Bí thư Chi bộ giàu lòng nhân ái

  • Cập nhật: Thứ hai, 3/9/2018 | 9:08:05 AM

Ông Ngô Văn Minh, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Bản Lùng, xã Phong Dụ Thượng (Văn Yên) là người được bà con nơi đây vô cùng kính phục, nể trọng vì những gì ông đã cống hiến cho cộng đồng và quê hương.

Ông Ngô Văn Minh mua mỳ tôm cứu trợ khẩn cấp bà con bị lũ cuốn trôi hết nhà cửa, tài sản trong cơn bão số 3 vừa qua.
Ông Ngô Văn Minh mua mỳ tôm cứu trợ khẩn cấp bà con bị lũ cuốn trôi hết nhà cửa, tài sản trong cơn bão số 3 vừa qua.

Phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc "Lá lành đùm lá rách”, đã có biết bao tấm gương tiêu biểu sẵn sàng giúp đỡ người nghèo, người yếu thế với tấm lòng đồng cảm, sẻ chia trọn vẹn. 

Trong chuyến công tác đến với người dân vùng rốn lũ xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên trung tuần tháng 7 vừa qua, tôi đã được gặp một trong những người như thế - ông Ngô Văn Minh, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Bản Lùng - người được bà con nơi đây vô cùng kính phục, nể trọng vì những gì ông đã cống hiến cho cộng đồng và quê hương.

Con đường từ trung tâm xã Phong Dụ Thượng lên thôn Bản Lùng dài khoảng 8 km. Sau trận lũ quét lịch sử do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 thực sự là nỗi ám ảnh đối với cá nhân tôi cũng như mọi người trong đoàn công tác hôm ấy. 

Gọi là đường cũng được, vì nó vốn là con đường mòn do người dân tự mở để vận chuyển nông, lâm sản từ thôn ra trung tâm xã. Nhưng gọi là bãi đá trải dài cũng chẳng sai, vì sau những đợt mưa lũ, nước xối liên tục đã bào mòn hết lớp đất, chỉ còn trơ lại đá to, đá nhỏ lổn nhổn. 

Hôm ấy, đích thân đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dẫn đầu, chỉ đạo đoàn công tác phải đến được tận nơi để thăm hỏi, động viên người dân vùng tâm lũ dù có khó khăn đến đâu. 

Chỉ 8 km thôi nhưng chúng tôi phải đi mất gần 3 tiếng đồng hồ, lúc ngồi xe, lúc cuốc bộ, lúc đẩy, lúc lại phải khiêng xe… Những chiếc xe máy Win100 chồm lên dập xuống như những con ngựa bất kham, ống xả bốc khói nghi ngút, khét lẹt… 

Đến nơi là lúc ai cũng mỏi nhừ vì vừa mệt vừa khát nước. Quang cảnh ở thôn Bản Lùng hôm ấy thực sự khiến chúng tôi nghẹn ngào. Cả cánh đồng màu mỡ trải dài trước đây vốn là nơi trồng cấy, canh tác, định cư của người dân đã bị biến thành "cánh đồng đá”.

Những nóc nhà xiêu vẹo, những cây gỗ lớn bị quật gãy ngang thân, những người dân mất nhà í ới gọi nhau, những đứa trẻ ngơ ngác tay bế em, tay xách túi nilon quần áo còn sót lại mà gương mặt vẫn chưa hết bàng hoàng… 

Khung cảnh hiện ra đã phản ánh cực kỳ rõ nét về sự tàn phá khủng khiếp của thiên tai. Dù rất mệt và đau xót trước những thiệt hại nhưng đồng chí Bí thư Tỉnh ủy vẫn nén lòng ân cần hỏi thăm từng người dân, ghé từng nơi ở tạm để động viên, chia sẻ với đồng bào vùng lũ bằng tình cảm chân thành và những món quà hỗ trợ vô cùng thiết thực, ý nghĩa. 

Chia sẻ về tấm lòng tương thân tương ái và lời cảm ơn tới sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, người dân thôn Bản Lùng đều nhắc đến vai trò gương mẫu, kịp thời giúp dân trong lũ của đồng chí Bí thư Chi bộ Bản Lùng - Ngô Văn Minh. Họ nói, nếu không có ông Minh thì Bản Lùng sẽ có nhiều thiệt hại về người chứ không riêng tài sản, hoa màu.

Với phương châm "4 tại chỗ”, ngay sau khi thấy diễn biến phức tạp của cơn bão số 3 sẽ gây ảnh hưởng tới các vùng núi phía Bắc và công điện của cấp trên cùng sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy, UBND xã, ông Ngô Văn Minh với vai trò là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Bản Lùng đã trực tiếp triển khai họp toàn bộ nhân dân trong thôn để thông báo, tuyên truyền và chủ động các bước ứng phó khi có mưa lũ xảy ra. 

Đúng như dự báo, đêm 19/7/2018, hoàn lưu của cơn bão với mưa rất to trên diện rộng đã gây ra lũ ống, lũ quét trên địa bàn thôn. Thôn Bản Lùng và một số thôn khác trong xã bị lũ cuốn thiệt hại nặng nề, các công trình giao thông bị hư hỏng, thôn hoàn toàn bị cô lập về giao thông và thông tin liên lạc với trung tâm xã. 

Ngay khi xảy ra lũ quét, ông Minh đã không ngại nguy hiểm lao đến từng nhà, vận động bà con chạy lũ. Đồng thời, huy động toàn thể nhân dân trong thôn giúp nhau di dời người và tài sản đến nơi an toàn. 

Do đó, đợt lũ xảy ra, cả thôn bị thiệt hại về tài sản chứ không thiệt hại về người. Sau lũ, bản thân ông Minh đã đứng ra vận động bà con trong thôn góp quần, áo tặng cho các hộ dân bị lũ cuốn trôi nhà; rồi huy động ủng hộ gạo với tinh thần "ai có nhiều góp nhiều, có ít góp ít”. Với tinh thần "Lá rách ít đùm lá rách nhiều” ngay trong ngày lũ cả thôn đã góp được 60kg gạo kịp thời chuyển tới các hộ dân không có gạo ăn. 

Sau đó, ông Minh tiếp tục đến từng nhà vận động nhân dân trong thôn ủng hộ được 25 tải thóc để chuyển tới những gia đình bị trôi hết thóc lúa, vận động toàn bộ nhân dân trong thôn góp ngày công giúp các hộ dân bị sập nhà dọn dẹp, tìm kiếm tài sản bị vùi lấp với tinh thần "giúp việc, không ăn cơm ở gia đình bị thiên tai” để giảm bớt khó khăn cho người dân. 

Ông còn mua 12 thùng mỳ tôm ủng hộ các gia đình bị trôi mất nhà cửa có lương thực tạm thời trong lúc khốn khó. Đồng thời, ông cũng trực tiếp huy động các lực lượng trong thôn dọn dẹp vệ sinh môi trường sau lũ, khắc phục, sửa chữa những đoạn đường bị hư hỏng nhằm bảo đảm giao thông đi lại tạm thời; chủ động ủng hộ các loại thuốc cho các hộ bị ngập lụt để phòng, chống bệnh tật trong những ngày bão lũ. 

Đặc biệt, trước chủ trương thành lập khu tái định cư cho các hộ bị lũ cuốn trôi nhà và các hộ có nguy cơ trong vùng lũ, ông Minh đã tự nguyện hiến tặng 2.100 m2 đất cho Nhà nước để làm khu tái định cư…

Trước thắc mắc của tôi, vì đâu ông luôn sẵn lòng cống hiến, đóng góp cho cộng đồng trong khi gia đình cũng không mấy dư giả? Ông Minh chỉ cười: "Bà con làng xóm với nhau cả, bình thường có chút vướng mắc, khó khăn còn giúp được nhau huống hồ trong cảnh thiên tai như thế. Nhà tôi cũng chẳng giàu có, khấm khá gì, nhưng đây là lúc bà con cần mình nhất, cần sự sẻ chia nhất, "một miếng khi đói bằng một gói khi no” anh ạ!”. 

Cái tinh thần "lá lành đùm lá rách”, "lá rách ít đùm lá rách nhiều” của ông Minh thực sự khiến tôi cảm động. Quả thật! trong lúc nguy nan, khốn khó ấy, một bát cơm, một manh áo, một lời động viên thăm hỏi thật đáng quý biết bao. 

Bà con trong bản cũng vì thế mà gần gũi nhau hơn, nêu cao tinh thần đoàn kết, biết san sẻ gánh nặng, khó khăn với nhau hơn. Khi tôi gặp, hỏi chuyện, nhiều người dân ở Bản Lùng đều có chung ý kiến, ông Minh là người rất tốt, được bà con dân bản quý mến và nể trọng. 

Đồng chí Nguyễn Thượng Phi - Bí thư Đảng ủy xã Phong Dụ Thượng nhận xét: "Đồng chí Ngô Văn Minh thực sự là điển hình tiên tiến làm theo lời Bác của xã chúng tôi. Khi bão lũ xảy ra, địa bàn bị chia cắt, cô lập, không thể tiếp cận về giao thông cũng như thông tin liên lạc, chính đồng chí ấy là người chủ động tổ chức triển khai kịp thời phương châm "4 tại chỗ” để giúp dân". 

"Phải có "đầu tàu” nhiệt tình, xông xáo như thế thì mới vực dậy được tinh thần của những người khác, "đại đoàn kết toàn dân” và "dân vận khéo” theo lời Bác dạy chính là ở chỗ ấy” - Bí thư Phi nhấn mạnh. 

Được biết, ngoài việc gần gũi với nhân dân, được nhân dân tin yêu với vai trò Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bản Lùng, ông Ngô Văn Minh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, năng động sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 

Trong những năm qua, ông luôn làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tuyên truyền, vận động nhân dân trong thôn thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, hoàn thành 100% các chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ xã đề ra.

"Học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã trở thành việc thường xuyên, liên tục, được cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân khắp nơi trong tỉnh hưởng ứng mạnh mẽ, đặc biệt trong thực hiện tư tưởng về công tác dân vận của Người. 

Qua học tập, làm theo, những điển hình tiên tiến như ông Ngô Văn Minh xuất hiện ngày càng nhiều, là động lực để xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, người với người gần gũi nhau hơn, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội các địa phương. 

Thiên Cầm - Mai Linh

Các tin khác
Mô hình nuôi cá tầm của Giàng A Vàng ở xã An Lương.

Từng chỉ biết cày cấy, nuôi vài con lợn, con gà, ngày nay, nhiều hộ đồng bào Mông trên địa bàn huyện Văn Chấn đã nghĩ khác, làm khác, mạnh dạn đầu tư để chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới. Điều này không những minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy và hành động mà còn thể hiện ý chí, khát khao vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên quê hương.

Thượng tá Trần Xuân Hướng (người đứng giữa) trao đổi nghiệp vụ về công tác dân vận với cán bộ cùng cơ quan.

”Cống hiến trong quân đội đã mấy chục năm trời, được đi nhiều, biết nhiều, gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn nên mình rất hiểu và luôn đau đáu trong lòng phải làm được cái gì đó giúp họ". Đó chính là khát khao cháy bỏng của Thượng tá Trần Xuân Hướng - Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh trong suốt quá trình công tác của mình.

Ông Đoàn Xuân Quý (bên trái) trao đổi với người dân trong thôn mô hình sơ chế vỏ quế tươi.

Những năm qua, với vai trò là Trưởng thôn Đồng Tâm, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, ông Đoàn Xuân Quý luôn bám sát sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội để hướng dẫn nhân dân cách làm hay, hiệu quả, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà

Sau nhiều lần hẹn rồi lại lỡ, tôi mới được anh sắp xếp cho cuộc gặp trong hơn một giờ đồng hồ. Anh chính là doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà- Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Think Big Group, Chủ tịch Công ty bất động sản Lộc Sơn Hà, người con của quê hương xã An Lạc, huyện Lục Yên. Hào hoa, tuấn tú và dấu ấn thành công của "tổng tài" nhưng ít ai biết anh đã đi con đường thành công không trải "hoa hồng "!

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục