Nhà báo Hùng Cường - Báo Yên Bái: Vất vả, khó khăn của chúng tôi chẳng thấm vào đâu so với “nỗi đau lũ quét” của đồng bào

  • Cập nhật: Thứ năm, 10/8/2017 | 2:06:39 PM

YênBái - "Tận mắt chứng kiến cảnh tượng tàn khốc mà trận lũ kinh hoàng vừa càn quét qua Mù Cang Chải (Yên Bái) khiến cả 1 khu dân cư vốn yên bình, nhộn nhịp nay bỗng tan hoang đổ nát; đối diện với những gương mặt, ánh mắt thất thần của đồng bào khi trắng tay bởi tài sản bao năm tích cóp đã bị "dòng nước dữ” cuốn phăng, đặc biệt là những gia đình vẫn đang trông ngóng từng phút, từng giờ mong tìm lại người thân mất tích… đã khiến lòng tôi đau nhói, xót xa, đan xen nhiều cảm xúc khó tả…”. Đó là trải lòng của phóng viên Hùng Cường- Báo Yên Bái- về chuyến hành trình tác nghiệp đầy vất vả, khó khăn nhưng cũng rất ấn tượng của mình. Nhà báo Hùng Cường cho biết:

Phóng viên Hùng Cường trong một lần đi cơ sở viết bài
Phóng viên Hùng Cường trong một lần đi cơ sở viết bài

Khi ấy là hơn 7 giờ sáng ngày 3/8, ở TP. Yên Bái bắt đầu mưa nặng hạt. Tôi bất ngờ nhận được lệnh của Trưởng phòng thông báo đi Mù Cang Chải làm bão lũ. Không kịp chuẩn bị nhiều, tôi cho máy ảnh, sổ ghi chép vào túi rồi lên đường. Trên suốt dọc đường, điện thoại của các thành viên thường trực bão lũ liên tục đổ chuông. Thông tin về người thương vong liên tục tăng lên. 

Vì có nhiều lần đi làm về bão lũ nên nhân lúc xe dừng tại xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn tôi tranh thủ đi mua đôi dép quai của bộ đội để tiện cho việc đi lại và tác nghiệp. Trên suốt quãng đường đó, trong đầu tôi luôn hình dung về hình ảnh của nơi lũ quét đi qua. Ngoài việc xác định đưa thông tin nhanh, chính xác về tình hình thiệt hại, công tác khắc phục hậu quả và tìm kiếm người bị nạn tôi cũng hình dung phải đến tận nơi những gia đình có người bị nạn, bị mất nhà xem cuộc sống của họ như thế nào, mong muốn của họ là gì. Mọi thứ từ ảnh, bài viết phải làm thế nào nhanh, kịp thời và lột tả được sự chân thực của sự việc.

Gần 10 năm làm phóng viên, đã từng đi nhiều nơi, chứng kiến nhiều vụ thiên tai, sạt lở, lũ lụt nhưng có lẽ đây là trận lũ quét, lũ ống kinh hoàng đầu tiên tôi được chứng kiến. Khi đến nơi, trước mắt tôi, cả 1 khu dân cư vốn yên bình, nhộn nhịp nay bỗng tan hoang đổ nát. Mọi thứ từ nhà cửa, trường học, bàn ghế, tủ lạnh, ti vi, xe máy… đều bị cuốn trôi và vỡ nát. Trường lớp bị hư hỏng hoàn toàn sau trận lũ quét, vương vãi khắp sân trường là sách vở, giày dép của các em học sinh… Bùn lầy phủ kín mặt đường, đá tảng, đá khối đổ xuống khắp nơi.

Do vậy, việc tác nghiệp của tôi và nhiều đồng nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn. "Do vừa di chuyển để lấy hình ảnh của lãnh đạo tỉnh đi kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục, vừa phải quan sát để lấy những hình ảnh chân thực, sinh động về sự tàn phá của cơn lũ nên nhiều lúc phải liều mình lội bùn, lội xuống dòng nước đang chảy siết để có góc ảnh tốt. Thậm chí đã có lúc tôi suýt bị ngã do hòn đá dưới chân đột nhiên lật ra. 

Ngoài thiệt hại tại tổ 8, thị trấn Mù Cang Chải, việc di chuyển đến những nơi bị lũ quét tràn qua ở xã Kim Nọi, Lao Chải cũng rất khó khăn. Do mưa lớn, nhiều đoạn bị sạt lở, cả đoàn phải đi bộ hàng tiếng đồng hồ mới đến nơi. Cả đoàn ai cũng mệt, thở dốc, chân tay lấm lem bùn đất nhưng nhìn khung cảnh tan hoang, bà con mất sạch nhà cửa, của cải thì ai cũng thấy rằng vất vả, khó khăn kia chẳng thấm vào đâu so với "nỗi đau lũ quét” của đồng bào”, phóng viên Hùng Cường xúc động chia sẻ.


Nỗi đau của các gia đình khi mất đi người thân do lũ quét .

Chứng kiến cảnh tượng bị tàn phá nặng nề khi cơn lũ quét đi qua đã neo vào lòng tôi nhiều cảm xúc rất khó tả. Tôi nghĩ rằng sao lại có thể xảy ra 1 trận lũ quét kinh hoàng như vậy. Không biết những người mất tích giờ ra sao, liệu có phép màu nào giúp họ vượt qua không. Rồi mai đây cuộc sống của những người vợ mất chồng, con mất mẹ rồi nhà cửa, tài sản lần lượt bị dòng lũ hung ác cuốn đi rồi sẽ ra sao? Thương đồng bào quá, cuộc sống nơi vùng cao Mù Cang Chải vốn đã khó khăn, người dân nơi đây vốn lam lũ, vất vả, bữa đói, bữa no, chắt chiu dựng được ngôi nhà, có cái xe máy để đi lại, ti vi để xem… vậy mà giờ đây họ đã mất tất cả!. 

Thương hơn cả là những gia đình vẫn đang trông ngóng từng phút, từng giờ mong tìm lại người thân mất tích. Nhiều gia đình, người chồng, người cha vĩnh viễn ra đi, không biết sau này vợ con họ sẽ sống ra sao? Song có lẽ, điều tôi ấn tượng nhất chính là sự căng mình giúp dân khắc phục hậu quả lũ quét của cả cộng đồng, xã hội; Là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, kịp thời của các cấp chính quyền đối với công tác tìm người mất tích, khắc phục hậu quả bão lũ. 

Đặc biệt là tình người trong lũ. Trong nỗi đau đó, hàng nghìn người không quản mưa, nắng dùng mọi thứ có thể để dọn bùn rác; quân dân cùng nhau trắng đêm phá đá, tìm người mất tích. Đó còn là hình ảnh anh Giàng A Già quên mình cứu 3 người trong lũ. Rồi cả cộng đồng kêu gọi, sẻ chia, hướng về tâm lũ. Người có ít góp ít, người có nhiều ủng hộ nhiều. "Không thể kể hết những nỗi đau khôn nguôi, bao gánh nặng đang chất chồng lên vai đồng bào miền núi Mù Cang Chải. Là nỗi lo của thầy và trò trước ngày khai giảng đang phải chạy đua với thời gian để khắc phục hậu quả sau lũ… 

Toàn cảnh Tổ 8 Thị trấn Mù Cang Chải hứng chịu trận lũ quét. Ảnh: Hùng Cường

Chính vì vậy, cần lắm sự chung tay của cộng đồng xã hội để giúp người dân vượt qua "nỗi đau lũ quét” này. Trước mắt là giúp đồng bào vượt qua khó khăn về cơ sở vật chất, bệnh tật; Nhưng cần nhất là sự vào cuộc của các cấp chính quyền để tìm giải pháp căn cơ hơn cho quy trình phát triển của Yên Bái, để cảnh thiên tai kinh hoàng như những ngày qua sẽ không còn lặp lại và nỗi thấp thỏm của đồng bào mỗi mùa mưa bão đến sẽ dần qua mau…”, nhà báo Hùng Cường trăn trở!
(Theo  Công luận) 

Các tin khác
Bí thư Chi bộ thôn Đồng Gianh Đặng Thị Hoa trao quyết định kết nạp đảng viên mới cho đồng chí Nguyễn Mạnh Tường

Qua cổng làng, con đường dẫn vào thôn Đồng Gianh, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên xanh màu của cây, bừng sắc của hoa, khang trang những ngôi nhà xây hiện đại. Cách đó chẳng bao xa, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đặng Thị Hoa tươi nụ cười đón khách trước sân nhà. Cứ nhìn sân, ngó vườn, ngắm nhà là có thể phần nào biết sự kỹ lưỡng, chỉn chu của chủ gia đình cho không gian sống xanh, thoáng, đẹp…

CCB Trần Văn Nghĩa (thứ 2, từ phải sang) chia sẻ với lãnh đạo Hội CCB huyện Văn Yên về kỹ thuật chăn nuôi dê.

Cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Nghĩa ở thôn Đá Bia, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên không chỉ làm kinh tế giỏi từ mô hình tổng hợp trồng rừng kết hợp chăn nuôi, anh còn là người luôn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động Hội, các hoạt động của địa phương, tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của xã.

Mô hình nuôi cá tầm của Giàng A Vàng ở xã An Lương.

Từng chỉ biết cày cấy, nuôi vài con lợn, con gà, ngày nay, nhiều hộ đồng bào Mông trên địa bàn huyện Văn Chấn đã nghĩ khác, làm khác, mạnh dạn đầu tư để chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới. Điều này không những minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy và hành động mà còn thể hiện ý chí, khát khao vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên quê hương.

Thượng tá Trần Xuân Hướng (người đứng giữa) trao đổi nghiệp vụ về công tác dân vận với cán bộ cùng cơ quan.

”Cống hiến trong quân đội đã mấy chục năm trời, được đi nhiều, biết nhiều, gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn nên mình rất hiểu và luôn đau đáu trong lòng phải làm được cái gì đó giúp họ". Đó chính là khát khao cháy bỏng của Thượng tá Trần Xuân Hướng - Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh trong suốt quá trình công tác của mình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục