Niềm đam mê của nghệ nhân Thào Cáng Súa

  • Cập nhật: Thứ tư, 13/6/2018 | 8:03:12 AM

YBĐT - Ông Thào Cáng Súa ở bản Sáng Nhù, xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải không chỉ được biết đến là người có tài thổi khèn hay, múa khèn giỏi mà còn là một người thợ chế tác khèn Mông tài hoa. Nghề làm khèn đã mang đến cho ông một cuộc sống đủ đầy, bồi đắp trong ông niềm đam mê, tâm huyết một đời gìn giữ giá trị văn hóa đặc sắc của khèn Mông.

Khèn là niềm đam mê của nghệ nhân Thào Cáng Súa.
Khèn là niềm đam mê của nghệ nhân Thào Cáng Súa.


Ông Súa kể: "Sinh ra ở bản Sáng Nhù, xã Mồ Dề, nhà đông anh em, cuộc sống khó khăn do thiếu đất sản xuất, khó khăn nên năm 1977, mình theo gia đình di cư sang bản Phi Nhài, xã Phi Nhài, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên lập nghiệp.
 
Sau 30 năm nơi đất khách quê người, cuộc sống vẫn vất vả, cái ăn không đủ, đất canh tác thiếu. Năm 2011, gia đình quyết định trở quê Sáng Nhù sinh sống. Những năm ở Điện Biên, cũng nhờ mình biết thổi khèn và làm khèn tốt nên có nhiều khách mua; vui hơn khi được mời tham gia hoạt động văn nghệ tại nhiều địa phương của tỉnh nên mình được mọi người biết đến”.
 
Hàng ngày đi nương cùng vợ con, ông Súa vẫn tranh thủ thời gian chế tác những cây khèn xinh xắn bán cho khách. Ông làm khèn không phải theo lối truyền thống mà có những sáng tạo, bí quyết của riêng mình khiến cho tiếng khèn vang xa, âm thanh độc đáo. Chẳng thế mà những chiếc khèn ông Súa làm ra không cần đem ra chợ bán mà khách tự tìm đến nhà để đặt mua.
 
Hỏi về khách mua khèn, ông Súa kể: "Khách mua khèn của nhà mình chủ yếu là ở Sơn La, Lai Châu, Điện Biên; cũng có nhiều khách trong tỉnh và các xã lân cận trên địa bàn huyện như Hồ Bốn, Cao Phạ, Nậm Có, Chế Cu Nha...”.
 
Anh Sùng A Sơ ở xã Mồ Dề chia sẻ: "Ông Súa là người thổi khèn rất hay, lại biết làm ra những cây khèn rất tốt nên được nhiều người biết. Tôi hay đến nhà ông Súa để học thổi khèn vì tôi nghĩ người Mông mình không phải ai cũng có tài biết làm khèn giỏi như ông Súa nhưng cần biết sử dụng nhạc cụ của dân tộc mình, nhất là con trai người Mông, phải biết múa khèn, thổi được khèn”.

Được bố truyền dạy cách chế tác khèn, thổi khèn, nhất là múa khèn với những động tác nhào lộn điêu luyện từ năm lên 12 tuổi nên nói về khèn, ông Súa rất giỏi. Niềm đam mê với khèn đã đưa ông trở thành nghệ nhân và nghề chế tác khèn nuôi sống cả gia đình ông. Ban đầu, ông Súa chỉ làm loại khèn bình thường, giá bán rẻ phục vụ khách du lịch mua làm kỷ niệm. Về sau, nhiều người đến tìm mua và đặt hàng nên ông chuyển sang chế tác những chiếc khèn có giá trị hơn. Mỗi năm, ông Súa bán được 40 - 50 chiếc khèn, giá trung bình từ 800 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng/chiếc, thu nhập từ 20 - 25 triệu đồng mỗi năm.
 
Theo ông Súa, để làm ra một cây khèn có âm thanh tốt, cần nhất là phải chọn những ống tre tốt, bầu khèn phải được làm từ những loại gỗ bền như ngọc am, pơ mu, vì loại cây này tốt cho sức khỏe, có tinh dầu và hương thơm. Vừa làm nghệ nhân Thào Cáng Súa vừa giải thích: "Khó nhất trong các công đoạn chế tác khèn là làm các "lưỡi gà”.
 
Muốn để khèn phát ra các âm thanh chuẩn thì khi cắt lá đồng làm các "lưỡi gà” phải rất tỉ mỉ, chính xác, không được hở để khi thổi "lưỡi gà” có độ rung phát ra âm thanh du dương, trầm bổng. Một cây khèn có 7 chiếc "lưỡi gà”, tương ứng với 7 nốt nhạc: đồ, rê, mi, pha, son, la, si. Từng "lưỡi gà” được tra vào trong các ống; riêng ống to, ngắn nhất được lắp 2 chiếc "lưỡi gà”... Mỗi công đoạn đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ, đạt tới độ chính xác cao mới tạo ra được một chiếc khèn tốt”.

Biết tài thổi khèn của nghệ nhân Thào Cáng Súa nên mỗi dịp hội diễn nghệ thuật quần chúng của tỉnh, huyện, các hoạt động văn hóa của địa phương hay hội thi khèn trong vùng tổ chức, ông đều được mời tham gia. Sự thuần phác của dân tộc Mông, văn hóa Mông biểu đạt qua tiếng khèn được mọi người yêu mến, trân trọng khiến nghệ nhân Thào Cáng Súa càng thêm tự hào về văn hóa dân tộc mình, ý thức hơn trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ nhạc cụ truyền thống độc đáo của dân tộc.
 
Được biết, tại Lễ hội Khèn hoa - Không gian Tây Bắc năm 2017 do Công ty TNHH Dịch vụ du lịch cáp treo Fansipan Sa Pa tổ chức, tiết mục múa khèn của ông Thào Cáng Súa đã được trao tặng giải Ba.
 
Ông Súa tâm sự: "Giờ tôi cũng có tuổi rồi, không thể múa khèn thăng hoa như khi tuổi còn trẻ nữa nên tôi mong muốn thế hệ trẻ người Mông biết múa khèn, thổi khèn, làm khèn để tiếng khèn Mông không bị mai một”.
 
Cũng từ suy nghĩ ấy, nghệ nhân Thào Cáng Súa đã truyền dạy những khiến thức cơ bản và kỹ năng, kinh nghiệm thổi khèn, múa khèn của mình cho nhiều thanh niên trong bản, trong xã.
 
Không những thế, người Mông ở các xã Chế Cu Nha, La Pán Tẩn, Hồ Bốn, thậm chí là ở các huyện lân cận như: Sa Pa của tỉnh Lào Cai; Mường Tè, Tủa Chùa của tỉnh Lai Châu… tìm đến học, ông đều vui vẻ truyền dạy. Nghệ nhân Thào Cáng Súa xem đó là niềm tự hào của bản thân và gia đình. 

Đề án Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Mông huyện Mù Cang Chải giai đoạn 2013 – 2015 định hướng đến năm 2020 đang được huyện Mù Cang Chải triển khai thực hiện.
 
Mục đích là xây dựng và phát triển văn hóa của dân tộc Mông trên địa bàn huyện; giáo dục, nâng cao ý thức giữ gìn truyền thống lịch sử, giá trị văn hóa dân tộc Mông... Mục tiêu phấn đấu sẽ thành lập được đội làm nhạc cụ dân tộc tại các xã Mồ Dề, Chế Cu Nha; mỗi xã xây dựng được 1 đội văn nghệ gồm diễn viên quần chúng và các nghệ nhân thổi khèn, múa khèn...
 
Đồng chí Lương Thị Xuyến – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: "Tới đây, huyện sẽ mời những người say mê khèn như nghệ nhân Thào Cáng Súa đứng lớp để truyền đạt kỹ năng, kinh nghiệm chế tác, múa và thổi khèn cho các thế hệ trong huyện với hy vọng dân tộc Mông đã yêu và sẽ yêu hơn nhạc cụ truyền thống đặc sắc này”.

Phạm Minh

Các tin khác
Mô hình nuôi cá tầm của Giàng A Vàng ở xã An Lương.

Từng chỉ biết cày cấy, nuôi vài con lợn, con gà, ngày nay, nhiều hộ đồng bào Mông trên địa bàn huyện Văn Chấn đã nghĩ khác, làm khác, mạnh dạn đầu tư để chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới. Điều này không những minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy và hành động mà còn thể hiện ý chí, khát khao vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên quê hương.

Thượng tá Trần Xuân Hướng (người đứng giữa) trao đổi nghiệp vụ về công tác dân vận với cán bộ cùng cơ quan.

”Cống hiến trong quân đội đã mấy chục năm trời, được đi nhiều, biết nhiều, gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn nên mình rất hiểu và luôn đau đáu trong lòng phải làm được cái gì đó giúp họ". Đó chính là khát khao cháy bỏng của Thượng tá Trần Xuân Hướng - Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh trong suốt quá trình công tác của mình.

Ông Đoàn Xuân Quý (bên trái) trao đổi với người dân trong thôn mô hình sơ chế vỏ quế tươi.

Những năm qua, với vai trò là Trưởng thôn Đồng Tâm, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, ông Đoàn Xuân Quý luôn bám sát sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội để hướng dẫn nhân dân cách làm hay, hiệu quả, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà

Sau nhiều lần hẹn rồi lại lỡ, tôi mới được anh sắp xếp cho cuộc gặp trong hơn một giờ đồng hồ. Anh chính là doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà- Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Think Big Group, Chủ tịch Công ty bất động sản Lộc Sơn Hà, người con của quê hương xã An Lạc, huyện Lục Yên. Hào hoa, tuấn tú và dấu ấn thành công của "tổng tài" nhưng ít ai biết anh đã đi con đường thành công không trải "hoa hồng "!

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục