Tỷ phú đất “vàng xanh”

  • Cập nhật: Thứ năm, 8/2/2018 | 3:44:59 PM

YBĐT - Một nông dân người Dao thu về hơn 7 tỷ đồng tiền bán quế trong năm nay. Anh cũng vừa được vinh danh tại Hội nghị Điển hình tiên tiến làm theo lời Bác của huyện Văn Yên. 

Gia đình anh Đặng Nho Quyên bóc tỉa quế.
Gia đình anh Đặng Nho Quyên bóc tỉa quế.


Tin vui trước mùa xuân là anh Đặng Nho Quyên, dân tộc Dao ở thôn Thác Cá, xã Mỏ Vàng vừa được vinh danh tại Hội nghị Điển hình tiên tiến làm theo lời Bác của huyện Văn Yên. Tên đất Mỏ Vàng đã trở thành "vàng xanh” đối với anh Quyên và đồng bào Dao địa phương. 

Mỏ Vàng là xã đặc biệt khó khăn, có trên 4.400 nhân khẩu, đồng bào Dao chiếm trên 66%, diện tích ruộng nước canh tác chỉ có vỏn vẹn 130 ha gieo cấy hai vụ. Tuy nhiên, lại nằm trong vùng quy hoạch nguyên liệu quế của huyện Văn Yên nên những năm qua, Mỏ Vàng đã vận động nhân dân đầu tư thâm canh mở rộng diện tích quế và đến nay có trên 4.600 ha ở 11/11 thôn, bản.
 
"Nhờ cây quế, cuộc sống người dân bớt khó khăn, nhiều hộ thoát nghèo trở thành triệu phú và tỷ phú trồng quế. Những người trồng quế giỏi của xã nhiều lắm nhưng tiêu biểu nhất vẫn là anh Quyên với gần 70 ha quế, thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm” - Chủ tịch UBND xã Hoàng Ngọc Nhưỡng cho biết.
 
Ngôi nhà gỗ giản dị của gia đình anh Quyên nằm nép mình bên những rặng quế. Thành công của ngày hôm nay, với anh, là cả một khoảng thời gian khá nhiều gian nan. Là con thứ tư trong gia đình có sáu anh chị em, học hết lớp 7 rồi ở nhà và lập gia đình, bố mẹ cho vài trăm mét vuông ruộng, anh làm đủ việc để kiếm sống nhưng cuộc sống vẫn luẩn quẩn đói nghèo. Nhớ khi còn đi học, cô giáo dạy về lợi ích trồng rừng, anh phát cỏ những diện tích đồi gò quanh nhà để canh tác, lúc đầu chỉ trồng ngô, sắn sau đó mới trồng các loại cây lâm nghiệp khác. Sau một quá trình tìm hiểu thấy quế là cây trồng thích hợp với vùng đất này, năm 1981, anh quyết tâm trồng quế.
 
Thời điểm Nhà nước có chủ trương giao đất giao rừng, anh Quyên đã mạnh dạn nhận những diện tích mình đã khai phá trước đây và nhận thêm một số diện tích nữa để trồng quế. Những hộ dân nào có nhu cầu nhượng bán, anh lại tiếp tục mua thêm nên từ vài héc-ta thì nay lên tới gần 70 ha quế từ 2 năm tuổi đến 30 năm tuổi. Vào vụ thu hoạch, anh còn mua quế tươi của các hộ dân trong thôn về sơ chế rồi bán lại cho thương lái. Vụ quế năm 2016, anh bán gần 20 tấn quế khô, giá bình quân 30.000 đồng/kg, một số loại quế dầu có giá 100.000 đồng/kg, tổng thu 6 tỷ đồng.
 
Năm 2017 này, anh cũng đã thu về hơn 7 tỷ đồng tiền bán quế. Có tiền tỷ trong tay, song cuộc sống đời thường của gia đình anh Quyên vẫn rất giản dị. Không xây nhà khang trang, không mua sắm thêm tiện nghi sinh hoạt, anh Quyên chỉ cười mà nói: "Hiện tại, đồng tiền của tôi dành để đầu tư nuôi ba con ăn học, đồng tiền để quay vòng đầu tư sản xuất rồi giúp đỡ bà con trong thôn khi có công to việc lớn”. Giản dị, khiêm nhường, lúc có việc làng, việc nước cần đến là anh đều sẵn lòng trợ giúp.
 

Cây quế đã mang lại cuộc sống ấm no cho nhiều hộ dân huyện Văn Yên. (Ảnh: Thanh Miền)
 
Dân thôn Thác Cá thiếu tiền là anh cho mượn tiền, thiếu cây giống hay thiếu con giống là anh cấp cây, con giống, thiếu việc làm là anh tạo việc làm. Nhiều hộ trong thôn nhờ sự giúp đỡ của anh đã vươn lên thoát nghèo như các gia đình: ông Lý Phúc Bảo, bà Đặng Thị Liễu, anh La Tài Quan, anh Đặng Kim Vượng... Nhiều hộ dân ở thôn khác cũng đã vươn lên thoát nghèo nhờ sự giúp đỡ về cây giống, con giống, tiền vốn của anh.

Trở thành người trồng quế giỏi, anh Đặng Nho Quyên đi qua những gian nan cùng khát vọng không cam chịu đói nghèo. Anh thật sự không chỉ giàu vật chất mà còn giàu lòng yêu thương, sự chia sẻ, tính cộng đồng với người dân thôn Thác Cá. Giàu cho bản thân mình và không quên giúp bao người có cơ hội vươn lên, Mỏ Vàng quê anh theo năm tháng xanh tươi sức sống.

Thanh Tân

Các tin khác
CCB Trần Văn Nghĩa (thứ 2, từ phải sang) chia sẻ với lãnh đạo Hội CCB huyện Văn Yên về kỹ thuật chăn nuôi dê.

Cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Nghĩa ở thôn Đá Bia, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên không chỉ làm kinh tế giỏi từ mô hình tổng hợp trồng rừng kết hợp chăn nuôi, anh còn là người luôn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động Hội, các hoạt động của địa phương, tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của xã.

Mô hình nuôi cá tầm của Giàng A Vàng ở xã An Lương.

Từng chỉ biết cày cấy, nuôi vài con lợn, con gà, ngày nay, nhiều hộ đồng bào Mông trên địa bàn huyện Văn Chấn đã nghĩ khác, làm khác, mạnh dạn đầu tư để chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới. Điều này không những minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy và hành động mà còn thể hiện ý chí, khát khao vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên quê hương.

Thượng tá Trần Xuân Hướng (người đứng giữa) trao đổi nghiệp vụ về công tác dân vận với cán bộ cùng cơ quan.

”Cống hiến trong quân đội đã mấy chục năm trời, được đi nhiều, biết nhiều, gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn nên mình rất hiểu và luôn đau đáu trong lòng phải làm được cái gì đó giúp họ". Đó chính là khát khao cháy bỏng của Thượng tá Trần Xuân Hướng - Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh trong suốt quá trình công tác của mình.

Ông Đoàn Xuân Quý (bên trái) trao đổi với người dân trong thôn mô hình sơ chế vỏ quế tươi.

Những năm qua, với vai trò là Trưởng thôn Đồng Tâm, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, ông Đoàn Xuân Quý luôn bám sát sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội để hướng dẫn nhân dân cách làm hay, hiệu quả, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục