Làm giàu từ cây thanh long ruột đỏ

  • Cập nhật: Thứ ba, 10/10/2017 | 1:47:14 PM

YBĐT - Sau nhiều năm trồng lúa không mang lại hiệu quả, từ năm 2014, ông Lường Văn Lập, người dân tộc Thái ở bản Sang Đốm, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ đã quyết định chuyển đổi hơn 4.000m2 đất ruộng sang trồng cây thanh long ruột đỏ.

Sau 3 năm trồng và chăm sóc theo đúng quy trình, hơn 600 trụ thanh long của ông Lập lúc nào cũng xanh tốt, ít sâu bệnh thu hoạch đạt năng suất, chất lượng cao. Từ đầu vụ thu hoạch năm 2017 đến nay, gia đình ông Lập đã thu về trên 100 triệu đồng từ cây thanh long ruột đỏ.

Đưa chúng tôi đi thăm vườn thanh long đang vụ thu hoạch của gia đình, ông Lường Văn Lập chia sẻ: "Sau khi đọc sách, báo, xem truyền hình và cả tìm hiểu trên mạng xã hội về giống cây trồng thanh long ruột đỏ, tôi đã tìm đến Học viện Nông nghiệp Việt Nam ở Thủ đô Hà Nội tham quan vườn cây giống. Ở đây tôi được tư vấn, tiếp nhận thêm nhiều kiến thức, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây thanh long ruột đỏ từ các kỹ sư của Học viện và tôi đã quyết định mua giống về trồng. Ngày đó, Học viện không chỉ giúp gia đình công vận chuyển, mà còn cử một cán bộ kỹ thuật lên gia đình tôi hướng dẫn từ cách làm đất, gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch. Tôi cũng đặt rất nhiều kỳ vọng vào cây thanh long ruột đỏ này”.

Cuối năm 2014, ông Lập đầu tư mua 3.000 cây giống, đổ cột trụ bê tông làm giá đỡ cho cây và chuyển đổi hơn 4.000m2 đất ruộng kém hiệu quả sang trồng cây thanh long ruột đỏ. Đến nay, gia đình ông đã có vườn thanh long với số lượng trên 600 trụ, đều đã cho thu hoạch với năng suất, chất lượng ổn định. Cây thanh long ruột đỏ cho thu hoạch từ tháng 6 đến cuối tháng 11, trung bình cứ 15 ngày lại được thu hái một lần, mỗi trụ thanh long cho thu hoạch từ 8 - 10 đợt quả. Năm 2016, vụ thu hoạch thứ hai của gia đình ông Lập đã thu về trên 60 triệu đồng.
 
Trao đổi về cách trồng và chăm sóc cây thanh long ruột đỏ, ông Lập vui vẻ cho biết: "Khi trồng, phải đổ cột trụ bê tông cao từ 1m8 đến 2m, cạnh vuông 13x13cm, trụ được chôn sâu 30cm, khoảng cách giữa các trụ cột là 3m và mỗi trụ trồng từ 5 - 6 cây giống. Thanh long là loại cây chịu hạn tốt, thích nghi với đất pha cát, ít sâu bệnh mà không mất nhiều công chăm sóc. Với kinh nghiệm được học, tôi sử dụng phân hỗn hợp từ rơm rạ, trấu lúa, phân trâu rồi ủ với vôi làm nguồn phân bón chủ yếu cho cây. Để cây mau lớn và đạt sản lượng cao, sau khi trồng cần giữ độ ẩm vừa đủ không để rễ bị tổn thương do ánh nắng mặt trời và hệ thống tiêu thoát nước trong vườn trồng cần phải được xử lý tốt, tránh để rễ cây bị ngập úng nước. Ngoài ra, cần phải thường xuyên làm sạch cỏ xung quanh gốc thì cây mới phát triển tốt”.

Thực tế cho thấy, so với cây lúa, cây thanh long ruột đỏ của gia đình ông Lập cho hiệu quả kinh tế cao hơn gấp nhiều lần. Hơn nữa, thanh long ruột đỏ là loại cây trồng có tuổi đời cao, trung bình từ 20 - 25 năm sau đó mới phải trồng lại. Sau khi trồng một năm, thanh long đã cho quả với nhiều đợt trên năm và từ năm thứ 2 trở đi năng suất quả cao gấp hai lần năm thứ nhất. Điều quan trọng là sản phẩm quả thanh long ruột đỏ hiện nay đang được thị trường trong và ngoài nước rất ưa chuộng.
 
Ông Lập cho biết thêm: "Giống cây này sinh trưởng khá mạnh, quả to, vỏ bóng đẹp, ruột màu đỏ tím, ít nước, khi chín bảo quản được lâu và đặc biệt vị ngọt chua thanh được người tiêu dùng hài lòng. Trung bình 1 trụ thanh long cho thu hoạch từ 30 - 35kg quả, với giá bán như hiện nay từ 25.000 - 27.000 đồng/kg, dự kiến năm nay, gia đình thu về trên 100 triệu đồng từ vườn thanh long, gấp đôi vụ thu hoạch năm trước”.

Điều phấn khởi là đầu ra của sản phẩm khá thuận lợi, tới vụ thu hoạch, thương lái đến tận vườn đặt mua hàng, người dân cũng đến mua rất nhiều. Một số hộ quanh vùng đã đến đặt mua cây giống và nhờ ông Lập hướng dẫn cách trồng, chăm sóc loại cây trồng này.
 
Với quyết tâm thoát nghèo, không ngại khó, ngại khổ và hơn hết là dám nghĩ, dám làm trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mô hình trồng thanh long ruột đỏ của gia đình ông Lập ngày càng phát triển, mở ra một hướng phát triển kinh tế mới cho người dân quanh vùng. Với thành quả đã đạt được, năm 2015 ông Lường Văn Lập vinh dự được nhận Bằng khen của UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010 - 2015.

Vũ Đồng

Các tin khác
Mô hình nuôi cá tầm của Giàng A Vàng ở xã An Lương.

Từng chỉ biết cày cấy, nuôi vài con lợn, con gà, ngày nay, nhiều hộ đồng bào Mông trên địa bàn huyện Văn Chấn đã nghĩ khác, làm khác, mạnh dạn đầu tư để chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới. Điều này không những minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy và hành động mà còn thể hiện ý chí, khát khao vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên quê hương.

Thượng tá Trần Xuân Hướng (người đứng giữa) trao đổi nghiệp vụ về công tác dân vận với cán bộ cùng cơ quan.

”Cống hiến trong quân đội đã mấy chục năm trời, được đi nhiều, biết nhiều, gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn nên mình rất hiểu và luôn đau đáu trong lòng phải làm được cái gì đó giúp họ". Đó chính là khát khao cháy bỏng của Thượng tá Trần Xuân Hướng - Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh trong suốt quá trình công tác của mình.

Ông Đoàn Xuân Quý (bên trái) trao đổi với người dân trong thôn mô hình sơ chế vỏ quế tươi.

Những năm qua, với vai trò là Trưởng thôn Đồng Tâm, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, ông Đoàn Xuân Quý luôn bám sát sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội để hướng dẫn nhân dân cách làm hay, hiệu quả, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà

Sau nhiều lần hẹn rồi lại lỡ, tôi mới được anh sắp xếp cho cuộc gặp trong hơn một giờ đồng hồ. Anh chính là doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà- Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Think Big Group, Chủ tịch Công ty bất động sản Lộc Sơn Hà, người con của quê hương xã An Lạc, huyện Lục Yên. Hào hoa, tuấn tú và dấu ấn thành công của "tổng tài" nhưng ít ai biết anh đã đi con đường thành công không trải "hoa hồng "!

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục