Về Cát Thịnh, nghe cụ Ích kể chuyện đánh Pháp

  • Cập nhật: Thứ sáu, 21/3/2014 | 8:57:10 AM

YBĐT - Mỗi lần hoa ban trên rừng, hoa mận trong vườn nở trắng, cụ Ích lại bồi hồi nhớ lại cuộc đời binh nghiệp tự hào của mình, nhất là những ngày tham gia Đội du kích Đá Xô anh hùng rồi tham gia Chiến dịch Điện Biên lừng lẫy.

Cụ Lường Văn Ích nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.
Cụ Lường Văn Ích nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.

Vực Tuần - Đá Xô những ngày tháng 3. Mưa xuân man mát cho cây cối đâm chồi. Núi rừng Tây Bắc phủ kín một màu xanh non của chè, keo, bồ đề và các loại cây ăn quả khác. Thi thoảng lại bắt gặp một cây ban hoa nở trắng như điểm tô thêm cho sắc xuân vùng cao. Chúng tôi về Văn Chấn để gặp lại người chiến sỹ du kích Đá Xô đã đi vào sử sách trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tiến tới Chiến dịch Điện Biên, làm nên một chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
 
Đường vào Đá Xô rất êm thuận, từ ngã ba Ba Khe chỉ đi một loáng là tới. Những ngôi nhà xây, nhà sàn của đồng bào Kinh, đồng bào Tày khang trang, sạch đẹp nằm thấp thoáng dưới những vườn cây ăn quả, dưới ruộng lúa xuân đã bén rễ lên xanh, trên nương chè xuân đang rộ búp. “Kia là nhà cụ Ích, chiến sỹ du kích Đá Xô!” - anh Sùng A Câu, cán bộ xã Cát Thịnh nói rồi chỉ về phía ngôi nhà sàn lớn, phía trước có cái ao cá rộng.

Cụ Ích đứng ngay đầu cầu thang gọi lớn: “Mời các cháu lên nhà chơi uống nước!”. Giọng nói oang oang, cử chỉ nhanh nhẹn của cụ đã báo hiệu cho chúng tôi - thế hệ trẻ chỉ biết cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc qua sách báo và những thước phim tư liệu - sắp được nghe đầy đủ, chi tiết về cuộc đời tham gia cách mạng của cụ và những trận chiến đấu của Đội du kích Đá Xô anh hùng mà cụ là một thành viên. Sau lời giới thiệu của anh cán bộ xã, cụ Ích nhấp chén trà và nói: “Nhanh thật, thoáng cái đã sắp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên! Mà tôi cũng gần 90 rồi còn gì…”.

Tôi ngước lên gian giữa - nơi treo những tấm ảnh cụ Ích nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng; cụ cùng các cựu sỹ quan quân đội ở xã Cát Thịnh và những bức thư mừng thọ cụ và cụ bà tuổi 80. Đây chính là “pho sử sống” trong bản Vực Tuần, là thành viên Đội du kích Đá Xô duy nhất còn sống ở Cát Thịnh và tôi thấy mình thật may mắn khi được gặp cụ Ích giữa những ngày cả nước đang nô nức kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên!

Rồi cụ Ích đưa chúng tôi cùng trở về những ngày tháng lịch sử ấy… Cụ nói: “Tôi nhớ rất rõ, năm 1945, tôi được các anh, các chú đến tận nhà động viên tham gia phong trào thanh niên. Cách mạng vừa thành công, được cán bộ đến tận nhà động viên như thế, tôi, anh trai tôi và cả ông Lợi nhà cùng bản phấn khởi tham gia ngay. Ai cũng muốn mình trở thành chiến sỹ cách mạng như đồng chí Đức - đồng chí Sa Quang Đức, cán bộ tiền khởi nghĩa, đạt được nhiều thành tích trong chiến đấu và công tác, là Bí thư Đảng ủy đầu tiên ở xã Cát Thịnh”.

Đất nước vừa độc lập, chính quyền non trẻ đang tập trung diệt giặc đói, giặc dốt thì thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta. Nhân cơ hội, bè lũ phản động ngóc đầu dậy chống phá cách mạng, một bộ phận không nhỏ nhân dân rất hoang mang. Khi ấy, những đoàn viên, thanh niên như cụ Ích nhận lệnh của cấp trên tích cực vận động dân làng không nghe theo bọn phản quốc; một lòng theo cách mạng, theo Bác Hồ; giữ vững và phát triển phong trào cách mạng.

 

Cụ Ích kể chuyện đánh Pháp cho người dân trong xóm cùng nghe.

Ba Khe có vị trí chiến lược về quân sự, là cửa ngõ ra Yên Bái, Chiến khu Cách mạng Vần - Dọc, sang Phù Yên (Sơn La) và vào Văn Chấn, Nghĩa Lộ. Địch hiểu rất rõ vị trí chiến lược này nên tập trung quân đánh chiếm và thành lập nhiều đồn bốt như đồn Ba Khe, Vực Tuần và đồn Ngòi Phà. Lúc này, Đội du kích Đá Xô đã lớn mạnh, trở thành một trung đội với 56 chiến sỹ do đồng chí Sa Quang Đức chỉ huy.

Du kích Đá Xô tích cực luyện tập, chế tạo vũ khí, không chỉ phối hợp với bộ đội chủ lực đánh địch mà còn chủ động chiến đấu nhiều trận, bắt và tiêu diệt nhiều lính Tây, bọn Việt gian. Khí thế cách mạng càng ngày càng lên, lòng dân vững tin vào cán bộ, một số phần tử chính quyền cũ lúc đầu còn do dự nay đã tin theo và tích cực giúp đỡ chính quyền. Cuối năm 1947, Pháp bắt cụ Lường Văn Ích đi phu. Vào được lòng địch một cách công khai, cụ đã nhanh chóng nắm bắt tình hình địch. Rồi một ngày cuối tháng 12, lợi dụng lúc địch mất cảnh giác, cụ đã lấy được một khẩu súng trường, 3 bao đạn rồi bỏ trốn lên rừng để trở về với cách mạng.

Ngày 20/12/1947 trở thành ngày đáng nhớ trong cuộc đời tham gia cách mạng của cụ Ích khi cụ đem nộp khẩu súng trường, 3 bao đạn cho bộ đội và trở thành anh bộ đội Cụ Hồ từ ấy. Vào bộ đội chủ lực cụ tích cực hoạt động và công tác, tham gia nhiều trận đánh lớn do đồng chí Hà Thiết Hùng (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn) trực tiếp chỉ huy.

Tháng 2 năm 1954, cụ Ích được giao nhiệm vụ dẫn đầu đoàn dân công 500 người làm nhiệm vụ gánh gạo tiếp viện cho bộ đội ở chiến trường Điện Biên Phủ. Đây thực sự là nhiệm vụ quan trọng và đáng nhớ bởi chuyến đi này, cụ và các đồng chí của mình trực tiếp có mặt trong những ngày ác liệt nhất của chiến dịch.

Trong các chiến hào tại cánh đồng Mường Thanh, cụ Ích và dân công Văn Chấn đã vượt qua lửa đạn mang từng nắm cơm, từng ống nước cho bộ đội, nhiều người đã anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần cơ thể ngay tại Him Lam, Mường Thanh… Chiến dịch Điện Biên kết thúc thắng lợi, trở về với đơn vị Huyện đội Văn Chấn, nhờ thông thạo tiếng Mông, hiểu được phong tục tập quán của đồng bào mà người chiến sỹ Lường Văn Ích được phân công đi làm nhiệm vụ trừ gian, tiễu phỉ, vận động người dân định canh, định cư, cảnh giác chống lại âm mưu của bọn phản động. Hàng chục năm trời, đôi chân của ông đã đi đến hầu khắp các bản người Mông ở Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Than Uyên…

Còn say sưa với chuyện đánh Pháp, tiễu phỉ thì cụ Ích ngừng chuyện rồi nói: “Mình ít chữ nên cuối năm 1975, mình nghỉ hưu sớm với quân hàm thượng úy. Kết thúc cuộc đời binh nghiệp, không trực tiếp cầm súng nữa nhưng về địa phương, mình được cấp trên tin tưởng giao giữ chức Bí thư Chi bộ thôn Vực Tuần này. Làm thêm 6 năm nữa thì nghỉ hẳn, mình về nhà vui với vợ con, với ao cá, đàn lợn và đất rừng”. Hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, quân đội giao cho để về với dân bản, cụ Ích sống cuộc sống bình dị.

Mỗi lần hoa ban trên rừng, hoa mận trong vườn nở trắng, cụ Ích lại bồi hồi nhớ lại cuộc đời binh nghiệp tự hào của mình, nhất là những ngày tham gia Đội du kích Đá Xô anh hùng rồi tham gia Chiến dịch Điện Biên lừng lẫy.

Mưa đã ngớt hẳn, nắng đã lên, trời Tây Bắc trong xanh vời vợi, làm nổi bật thêm sắc đỏ rực rỡ của lá cờ Tổ quốc bay phấp phới…

 Lê Phiên

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục