Cựu chiến binh vùng cao mở hướng làm giàu

  • Cập nhật: Thứ ba, 11/10/2016 | 8:16:42 AM

YBĐT - Ở vùng cao Púng Luông (Mù Cang Chải) đã có nhiều mô hình cựu chiến binh điển hình giúp nhau xóa đói giảm nghèo, làm kinh tế giỏ.i 

Đến với Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Mù Cang Chải, ông Đoàn Thanh Giồng - Chủ tịch Hội đưa chúng tôi đi tìm hiểu một số mô hình CCB điển hình giúp nhau xóa đói giảm nghèo, làm kinh tế giỏi tại xã Púng Luông.

Vượt một quãng đường dốc, hai bên đường là vườn ngô bậc thang xanh tốt đang đến kỳ trổ cờ và xen vào đó là những thùng gỗ nuôi ong mật của gia đình CCB Thào A Khày - Chi hội trưởng CCB bản Nả Háng Tâu.

Trước mắt chúng tôi là một căn nhà gỗ rộng rãi, khang trang được bao quanh là khu vườn trồng cây ăn quả và cũng có rất nhiều những thùng gỗ nuôi ong đặt san sát dưới những tán cây râm mát. Vui vẻ dẫn chúng tôi đi thăm trang trại nuôi ong, CCB Thào A Khày cho biết về cơ duyên đưa anh tới nghiệp nuôi ong.

Đầu năm 2005, được xuất ngũ, mặc dù đã tích cực làm ruộng, trồng màu, đào ao nuôi cá… nhưng với hoàn cảnh gia đình khó khăn, đất đai đồi núi dốc nên dù cần cù đến mấy mà khó khăn vẫn chồng chất khó khăn.

Đang loay hoay tìm hướng phát triển kinh tế thì đến năm 2006, tình cờ thấy có người từ dưới xuôi mang những đõ ong đến địa phương nuôi trong thời điểm mùa hoa sơn tra, hoa Blồng xangz bắt đầu nở.

Một câu hỏi đặt ra với anh là, tại sao mình lại không nuôi ong lấy mật ngay tại quê hương? Từ đó, anh quyết định tìm hiểu qua sách báo, học hỏi các gia đình miền xuôi về kỹ thuật nuôi ong mật và chắt chiu vốn để mua 3 đàn ong với giá 300.000 đồng về nuôi.

Sau hơn 1 năm tự nghiên cứu nhân, tách đàn, anh đã có 18 đàn ong và sau 2 năm đã nhân được 50 đàn. Những tưởng nghề nuôi ong là rất thuận lợi thì đến năm 2012, tự nhiên thấy các đàn ong cứ ít dần, tự bỏ tổ bay đi, rồi chết hết, chỉ tồn tại được 12 đàn với lượng ong thợ thưa thớt.

Đây là hệ quả do thiếu kinh nghiệm nhận biết đặc tính phát triển, cùng những nguyên nhân gây bệnh của đàn ong. Không chịu thất bại, anh lại tìm đến những “chuyên gia” về nuôi ong và được biết nguyên nhân thất thoát số lượng đàn ong như vậy bắt nguồn từ bệnh thối ấu trùng tuổi lớn và tuổi nhỏ đã vít nắp tầng ong.

Ấu trùng ong chết không có thế hệ ong thay thế, dẫn đến đàn ong tự diệt vong… Biết được nguyên nhân thất bại, anh Khày lại tiếp tục đi vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 7 triệu đồng và phá bỏ loại tổ hình tròn kiểu truyền thống, đóng mới loại tổ theo đúng kỹ thuật để dễ kiểm tra, chăm sóc, thay ong chúa bằng giống tự nhiên của địa phương.

Với quy trình nuôi ong đúng kỹ thuật, khai thác sản phẩm khoa học bảo đảm vừa cho thu nhập vừa đủ để tái tạo đàn ong phát triển tốt, chỉ sau 1 năm thu nhập từ mật ong đã cho gia đình anh trên dưới 80 triệu đồng. Đến năm 2016, số lượng đàn ong lên tới 120 đàn; riêng 6 tháng đầu năm đã cho thu nhập trên 60 triệu đồng.

Từ cách làm có hiệu quả tốt, anh đã tận tình giúp đỡ cả về kỹ thuật, giống, vốn để giúp hội viên Lý Vảng Tính cùng ở Chi hội CCB Nả Háng Tâu và hội viên Giàng A Phơ ở Chi hội Háng Cơ Bua. Đến nay, cả 2 gia đình hội viên này đều đã có trên chục đàn ong và cho thu nhập tốt từ việc nuôi ong lấy mật.

Cũng trên một triền núi cao của bản Nả Háng Tâu, chúng tôi lại được biết thêm một mô hình làm kinh tế của gia đình CCB Lý A Tủa. Năm 2009, anh Tủa hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê hương. Anh nghĩ, không thể chỉ trông chờ thu nhập từ ngô, lúa theo cách làm cũ và thấy sản phẩm quả sơn tra đã trở thành thương hiệu của quê hương Mù Cang Chải, nhưng ở Púng Luông vẫn chỉ thu hái tự phát từ cây mọc tự nhiên và do không được chăm sóc, bảo vệ, thu hái quả ngay khi còn non nên sản phẩm giá trị thấp, hiệu quả kinh tế không cao.

Từ thực tế đó, Lý A Tủa đã bàn bạc với gia đình quyết định vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 30 triệu đồng vừa đầu tư chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà vừa mua hạt giống cây sơn tra ở xã La Pán Tẩn về gieo ươm và từng bước đưa cây sơn tra lên trồng thay thế 2 ha nương trồng cây lương thực kém hiệu quả. Đến nay, sau 5 năm, 2 ha sơn tra của anh đã phát triển tốt và bắt đầu cho thu hoạch vụ quả đầu tiên với trên 5 tạ quả chất lượng tốt, đầy hứa hẹn tăng nhanh sản lượng từ những năm tiếp theo khi cây đã trưởng thành.

Chỉ tay về phía một khoảng rừng sơn tra vừa cho thu hoạch, anh Tủa tự tin khẳng định: “Chỉ 2 đến 3 năm nữa, riêng thu hoạch từ quả sơn tra, gia đình tôi sẽ có nguồn thu từ 20 đến 30 triệu đồng/năm”.

Đồng chí Mùa A Tòng - Bí thư Đảng ủy xã Púng Luông cho biết, Hội CCB xã trong nhiều năm qua luôn giữ vai trò rất tích cực trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền và nỗ lực đi đầu trong phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Với mô hình nuôi ong lấy mật và đưa cây sơn tra tự nhiên về trồng tập trung, là mô hình đầu tiên tại xã Púng Luông mang lại hiệu quả kinh tế cao, đã tạo ra một hướng đi mới cho các CCB và bà con trong vùng tin tưởng, phát triển kinh tế, làm giàu bằng những tiềm năng sẵn có của địa phương.

Lại Tấn (Hội CCB tỉnh Yên Bái)

Các tin khác
Bí thư Chi bộ thôn Đồng Gianh Đặng Thị Hoa trao quyết định kết nạp đảng viên mới cho đồng chí Nguyễn Mạnh Tường

Qua cổng làng, con đường dẫn vào thôn Đồng Gianh, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên xanh màu của cây, bừng sắc của hoa, khang trang những ngôi nhà xây hiện đại. Cách đó chẳng bao xa, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đặng Thị Hoa tươi nụ cười đón khách trước sân nhà. Cứ nhìn sân, ngó vườn, ngắm nhà là có thể phần nào biết sự kỹ lưỡng, chỉn chu của chủ gia đình cho không gian sống xanh, thoáng, đẹp…

CCB Trần Văn Nghĩa (thứ 2, từ phải sang) chia sẻ với lãnh đạo Hội CCB huyện Văn Yên về kỹ thuật chăn nuôi dê.

Cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Nghĩa ở thôn Đá Bia, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên không chỉ làm kinh tế giỏi từ mô hình tổng hợp trồng rừng kết hợp chăn nuôi, anh còn là người luôn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động Hội, các hoạt động của địa phương, tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của xã.

Mô hình nuôi cá tầm của Giàng A Vàng ở xã An Lương.

Từng chỉ biết cày cấy, nuôi vài con lợn, con gà, ngày nay, nhiều hộ đồng bào Mông trên địa bàn huyện Văn Chấn đã nghĩ khác, làm khác, mạnh dạn đầu tư để chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới. Điều này không những minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy và hành động mà còn thể hiện ý chí, khát khao vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên quê hương.

Thượng tá Trần Xuân Hướng (người đứng giữa) trao đổi nghiệp vụ về công tác dân vận với cán bộ cùng cơ quan.

”Cống hiến trong quân đội đã mấy chục năm trời, được đi nhiều, biết nhiều, gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn nên mình rất hiểu và luôn đau đáu trong lòng phải làm được cái gì đó giúp họ". Đó chính là khát khao cháy bỏng của Thượng tá Trần Xuân Hướng - Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh trong suốt quá trình công tác của mình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục