Anh Tám năng động làm giàu

  • Cập nhật: Thứ hai, 20/8/2018 | 7:47:34 AM

YBĐT - Trồng cây gì, nuôi con gì để kinh tế gia đình phát triển? Anh Lương Văn Tám - một nông dân năng động ở thôn 2, xã Bạch Hà, huyện Yên Bình đã tìm ra câu trả lời khi quyết định đầu tư phát triển mô hình trồng bưởi chất lượng cao, kết hợp làm dịch vụ máy gặt đập liên hợp phục vụ nhu cầu sản xuất của nông dân trên địa bàn.

Lãnh đạo xã Bạch Hà thăm vườn bưởi của gia đình anh Lương Văn Tám.
Lãnh đạo xã Bạch Hà thăm vườn bưởi của gia đình anh Lương Văn Tám.

Dẫn tôi đi thăm vườn bưởi xum xuê trái chuẩn bị cho thu hoạch, anh Tám tâm sự: "Gia đình tôi có hơn 2 ha đất, trước đây đã trồng nhiều loại cây ăn quả, song không hiệu quả. Nghe mọi người giới thiệu ở huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình có giống bưởi ngon nổi tiếng, tôi đã đến tìm hiểu và quyết định mang một số cây giống về trồng thử nghiệm”.
 
Qua quá trình trồng và chăm sóc, nhận thấy cây bưởi sinh trưởng, phát triển tốt, thích nghi với điều kiện khí hậu, đất đai, nguồn nước. Do đó, anh Tám đã nhân rộng từ vài chục gốc lên 400 gốc, bao gồm cả giống bưởi đỏ Tân Lạc và bưởi Diễn, bưởi da xanh. Đến nay, hơn 100 gốc bưởi nhà anh Tám đã tới thời kỳ thu hoạch, cho chất lượng tốt, quả to, múi dày, vị thơm ngon, ngọt dịu.
 
Anh Tám cho biết thêm: "Trồng và chăm sóc bưởi không khó. Tuy nhiên, đòi hỏi người trồng phải hiểu rõ đặc điểm của từng giống bưởi để áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật. Cần bón phân đúng thời điểm, đủ lượng, cân đối, bón theo nhu cầu dinh dưỡng của cây, không để cây sinh trưởng quá khỏe hoặc quá yếu; thường xuyên kiểm tra vườn bưởi, phát hiện sâu bệnh kịp thời; xén tỉa các cành, lá bị sâu bệnh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thuốc hóa học ít độc để tiêu diệt sâu hại. Sau khi thu hoạch quả, dùng kéo cắt bỏ triệt để những cành không có lá, cành trong tán cây, cành vượt và những cành có cuống quả mới thu hoạch để vụ sau cây cho chất lượng quả tốt hơn”.
 
Cẩn thận, tỉ mỷ trong chăm sóc; đồng thời, áp dụng đúng các biện pháp khoa học, kỹ thuật đã giúp gia đình anh Tám luôn có những mùa bưởi bội thu.
 
Với giá bán tại vườn, trung bình từ 10 - 15.000 đồng/1quả, mỗi năm, gia đình anh Tám bán ra thị trường khoảng hơn 1.000 quả bưởi cho thu về trên 100 triệu đồng. Dự tính, vài năm tới, vườn bưởi của gia đình anh Tám sẽ cho thu hoạch vài trăm triệu đồng mỗi năm.

Là người năng động, chịu khó nên ngoài thời gian chăm sóc vườn bưởi, anh Tám còn làm thêm dịch vụ gặt lúa thuê bằng máy gặt đập liên hợp. Công việc tuy vất vả, phải làm việc liên tục, không kể sáng sớm hay đêm khuya, lúc nắng nóng hay giá rét, song anh luôn thấy vui bởi không chỉ giúp cho bà con trong xã đỡ vất vả mà gia đình anh lại có thêm thu nhập. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, khấu hao máy móc, anh Tám thu về gần 100 triệu đồng từ công việc gặt lúa thuê.

Anh Phạm Ngọc Hải - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bạch Hà nhận định: "Dám nghĩ, dám làm, anh Tám người đầu tiên trong xã đã đầu tư chiếc máy gặt gần 300 triệu đồng để phục vụ nhu cầu sản xuất của bà con trong xã. Nhờ có chiếc máy gặt của anh mà các hộ nông dân đã tiết kiệm được thời gian, chi phí, công sức, đẩy nhanh tiến độ sản xuất, đảm bảo khung thời vụ, góp phần nâng cao hiệu quả trong  lao động, sản xuất”.

Hồng Oanh

Các tin khác
Bí thư Chi bộ thôn Đồng Gianh Đặng Thị Hoa trao quyết định kết nạp đảng viên mới cho đồng chí Nguyễn Mạnh Tường

Qua cổng làng, con đường dẫn vào thôn Đồng Gianh, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên xanh màu của cây, bừng sắc của hoa, khang trang những ngôi nhà xây hiện đại. Cách đó chẳng bao xa, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đặng Thị Hoa tươi nụ cười đón khách trước sân nhà. Cứ nhìn sân, ngó vườn, ngắm nhà là có thể phần nào biết sự kỹ lưỡng, chỉn chu của chủ gia đình cho không gian sống xanh, thoáng, đẹp…

CCB Trần Văn Nghĩa (thứ 2, từ phải sang) chia sẻ với lãnh đạo Hội CCB huyện Văn Yên về kỹ thuật chăn nuôi dê.

Cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Nghĩa ở thôn Đá Bia, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên không chỉ làm kinh tế giỏi từ mô hình tổng hợp trồng rừng kết hợp chăn nuôi, anh còn là người luôn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động Hội, các hoạt động của địa phương, tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của xã.

Mô hình nuôi cá tầm của Giàng A Vàng ở xã An Lương.

Từng chỉ biết cày cấy, nuôi vài con lợn, con gà, ngày nay, nhiều hộ đồng bào Mông trên địa bàn huyện Văn Chấn đã nghĩ khác, làm khác, mạnh dạn đầu tư để chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới. Điều này không những minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy và hành động mà còn thể hiện ý chí, khát khao vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên quê hương.

Thượng tá Trần Xuân Hướng (người đứng giữa) trao đổi nghiệp vụ về công tác dân vận với cán bộ cùng cơ quan.

”Cống hiến trong quân đội đã mấy chục năm trời, được đi nhiều, biết nhiều, gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn nên mình rất hiểu và luôn đau đáu trong lòng phải làm được cái gì đó giúp họ". Đó chính là khát khao cháy bỏng của Thượng tá Trần Xuân Hướng - Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh trong suốt quá trình công tác của mình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục