Ông Quang “thỏ”

  • Cập nhật: Thứ năm, 23/3/2017 | 8:01:47 AM

YBĐT - Ông Quang “thỏ” là cái tên thân mật mà mọi người đặt cho ông Vũ Huy Quang - chủ Doanh nghiệp tư nhân Quang Thanh ở thôn Lương Môn, xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên, bởi ông là người đầu tiên ở tỉnh Yên Bái thành công từ mô hình nuôi thỏ NewZealand.

Trại thỏ của ông Vũ Huy Quang mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trại thỏ của ông Vũ Huy Quang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông không chỉ trở thành doanh nghiệp chăn nuôi thỏ lớn nhất tỉnh mà còn giúp nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái cũng như khu vực miền núi phía Bắc vươn lên thoát nghèo, từng bước  làm giàu chính đáng.

Gắn bó với nghề chăn nuôi từ những năm 1980, bắt đầu từ nuôi lợn, nuôi gà, nuôi ngan rồi chuyển sang nuôi dê và trồng cây ăn quả. Nhưng đầu tư ở lĩnh vực nào ông Quang cũng không thấy có hiệu quả. Đến năm 2008, sau khi được tham dự Hội thảo Phát triển chăn nuôi thỏ tại Việt Nam do Cục Chăn nuôi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tập đoàn Nippon Zoki (Nhật Bản) tổ chức tại tỉnh Ninh Bình bàn về vấn đề sử dụng thỏ làm nguyên liệu sản xuất vắc-xin, ông Quang tin tưởng vào triển vọng nghề nuôi thỏ.

Từ đó, ông quyết định bỏ các con vật nuôi khác, đầu tư vào nuôi thỏ. Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm nên ông chỉ nuôi 50 con thỏ mẹ, mỗi năm cho thu nhập nhập từ 50 - 60 triệu đồng.

Ông Quang cho biết: “Nuôi thỏ dịch bệnh ít, không tiêu hao chất bột nhiều, thức ăn chủ yếu là rau cỏ và thỏ lại cho lợi nhuận cao hơn những con vật nuôi khác”. Năm 2012, Dự án thỏ Việt - Nhật lựa chọn trại thỏ của ông là trạm cung tiêu, phát triển chăn nuôi thỏ cho các tỉnh phía Bắc, ông lại nâng đàn thỏ mẹ lên 200 con, tổng đàn 2.000 con.

Không dừng lại ở đây, với quyết tâm làm giàu từ nuôi thỏ, ông  Quang thành lập Doanh nghiệp tư nhân Quang Thanh và mở rộng quy mô chuồng trại. Đến nay, trại thỏ của ông Quang có 400 con thỏ mẹ và tổng đàn 4 nghìn con.

Ngoài việc nuôi thỏ cung cấp cho nhà hàng để chế biến món ăn, từ tháng 7/2015 ông Quang “thỏ” chính thức làm đại lý cung cấp thỏ cho Công ty TNHH Nippon ZuKi Việt Nam để chế biến nguyên liệu dược phẩm. Cùng với đó, ông vẫn cung cấp giống và hướng dẫn kỹ thuật, chia sẻ phương pháp, kinh nghiệm chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm cho các trang trại vệ tinh trên địa bàn tỉnh Yên Bái và các tỉnh: Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai.

Năm 2016, Doanh nghiệp tư nhân Quang Thanh đạt doanh thu 3,5 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 500 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông còn tạo công ăn việc làm cho 7 lao động địa phương với mức lương 5,5 triệu đồng/người/tháng.

Từ hiệu quả của con thỏ mang lại, năm 2017 này, ông Quang tiếp tục vay vốn ngân hàng, đầu tư 500 triệu đồng để mở rộng quy mô chuồng trại và phát triển thêm các trang trại vệ tinh. Hiện nay, chăn nuôi thỏ đang được nhiều nông dân chọn để phát triển kinh tế hộ gia đình. Tuy nhiên, do thiếu vốn và kỹ thuật nên người dân gặp nhiều khó khăn.

Để phát huy hiệu quả và nhân rộng các mô hình nuôi thỏ, ông Quang có ý kiến mong muốn tỉnh có cơ chế chính sách hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi thỏ như chăn nuôi gà, lợn để người dân có nguồn lực phát triển kinh vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Hồng Duyên

Các tin khác
Ông Đoàn Xuân Quý (bên trái) trao đổi với người dân trong thôn mô hình sơ chế vỏ quế tươi.

Những năm qua, với vai trò là Trưởng thôn Đồng Tâm, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, ông Đoàn Xuân Quý luôn bám sát sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội để hướng dẫn nhân dân cách làm hay, hiệu quả, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà

Sau nhiều lần hẹn rồi lại lỡ, tôi mới được anh sắp xếp cho cuộc gặp trong hơn một giờ đồng hồ. Anh chính là doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà- Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Think Big Group, Chủ tịch Công ty bất động sản Lộc Sơn Hà, người con của quê hương xã An Lạc, huyện Lục Yên. Hào hoa, tuấn tú và dấu ấn thành công của "tổng tài" nhưng ít ai biết anh đã đi con đường thành công không trải "hoa hồng "!

Bà Phạm Thị Nhâm với mô hình nuôi gà theo hướng hàng hóa quy mô lớn.

Cả tuổi trẻ cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”, đến khi về hưu bà Phạm Thị Nhâm ở thôn Minh Thành, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái vẫn nhiệt tình tham gia các phong trào chung, trở thành nữ Bí thư Chi bộ gương mẫu, đồng thời cũng là một tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi trên địa bàn xã.

Chị Liên mang sách đến với các em nhỏ vùng cao Trạm Tấu qua hoạt động xe thư viện lưu động.

Trong khuôn khổ Lễ Tổng kết và trao Giải thưởng Phát triển văn hóa đọc lần thứ VI và phát động Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024 vừa được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức, chị Nguyễn Thị Bích Liên - cán bộ Thư viện tỉnh Yên Bái vinh dự nhận được Giải thưởng “Phát triển văn hóa đọc”. Đây là sự ghi nhận cho những đóng góp xuất sắc của chị trong việc thúc đẩy văn hóa đọc và tạo ra một môi trường đọc sách thân thiện trong cộng đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục