Làm giàu từ rừng

  • Cập nhật: Thứ năm, 22/2/2018 | 8:07:58 AM

YBĐT - Qua nhiều năm kiên trì, bền bỉ trồng rừng, đến nay, bà Trần Thị Minh ở thôn Tiền Phong, xã Lang Thíp (Văn Yên) đã vươn lên trở thành một trong những hộ giàu của xã chỉ từ hai bàn tay trắng.


Vốn không có đất canh tác, bà Minh được những người anh em trong gia đình giúp đỡ cho hơn sào ruộng từ những năm 80 của thế kỷ trước. Với số ruộng ít ỏi, cuộc sống gia đình bà vô cùng khó khăn nhưng không vì thế mà bà nhụt chí. Tích cực lao động, dành dụm tiết kiệm, sau nhiều năm, bà mua thêm trâu, chăn thêm lợn, gà và phải đến 10 năm sau bà mới mở rộng được diện tích đất sản xuất của gia đình lên 1 ha.
 
Cũng như bao gia đình khác trên địa bàn xã, bà trồng sắn và những vụ sắn đầu tiên cho thu hoạch rơi vào tình trạng được mùa, rớt giá. Khó khăn chồng chất, bà Minh quyết định bỏ sắn và chọn trồng rừng làm hướng đi chính trong phát triển kinh tế gia đình. Tích cực học hỏi, tham quan các mô hình kinh tế ở địa phương, bà Minh tiên phong đưa cây trẩu về thôn Tiền Phong.
 
Bà chia sẻ: "Năm 2010, tôi bắt đầu trồng trẩu. Người ta cứ bảo tôi sao không trồng quế, trồng keo, bồ đề vì lúc này cây trẩu chủ yếu được thu mua để làm củi. Nhưng tôi vẫn trồng vì thấy cây có khá nhiều lợi ích. Hạt thì bán cho người ta làm tinh dầu, thân cũng bán được. Cũng may, vài năm sau các xưởng bóc thu mua cây trẩu, giá trị cũng gần bằng bồ đề. Hơn nữa, đất ở đây cằn cỗi lắm, trồng cây gì cũng còi nhưng chỉ riêng cây trẩu là vẫn cứ xanh tốt”.

Chọn được cây trồng phù hợp nhưng vẫn khó khăn vẫn chưa dừng lại vì trồng rừng cần rất nhiều thời gian mới cho thu hoạch, không như nhiều mô hình khác cho thu hồi vốn nhanh.
 
Bà hiểu ra rằng, để kinh tế gia đình một cách bền vững thì phải thực hiện phương châm "lấy ngắn nuôi dài”, phải tìm ra một nguồn thu khác trong khi chờ diện tích rừng cho thu hoạch. Nghĩ là làm, bà vay vốn mở rộng diện tích chăn nuôi. Có những lúc, đàn trâu của gia đình lên đến 10 con trâu sinh sản.
 
Đây cũng là nguồn thu nhập để trang trải cho cuộc sống gia đình và có thêm vốn để đầu tư trồng rừng. Hễ ở đâu có bán đất lâm nghiệp thì bà đến tận nơi hỏi mua và mua đến đâu bà đều phát dọn để trồng rừng đến đó. Hàng ngày, bà cùng người con trai vẫn đi bộ vài cây số để phát dọn rừng mới và chăm sóc rừng cũ.
 
Công việc cứ đều đặn từ sáng đến chiều bất kể ngày mưa hay nắng. Bà cho rằng, vấn đề quyết định đến sự thành bại trong sản xuất lâm nghiệp đó là khâu chọn giống và chăm sóc cây sau khi trồng. Bởi thế, bà Minh chỉ sử dụng giống cây có nguồn gốc rõ ràng và việc trồng rừng được thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật. Hơn nữa, có những mảnh đất bà mua được có chất đất tốt, bà năng động trồng quế, trồng bồ đề.
 
Với cây quế, thời gian thu hoạch lâu hơn, bà trồng xen trẩu với quế hay bồ đề với quế để tận dụng diện tích đất. Nhờ chịu khó học hỏi, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, diện tích đồi rừng nhà bà Minh ngày càng phát triển, cây cối xanh tốt, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Từ đồi rừng, bà có điều kiện xây dựng được nhà cửa khang trang, cuộc sống gia đình ngày càng khấm khá.

Ngoài 60 tuổi, bà Minh vẫn ngày ngày cần cù, hăng say làm kinh tế. Từ chỗ không có một tấc đất, đến nay, gia đình bà đã mở rộng diện tích trồng rừng lên đến 20 ha, chủ yếu là giống trẩu, quế và bồ đề, ước tính giá trị lên đến hơn 1 tỷ đồng. 

Thành công của bà hôm nay là động lực, kinh nghiệm quý báu cho nhiều nông dân khác trong xã học tập và làm theo, minh chứng cho câu "Có công mài sắt có ngày nên kim”.

Hoài Anh

Các tin khác
CCB Trần Văn Nghĩa (thứ 2, từ phải sang) chia sẻ với lãnh đạo Hội CCB huyện Văn Yên về kỹ thuật chăn nuôi dê.

Cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Nghĩa ở thôn Đá Bia, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên không chỉ làm kinh tế giỏi từ mô hình tổng hợp trồng rừng kết hợp chăn nuôi, anh còn là người luôn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động Hội, các hoạt động của địa phương, tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của xã.

Mô hình nuôi cá tầm của Giàng A Vàng ở xã An Lương.

Từng chỉ biết cày cấy, nuôi vài con lợn, con gà, ngày nay, nhiều hộ đồng bào Mông trên địa bàn huyện Văn Chấn đã nghĩ khác, làm khác, mạnh dạn đầu tư để chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới. Điều này không những minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy và hành động mà còn thể hiện ý chí, khát khao vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên quê hương.

Thượng tá Trần Xuân Hướng (người đứng giữa) trao đổi nghiệp vụ về công tác dân vận với cán bộ cùng cơ quan.

”Cống hiến trong quân đội đã mấy chục năm trời, được đi nhiều, biết nhiều, gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn nên mình rất hiểu và luôn đau đáu trong lòng phải làm được cái gì đó giúp họ". Đó chính là khát khao cháy bỏng của Thượng tá Trần Xuân Hướng - Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh trong suốt quá trình công tác của mình.

Ông Đoàn Xuân Quý (bên trái) trao đổi với người dân trong thôn mô hình sơ chế vỏ quế tươi.

Những năm qua, với vai trò là Trưởng thôn Đồng Tâm, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, ông Đoàn Xuân Quý luôn bám sát sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội để hướng dẫn nhân dân cách làm hay, hiệu quả, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục