Nguyễn Tuấn Huy và sáng kiến "tủ lạnh" ở nơi không điện

  • Cập nhật: Thứ ba, 3/10/2017 | 1:44:03 PM

YBĐT - Để bảo quản các loại thực phẩm, tủ lạnh là giải pháp tối ưu. Nhưng nếu ở những nơi không có điện hoặc không có điều kiện kinh tế để mua được tủ lạnh thì "Nồi bảo quản rau, củ, quả” là một giải pháp đơn giản và hiệu quả. Đó là sáng chế của em học sinh lớp 11A6, Trường THPT Thác Bà (huyện Yên Bình) – Nguyễn Tuấn Huy.

Em Nguyễn Tuấn Huy trong quá trình chế tạo chiếc nồi bảo quản rau, củ, quả trong sinh hoạt.
Em Nguyễn Tuấn Huy trong quá trình chế tạo chiếc nồi bảo quản rau, củ, quả trong sinh hoạt.

Huy tâm sự: "Các loại thực phẩm như: rau, củ, quả thường xuyên phải có trong bữa ăn lại rất dễ hư hỏng nhất là trong thời tiết mùa hè nóng bức. Em đã từng chứng kiến các bạn học sinh ở trọ xung quanh trường hay những người dân nghèo sinh sống trên các đảo hồ, các thôn đặc biệt khó khăn, xa trung tâm nơi mà không có điện hoặc không có điều kiện mua tủ lạnh, giao thông đi lại khó khăn, họ mất khá nhiều thời gian và chi phí trong việc đi lại để mua thực phẩm phục vụ sinh hoạt. Cho nên để giải quyết vấn đề này mà không tốn nhiều chi phí, em đã nảy ra ý tưởng chế tạo 1 chiếc nồi bảo quản rau, củ, quả để khắc phục các hạn chế trên”.
 
Bắt tay thực hiện ý tưởng của mình, ngoài thời gian học trên lớp, Huy dành thời gian nghỉ để quan sát và tìm hiểu thực tế về khó khăn, nhu cầu, thời gian, chi phí của những người dân sinh sống trên đảo hồ, những hộ gia đình nghèo, xa trung tâm, các bạn học sinh đang ở trọ khi mà họ không có điều kiện để sử dụng và sở hữu tủ lạnh để bảo quản nông sản, thực phẩm. Để mua được các thực phẩm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, người dân sinh sống trên đảo hồ cần sử dụng thuyền máy để di chuyển mất nửa ngày, 1 tuần 4 lần, chi phí đi lại khoảng 640.000 đồng/tháng.
 
Em Hoàng Thị Kiều, học sinh lớp 11A6 chia sẻ: "Hiện, em đang ở trọ tại khu lưu xá thị trấn Thác Bà. Mỗi tuần em về nhà 2 buổi ở thôn Khuân Đát, xã Phúc An để mang lương thực, thực phẩm dự trữ cho những ngày tiếp theo. Hàng tháng, chỉ tính riêng chi phí đi lại đã mất khoảng 3 trăm nghìn, trong khi 1 tháng chi phí sinh hoạt của em chỉ có 400.000 đồng. Tiền đi lại gần bằng tiền sinh hoạt cả tháng của em rồi”. Chi phí và thời gian cho việc đi lại là khá lớn.
 
Trong khi ấy, chi phí cho 1 nồi bảo quản rau, củ quả chứa được 5 đến 7 kg chỉ 200.000 đồng cho 3 năm sử dụng. Nồi bảo quản này là một chiếc tủ lạnh đơn giản được làm bằng tôn đặt bên trong một nồi tôn to hơn có lớp vỏ xốp bao bọc xung quanh và lớp cát đặt ở giữa 2 nồi. Khi nước bốc hơi, nồi bên trong sẽ được làm mát theo nguyên lý chất lỏng bay hơi thì thu nhiệt lượng và làm nhiệt độ của vật tiếp xúc với nó hạ xuống. Hai lần 1 ngày tùy thuộc thời tiết, người sử dụng chủ động bổ sung nước cho lớp cát ở giữa. Sau đó, rau, củ, quả được đặt trong nồi nhỏ và đậy bằng tấm vải ẩm thay cho vùng nồi hỗ trợ quá trình làm mát và thoát hơi từ từ.
 
Trong điều kiện thời tiết càng nóng, nước chứa trong cát bốc hơi càng mạnh, nhiệt độ càng giảm. Khi nhiệt độ ngoài trời hơn 37oC thì nhiệt độ trong nồi chỉ khoảng 30oC. Khi bảo quản rau, củ, quả trong nồi bảo quản thì thời gian sử dụng được tăng lên từ khoảng 3-5 ngày lên 8-10 ngày, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không gây ô nhiễm môi trường.
 
Ông Tướng Văn Sinh – thôn Linh Môn, xã Yên Bình (Yên Bình) – một trong những hộ dân sử dụng nồi bảo quản cho biết: "Nồi bảo quản rau, củ, quả của cháu Huy giúp gia đình bảo quản rau, củ, quả trong thời tiết nóng bức mà không cần dùng đến tủ lạnh. Nồi có thể di chuyển từ vị trí này sang vị trí khác, không tốn điện nên rất kinh tế. Đây là sản phẩm đa năng, hữu ích khi không sử dụng để bảo quản có thể tháo tách rời 2 nồi để sử dụng vào mục đích khác như: đựng gạo, thóc, nước…”.

Một số người dân sinh sống trên các đảo hồ Thác Bà cũng nhận định, từ khi sử dụng nồi bảo quản, thời gian và chi phí cho việc thường xuyên đi lại mua nông sản được hạn chế đáng kể, chỉ cần 1 lần/tuần. Các em học sinh cũng không phải nhiều lần về nhà để bổ sung thực phẩm, dành thời gian ấy phục vụ cho học tập. Sản phẩm này đã đạt giải khuyến khích tại Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2016-2017 do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tổ chức.

Hoài Anh

Các tin khác
Nhân dân thôn Yên Thành, xã Hưng Thịnh (Trấn Yên) thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường định kỳ hàng tháng.

Thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố, hoặc bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận (CTMT), thông qua quy trình nhân sự “Dân tin - Đảng cử” ở huyện Trấn Yên thời gian qua đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo ở cơ sở.

Anh Phạm Hồng Tám (bên phải) cùng đồng nghiệp trong giờ làm việc.

Năm 2023, anh Phạm Hồng Tám - Tổ trưởng Tổ sửa chữa điện, Phòng Kỹ thuật Công ty Điện lực (PC) Yên Bái được Tỉnh đoàn Yên Bái lựa chọn là gương mặt "Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” và là 1 trong 20 người được nhận Giải thưởng "Cánh cung đỏ” Phạm Hồng Tám.

Người Mông bản Cáng Giông đã biết ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất hàng hóa. (Trong ảnh: Người dân thu hoạch quả sơn tra - cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế và hạn chế tình trạng phá rừng).

Núi rừng Mù Cang Chải như đang diễn ra lễ hội hoa với đủ các loài hoa rừng đua nhau khoe sắc. Trong đó, sắc trắng hoa ban Tây Bắc vẫn là gam màu chủ đạo, những đám mây sà xuống mái nhà gỗ của người Mông nhìn càng thơ mộng. Nhưng hôm nay chúng tôi chủ đích đi tìm gặp "bông hoa" nở cả 4 mùa, ấy là Giàng A Tùng - Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV) bản Cáng Dông, xã Nậm Khắt.

Lãnh đạo Hội Nông dân huyện Văn Yên thăm rừng quế của gia đình anh Bàn Văn Minh (bên phải) ở thôn Làng Câu, xã Tân Hợp.

Những thanh niên người Dao vùng đất quế Văn Yên mà chúng tôi gặp trong chuyến công tác đầu xuân vừa qua đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc về lòng nhiệt huyết, tinh thần sáng tạo, dám nghĩ dám làm vì gia đình, cộng đồng và toàn xã hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục