườn, phun thuốc trừ nấm tổng hợp. Tới lúc cây cam ra lộc, ông phun thuốc trừ sâu và trước 15 ngày cây ra hoa sẽ tiến hành phun thuốc kích ra hoa. Ông sử dụng bón lót cho cây cam khi đào hố bằng supe lân Lâm Thao, cây lớn dùng NPK, sau khi thu hoạch xong thì bón lót với lân 777.

Thời gian 10 năm trồng cam thực tế, ông Ba cho biết có một số bệnh thường gặp trên cây cam là vàng lá, gỉ sắt, ghẻ cam, phấn trắng, muội đen. Có một bệnh ông thấy khó nhất ở cây cam là vàng lá gân xanh, tuy đã thử nhiều loại thuốc và đã đỡ nhiều nhưng vẫn chưa cho hiệu quả triệt để. Việc sử dụng các loại thuốc trị những loại bệnh này, ông đều học hỏi những người trồng cam ở Hà Giang. Cẩn thận đến mức với mỗi loại bệnh, ông không chỉ đọc kỹ cách hướng dẫn sử dụng trên bao bì mà còn đi đến nhiều hộ khác nhau để so sánh, đối chứng thực tế để xem họ có làm cùng một cách hay không.

Hiện ông Ba muốn tìm phân chuồng để chăm sóc cho vườn cam nhưng nguồn cung còn khó khăn, nhất là phân gà. Khắc phục điều này, ông đã nghĩ ra cách đặt 3 máng ăn cho gà, vịt quanh mỗi gốc cam với mục đích tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên cho gia cầm, cỏ quanh gốc cam cũng chết một cách tự nhiên lại có phân bón cho cây. Ông làm theo kiểu cứ 5 ngày đến 7 ngày luân phiên 3 máng ăn từ gốc này đến gốc kia cho toàn bộ khu vườn trồng cam của gia đình.

Trồng cây bao nỗi gian nan để mong ngày thu quả ngọt. Cây cam trồng sau 3 năm đã cho thu hoạch, hiệu quả kinh tế vượt trội so với cây lúa. Năm đầu thu ít, các năm sau cao hơn dần. Năm 2015, ông Ba xuất bán 8 tấn cam Vinh, thu về 180 triệu đồng và năm nay dự ước sẽ đạt từ 200 - 250 triệu đồng. Thị trường tiêu thụ cam của gia đình ngay trên địa bàn huyện Lục Yên, thương lái vào tận nhà thu mua và có thời gian là vợ ông mang ra chợ huyện bán.

Ông vui vẻ cho hay: “Thích nhất là nghe vợ tôi đi chợ về kể lại, khách hàng bảo cứ phải đợi bà ấy mang cam ra thì mới mua mặc dù có nhiều người cũng bán loại quả này. Đấy chính là điều tôi theo đuổi, là sự tạo dựng uy tín từ khi tôi theo cây cam Vinh”.

Năm nay, các cành chiết mới bắt đầu cho thu hoạch vì hàng năm ông vẫn liên tục nhân cành chiết, cành ghép. Tin tưởng cây cam Vinh và nhận thấy cây cam này hợp nhất với đất vườn, đất bãi soi của gia đình, ông đã mở rộng diện tích thêm 700 m2 nhờ dồn đổi đất ruộng bên cạnh 400 gốc hiện có. Xởi lởi và nhiệt tình, ông Ba tâm niệm: “Lời nói là chia sẻ. Chia sẻ để giúp nhau. Tôi đã đi qua những ngày tháng đầu tiên gian khó cùng cây cam. Tôi sẵn sàng cho đi những kiến thức, kinh nghiệm của mình nếu mọi người thật lòng mong muốn học hỏi”.

Nguyễn Thơm

Các tin khác
Mô hình nuôi cá tầm của Giàng A Vàng ở xã An Lương.

Từng chỉ biết cày cấy, nuôi vài con lợn, con gà, ngày nay, nhiều hộ đồng bào Mông trên địa bàn huyện Văn Chấn đã nghĩ khác, làm khác, mạnh dạn đầu tư để chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới. Điều này không những minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy và hành động mà còn thể hiện ý chí, khát khao vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên quê hương.

Thượng tá Trần Xuân Hướng (người đứng giữa) trao đổi nghiệp vụ về công tác dân vận với cán bộ cùng cơ quan.

”Cống hiến trong quân đội đã mấy chục năm trời, được đi nhiều, biết nhiều, gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn nên mình rất hiểu và luôn đau đáu trong lòng phải làm được cái gì đó giúp họ". Đó chính là khát khao cháy bỏng của Thượng tá Trần Xuân Hướng - Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh trong suốt quá trình công tác của mình.

Ông Đoàn Xuân Quý (bên trái) trao đổi với người dân trong thôn mô hình sơ chế vỏ quế tươi.

Những năm qua, với vai trò là Trưởng thôn Đồng Tâm, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, ông Đoàn Xuân Quý luôn bám sát sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội để hướng dẫn nhân dân cách làm hay, hiệu quả, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà

Sau nhiều lần hẹn rồi lại lỡ, tôi mới được anh sắp xếp cho cuộc gặp trong hơn một giờ đồng hồ. Anh chính là doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà- Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Think Big Group, Chủ tịch Công ty bất động sản Lộc Sơn Hà, người con của quê hương xã An Lạc, huyện Lục Yên. Hào hoa, tuấn tú và dấu ấn thành công của "tổng tài" nhưng ít ai biết anh đã đi con đường thành công không trải "hoa hồng "!

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục