“Chè sạch” và thương hiệu

  • Cập nhật: Thứ hai, 15/5/2017 | 8:21:15 AM

YBĐT - Việc sản xuất chè đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) hay còn gọi "chè sạch" với việc xây dựng chè có thương hiệu tưởng như không liên quan, nhưng thực chất nó gắn bó không thể tách rời.

Vì muốn có được sản phẩm chè có thương hiệu trên thị trường thì vấn đề đảm bảo ATVSTP trong chế biến phải đặt lên hàng đầu.

Có thể nói những năm qua, ngành nông nghiệp đã tích cực phối hợp với các địa phương trồng mới, cải tạo thay thế trên 3000 ha bằng các giống chè năng suất, chất lượng để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Với trên 24.000 lượt hộ được phổ biến kiến thức thực hành sản xuất nông nghiệp an toàn; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, hỗ trợ 114 nhóm hộ/3.972 hộ/2.043 ha/21.000 tấn sản phẩm được công nhận sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP cho thấy sự cố gắng lớn hướng tới sản xuất chè sạch.

Trên cơ sở chứng nhận VietGAP có 5 cơ sở đăng ký tham gia thì 3 cơ sở là Công ty Chè Nghĩa Lộ, Doanh nghiệp chế biến Chè Bình Thuận, Doanh nghiệp chế biến Chè Thái Lừng được cấp chứng nhận vùng sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn Rainforest alliance với diện tích trên 60 ha.

Nỗ lực trên đã giúp cho chất lượng chè búp tươi được cải thiện, nhưng mới chỉ tập trung tại một số vùng có sự tham gia quản lý của doanh nghiệp như thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, thị trấn Nông trường Liên Sơn, xã Bình thuận và các khu vực trồng chè Shan vùng cao.

Phần lớn diện tích chè tại các huyện vùng thấp không thể kiểm soát được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Các mẫu do doanh nghiệp phân tích ở chè khô cho thấy hàm lượng  hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật Fipronil cao hơn qui định tại các khu vực trồng chè của 2 huyện Trấn Yên, Yên Bình.   

Cũng qua con số thống kê của ngành nông nghiệp, hiện trong tổng số 65 cơ sở sản xuất chế biến chè đang hoạt động ở thành phố Yên Bái và các huyện Văn Chấn, Trấn Yên, Yên Bình, Mù Cang Chải, cơ sở xếp loại A rất thấp chỉ có 4 cơ sở, chiếm 6,16% có vùng nguyên liệu tập trung, cơ sở vật chất kỹ thuật được đầu tư khá đồng bộ, duy trì hoạt động tốt, đáp ứng hầu hết các Quy chuẩn kỹ thật quốc gia đảm bảo là cơ sở chế biến đủ điều kiện ATVSTP.

Còn lại 54 cơ sở xếp loại B, chiếm trên 83% cơ bản đáp ứng được các yêu cầu của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Đáng lo ngại là vẫn còn 7 cơ sở xếp loại C chiếm gần 11% và các cơ sở loại C đã ngừng hoạt động từ trước phần lớn chưa đáp ứng điều kiện đảm bảo ATVSTP trong sản xuất, chế biến chè theo quy định.

Các cơ sở này còn mắc các lỗi nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm chè như: chưa thực hiện việc xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm và khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; không có cán bộ kỹ thuật; không có phòng kỹ thuật - KCS và các thiết bị giám sát chất lượng.

Sản phẩm chè chưa được phân tích chất lượng và công bố tiêu chuẩn chất lượng. Diện tích nhà xưởng chật hẹp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm cho sản phẩm. Thiết bị máy móc cũ, không có vùng nguyên liệu hoặc hợp đồng thu mua nguyên liệu...

Trăn trở lớn nhất hiện nay là hầu hết các doanh nghiệp chế biến không kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của nguyên liệu vì vậy không dám tham gia xuất khẩu trực tiếp nên chỉ bán lại cho cho các công ty trong nước nên giá trị thấp.

Nguyên nhân là do nhiều sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật mặc dù bị cấm sử dụng trên nương chè, nhưng vẫn cho phép sử dụng trên các cây trồng khác nên người trồng chè vẫn mua và sử dụng mà không có sự khuyến cáo, ngăn chặn.

Đặc biệt nhiều doanh nghiệp chế biến thiếu sự liên kết với hộ trồng chè, chưa có biện pháp, phương tiện và dụng cụ để phát hiện được nguyên liệu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng.

Không những vậy các doanh nghiệp chế biến phần lớn còn khó khăn về tài chính và chiến lược kinh doanh nên chưa đầu tư cho sửa chữa, nâng cấp các điều kiện phục vụ sản xuất, chế biến theo quy chuẩn kỹ thuật, dẫn tới cho ra các sản phẩm chất lượng thấp không đảm bảo ATVSTP. Do vậy việc đổi mới thiết bị máy móc, cho ra chất lượng tốt, mẫu mã mới và xây dựng thương hiệu khó có khả năng thực hiện.   

Từ thực trạng và nguyên nhân trên, trong năm 2017 và năm 2018 ngành nông nghiệp triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp theo Kết luận số 56-KL/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII về đẩy mạnh phát triển, nâng cao chất lượng sản xuất, chế biến, kinh doanh chè đến năm 2020.

Trọng tâm là đi vào nghiên cứu học tập các mô hình liên kết thành công trong sản xuất chế biến chè tại các doanh nghiệp như Công ty Chè Mỹ Lâm - Tuyên Quang và Công ty Chè Nghĩa Lộ - Yên Bái để hỗ trợ các doanh nghiệp nhân rộng hình thức liên kết trong sản xuất chế biến chè.

Đồng thời hỗ trợ các đơn vị chế biến đăng ký vùng nguyên liệu trên cơ sở hợp đồng giữa doanh nghiệp và hộ trồng chè, nhằm trao quyền chủ động và gắn trách nhiệm quản lý vùng nguyên liệu cho các doanh nghiệp.

Cùng với đó, các chương trình giám sát, cảnh báo nguy cơ, truy xuất và xử lý vi phạm trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong nguyên liệu của tất cả các đơn vị chế biến chè được thực hiện liên tục trong hai năm, nhằm có những can thiệp kịp thời để đảm bảo ATVSTP bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Yên Bái đang quyết tâm sản xuất chè sạch theo hướng đảm bảo ATVSTP, từng bước xây dựng các sản phẩm chè thương hiệu. Đáng mừng là tháng 6/2017, sau "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2017, Dự án xây dựng và phát triển thương hiệu chè Shan Suối Giàng với chứng nhận sản phẩm chè hữu cơ và chứng nhận thương mại (faitrande) được bảo hộ bằng chỉ dẫn địa lý Việt Nam và quốc tế do tỉnh Val De Marne (Cộng hòa Pháp) hỗ trợ được thực hiện, hứa hẹn người tiêu dùng có được sản phẩm chè sạch đảm bảo VSATTP mang thương hiệu quốc tế.   

Minh Đức

Các tin khác
Ảnh minh họa.

Nhằm tôn vinh nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, ngày 19/4/2009, tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam đã diễn ra Lễ công bố Quyết định 1668 của Thủ tướng Chính phủ, lấy ngày 19/4 hằng năm làm Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Sản xuất bột đá CaCO3 tại Công ty cổ phần Stone Việt Nam tại huyện Lục Yên.

Cụ thể hóa chủ trương, chính sách, nghị quyết, chương trình hành động, kịch bản bằng những việc làm, hành động cụ thể; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đánh giá; chủ động, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh theo thẩm quyền; nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức.

Những quán hàng rong với nhiều loại thức ăn, nước uống được bày bán tại khu vực cổng trường học có nguy cơ không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo số liệu của Bộ Y tế, trong quý I năm 2024, cả nước xảy ra 16 vụ làm 659 người bị ngộ độc thực phẩm (tăng gần gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2023), trong đó có ba trường hợp tử vong.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải thăm khám bệnh cho người dân

Bắt đầu từ năm 1950, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quyết định lấy ngày 7/4 hàng năm làm Ngày Sức khỏe thế giới, viết tắt là WHD (World Health Day). Trong ngày này, WHO sẽ tổ chức các sự kiện quốc tế, khu vực và địa phương liên quan đến một chủ đề nhất định, nhằm lan tỏa thông tin và nâng cao nhận thức của người dân toàn cầu về tầm quan trọng của sức khỏe con người.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục