Trưởng thôn Đảng mến, dân tin

  • Cập nhật: Thứ ba, 8/9/2020 | 7:59:35 AM

YênBái - Đó là Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn người Dao Bàn Văn Kim ở thôn Làng Câu, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên 32 năm đảm trách hai nhiệm vụ này, gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào thi đua, tiên phong hiến đất, góp sức, góp tiền xây dựng nhà văn hóa, làm đường giao thông nông thôn, vận động đồng bào dân tộc Dao đoàn kết xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Ông Bàn Văn Kim hướng dẫn người dân và thế hệ trẻ trong thôn học chữ viết của người Dao.
Ông Bàn Văn Kim hướng dẫn người dân và thế hệ trẻ trong thôn học chữ viết của người Dao.

Theo con đường bê tông bằng phẳng vắt ngang sườn núi, chạy xuyên qua những nương quế xanh mát, chúng tôi vào thôn Làng Câu trong một buổi chiều nắng vàng. Gặp Trưởng thôn Bàn Văn Kim khi ông vừa đi kiểm tra tình hình sản xuất trên xứ đồng của thôn về, ông Kim chia sẻ: "Làm công việc của thôn vất vả lắm, hầu như không lúc nào tôi được ngơi chân, ngơi tay, phải thật nhiệt tình và tâm huyết thì mới làm được”. 

Trên 32 năm đảm nhận vị trí Trưởng thôn và Bí thư Chi bộ thôn Làng Câu, ông Bàn Văn Kim luôn được cán bộ, đảng viên và người dân trong thôn hết lòng tin tưởng. Với sự nhiệt huyết, quyết đoán và luôn lắng nghe tâm tư của người dân, ông Bàn Văn Kim đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn mới của thôn Làng Câu.

Là thôn vùng 135 của xã Tân Hợp, Làng Câu cách trung tâm xã hơn 7 km. Thôn có 142 hộ với gần 600 khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Những năm trước đây, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm trên 50%, dân cư sống rải rác, hệ thống đường giao thông không thuận lợi. 

Tuyến đường trục thôn nằm chênh vênh bên sườn núi,  nhỏ hẹp, um tùm, rậm rạp, lổn nhổn đá và những "ổ voi", "ổ gà” trời nắng đi xe máy đã khó, trời mưa đường lầy lội và trơn trượt chỉ có cách đi bộ. 

Lương thực, thực phẩm hàng ngày của bà con trong thôn phần lớn tự cung, tự cấp vì đường khó đi nên tư thương ngại vận chuyển vào, các phong trào ở đây thường xếp vào tốp cuối của xã Tân Hợp. Được bầu làm Trưởng thôn Làng Câu từ năm 1988, ông Bàn Văn Kim luôn trăn trở mình sẽ phải làm gì, làm như thế nào để nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân trong thôn. 

Để từng bước vực kinh tế của thôn đi lên, ông Kim cùng với cấp ủy, các tổ chức đoàn thể trong thôn vận động, tuyên truyền để bà con tham gia các lớp tập huấn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nhờ đó, bà con dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn mở rộng sản xuất, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật và thử nghiệm các giống cây, con có hiệu quả hơn. 

Phát huy lợi thế đất sản xuất lâm nghiệp và truyền thống trồng quế của người Dao, ông Kim đã tích cực vận động các hộ trong thôn tận dụng đất đai để trồng quế, phát triển kinh tế đồi rừng. Đến nay, thôn có trên 500 ha quế, các hộ trong thôn đều có ít nhất từ 3 ha quế trở lên, nhiều hộ có từ 20 đến 30 ha quế, riêng gia đình ông Kim có trên 15 ha quế đã cho thu hoạch. Từ một thôn có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, đến nay, Làng Câu chỉ còn 7% hộ nghèo, nhiều gia đình đã trở nên khá giàu với thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Khi Nhà nước có chủ trương kiên cố hoá đường giao thông nông thôn, ông Kim cùng đại diện các hội, đoàn thể đến từng nhà vận động, tổ chức họp thôn, tuyên truyền, vận động bà con hiến đất và đóng góp tiền, công sức tham gia. Trên cơ sở nguồn xi măng, cát sỏi Nhà nước hỗ trợ đến chân công trình, thôn xây dựng kế hoạch, dự toán và công khai phương án tài chính đến tất cả các hộ dân về chương trình làm đường. 

Đặc biệt, tất cả các hộ trong thôn đều được tham gia giám sát thi công theo từng nhóm, từng đoạn đường. Như con thoi đi về từ làng trên đến xóm dưới, lúc tổ chức họp dân tuyên truyền, vận động, khi xắn tay áo cùng dân xây dựng cơ sở vật chất, mở đường…, hình ảnh người trưởng thôn gần gũi, chân chất nhưng nhanh nhẹn và quyết đoán đã trở thành điểm tựa về tinh thần, niềm tin cho bà con người Dao Làng Câu. 

Theo đó, năm 2019 và 7 tháng đầu năm 2020, người dân Làng Câu đã đóng góp gần 1 tỷ đồng, hơn 1.000 ngày công lao động, hiến trên 2.000 m2 đất để xây dựng hoàn thành tuyến đường bê tông liên thôn dài gần 7 km; trong đó, riêng gia đình ông Kim hiến trên 1.500 m2 đất và đóng góp 20 triệu đồng tiền mặt để kiên cố hoá tuyến đường trục thôn. Có đường giao thông, sản phẩm làm ra của người dân thôn Làng Câu không chỉ phục vụ đời sống trong từng gia đình mà đã trở thành hàng hóa, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. 

Trong niềm vui xây được ngôi nhà kiên cố khang trang trị giá hơn 1 tỷ đồng, ông Bàn Văn Định ở thôn Làng Câu cho biết: "Nhờ có giao thông thuận lợi, giá quế được nâng lên, tôi bóc đồi quế bán mới xây được ngôi nhà này đấy. Như trước thì không xây nổi nhà đâu, cước phí xe Hoa Mai chở vật liệu lên đây là 1,5 triệu đồng/chuyến, nếu như trước xây cái nhà như thế này là mất khoảng 500 triệu đồng tiền cước phí, thế nên chả ai dám xây nhà. Giờ thì bà con trong thôn thi nhau xây nhà tiền tỷ. Chúng tôi biết ơn ông Kim lắm! Ông ấy là người "gương mẫu, nói được, làm được”.

Thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, ông Kim kiên trì đến từng nhà vận động người dân di dời chuồng gia súc ra xa nhà, xây dựng công trình vệ sinh đúng quy cách, thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, không tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, duy trì thực hiện các quy ước làng văn hoá. 

Trước thực trạng bà con không có nơi để sinh hoạt cộng đồng, các cháu thiếu nhi không có địa điểm để vui chơi, giao lưu, sinh hoạt hè, ông Kim đã hiến trên 1.500 m2 đất của gia đình để làm nhà văn hóa thôn và nhà lớp học. Từ khi có nhà văn hóa, việc sinh hoạt, hội họp, tập huấn thuận tiện hơn, người dân trong thôn ai cũng phấn khởi. 



Ông Bàn Văn Kim (trái) luôn gương mẫu đi đầu trong phong trào làm đường giao thông nông thôn. 

Trưởng thôn Bàn Văn Kim còn đặc biệt chú ý đến việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào Dao, vận động bà con trong thôn không tổ chức ma chay ăn uống linh đình, kéo dài; không thách cưới lễ lạt tốn kém; vận động nam thanh niên và những người lớn tuổi trong làng không uống rượu say; không tổ chức đánh bạc mỗi khi có lễ hội... 

Cứ như vậy, từ việc nhỏ đến việc lớn, ông Kim đều cùng bà con trong thôn nỗ lực hoàn thành. Nhờ đó, bộ mặt của thôn đã thay đổi theo hướng tích cực, nhiều năm liền, thôn Làng Câu dẫn đầu các thôn trong việc triển khai tốt các hoạt động, phong trào. 

Ông tâm sự: "Học tập theo tấm gương đạo đức của Bác, trước khi triển khai hoạt động, phong trào nào liên quan đến lợi ích của người dân, tôi đều phối hợp với chi bộ, đoàn thể của thôn xây dựng chương trình hành động cụ thể, sát với tình hình thực tế và điều kiện của địa phương. Sau đó, tôi đến từng nhà để vận động, giải thích cho người dân thấy được những lợi ích của hoạt động, phong trào đó. Gia đình tôi cũng luôn gương mẫu đi đầu thực hiện. Ngoài ra, trong tất cả các hoạt động, phong trào, tôi đều công khai để người dân trong thôn biết, bàn và kiểm tra. Dân mến, Đảng tin, chúng tôi hết lòng cống hiến”.

Ngoài làm trưởng thôn, ông Kim còn được tín nhiệm bầu giữ chức bí thư chi bộ nhiều nhiệm kỳ. Ông đã tích cực cùng cấp ủy phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu những quần chúng ưu tú để Đảng xem xét kết nạp. Từ một chi bộ có 5 đảng viên, đến nay, Chi bộ thôn Làng Câu đã phát triển lên 19 đảng viên. 

Nhiệm kỳ vừa qua, Chi bộ, thôn bản, các tổ chức đoàn thể đều đạt trong sạch vững mạnh. Hàng năm, thôn đều hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu thu ngân sách, không có người sinh con thứ ba, trẻ em đi học đúng độ tuổi, không còn các hủ tục trong ma chay, cưới xin, không có các tệ nạn nghiện hút, cờ bạc, trộm cắp. Đồng bào dân tộc Dao trong thôn luôn tin tưởng và chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chung sức xây dựng nông thôn mới. 

Ông Triệu Quốc Toản - Chủ tịch UBND xã Tân Hợp cho biết: "Ông Bàn Văn Kim là một cán bộ thôn năng nổ, nhiệt tình, luôn sâu sát, quan tâm đời sống nhân dân, trách nhiệm với công việc được giao, gương mẫu đi đầu trong công việc, phát huy được vai trò và uy tín của mình trong cộng đồng dân cư, tạo sự đồng thuận cao để bà con cùng làm theo, từ việc tuyên truyền, vận động nhân dân để làm đường giao thông nông thôn đến phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, được nhân dân tin tưởng quý mến, là tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

32 năm làm công việc "vác tù và hàng tổng”, với những đóng góp cho sự phát triển đi lên của quê hương, ông Bàn Văn Kim được các cấp chính quyền tặng nhiều bằng khen, giấy khen, được nhận danh hiệu người có uy tín trong cộng đồng dân cư, là tấm gương sáng trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để nhiều người trong thôn, trong xã học tập, noi theo.    
Hồng Vân

Tags Bí thư Chi bộ ông Bàn Văn Kim Tân Hợp Văn Yên đồng bào Dao

Các tin khác
Bí thư Chi bộ thôn Đồng Gianh Đặng Thị Hoa trao quyết định kết nạp đảng viên mới cho đồng chí Nguyễn Mạnh Tường

Qua cổng làng, con đường dẫn vào thôn Đồng Gianh, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên xanh màu của cây, bừng sắc của hoa, khang trang những ngôi nhà xây hiện đại. Cách đó chẳng bao xa, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đặng Thị Hoa tươi nụ cười đón khách trước sân nhà. Cứ nhìn sân, ngó vườn, ngắm nhà là có thể phần nào biết sự kỹ lưỡng, chỉn chu của chủ gia đình cho không gian sống xanh, thoáng, đẹp…

CCB Trần Văn Nghĩa (thứ 2, từ phải sang) chia sẻ với lãnh đạo Hội CCB huyện Văn Yên về kỹ thuật chăn nuôi dê.

Cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Nghĩa ở thôn Đá Bia, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên không chỉ làm kinh tế giỏi từ mô hình tổng hợp trồng rừng kết hợp chăn nuôi, anh còn là người luôn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động Hội, các hoạt động của địa phương, tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của xã.

Mô hình nuôi cá tầm của Giàng A Vàng ở xã An Lương.

Từng chỉ biết cày cấy, nuôi vài con lợn, con gà, ngày nay, nhiều hộ đồng bào Mông trên địa bàn huyện Văn Chấn đã nghĩ khác, làm khác, mạnh dạn đầu tư để chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới. Điều này không những minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy và hành động mà còn thể hiện ý chí, khát khao vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên quê hương.

Thượng tá Trần Xuân Hướng (người đứng giữa) trao đổi nghiệp vụ về công tác dân vận với cán bộ cùng cơ quan.

”Cống hiến trong quân đội đã mấy chục năm trời, được đi nhiều, biết nhiều, gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn nên mình rất hiểu và luôn đau đáu trong lòng phải làm được cái gì đó giúp họ". Đó chính là khát khao cháy bỏng của Thượng tá Trần Xuân Hướng - Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh trong suốt quá trình công tác của mình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục